Những khoảng trống từ vụ ‘sờ soạng’ học sinh
không bị coi là dâm ô
Cập nhật lúc 15:44
Là người đứng trên bục giảng,
tôi tin rằng rất nhiều thầy cô cũng như tôi, thật sự cần những chỉ dẫn ứng xử
để không phải rơi vào lúng túng, sai phạm trong những va chạm với học trò.
Những ngày gần đây, dư luận rất thất vọng, bức xúc trước vụ thầy
giáo ở Bắc Giang sờ soạng học sinh nhưng cơ quan chức năng lại xác định chưa
phải hành vi dâm ô.
Vụ việc này khiến chúng ta thêm một lần nữa phải nhìn nhận lại
những khoảng trống trong cơ chế bảo vệ trẻ em trước những hành vi xâm hại.
Chúng ta có đầy đủ các biện pháp nhưng dường như không có biện pháp nào đầy
đủ.
Luật nhiều nhưng thực thi
chẳng bao nhiêu
Trước tiên, trong hệ thống luật pháp hiện hành có vô số quy định
để bảo vệ trẻ em, nhưng phần nhiều các quy định vẫn mang tính chung chung và
gây tranh cãi mỗi khi áp dụng.
Vụ việc tại Bắc Giang vừa qua thể hiện rõ sự hạn chế và bất lực
của luật pháp. Trong khi dư luận, các chuyên gia pháp lý khẳng định hành vi
sờ mông, sờ đùi học sinh của một ông thầy là dâm ô; cơ quan công quyền địa
phương lại cho rằng đó là cách bày tỏ yêu thương hay một trò đùa vui.
Sự khác nhau về quan điểm pháp lý là thường tình, nhưng đặt trong
bối cảnh vụ việc này, nó lại trở nên bất thường. Rõ ràng, luật pháp hiện hành
vẫn đang thiếu những nguyên tắc pháp lý lẫn quy định cụ thể để xác định các
hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Bên cạnh đó, các nhà làm luật vẫn chưa xây dựng được một quy
trình tố tụng riêng biệt cho các vụ án ấu dâm. Chính vì vậy, song song với
quá trình truy cứu trách nhiệm tội phạm là quá trình dày vò, làm tổn thương
những đứa trẻ là người bị hại. Các vụ án về ấu dâm luôn nhạy cảm và phức tạp,
cần một quy trình tố tụng riêng biệt có tính toán đến việc bảo vệ bí mật danh
tính, danh dự, nhân phẩm và sự cân bằng tâm lý của trẻ.
Mặt khác, luật pháp không phải là một công cụ toàn năng có thể
lường trước và đưa vào các điều luật tất cả những hoàn cảnh, suy nghĩ lẫn
hành vi của con người. Vậy nên, cơ quan thực thi pháp luật trở thành chủ thể
quan trọng trong nhiệm vụ đảm bảo lẽ công bằng và trừng trị kẻ phạm tội.
Điều đó đòi hỏi cơ quan này phải luôn trong tâm thế khát khao tìm
kiếm sự thật để trừng trị kẻ phạm pháp không khoan nhượng, đồng thời cũng
không quên nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ tối đa những đối tượng bị tổn
thương. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy một bộ phận không nhỏ đội ngũ thực thi
pháp luật ở ta không đáp ứng được đòi hỏi này khi đối diện những vụ án ấu dâm.
Đại biểu Nguyễn Thái Học, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh
Phú Yên từng phản ánh,
có những vụ án cơ quan điều tra vào cuộc nhưng có tư tưởng “dễ làm, khó bỏ”,
những vụ việc phức tạp, khó làm thì cứ đình chỉ đã. Dư luận không lên tiếng,
lãnh đạo không không quan tâm chỉ đạo thì “chìm xuồng”. Nếu lãnh đạo lên
tiếng thì làm tích cực.
Đồng thời, Nhà nước giao phó cho hàng loạt các cơ quan có chức
năng bảo vệ trẻ em, nhưng thực chất hiệu quả hoạt động ra sao? Còn nhớ, tháng
6/2018, phát biểu tại Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, TP. Hà Nội, cho
biết tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em đang gia tăng và ngày càng nguy
hiểm, trầm trọng. Theo đó, chỉ tính riêng 05 tháng đầu năm 2018, đã có 572 vụ
xâm hại tình dục trẻ em, đã có 562 cháu bị xâm hại. Nếu tính tối thiểu mỗi vụ
01 cháu, thì có ít nhất có 10 cháu bị 02 vụ, với tính chất cực kỳ nghiêm
trọng. [1]
Thiếu chuẩn mực ứng xử học
đường
Thầy, cô giáo có quyền va chạm vào các bộ phận trên cơ thể của
học trò hay không? Mức độ nào là xâm phạm? Khi nào mới được gọi là đùa vui?
Đôi khi luật pháp không thể có câu trả lời cặn kẽ. Hơn nữa, nghề giáo là một
nghề mang tính tương tác giữa thầy và trò, cần có sự cởi mở, gần gũi
nhất định. Thế nhưng ranh giới giữa gần gũi, cởi mở với lạm dụng, xâm phạm
thật sự rất mong manh.
Vì lẽ đó, ngành giáo dục nói chung và mỗi nhà trường buộc phải
xây dựng những bộ quy tắc hướng dẫn ứng xử để người trong cuộc nhận thức rõ
hành vi nào được làm, hành vi nào bị cấm. Đây cũng sẽ là một căn cứ đánh giá
tư cách, đạo đức nhà giáo, khi một người vi phạm nhiều lần có thể xem xét yêu
cầu ra khỏi ngành Giáo dục. Điều này giúp phòng ngừa hậu quả đáng tiếc xảy ra
do hành vi lệch lạc của một số nhà giáo.
Là người đứng trên bục giảng, tôi tin rằng rất nhiều thầy cô cũng
như tôi, thật sự cần những chỉ dẫn ứng xử để không phải rơi vào lúng túng,
sai phạm trong những va chạm với học trò.
Chờ mãi đến năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới bắt đầu quan tâm
và triển khai hoạt động xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa học đường tại các
trường học trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, nội dung của chúng vẫn quá chung
chung và hình thức.
Hơn bao giờ hết, ngành giáo dục Việt Nam phải nghiêm túc định
hình và xây dựng những quy tắc hành xử chuẩn mực, để học sinh thực sự được
học tập, trưởng thành trong một môi trường văn minh, an toàn, cũng như để bảo
vệ được các thầy cô giáo.
Lưu Minh Sang, Giảng viên
Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
------
[1] Cần quy trình đặc biệt trong điều tra, truy tố, xét xử tội
phạm xâm hại trẻ em, Bocongan.gov.vn, 05/06/2018.
Theo VietNamNet
|
Thứ Ba, 12 tháng 3, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét