Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

Vụ AVG là “chuyến tàu vét”, xảy ra trước Đại hội Đảng chỉ 5 ngày

Cập nhật lúc 15:00


Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức điều lệ, Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đức Hà, kể, thực tế bên thềm Đại hội Đảng lần thứ 12 có những “chuyến tàu vét” diễn ra trước đó chỉ… 5 ngày như vụ AVG. Theo đó, việc ban hành quy định nêu gương cũng nhằm khắc phục những biểu hiện “hoàng hôn nhiệm kỳ” như vậy… 
 

Ông Nguyễn Đức Hà nêu dẫn chứng và lập luận này tại buổi giao lưu trực tuyến “Giải pháp nào để quy định trách nhiệm nêu gương đi vào cuộc sống” do Ban Tuyên giáo Trung ương, báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức sáng 20/3.
giao luu 1.jpg 
Cuộc giao lưu trực tuyến do Ban Tuyên giáo Trung ương, báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức sáng 20/3/2019
Báo cáo đề dẫn về nội dung buổi giao lưu trực tuyến, TS Trần Doãn Tiến, Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát tình hình hiện nay, nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong, với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít. Có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đặc biệt, có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân…

Lời thề và đức hy sinh của cán bộ, đảng viên, theo đó, đã và đang bị thách thức mạnh mẽ trong bối cảnh tác động mạnh mẽ tự mặt trái của nền kinh tế thị trường. Những con số thể hiện thời gian qua rất đáng lo ngại khi trong 5 năm gần đây, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật Đảng 77.662 đảng viên vi phạm, trong đó hơn 4.300 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 500 tổ chức đảng và 35 ngàn đảng viên vi phạm, trong đó 1.300 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái.
Trong đó, đáng báo động là số đảng viên có chức, có quyền không giữ được mình, bị tha hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực bị xử lý kỷ luật trong 5 năm qua có biểu hiện gia tăng. Và đáng lo ngại là trong đó có cả cán bộ cấp cao bị kỷ luật, truy tố vị tội tham nhũng, gây phân tâm, lo lắng trong xã hội.
Băn khoăn được nêu ra là trong tình hình phức tạp hiện nay, việc thực hiện quy định nêu gương gặp nhiều khó khăn, thách thức cũng như các lực cản. Vậy làm thế nào để cán bộ cấp cao, nhất là người đứng đầu thực hiện gương mẫu đi đầu, thực sự là gương sang để cấp dưới, quần chúng noi theo?
Theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức điều lệ, Ban Tổ chức Trung ương, nếu cán bộ cấp cao gương mẫu thì sẽ tạo động lực lớn và ngược lại, cán bộ cấp cao hành động xấu thì tác động ghê gớm, làm suy giảm niềm tin vào Đảng của nhân dân.
 nguyen duc ha.jpg
Ông Nguyễn Đức Hà phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến
Ông Hà nhấn mạnh, vừa qua, việc một số cán bộ cao cấp vi phạm bị xử lý nghiêm và thích đáng đã nhận được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân. Như vậy, nêu gương phải trở thành tự giác, thường xuyên, có nề nếp hàng ngày; đồng thời phải luôn xác định phải làm tốt những việc mình làm để ngày mai tốt hơn ngày hôm nay, ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua.

Ông Hà khẳng định, vai trò của cán bộ cấp cao có tác động đến cả nước thậm chí cả quốc tế, do đó, hơn lúc nào hết phải đặc biệt đề cao trách nhiệm nêu gương. Đặc biệt, theo ông, việc ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương có ý nghĩa sâu sắc hơn là khắc phục tư tưởng tư duy nhiệm kỳ, xử lý cán bộ đảng viên có “tư duy nhiệm kỳ”, “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “tranh thủ chuyến tàu vét”.
Thực tế theo ông Hà đã có những “chuyến tàu vét” xảy  lúc “gà lên chuồng”. Cụ thể như vụ AVG, diễn ra trước Đại hội 12 của Đảng chỉ… 5 ngày.
“May mà “chuyến tàu vét” đó cuối cùng đã bị phát hiện, xử lý và không đến được sân ga” - ông Hà nhận định.
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh - nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương cho rằng nên phát động xây dựng văn hóa từ chức, nghĩa là từ quy định về nêu gương nhưng khi đảng viên đã phát hiện góp ý mà sửa chữa chậm, nhiệm vụ không hoàn thành tốt, mắc sai lầm thì nên từ chức.
Quốc hội đã nêu ra vấn đề “từ chức” nhưng phải có 2/3 số đại biểu Quốc hội kiến nghị. Do đó, theo ông Vinh, cần xây dựng văn hóa từ chức để những cán bộ, đảng viên thấy mình không xứng đáng thì thực hiện.
(Theo Dân trí) P.Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét