Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

 Để giá sữa tăng là thiếu trách nhiệm với dân

Cập nhật lúc 15:45
 Việc để giá sữa liên tục tăng cao trong thời gian qua, cho thấy sự thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với người tiêu dùng. 
Chỉ khổ người tiêu dùng

Trước tình hình giá sữa “phi mã”, ông Vũ Vinh Phú – chuyên gia kinh tế, Phó chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam nhận định: Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong câu chuyện tăng giá sữa là “thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng”. 
 

Thực tế trên thị trường hiện nay, rất nhiều sản phẩm của các hãng sữa đã tăng giá khoảng 5-10% so với trước. Còn một số hãng sữa khác dù chưa tăng nhưng đã có thông báo về việc sẽ tăng giá trong thời gian sắp tới.

Tại siêu thị T Mart (Nguyễn Hữu Thọ, Hoàng Mai, Hà Nội), một nhân viên bán hàng cho biết tại đây các sản phẩm sữa của Nutifood, Vinamilk, Arbott, Friso… đều đã tăng giá. Đơn cử, hộp EnfaGrow 1,8kg trước đây có giá khoảng 750 nghìn đồng, nay điều chỉnh lên hơn 800 nghìn đồng/hộp.

Trong khi các doanh nghiệp sữa cho rằng sữa không thể không tăng giá do nguyên liệu nhập khẩu thế giới tăng mạnh, giá thu mua nguyên liệu trong nước tăng cao.

Tìm hiểu thực tế tại một số đại lý, nhiều chủ đại lý cho biết: khách hàng tỏ ra bức xúc khi sữa tăng giá, tuy nhiên do sữa nhập vào đại lý cao nên khi bán cũng phải tăng theo.

Trao đổi với PV, chị Lê Thu Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc: “Các hãng sữa cứ đùng một cái là tăng giá mà không có lời giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, để đảm bảo chất dinh dưỡng cho con mình, dù sữa có lên giá ngất trời thì người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng chi tiêu trong gia đình, nhưng không thể để con thiếu sữa dù chỉ một ngày”.

Doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở

Quan điểm của các chuyên gia, các nhà quản lý là không ngăn cản việc tăng giá, nhưng người ta ngăn cấm việc tăng giá không minh bạch và bất hợp lý. 

Trước sự tăng giá trên, Bộ Y tế đã ra Thông tư số 30/2013/TT- BYT ngày 4/10/2013 “về việc ban hành Danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc hàng hóa thực hiện bình ổn giá” là một sự tất yếu. Nhưng dư luận đặt câu hỏi: Thông tư này chỉ dùng vào việc kê khai giá, các yếu tố làm sao tăng giá nhưng lại không kiểm soát được các yếu tố từ khâu nguyên liệu cho đến khi đưa vào sản xuất và ra giá thành sản phẩm sữa?. 

Vấn đề này, ông Phú cho rằng: “Nguyên liệu chỉ là một phần trong chuỗi cung ứng tạo ra thành phẩm. Cần làm rõ cho người dân được biết lý do vì sao tăng, tăng ở lô nào, mức tăng bao nhiêu, các yếu tố cấu thành và tác động vào tăng là bao nhiêu phần trăm? Tăng 5% là đúng, hay chỉ 4% thôi... Điều này không ai làm rõ. Vì vậy người ta vẫn cho rằng câu chuyện tăng giá sữa chưa minh bạch và cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng”. 

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Phong – chuyên gia kinh tế, cho rằng, điều này là do cách quản lý kiểu nửa vời, tức là không đưa hẳn ra ngoài tự do kinh doanh theo thị trường, cũng không đưa vào quản lý sát sao như xăng dầu, có định mức về khung giá trần. “Đây vừa tự do kinh doanh vừa có kiểm soát, có kê khai, thành ra dở. Quản lý của mình tạo ra căn cứ hợp lý hợp lệ cho họ tăng giá”. 
 
TS. Nguyễn Minh Phong – chuyên gia kinh tế

Ngoài ra, ông Phong cũng phân tích Luật giá có những kẽ hở cho nên tăng giá là hợp lý, là chuyện bình thường, bởi đáng lẽ quản lý giá là để minh bạch hơn và tạo ra sự hợp lý, nhưng chúng ta có kiểm tra kiểm soát gì đâu. Vậy nên chỉ có những doanh nghiệp là người hưởng lợi. 

Quản lý giá cần sự phối hợp đồng bộ

Các chuyên gia cũng như dư luận đang lo ngại về việc có hay không lợi ích nhóm trong kinh doanh sữa, đặc biệt là sữa ngoại trên thị trường Việt Nam

Theo ông Vũ Vinh Phú, hiện nay có 200 nhà cung cấp, nhập khẩu sữa ngoại, nhưng toàn là tư nhân. “Kinh doanh sữa lãi cao như thế nhưng vì sao không có công ty thương mại nhà nước nào tham gia để cứu cho dân, để đối trọng với lực lượng tư nhân, để khống chế việc tăng giá sữa như hiện nay?”, ông Phú đặt câu hỏi. 

Cũng theo ông Phú, không nên dùng biện pháp hành chính như hiện nay, vì kiểm soát giá là biện pháp cuối cùng. Chúng ta phải dùng kinh tế để áp đảo kinh tế, dùng hàng hóa để áp đảo hàng hóa, dùng sữa để áp đảo sữa, dùng hệ thống phân phối để áp đảo hệ thống phân phối thì mới mong cứu vãn được. Nếu đã xác định đưa vào quản lý giá thì cần phải phối hợp thương vụ, hải quan, tài chính, y tế, công thương để làm tốt việc kiểm soát giá sữa. 

Về vấn đề quản lý tốt giá sữa, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, có hai cách hữu hiệu: Thứ nhất cho phép cạnh tranh tự do, cấp phép cho các đơn vị được cạnh tranh thoải mái, các doanh nghiệp của nhà nước đứng ra cạnh tranh đối trọng với giá thấp hơn để tạo ra được sức ép thị trường. Thứ hai, đưa sữa vào diện kiểm soát giá, tính mức lãi nhất định cộng với chi phí thực tế có kiểm toán, có so sánh với giá thế giới. Đồng thời tuyên truyền cho người dân biết về các mức giá thế giới, trong nước để không chọn mua những sản phẩm có mức giá quá đắt. Không thì người dân cứ xem quảng cáo rồi cắm vào mua, tự tạo ra cơn sốt, tự mình hại mình”.

(Theo Tầm nhìn) Thanh Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét