Thầy chùa trực tiếp đi 'thỉnh vong' và kết quả
không ngờ
Cập nhật lúc 21:10
'Đi
gọi vong, tôi lấy chính tên mình cho thầy gọi. Tôi còn sống, ngồi bên cạnh mà
thầy cũng gọi vong tôi được', Đại đức Thích Bản Hoan nói.
Những ngày qua, câu chuyện chùa Ba Vàng cứ
ba tháng một lần, một lần ba ngày tổ chức thu tiền cúng vong, giải 'oan gia
trái chủ' gây xôn xao dư luận.
Chia sẻ trong chương trình Cà phê sáng
ngày 23/3, Đại đức Thích Bản Hoan, trụ trì chùa Phúc Linh (Hải Phòng) - Ủy
viên Ban Trị sự Phật giáo Hải Phòng chia sẻ, việc làm của chùa Ba Vàng là
không đúng, vi phạm giáo lý nhà Phật.
“Gọi vong, trả nghiệp cho vong, vong về
báo oán hay trừ tà là tín ngưỡng dân gian, mọi người truyền miệng nhau. Trong
giáo lý Phật giáo không dạy về việc gọi vong hay giải oan gia trái chủ. Những
người phật tử thuần thành, học giáo lý Phật giáo không ai tin”, thầy Hoan nói.
Đại đức Thích Bản Hoan kể, tên thật của
ông là Đào Văn Lục. Năm 17 tuổi, ông đi tu nhưng chưa xuống tóc.
Lúc đó, ở An Dương, Hải Phòng có một
người nổi tiếng về việc gọi hồn. Một lần, ông trốn sư phụ đi gọi hồn (gọi
vong, gọi hồn người mất về), mục đích đi để kiểm chứng xem, công việc người
đó làm có thật hay không.
“Tôi đặt 10 ngàn đồng, lấy chính tên
thật của tôi cho thầy gọi. Tôi ngồi một lúc thì vong về khóc, nói một người
tên Hùng trong gia đình tôi đang gặp nhiều chuyện trắc trở. Nhà không có ai
tên Hùng nhưng tôi vẫn nhận để xem thầy xử lý ra sao.
Lúc linh đồng, người đó nói, sau lưng
tôi có vết sẹo và một nốt ruồi màu đỏ. Tôi đồng ý luôn. Thật ra, tất cả những
gì người đó nói không đúng và bịa đặt”, thầy Thích Bản Hoan kể.
Theo thầy Hoan, việc người dân đi gọi
hồn người chết không xấu, nhưng đừng nên tin vội. Nghe xong hãy tìm đến các
thầy có đạo đức, nghiên cứu Phật giáo uyên thâm để kiểm chứng, sau đó hãy
thực hành.
Hay
việc, nhiều người đến chùa, dùng tiền để cầu cúng, mong hóa giải những trắc
trở trong cuộc sống cũng không đúng. “Tiền không hóa giải được điều gì cả. Cứ
đến chùa, dùng tiền để cầu cứu thì không đến lượt mình.
Những người giàu có, họ có thể đốt hằng
trăm triệu đồng tiền vàng mã, cúng nhiều lễ vật to ắt họ phải được ưu tiên.
Nếu thế, những người nghèo lại không được ban phước lành hay sao? Không phải
như vậy. Tìm đến chùa là tìm đến môi trường, không khí bình an, được các thầy
khuyên giải, bảo ban để làm tốt”, thầy Hoan nói.
Theo thầy Hoan, mọi thứ tội - phúc,
lành - dữ do con người tạo ra. Có khi chính ma quỷ cũng do chính con người
tạo ra. Vì thế, con người chỉ cần tâm lành là đủ.
Muốn biết được kiếp trước mình như thế
nào hãy nhìn vào hiện tại. Hiện tại tốt, thành đạt có nghĩa kiếp trước mình ăn
ở tốt, sống đạo đức. Hiện tại thất bại, sống đau khổ thì kiếp trước ăn ở
không lành. Để hóa giải, chúng ta phải tự sửa chính mình, sống tốt hơn, làm
việc thiện nhiều hơn, đừng mang tiền đi 'giải oán'.
“Giết người xong, mang tiền đến trả cho
gia đình người mình giết là không được. Đó là chạy án. Mà bây giờ, có chạy án
cũng không thoát được tội”, thầy Thích Bản Hoan nói.
Đại đức Thích Bản Hoan cho rằng, xã hội
càng phát triển càng có nhiều người tin vào tín ngưỡng. Nếu người hành đạo
không uyên thâm, kém hiểu biết sẽ bị cuốn theo những mặt xấu của xã hội.
“Là một người hành đạo hãy kéo người ta
từ chỗ tối ra ánh sáng, đừng để người ta kéo mình từ chỗ sáng vào chỗ tối”,
thầy Hoan nói.
(Theo VietNamNet) Tú Anh
|
Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét