Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

15:50

Khủng hoảng chính trị tại Ukraina trước ngã rẽ mới

(Petrotimes) - Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraina kéo dài gần 3 tháng qua đang bước vào một giai đoạn hoàn toàn mới: các phe phái chuyển sang đấu tranh chính trị thay vì biểu tình và trấn áp như trước.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraina nổ ra tháng 11-2013 sau khi Tổng thống Ianoukovitch tuyên bố không tham gia đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu. Làn sóng biểu tình của phe đối lập thân châu Âu sau đó diễn ra ngày càng quyết liệt và để đáp trả chính quyền đã huy động cảnh sát trấn áp, ra đạo luật cấm biểu tình… Những cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã khiến nhiều người chết và bị thương.
Ngày 3-2, Tổng thống Ukraina Viktor Ianoukovitch trở lại làm việc sau hai tuần nghỉ ốm
Trước tình thế này, chính quyền Tổng thống Ianoukovitch đã thay đổi cách thức đấu tranh chống lại phe đối lập. Ngày 3-2, Tổng thống Ianoukovitch đã quay trở lại làm việc sau hai tuần nghỉ ốm. Các chuyên gia cho rằng, việc cáo bệnh của ông Ianoukovitch là một động thái ngoại giao, tiếp nối chiến thuật trì hoãn của ông. Tổng thống Ianoukovitch thông báo nghỉ ốm sau khi thông qua Đạo Luật Ân xá cho những người tham gia các cuộc biểu tình trên đường phố.
Động thái chính trị thứ hai của Tổng thống Ianoukovitch là bổ nhiệm ông Arseni Iatseniouk, chủ tịch nhóm dân biểu đảng đối lập mà lãnh đạo là cựu Thủ tướng Ioulia Timochenko đang bị cầm tù, làm Thủ tướng thay cho ông Mykola Azarov từ chức hôm 28-1. Đây là sự đáp ứng một đòi hỏi quan trọng của những người biểu tình chống chính phủ đã chiếm trung tâm Kiev trong nhiều tuần lễ. Đồng thời, Tổng thống Ianoukovitch cũng đề xuất nhà cựu vô địch quyền anh Vitali Klischko, một trong những thủ lĩnh đối lập, làm Phó thủ tướng đặc trách nhân quyền. Ông Ianoukovitch cũng đề nghị thành lập một nhóm công tác thảo luận sửa đổi Hiến pháp hiện hành, tập trung quá nhiều quyền lực trong tay nguyên thủ quốc gia, trao thực quyền cho quốc hội như yêu cầu của đối lập.
Những đề nghị bất ngờ của Tổng thống Ianoukovitch đã làm các nhà lãnh đạo đối lập bối rối.
Giới quan sát cho rằng Tổng thống Ianoukovitch đang sử dụng đòn phép chính trị để thoát hiểm. Andreas Umland, nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu Kiev-Mohyl, cảnh báo: “Đề nghị mời lãnh đạo đối lập tham gia chính phủ chỉ là thủ đoạn nhằm chia rẽ phong trào phản kháng chứ không có gì là nghiêm túc”. Đây cũng là nhận định của cựu Ngoại trưởng Piotr Porochenko. Ông Porochenko cho rằng dụng ý của Tổng thống là hy vọng “đối lập sẽ từ chối”. Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia Alexei Garan, Tổng thống Ukraina và phe của ông buộc phải nhượng bộ trước tinh thần quyết liệt của đường phố nay đã lan ra khắp nước. Chiến thuật cuối cùng là chia sẻ một phần quyền lực chính trị cho đối lập với hy vọng có thể tiếp tục ngồi trên ghế tổng thống đến hết nhiệm kỳ 2015, hoặc đàm phán một lối thoát an toàn, không bị truy tố sau này. Đây là giải pháp hợp lý và khả thi nhất, theo ông Alexei Garan, trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng hiện nay.
Bất luận thế nào, những động thái trên cho thấy Tổng thống Ianoukovitch đã chuyển sang hình thức chính trị để đấu với phe đối lập. Mặc dù chọn giải pháp chính trị nhưng ông Ianoukovitch vẫn để ngỏ khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp, tức kêu gọi quân đội can thiệp, nếu phe biểu tình tiếp tục lấn lướt, không chấp nhận thỏa hiệp.
Trong khi đó, ở mặt trận đối lập, các cuộc biểu tình chống chính phủ đã có phần lắng dịu. Ngày 2-2, mặc dù vẫn còn khoảng 30.000 người biểu tình chống chính phủ tập trung ở quảng trường Ðộc lập nhưng không xảy ra bạo loạn. Các lãnh đạo đối lập dường như đang chuẩn bị một kế hoạch cụ thể: đó là chấm dứt các hành động bạo lực, trả tự do cho các con tin, mở các cuộc điều tra để tìm ra các thủ phạm những vụ bắt cóc và tra tấn và cuối cùng là sửa đổi Hiến pháp. Sau đó, sẽ tiến hành các cuộc bầu cử trước thời hạn và nhanh chóng đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế về một khoản trợ giúp khẩn cấp, để cứu vớt nền kinh tế đang ở bên bờ vực phá sản. Tại quảng trường Độc lập ngày 2-2, các lãnh đạo đối lập Ukaina đã tỏ ra rất tự tin khi nêu ra kế hoạch trên.
Sự thay đổi hình thức đấu tranh từ đường phố sang chính trường của phe đối lập Ukraina xảy ra một ngày sau khi các lãnh đạo phe này gặp đại diện các nước phương Tây tại Munich, Đức. Tại cuộc gặp đó, phe đối lập Ukraina đã kêu gọi quốc tế làm trung gian giải quyết khủng hoảng. Theo giới quan sát, mục đích của cuộc tham vấn trên là nhằm gia tăng sự căng thẳng giữa phương Tây và Nga. Trong mấy năm gần đây, Nga đã phát triển tích cực mối quan hệ với Đức, một trong những quốc gia trụ cột của Liên minh châu Âu. Còn Đức thì đã có vấn đề nghiêm trọng với Mỹ. Cuộc gặp gỡ trên khiến cho lợi ích của Nga và Đức đụng chạm nhau trong cuộc đấu tranh vì Ukraina.
Phát biểu ngày 1-2 tại Hội nghị An ninh ở Munich, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ lo ngại về phản ứng của phương Tây đối với tình trạng bất ổn ở Ukraina. Ông Lavrov nói: “Để tìm kiếm sự thỏa thuận mà các bên đều chấp nhận được, cần phải trả lời một số câu hỏi quan trọng, cụ thể có liên quan đến tình hình ở Ukraina. Trước hết phải trả lời câu hỏi: việc kích động các cuộc biểu tình đường phố ngày càng trở nên bạo lực có liên hệ gì với việc thúc đẩy các nguyên tắc dân chủ? Tại sao không nghe thấy lời nói lên án những người chiếm giữ các tòa nhà hành chính, thực hiện hành vi phân biệt chủng tộc? Tại sao các chính trị gia nổi bật châu Âu trên thực tế khuyến khích hành động như vậy, mặc dù ở nước mình họ ngay lập tức đàn áp tàn bạo các hành vi vi phạm pháp luật?”
Nói đến vai trò của Nga và châu Âu trong cuộc khủng hoảng Ukraina hiện nay, báo Đức-Frank Herald Franckfurter Rundachau - đưa ra lời kêu gọi châu Âu và Nga phải thỏa thuận với nhau. Tờ báo không loại trừ khả năng Tổng thống Ianoukovitch rút lui nhưng lại cho rằng điều này không giải quyết được tình hình. Một lối thoát khả dĩ cho tình hình Ukraina hiện nay là châu Âu phải thỏa thuận với Nga trên hồ sơ này, nhưng đến nay thì châu Âu vẫn từ chối điều đó.
Cho nên, đã đến lúc châu Âu phải từ bỏ thái độ chống đối Nga một cách cứng nhắc, vì Nga là một nước có quyền lợi thiết yếu và ảnh hưởng lớn tại Ukraina. Tác giả bài báo hy vọng hai bên hợp tác có thể ảnh hưởng tới tình hình tại Kiev. Điều quan trọng nhất trước mắt là ngăn không cho số người chết tại đây cao thêm.
(Theo Petrotimes) Nh.Thạch tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét