Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2019

Xem bảng lương Nhà xuất bản Giáo dục làm sao tin nổi sách giáo khoa lỗ?

Cập nhật lúc 20:10


Hãy nhìn vào bảng lương của lãnh đạo, nhân viên Nhà xuất bản Giáo dục và so sánh với lý do đòi tăng giá sách giáo khoa, sẽ có nhiều điều khó hiểu.

Mấy năm nay, câu chuyện sách giáo khoa phổ thông “độc quyền” liên tục được dư luận quan tâm. Những ngày gần đây lại là chuyện tăng giá sách giáo khoa cho năm học 2019-2020.
Điều tréo ngoe là Nhà xuất bản Giáo dục đã tăng giá bìa nhưng Bộ Giáo dục lại không đồng ý cho tăng.
Vấn đề đặt ra là tại sao nếu "lỗ" mà Nhà xuất bản này không “nhường” khâu xuất bản sách giáo khoa cho các đơn vị khác?
Hơn nữa, sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt, là sách "tái bản" chứ đâu phải là sách mới mà cứ nói lỗ để đòi tăng giá khi bước vào năm học mới.
 
Ảnh minh họa, nguồn: Thông tấn xã Việt Nam.
Ngày 16/3/2019, Báo Dân trí có bài trao đổi với ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Trong bài trao đổi này, ông Tùng đã cho biết:
Tám năm qua (từ 2011 đến nay), giá sách giáo khoa không thay đổi và ở mức thấp hơn so với chi phí, giá thành xuất bản, phát hành sách giáo khoa và so với giá bán các sách khác.
Trong khi đó các khoản chi phí xuất bản sách giáo khoa đều biến động tăng cao: lương tối thiểu vùng năm 2019 so với năm 2011 tăng gần 3,1 lần, lương cơ sở năm 2019 tăng 1,8 lần so với năm 2011.
Giá thị trường của vật tư giấy in hàng năm hầu như đều tăng, riêng giấy để in sách giáo khoa năm học 2019 - 2020 đã tăng so với năm trước bình quân trên 20%. Giá điện bán lẻ bình quân từ năm 2011 đến nay tăng gần 41%...” [1]
Đành rằng là vậy, nhưng khi đã gánh sứ mệnh chính trị của mình thì đương nhiên Nhà xuất bản Giáo dục phải làm tròn vai trò, trách nhiệm của mình với xã hội.
Hơn nữa, Nhà xuất bản Giáo dục đâu có phải một sản phẩm duy nhất là sách giáo khoa mà còn vô số các sản phẩm giáo dục khác.
Ngay trong bài giới thiệu ở Website của Nhà xuất bản Giáo dục thì chúng tôi đã đọc được như sau:
Hàng năm xuất bản trên 3.000 tựa sách với số lượng in và phát hành 250 triệu bản, cùng hàng triệu sản phẩm thiết bị, đồ dùng dạy học, cung ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời sách giáo khoa, các sản phẩm giáo dục phục vụ học sinh, giáo viên và đông đảo bạn đọc trong cả nước”.
Chính vì thế, khi ông Nguyễn Văn Tùng nói: “Nếu giá bán sản phẩm thấp hơn các chi phí thì đơn vị xuất bản - phát hành bị lỗ. Sách giáo khoa đang ở tình trạng này.
Lấy ví dụ cuốn sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 (tập2), giá 7.800 đồng, 160 trang, vậy đơn giá chỉ có 49 đồng/trang, hay cuốn sách giáo khoa Hóa học 8, 160 trang, giá bìa là 9.600đ, đơn giá là 60 đồng/ trang.
Nếu so sánh với đơn giá photo 1 trang A4, hay những cuốn sách tham khảo của các Nhà xuất bản khác sẽ thấy giá sách giáo khoa là thấp đến khó tin”. [1]
Ông Tùng đã lấy ví dụ rất chính xác nhưng nói đi thì phải nói lại.
Giá thành photo (2 mặt) ngoài thị trường hiện nay có đơn giá là 200 đồng/ 1tờ A4- nếu photo khoảng 100 tờ trở lên.
Và cũng nên nhớ rằng một tờ giấy A4 “gần bằng” 4 trang giấy của đa số sách giáo khoa hiện hành khổ 17x24 (bởi gấp đôi tờ A4 sẽ thành 4 trang).
Trong khi Nhà xuất bản in với số lượng hàng trăm triệu cuốn sách.
Hơn nữa, tại sao ông Nguyễn Văn Tùng lại không lấy ví dụ sách giáo khoa khác, chúng tôi có trong tay một số cuốn sách sau đây cũng của Nhà xuất bản Giáo dục.
Chẳng hạn 2 cuốn sách giáo khoa (tập 1-2) Tiếng Anh lớp 5 đều có 79 trang và mỗi cuốn có giá là 32.000 đồng;
Cuốn Học Mĩ thuật lớp 5 có 71 trang, giá 20.000 đồng...
Và, ông Tùng có nói: “lương cơ sở năm 2019 tăng 1,8 lần so với năm 2011” để lấy lý do tăng giá sách mà quên mất rằng đội ngũ cán bộ công- viên chức Nhà  xuất bản Giáo dục đang được hưởng mức lương cao hơn rất nhiều mặt bằng chung của cả nước.
Báo Dân Việt, ngày 17/9/2018 đã phản ánh mức lương như sau:
Theo báo cáo lương thưởng, mức lương bình quân theo kế hoạch của người lao động tại Nhà xuất bản Giáo dục trong năm 2017 lên tới 20,15 triệu đồng/người/tháng và mức thu nhập bình quân hàng tháng là 21 triệu đồng/người/tháng.
Các con số này trong năm 2016 là 20,2 triệu đồng và 20,9 triệu đồng/người/tháng.
Thu nhập bình quân của viên chức quản lý theo kế hoạch ở mức 45,5 triệu đồng/người/tháng trong năm 2017 sau khi đã đạt con số thực tế 53,2 triệu đồng/người/tháng trong năm 2016”. [2]
Cũng trong bài báo này, Báo Dân Việt đã dẫn mức lợi nhuận của Nhà xuất bản giáo dục như sau:
"Đáng chú ý là trong khi doanh thu chỉ tăng nhẹ lợi nhuận trước thuế của Nhà xuất bản Giáo dục lại tăng vọt: từ 32 tỷ năm 2015 lên 72,1 tỷ năm 2016 và 150,8 tỷ đồng năm 2017". [2]
Như vậy, với số lương, lợi nhuận của Nhà xuất bản Giáo dục đang là con số mơ ước của bao ngành nghề hiện nay kể cả doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh.
Vậy nếu lỗ sao Nhà xuất bản Giáo dục không lên tiếng để phá thế "độc quyền" sách giáo khoa, không “nhường” cơ hội này sang các Nhà xuất bản khác cùng tham gia vào thị trường sách giáo khoa?
Trong kinh doanh một lúc nhiều mặt hàng thì mặt hàng này dù có “lỗ” cũng sẽ có mặt hàng khác “lãi” và kéo theo doanh thu cho doanh nghiệp.
Vì thế, điều quan trọng nhất lúc này là Nhà xuất bản Giáo dục cần cố định giá sách giáo khoa phổ thông cho đến khi thay toàn bộ sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thời gian còn lại cũng không nhiều nên việc san sẻ lợi ích là điều cần được tính tới.
Mỗi cuốn sách giáo khoa chỉ tăng một vài ngàn đồng nhưng với khoảng 20 triệu học sinh, sinh viên đang học tập thì chắc rằng số tiền mà người dân bỏ ra không hề nhỏ chút nào.
Tài liệu tham khảo:
[1] htps://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bi-tuyt-coi-tang-gia-sach-nha-xuat-ban-giao-duc-tran-tinh-keu-lo-da-nhieu-nam-20190315091719821.htm
[2] https://danviet.vn/kinh-te/nho-doc-quyen-sgk-lanh-dao-nxb-giao-duc-huong-luong-khung-the-nao-913441.html&usg
(Theo GDVN)NHẬT DUY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét