Thứ Năm, 14 tháng 3, 2019

Truy tố cựu Tổng GĐ công ty Thăm dò Khai thác dầu khí

Cập nhật lúc 15:25    

 

VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí.

 

 VKSND Tối cao hoàn tất cáo trạng và ủy quyền cho VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP).
Các bị can Đỗ Văn Khạnh (SN 1961, cựu Tổng GĐ PVEP, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí - PVD); Nguyễn Tuấn Hùng (SN 1971, cựu Trưởng ban Tài chính PVEP); Vũ Thị Ngọc Lan (SN 1973, cựu Phó TGĐ PVEP) bị truy tố tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.


Bị can Đỗ Văn Khạnh

Theo cáo trạng, trong thời gian từ năm 2009- 2014, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về việc ưu tiên sử dụng các dịch vụ tài chính của OceanBank, PVEP đã giao dịch tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn tại OceanBank Chi nhánh Thăng Long.
Ông Đỗ Văn Khạnh (khi đó là Tổng GĐ PVEP) đã có quyết định phân công Vũ Thị Ngọc Lan (khi đó là Phó TGĐ PVEP phụ trách tài chính, kế toán và kiểm toán) là người phê duyệt các tờ trình của Ban tài chính, ký các hợp đồng tiền gửi, gia hạn hợp đồng tiền gửi tại OceanBank.
Ông Nguyễn Tuấn Hùng với vai trò là Trưởng ban Tài chính PVEP đã trực tiếp đề xuất, ký tờ trình hợp đồng gửi tiền trình bà Lan phê duyệt, ký hợp đồng việc gửi tiền của PVEP vào OceanBank.
Về phía Oceanbank, thực hiện chủ trương của Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank) về việc chi lãi ngoài tiền hợp đồng huy động vốn cho khách hàng, bà Nguyễn Thị Minh Phương (cựu Phó TGĐ OceanBank) đã trực tiếp và nhờ 1 số nhân viên chi hơn 51,8 tỷ đồng tiền lãi ngoài cho ông Hùng.
Dù ông Hùng khai chỉ nhận và chi số tiền 39,2 tỷ đồng, nhưng căn cứ vào các chứng cứ đã thu nhập được, VKS cho rằng, có đủ cơ sở kết luận cựu Trưởng Ban Tài chính PVEP đã nhận, quản lý và chi tiêu số tiền hơn 51,8 tỷ đồng. 
Ông Đỗ Văn Khạnh bị xác định đã nhận hơn 4 tỷ đồng tiền chăm sóc khách hàng từ ông Hùng; Bà Vũ Thị Ngọc Lan bị xác định đã nhận 200 triệu đồng tiền chăm sóc khách hàng từ bà Phương.
VKSND Tối cao cho rằng, hành vi của 3 cựu sếp PVEP đã phạm vào tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 280, BLHS năm 1999.
Nhưng căn cứ vào Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành BLHS sự theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo, hành vi của 3 bị can trong vụ án này bị khởi tố, truy tố theo quy định tại Điều 355, BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017.
Theo lời khai của ông Hùng, ông ta đã đưa tiền lãi ngoài cho nhiều đối tượng khác, nhưng CQĐT chưa đủ chứng cứ để giải quyết trong vụ án này.
Ngày 12/1/2019, CQĐT đã tách hành vi và tài liệu liên quan đến lời khai này của ông Hùng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Minh Phương đã bị xử lý trong giai đoạn 1 vụ Hà Văn Thắm nên không bị xử lý trách nhiệm hình sự trong vụ án này.
  T.Nhung

Bộ Công an điều tra dấu hiệu sai phạm dự án dầu khí ở Venezuela

 

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đang xác minh một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc thực hiện Dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin2 Venezuela.

Cụ thể, C03 đã có văn bản đề nghị PVN cung cấp toàn bộ hồ sơ tài liệu liên quan đến việc thực hiện dự án Junin 2 của Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP), thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Đây là 1 trong 11 dự án của PVN ở nước ngoài gặp khó khăn, phải tạm dừng triển khai, nguy cơ mất lượng tiền lớn đã đầu tư. 
Dự án này Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí là chủ đầu tư (40% vốn) cùng với Tổng công ty dầu khí Venezuela. Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 1,8 tỷ USD cho giai đoạn 1 từ 2010-2015. PVEP đã rót hàng trăm triệu đô vào dự án này.
Thế nhưng hiện nay dự án đã tạm dừng triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo ngày 2/12/2013 của Văn phòng Chính phủ.
Theo báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, tính đến 31/12/2016, có 18 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài. Các doanh nghiệp thực hiện đầu tư tại 110 dự án, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản,...
Tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án lên tới 12,6 tỷ USD. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có số vốn đăng ký lớn nhất với trên 6,6 tỷ USD, chiếm hơn một nửa vốn đầu tư ra nước ngoài của DNNN; đứng thứ hai là Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel với hơn 2,1 tỷ USD, chiếm 17%; thứ ba là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với hơn 1,4 tỷ USD.
Trong tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài là 12,6 tỷ USD thì các doanh nghiệp đã giải ngân hơn một nửa.
Cụ thể, đến hết 2016, các DNNN đã mang 7 tỷ USD đi đầu tư ở nước ngoài. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí nhiều nhất với hơn 3,4 tỷ USD. 
Đáng lưu ý, với hơn 7 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài thì hết năm 2016 mới chỉ có 4/18 DNNN có phát sinh số tiền thu hồi vốn đầu tư từ các dự án đầu tư tại nước ngoài. Số tiền thu hồi vốn là trên 1,5 tỷ USD, bằng 22% vốn đầu tư thực hiện.
Đến hết 2016, có trên 7 tỷ USD đầu tư cho dự án ở nước ngoài nhưng còn hơn 5,5 tỷ USD chưa thu hồi.
“Nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại (như bị rút ngắn thời gian triển khai dự án, tranh chấp đất đai) và rủi ro thị trường (giá đầu ra giảm mạnh), ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án. Có dự án bị ngừng cấp bảo lãnh Chính phủ dẫn tới việc phải dừng dự án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả dự án”, báo cáo của Chính phủ khái quát tình hình đầu tư ra nước ngoài.
H.Duy
(Theo VietNamNet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét