Thứ Hai, 4 tháng 3, 2019

Toan tính lợi ích riêng, nhiều quốc gia, chính khách nợ Việt Nam một lời xin lỗi

Cập nhật lúc 16:57              
                    
Chúng ta có thể tự hào vì đã chiến thắng trong chiến tranh nhưng sẽ hổ thẹn muôn đời nếu thua trong hòa bình.

Không ít ý kiến cho rằng hai cuộc chiến ở biên giới phía Tây Nam và phía Bắc Việt Nam thời kỳ những năm 70 thế kỷ trước xuất phát từ âm mưu của một số cá nhân mà Đặng Tiểu Bình là người quyết định cuối cùng. 
Thực ra không phải như vậy, phía sau cuộc chiến là những toan tính địa chính trị của nhiều thế lực trong đó có Mỹ và những đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, của một số nước là thành viên Liên hợp quốc trong đó có cả vài nước ASEAN,…
Thái Lan chính là quốc gia trung chuyển các nguồn viện trợ từ bên ngoài và cung cấp căn cứ cho lực lượng Khmer Đỏ sau khi Phnom Penh thất thủ.
Dồn sự chú ý vào Trung Quốc trong hai cuộc chiến biên giới mà quên vai trò của Mỹ và đồng minh của Mỹ là một sai lầm bởi chính quyền Mỹ không chỉ viện trợ vật chất mà còn ra sức bảo vệ Khmer Đỏ trong các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc. 
Sau khi thống nhất, Việt Nam bước vào giai đoạn vô cùng khó khăn bởi sự kiệt quệ kinh tế, sự cấm vận, cô lập trên trường quốc tế do Mỹ khởi xướng. 

 
Hà Nội - Thành phố vì hoà bình. Ảnh minh hoạ: VTV

Là kẻ bại trận, Pháp và Mỹ không khỏi cay cú khi phải cuốn gói khỏi Việt Nam.
Nhìn nước Việt Nam thống nhất sau bao mưu đồ chia cắt không thành công, Đặng Tiểu Bình và giới lãnh đạo Trung Quốc lúc đó không thể nuốt hận.
Kết quả là một liên minh ma quỷ ra đời và những kẻ chủ mưu hy vọng những cuộc chiến tranh biên giới ở hai đầu đất nước có thể làm Việt Nam sụp đổ.
Ngày 7/1/1979 quân đội nhân dân Việt Nam cũng các lực lượng yêu nước Campuchia giải phóng Phnom Penh, cứu đất nước Campuchia khỏi ách diệt chủng tàn bạo nhất thế kỷ 20.
Tàn quân Khmer Đỏ rút về phía tây và được Thái Lan hậu thuẫn lập căn cứ trong đất Thái, Khmer Đỏ vẫn nhận được viện trợ vật chất và pháp lý từ Mỹ, Anh, Trung Quốc và một số tổ chức quốc tế mà các nước này có tiếng nói quyết định.
Bài viết trên Tạp chí Nghiên cứu quốc tế nêu dẫn chứng:
Tới năm 1985, tiền CIA viện trợ cho các nhóm du kích Campuchia gồm Khmer Đỏ lên tới 12 triệu.
Theo điều khoản McCollum, cơ quan cấp viện USAID cũng chuyển quân trang quân dụng không sát thương dư thừa cho các nhóm du kích đóng ở Thái Lan, đạt con số 13 triệu USD năm 1989…
Luật sư của Ta Mok là Benson Samay nói tòa án sẽ được nghe chi tiết về chuyện từ 1985 đến 1989, SAS (Special Air Service – đặc nhiệm Anh) đã mở hàng loạt trại huấn luyện cho đồng minh của Khmer Đỏ ở Thái Lan, và lập ra một ‘tiểu đoàn phá hoại (sabotage battalion) với 250 chuyên gia dùng chất nổ và phục kích.
Các chuyên gia tình báo ở Singapore cũng giảng dạy các khóa học”. [1]
Cuộc chiến ở hai đầu biên giới Việt Nam thực ra không phải chỉ diễn ra trong năm 1979 mà bắt đầu từ khi Khmer Đỏ với sự hậu thuẫn của Mỹ và Trung Quốc tiến hành tấn công Việt Nam ngay từ năm 1975.
Mở đầu là các cuộc pháo kích vào Tịnh Biên (An Giang), tấn công giết hại hơn 500 dân thường tại đảo Thổ Chu (tháng 10/1975),…
Sự liên quan của Mỹ, Trung Quốc và các thế lực khác trong hai cuộc chiến biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc và Khmer Đỏ cho đến gần đây mới được làm sáng tỏ không phải chỉ bởi lịch sử không thể bị che đậy, xuyên tạc mà còn vì sự thay đổi thái độ của các quốc gia từng là kẻ thù của Việt Nam.
Ngày càng có nhiều người không thể im lặng trước những luận điệu bóp méo, đổi trắng thay đen nhằm trốn tránh trách nhiệm của không ít chính khách và chính quyền đương nhiệm.
Nhiều tài liệu được giải mật, nhiều tư liệu điều tra công phu công bố gần đây cho thấy chính quyền của Tổng thống Nixon đã hỗ trợ thế nào cho Trung Quốc không chỉ trong cuộc chiến biên giới 1979 mà còn ở Hoàng Sa, Trường Sa và biên giới phía Tây Nam.
Bốn mươi năm trước, đầu năm 1979, người viết bài này đã cùng trung đoàn tự vệ chiến đấu Thái Nguyên tăng cường cho mặt trận biên giới, đã cùng đồng đội cầm súng đứng trong chiến hào phòng tuyến cầu Khánh Khê, mặt trận Lạng Sơn.
Triền đồi bên kia sông là trận địa mìn của quân Trung Quốc. 
Ít người biết rằng cả một tiểu đoàn chiến sĩ mặc thường phục giữ chốt lúc đó bữa ăn chỉ có hạt bo bo luộc với cà pháo, vũ khí chỉ có súng bán tự động K63, 200 viên đạn mà mấy quả lựu đạn chày.
Nhắc lại điều này để thấy, lực lượng quân sự của Việt Nam tại vùng biên giới phía Bắc sau năm 1975 là khá mỏng, ngoài vài sư đoàn chủ lực, còn lại là bộ đội địa phương, biên phòng và dân quân tự vệ.
Với lực lượng như vậy làm sao Việt Nam có thể tấn công Trung Quốc để nước này “Phản kích tự vệ”?
Tiếc rằng luận điệu này đã đã nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ và một số đồng minh, và vì thế đã lừa bịp được không ít người, tạo cái cớ để khá nhiều quốc gia hậu thuẫn lực lượng bành trướng tại các diễn đàn quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc.
Cuộc chiến biên giới Tây Nam và phía Bắc sau năm 1975 có phải là cuộc chiến giữa các quốc gia cùng chung ý thức hệ hay chỉ là hệ quả của các âm mưu đen tối mà các cường quốc bày đặt sau lưng các nước yếu?
Về câu hỏi này cần có đôi chút giải thích về khái niệm “ý thức hệ”.
“Ý thức hệ” hay “hệ tư tưởng” là hệ thống các mục đích và quan niệm về chính trị, luật pháp, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật, triết học… giúp điều chỉnh mục tiêu, dự tính và hành động của một cộng đồng (con người).
Một ý thức hệ có thể hiểu như một tầm nhìn bao quát, như cách thức để xem xét sự vật và định hướng chính sách.
Theo ý nghĩa đó, “ý thức hệ” gắn với một cộng đồng, khi cộng đồng là cả dân tộc thì ý thức hệ mới trở thành “ý thức hệ quốc gia”.
Bè lũ diệt chủng Khmer Đỏ và Việt Nam hoàn toàn khác nhau về ý thức hệ dù ban đầu những tên đầu sỏ Khmer Đỏ cũng tự nhận mình là cộng sản.
Với Trung Quốc thì khác. Suốt chiều dài lịch sử, từ thời Bà Trưng, Bà Triệu, các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê cho đến cuối những năm 70 của thế kỷ 20, người Việt luôn phải cầm vũ khí chống lại các đạo quân hùng hậu mà các vua chúa nhà Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh phát động nhằm đô hộ Việt Nam. 
Với giọng điệu giống hệt các hoàng đế Trung hoa trước đây: “Dạy cho Việt Nam một bài học”, mục đích của kẻ đầu sỏ phát động cuộc chiến năm 1979 trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam cũng không khác những gì đã diễn ra trong quá khứ là nhằm khuất phục Việt Nam, biến Việt Nam thành nước lệ thuộc về kinh tế và đối ngoại và chính trị. 
Tất nhiên đó không phải là suy nghĩ của đa số người dân lao động Trung Quốc.
Khu vực sinh sống của các bộ tộc Việt cổ đại trước đây nằm ở phía nam Trung Quốc và phía Bắc Việt Nam ngày nay.
Sử ký Tư Mã Thiên (Ngô Khởi truyện) hoàn thành năm 91 trước công nguyên đã đề cập đến cụm từ “Bách Việt” (một trăm bộ tộc Việt).
Nhiều bộ tộc Việt bị người phương Bắc đánh bại, bị đồng hóa trở thành người Hán.
Chỉ còn lại hai bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt không bị đồng hóa lập nên nhà nước Âu Lạc tức là Việt Nam ngày nay.
Bị người Hán dồn ép từ phía Bắc, để bảo vệ không gian sống và duy trì nòi giống, người Việt bắt buộc phải di dân xuống phía nam. 
Vua Chiêm Thành Chế Mân, đã đem châu Ô, châu Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên - Huế đến phía bắc Quảng Trị ngày nay) làm sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân.
Nhờ đám cưới của Huyền Trân công chúa mà biên cương Việt Nam mở rộng đến Quảng Trị.
Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, các cuộc di dân tự do đã khiến người Việt định cư tại vùng đồng bằng Nam bộ từ khoảng 500 năm trước. 
Hiệp ước ký tháng 12 năm 1845 giữa ba nước An Nam (Việt Nam), Xiêm (Thái Lan) và Miên (Campuchia) và các Hiệp định do người Pháp chủ trì đã chính thức thừa nhận 6 tỉnh Nam Kỳ thuộc Việt Nam.  [2]
Năm 1975, sau khi nắm quyền ở Campuchia, Khmer Đỏ tạo nên một chế độ diệt chúng tàn bạo nhất thể kỷ 20 – như đánh giá của cộng đồng quốc tế.
Với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ nước ngoài, Polpot đã đưa quân tấn công sâu vào lãnh thổ Việt Nam, tàn sát đồng bào ta ở biên giới phía Tây Nam. 
Đáp ứng lời kêu gọi của lực lượng cứu nước Camphuchia, trước nạn diệt chủng mà chúng thi hành với người dân nước này - trong đó có cộng đồng người Việt và người Chăm - Việt Nam đưa quân vào Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng.
Khi những tên lính cuối cùng của Khmer Đỏ đầu hàng, khi cuộc sống của người dân Campuchia trở lại bình thường, Việt Nam rút quân về nước. 
Tại phiên tòa ngày 16/11/2018, Tòa án đặc biệt Campuchia (ECCC) với sự phối hợp của Liên hợp quốc đã  tuyên án tội "diệt chủng" với các cựu thủ lĩnh chế độ Khmer Đỏ.
Thẩm phán Nil Nonn chủ trì phiên tòa tuyên đọc phán quyết, khẳng định chế độ Khmer Đỏ đã có chính sách tiêu diệt người Chăm và người Việt Nam để "tạo ra một xã hội vô thần và thuần nhất không phân chia giai cấp".
Việc Tòa án quốc tế tuyên bố Khmer Đỏ phạm tội diệt chủng với người Khmer, người Chăm và người Việt đã bác bỏ hoàn toàn luận điệu cho rằng Việt Nam xâm lược Campuchia, và cũng cho thấy nhiều quốc gia, chính khách nợ Việt Nam một lời xin lỗi về những tội ác trực tiếp hoặc gián tiếp, những đau khổ họ gây ra đối với nhân dân Việt Nam.
Vì sao cho đến nay, một vài cựu quan chức, học giả nước ngoài trong các phát biểu hoặc công trình nghiên cứu vẫn giữ cụm từ “Việt Nam xâm lược Campuchia”?
Cần phải khẳng định, hành động quân sự của Việt Nam không khác gì quân đồng minh (Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp) đánh vào thủ đô Berlin, tiêu diệt phát xít Đức, những kẻ phát động chiến tranh thế giới lần thứ 2 và phạm tội diệt chủng với người Do Thái. 
Sau khi tiêu diệt Phát xít Đức, quân đội Mỹ và Liên Xô còn hiện diện nhiều năm ở Tây Đức và Đông Đức, thủ đô Berlin cũng bị chia làm hai phần ngăn cách bởi bức tường Berlin.
Mỹ và nhiều nước luôn hãnh diện tuyên bố quân đội nước họ đã tấn công vào tận sào huyệt phát xít Đức, cứu người Do Thái khỏi nạn diệt chủng.
Một khi thế giới chính thức thừa nhân Khmer Đỏ chủ động tấn công sâu vào lãnh thổ Việt Nam, phạm tội diệt chủng với người Việt, người Chăm và người Khmer (như kết luận của Tòa án quốc tế) thì hành động quân sự của Việt Nam là chính nghĩa, bảo vệ tổ quốc và đồng bào mình, cũng là cứu nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng.  
Vậy tại sao họ lại phê phán Việt Nam, cho đến nay họ vẫn không thay đổi quan điểm?
Thái độ hai mặt của một số chính khách, chính phủ, nhà nghiên cứu cho thấy lịch sử không phải lúc nào cũng được diễn giải đúng sự thật.
Giải thích, phê phán thái độ đó là điều mà  bất kỳ người có lương tri nào, thuộc bất kỳ quốc gia nào cũng phải làm. 
Chúng ta cần cho thế giới biết, người Việt không chỉ yêu cầu một lời xin lỗi mà còn khuyến cáo những người đang mơ hồ, họ cần nhận thức một cách có trách nhiệm bản chất phi nghĩa, xâm lược mà mà các lực lương quân sự nước ngoài trực tiếp gây ra với Việt Nam trong quá khứ cho đến cuộc chiến tại hai vùng biên giới phía Bắc và phía Tây Nam hơn 40 năm trước. 
Nhân loại dù rất cảnh giác song không ít lần bị các chính khách lừa dối. Sự cảnh giác của người Việt không chỉ vì độc lập tự do cho đất nước mình mà cũng còn vì hòa bình cho nhân loại. 
Chính một người Trung Quốc tên là Trại Cường (Zhai Qiang) – viết trong cuốn sách: “China and the Vietnam Wars, 1950-1975” (Trung Quốc và cuộc chiến tranh Việt Nam thời kỳ 1950-1975) nêu ý kiến: 
Quan niệm Đại Hán theo đó Trung Quốc là cái nôi của thế giới. Các quốc gia nhỏ bé khác bên ngoài Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, là man di và phải là những chư hầu trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc”.
Trước khi Trung Quốc đưa quân đánh Việt Nam năm 1979, nhiều ý kiến cho rằng vì hai nước đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo, đều cùng thuộc phe xã hội chủ nghĩa nên hai quốc gia đều chung ý thức hệ!
Nhận định này thoạt đầu nghe có vẻ đúng đắn nhưng thực tế có phải vậy?
Khi các lợi ích địa chính trị gặp nhau thì ý thức hệ bị đẩy xuống vị trí thứ yếu nếu không nói là bị vứt bỏ.
Một tờ báo nổi tiếng thế giới viết:
Pháp đến Geneve (Hội nghị đình chiến Đông Dương năm 1954 – NV) nhằm đạt được một cuộc ngừng bắn theo kiểu Triều Tiên để cứu đội quân viễn chinh, chia cắt Việt Nam, duy trì chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương.
Rõ ràng lập trường của Trung Quốc khác hẳn lập trường của Việt Nam, nhưng lại rất phù hợp với lập trường của Pháp”. [3]
Lập trường của Trung Quốc phù hợp với Pháp nhưng khác hẳn lập trường của Việt Nam chính là thực tế cho đến nay không phải ai cũng biết.
Học giả Ấn Độ Nayan Chanda, người sáng lập và là tổng biên tập của YaleGlobal Online (một tạp chí trực tuyến xuất bản các bài viết về toàn cầu hóa) trong cuốn Brothers Enemy (Huynh đệ tương tàn – bản dịch của Hoàng Long Hải) dẫn lời Paul Mus nguyên là cố vấn của cao ủy Pháp ở Đông Dương như sau: 
Trung Hoa nhượng bộ Pháp ở hội nghị Genève để ngăn chận Việt Nam chiếm toàn cõi Đông Dương, rằng điều quan tâm trước nhất của Trung Hoa trong hội nghị này là an ninh của họ”. [4]
Quan điểm của Paul Mus nhận được sự ủng hộ của nhiều người trong đó có nhà sử học người Pháp Francoise Joyaux.
Xin trích dẫn một số đoạn trong cuốn trong cuốn Brothers Enemy 
Chu (Ân Lai) nói với Pháp trong cuộc thảo luận rằng Trung Hoa muốn kéo dài sự hiện hữu hai nước Việt Nam, và nói chung là muốn biên giới Trung Hoa tiếp giáp với nhiều nước (nhỏ) … Bắc Kinh vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách bằng mọi cách duy trì một Đông Dương manh mún không có một sức mạnh nào vượt trội”.
Việc Trung Hoa viện trợ cho cuộc chiến đấu của Cộng sản Việt Nam  vượt quá trách nhiệm của tình đồng chí. Đó là sự kiện bắt buộc vì chính an toàn của Trung Hoa. Vợ Mao, Giang Thanh, nói với phái viên nhiếp ảnh người Mỹ của bà “Nếu Bắc Việt Nam không chiến đấu thì kẻ thù sẽ tấn công vào Trung Hoa”…”.
Trong cuốn “On China” cựu Bộ trưởng ngoại giao Mỹ H. Kissinger - người được dư luận coi là “bạn” của Trung Quốc – đã có hai đánh giá đáng chú ý được các dịch giả dịch sang tiếng Việt như sau:
“Mỹ thì chống miền Bắc Việt Nam, coi đó như mũi giáo xung kích của một liên minh Xô-Trung. Trung Quốc thì giúp đỡ Hà Nội để làm cùn bớt lưỡi dao của Mỹ thọc vào châu Á. Cả hai đều nhầm. Hà Nội chỉ chiến đấu vì một lẽ duy nhất, đó là lòng yêu nước của họ”.
 "Yếu tố ý thức hệ đã biến mất khỏi xung đột. Các trung tâm quyền lực của phong trào cộng sản cuối cùng đã tiến hành chiến tranh giành thế cân bằng quyền lực không phải căn cứ vào ý thức hệ mà hoàn toàn xuất phát từ lợi ích dân tộc". 
H. Kissinger đã đúng khi cho rằng người Việt chỉ chiến đấu “vì một lẽ duy nhất, đó là lòng yêu nước của họ” nhưng ông ta đã không đúng khi đánh giá cuộc chiến biên giới 1979.
Đây không phải là cuộc “chiến tranh giành thế cân bằng quyền lực” giữa các “trung tâm quyền lực cộng sản” mà là cuộc chiến tranh xâm lược do một quốc gia thành viên Liên hợp quốc tiến hành với một quốc gia có chủ quyền khác. 
Tuy nhiên H. Kissinger cũng đã đúng khi cho rằng phía chủ động gây chiến (Trung Quốc) “hoàn toàn xuất phát từ lợi ích dân tộc" của họ.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng mục đích tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc hết sức rõ ràng, ý đồ đánh Việt Nam để cứu vãn chế độ Khmer Đỏ tại Campuchia chỉ là mục tiêu ngắn hạn, thăm dò thái độ và thực lực của Liên Xô cũng là mục tiêu ngắn hạn.   
Mục tiêu chiến lược là không có quốc gia nào đủ mạnh nằm sát biên giới Trung Quốc.
Trong nửa thế kỷ qua, Mỹ là nước trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên nhiều cuộc chiến tranh nhất trên thế giới.
Trung Quốc ít nhất cũng gây ra ba cuộc chiến tranh biên giới với Liên Xô, Ấn Độ và Việt Nam.
Vậy vì sao có thời kỳ Trung Quốc lại giúp Việt Nam khá nhiều vũ khí, lương thực, trang thiết bị cho quân đội đánh lại quân Mỹ và đồng minh?
Thứ nhất, như lời Giang Thanh nói “Nếu Bắc Việt Nam không chiến đấu thì kẻ thù sẽ tấn công vào Trung Hoa”.
Người Việt “Dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cùng phải giành cho được tự do, độc lập” vậy nên chúng ta luôn cảm ơn những sự giúp đỡ từ bên ngoài trong đó có Trung Quốc.
Giúp Việt Nam đánh Pháp và sau này là đánh Mỹ không có gì khác hơn chính là vì lợi ích của Trung Quốc như chính lời bà Giang Thanh thừa nhận.
Thứ hai, kinh nghiệm xương máu từ cuộc chiến tranh Triều Tiên đã dạy cho Trung Quốc một bài học nhớ đời.
Khi Mỹ đổ quân vào bán đảo này tham gia cùng quân đội Nam Triều Tiên, quân đội Bắc Triều Tiên bị đẩy lùi về phía bắc, đến sát biên giới Trung Quốc.
Không còn cách nào khác Trung Quốc buộc phải đưa quân vượt sông Áp Lục tham chiến.
Một số tài liệu cho rằng Trung Quốc mất khoảng 600.000 quân, còn theo SCMP (South China Morning Post – Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, phát hành tại Hồng Kông), khoảng 149.000 đến 400.000 binh sĩ Trung Quốc đã bị thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên.
Mất hàng trăm nghìn binh sĩ mới đẩy được liên quân Mỹ - Hàn trở về giới tuyến cũ (vĩ tuyến 38) thực sự là cái giá quá đắt cho việc đẩy quân đội nước ngoài (Mỹ) ra xa biên giới phía đông bắc của Trung Quốc.
Từ kinh nghiệm Triều Tiên, vấn đề “Đẩy chiến tranh cách xa biên giới phía nam (Trung Quốc), để tránh “kẻ thù sẽ tấn công Trung Hoa”, sẽ phải đặt trong chiến lược của những người lãnh đạo Bắc Kinh, nếu chỉ tốn một số vũ khí, vật tư, lương thực mà không tốn sinh mạng binh sĩ thì tại sao không làm?
Khi một quốc gia cung cấp vũ khí, quân trang, lương thực cho Khmer Đỏ để họ gây chiến với Việt Nam, thực hiện chính sách diệt chủng không chỉ người Chăm, người Việt mà chính cả người Khmer thì không khó để kết luận quốc gia đó “quyết tâm đánh Việt Nam đến người Khmer cuối cùng”. 
Tuyên bố: “Người không động đến ta thì ta không động đến người” là một tín hiệu cho nước Mỹ, ngay sau cái bắt tay tội lỗi được thực hiện vào tháng 2/1972 ở Bắc Kinh, đến cuối năm Mỹ ném bom rải thảm Hà Nội.
Đổi lại, Mỹ gây sức ép với Hải quân Việt Nam Cộng hòa để Trung Quốc rảnh tay đánh chiếm phần phía tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974.
Với sự hợp tác giữa Mỹ, Anh, Pháp và một số quốc gia khác, các cuộc chiến ở Nam Tư cũ, Iraq, Syria,… đã gây nên các thảm họa nhân đạo khiến hàng triệu người phải rời bỏ quê hương, vậy nên sẽ đừng ngạc nhiên nếu một lúc nào đó, giới bình luận quốc tế lại đưa ra ý kiến: “Nước A muốn đánh nước B đến người nước C cuối cùng”. 
Khi âm mưu đen tối của các thế lực quốc tế nhằm chia cắt Việt Nam thành hai miền thất bại, lợi ích quốc gia lại khiến họ gặp nhau trong mưu đồ làm suy yếu nước Việt, cuộc chiến phía biên giới Tây Nam và phía Bắc nổ ra sau khi Việt Nam thống nhất là minh chứng.
Báo Thediplomat.com trong bài: “Cambodia and China: Rewriting (and Repeating) History” (Campuchia và Trung Quốc: viết lại (và làm sáng tỏ lại) lịch sử) dẫn ý kiến ông Hun Sen gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc Kurt Waldheim vào tháng 1/1979 như sau:
Described the government he had just helped overthrow, as “the barbarous genocidal regime of the Pol Pot clique, instrument of Beijing’s expansionist policy”.
“Dịch: (ông Hun Sen - NV) Mô tả chính phủ vừa bị lật đổ như là chế độ diệt chủng dã man của bè lũ Pol Pot, công cụ của chính sách bành trướng của Bắc Kinh”. [5]
Mỹ cũng là một trong những đồng minh ủng hộ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. 
Bài viết trên Thời báo New York cuối năm 1981với tiêu đề: “Reagan Is Urged to End U.N. Support of Pol Pot” (Tổng thống Mỹ Reagan được khuyến khích chấm dứt sự hỗ trợ bè lũ Pol Pot) dẫn ý kiến hơn 130 người nổi tiếng, bao gồm các chính trị gia, diễn viên điện ảnh, nhà văn, nhân vật học thuật và các nhà lãnh đạo tôn giáo và nhân đạo như sau:
'We are profoundly disturbed that for the third year the United States voted to keep Pol Pot's Democratic Kampuchea in the United Nations''.
(Dịch: “Chúng tôi thấy bất bình rằng trong ba năm Hoa Kỳ vẫn bỏ phiếu duy trì Campuchia Dân chủ của Pol Pot ở Liên Hiệp Quốc”). [6]
Không khó tìm kiếm vô số tài liệu từ các nước phương Tây lật lại lịch sử cuộc chiến mà dân tộc Việt Nam phải tiến hành chống xâm lược ở các vùng biên giới.
Những kẻ phát động chiến tranh thường viện dẫn lợi ích quốc gia của họ, có điều thế giới thừa biết chiến thuật đẩy mâu thuẫn nội bộ ra ngoài biên giới bằng các cuộc chiến phi nghĩa, hậu quả là hàng vạn binh lính bị thương, bị chết.
Đau thương cũng đè lên đôi vai chính người dân các quốc gia gây chiến chứ không chỉ nước bị xâm phạm.
Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Khmer Đỏ, những kẻ phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam không chỉ gây tội ác với người Việt mà còn với chính đồng bào của họ.
Việt Nam ngày nay mong muốn làm bạn với cả thế giới, với chính sách ngoại giao cân bằng, liệu chúng ta có đang tự đặt mình vào vị thế giống như vật thể được treo bằng nhiều sợi dây, căng bên trong một vòng tròn. Lực căng đều nhau thì vật thể nằm ở trọng tâm, nếu một vài sợi dây đứt thì vật thể sẽ mất cân bằng, có thể bị rơi xuống.
Đường lối chính trị của Việt Nam là phải làm sao để Việt Nam trong tương lai là người nắm một đầu dây ở phía biên vòng tròn chứ không phải nắm nhiều đầu dây ở giữa. 
Điều này chỉ có thể xảy ra nếu chúng ta có một nền kinh tế mạnh đủ sức trang bị cho quân đội các khí tài hiện đại.
Một quốc gia hùng cường với sự đoàn kết tuyệt đối giữa dân và lãnh đạo là vũ khí duy nhất khiến những cái đầu nóng phải nguội.
Chúng ta có thể tự hào vì đã chiến thắng trong chiến tranh nhưng sẽ hổ thẹn muôn đời nếu thua trong hòa bình.
Đó không phải là mong mỏi hay lời nhắn nhủ, đó là điều cha ông chúng ta, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta bắt buộc thế hệ hôm nay phải suy nghĩ, phải làm sao đưa đất nước phát triển ngang hàng với mọi quốc gia trên thế giới.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://nghiencuuquocte.org/2018/11/20/ai-tung-tro-giup-khmer-do-khang-chien/
[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Nam_B%E1%BB%99_(Vi%E1%BB%87t_Nam)
[3] https://www.bbc.com/vietnamese/forum-38628670
[4] https://phanba.files.wordpress.com/2017/05/anhemthudich.pdf
[5]https://thediplomat.com/2018/01/cambodia-and-china-rewriting-and-repeating-history/
 [6] https://www.nytimes.com/1981/12/10/world/reagan-is-urged-to-end-un-support-of-pol-pot.html
(Theo GDVN) Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét