Trăm lỗi đổ đầu
dân
Cập nhật lúc 07:50
Vụ bồi thường 155 tỉ cho nhà thầu Nhật trong dự
án cầu Nhật Tân còn chưa dứt điểm, thì nay dự án đường
sắt đô thị của Hà Nội cũng
lại đang phải đối mặt với án phạt hàng trăm ngàn euro với cùng một lý do,
chậm tiến độ ký kết do chậm giải phóng mặt bằng.
Hà Nội từ chối phương án xây dựng một cây cầu mới để bảo tồn cầu
Long Biên cũng chỉ bởi không muốn đụng giải phóng mặt bằng.
Trong tất cả các dự án mà việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng
chậm đều có chung một lời giải thích là, người dân không chấp nhận phương án
thu hồi đất, không chịu nhận tiền đền bù. Nhưng ít khi nào lãnh đạo đặt câu
hỏi tận cùng: Tại sao dân không nhận tiền đền bù? Và tại sao ở các dự án bất
động sản thường giải phóng mặt bằng nhanh hơn, còn các dự án giao thông, công
trình phúc lợi lại quá chậm?
70% khiếu kiện là liên quan đến đất đai, 80% trong số khiếu kiện
đất đai là vấn đề giá đền bù và chính sách tái định cư, đủ thấy đâu là nguyên
nhân cốt lõi. Nhưng có điều lạ là, 15 năm nay, chính sách về thu hồi đất
không hề thay đổi và được áp dụng chung cho tất cả các địa phương, cho mọi
loại dự án. Nên dễ hiểu, các dự án bất động sản, dự án phục vụ kinh tế thường
thu hồi đất nhanh hơn do được “bôi trơn” thêm bởi các nhà đầu tư (từ việc chi
cho bộ máy giải phóng mặt bằng, đến hỗ trợ thêm cho người bị thu hồi đất).
Còn các dự án giao thông, công trình công ích thì không. Đó là chưa kể những
tiêu cực có thể có trong các dự án khiến cho việc thu hồi đất khó khăn hơn.
Chẳng hạn như, tại dự án đường vành đai 2 Hà Nội, người dân không chấp nhận phương
án thu hồi đất còn vì cho rằng, có chuyện điều chỉnh quy hoạch, nắn hướng
tuyến để tránh nhà một số cá nhân... Giải phóng mặt bằng chậm, được đổ tại cơ
chế, đổ tại người dân không hợp tác. Cơ chế là do chính bộ máy chúng ta tạo
ra, còn người dân không đồng thuận là do bộ máy chưa biết cách làm cho họ
đồng thuận.
Hiện tại chỉ có một “bài” duy nhất là thu hồi đất bắt buộc, căn
cứ trên giá của UBND tỉnh, thành phố quy định và trả cho người dân một cục
tiền. Ở các tỉnh, giá đất thấp thì người dân dễ đồng thuận hơn, còn ở Hà Nội
giá đất cao, cộng với việc sau khi thu hồi, người này mất đất nhưng lại có
nhiều người khác hưởng lợi từ dự án, khiến người ta phải tính toán, dẫn đến
khiếu kiện, trì hoãn. Nên có nhiều cơ chế thu hồi đất cho các mục đích khác
nhau, đảm bảo quyền lợi và công bằng cho người bị thu hồi đất thì chắc chắn
dân sẽ đồng thuận. Việc chia sẻ sòng phẳng và minh bạch về lợi ích trong mọi
trường hợp luôn là giải pháp gốc cho bài toán giải phóng mặt bằng.
Và cuối cùng, khi đã có một phương án được chấp thuận bởi đa số,
sự nghiêm minh của pháp luật và trách nhiệm của cơ quan thực thi sẽ bảo đảm
sự thành công. Nếu vẫn không ai phải chịu trách nhiệm trong việc ngân sách
nhà nước phải bồi thường hàng trăm tỉ đồng cho nhà thầu do việc chậm giải
phóng mặt bằng gây ra thì vấn đề còn chưa được giải quyết.
(Theo Thanh niên) An Nguyên
|
Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét