Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Không kiểm soát nổi chuyển giá!

Cập nhật lúc 15:40

Thanh tra Chính phủ cho biết việc xác minh dữ liệu, thông tin về dấu hiệu chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí không thực hiện được
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với kết luận thanh tra thu ngân sách tại khu chế xuất và doanh nghiệp (DN) chế xuất trên địa bàn TP Hà Nội, TP HCM, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai do Thanh tra Chính phủ thực hiện.
Thuế và hải quan phối hợp lỏng lẻo
Theo kết luận thanh tra, cơ quan thuế, hải quan đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; phần lớn các DN quản lý khu chế xuất và DN chế xuất có ý thức chấp hành chính sách pháp luật về thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong một số trường hợp quy định của pháp luật đối với DN còn thiếu sự thống nhất với quy định của pháp luật về thương mại, như việc thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu, việc xử lý phế liệu, phế phẩm, tài sản thanh lý thuộc diện cấm nhập khẩu; thuế mua ô tô từ thị trường nội địa, tái xuất tại chỗ với nguyên liệu nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu… “Việc thiếu sự thống nhất này là một khó khăn cho cơ quan thuế, hải quan khi hướng dẫn thuế” – Thanh tra Chính phủ nhìn nhận.
Việc xác định giá thị trường trong giao dịch liên kết để chặn tình trạng chuyển giá đã được Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư 117/2005, Thông tư 66/2010 và cơ quan thuế tích cực xử lý nhưng Thanh tra Chính phủ cho rằng kết quả còn hạn chế do không thể xác minh tại nước ngoài đối với dữ liệu, thông tin về dấu hiệu chuyển giá của DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có DN chế xuất. Mặt khác, sự phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan hải quan còn lỏng lẻo trong xác định căn cứ về giá trị thuế.
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện việc hướng dẫn chính sách thuế của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế còn nhiều bất cập. Điển hình là việc ban hành Công văn 207/2011 hướng dẫn xác định doanh thu, thu nhập chịu thuế, phương pháp chuyển lỗ và thời gian ưu đãi thuế thu nhập DN đối với Công ty Loteco (Đồng Nai) là không đúng quy định; việc ban hành Công văn 2025/TCT-CS, Công văn 4578/TCT-CS, Công văn 2106/TCT-CS thiếu thống nhất và tạo sự bất bình đẳng giữa các DN khi áp dụng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập DN.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra đối với các DN chế xuất của cơ quan thuế, hải quan còn ít và chưa thường xuyên, liên tục. Đơn cử, trong 3 năm liền, Cục Hải quan Hà Nội không tổ chức thanh tra, kiểm tra; năm 2009, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai không thực hiện kiểm tra, thanh tra.
Đề nghị thu về ngân sách số tiền lớn
Qua thanh tra, tổng số tiền thuế được xem xét, xử lý hơn 58,8 tỉ đồng. Cụ thể, tại TP HCM là 38 tỉ đồng, Đồng Nai 14,2 tỉ đồng và 1,35 triệu USD, Bình Dương là 1,2 tỉ đồng, Hà Nội gần 5,2 tỉ đồng (không tính số thuế thu nhập DN là 19,7 tỉ đồng, số lỗ tăng thêm 21,5 tỉ đồng đề nghị cơ quan thuế điều chỉnh). Sau khi có biên bản thanh tra, một số cơ quan hải quan đã xử lý bước đầu. Theo báo cáo của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, Công ty TNHH Việt Nam Onamba tiêu hủy nguyên phụ liệu, hàng hóa là 115.065 USD nhưng không khai báo, cơ quan hải quan đã truy thu thuế 686 triệu đồng, tiền phạt 1 lần thuế là 686 triệu đồng.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách để phát hiện và xử lý hành vi chuyển giá của DN chế xuất gia công hàng xuất khẩu nói riêng, DN có vốn đầu tư nước ngoài nói chung trình Thủ tướng xem xét, xử lý. Ngoài ra, giao Bộ Tài chính chỉ đạo thu ngân sách nhà nước: số tiền sử dụng vốn mà Công ty Thái Sơn phải nộp từ năm 1996-2004 nhưng đến nay vẫn chưa nộp là 1,350 triệu USD; trên 8,4 tỉ đồng là tiền thuế các DN phải nộp.
Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát lại doanh thu, thu nhập chịu thuế, phương pháp chuyển lỗ đối với doanh thu thu tiền trước nhiều năm và thời gian ưu đãi thuế thu nhập DN của Công ty Loteco thực hiện theo Công văn 207; đôn đốc theo dõi, quản lý thuế thu nhập DN được miễn đối với các DN số tiền trên 19 tỉ đồng, số lỗ tăng thêm tại Công ty TNHH Kotalec Việt Nam (Hà Nội) trên 21,5 tỉ đồng.
“Tổng cục Hải quan chỉ đạo cục hải quan 4 địa phương trên xác định số thuế để truy thu, xử lý nộp phạt chậm và phạt hành chính theo quy định của Luật Quản lý thuế và pháp luật hiện hành đối với các sai phạm đã nêu” – kết luận thanh tra chỉ rõ.
Đụng đâu cũng thấy sai phạm
Cuối năm 2013, Tổng cục Thuế cũng kết thúc đợt thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng tại 122 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thuộc 23 địa phương trên cả nước trong giai đoạn từ năm 2007-2012. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy nhiều DN hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi nhưng đã kê khai lỗ hoặc lợi nhuận rất thấp để trốn thuế. Sau đợt thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế, các DN này buộc phải điều chỉnh giảm lỗ phát sinh và giảm chuyển lỗ với tổng số tiền là 2.252 tỉ đồng.
Đề nghị xử lý trách nhiệm Tổng cục Thuế
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài chính kiểm điểm trách nhiệm và xử lý đối với Tổng cục Thuế về việc ban hành các văn bản hướng dẫn chính sách thuế chưa đúng; đồng thời tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân có sai phạm, khuyết điểm.
THEO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét