Gian lận thi cử ở Hòa Bình: Họ sợ
sinh viên “dởm” bị tổn thương?!
Cập nhật lúc 15:37
Nếu có lo lắng, nên dành cho “nạn nhân”
và gia đình của họ trong vụ gian lận thi cử. Bởi dù có cố gắng bao nhiêu đi
nữa, cũng không đủ để xin lỗi và bù đắp những tổn thương tinh thần của họ.
Cách đây 25 năm, khi tôi thi đỗ Đại học, trong gần cả tuần
trời, nhà tôi lúc nào cũng có đông họ hàng, làng xóm đến chúc mừng. Trong câu
chuyện rộn ràng bên ấm nước chè xanh, mới thấy việc tôi đỗ Đại học quan trọng
như thế nào với cha mẹ và cả dòng họ. Họ hàng tự hào vì tôi là cháu gái đầu
tiên trong họ thi đỗ Đại học, một phần vì thời điểm ấy, đỗ Đại học là cả sự
kiện trọng đại, nhiều nhà có điều kiện còn làm cả chục mâm cỗ mời bà con, họ
hàng.
Thời bấy giờ, nhất là những học sinh
tỉnh lẻ như chúng tôi, gần như việc học hành, thi vào trường nào là do mình
tự quyết định, vì bố mẹ nghèo, gánh nặng cơm áo đã đè nặng đôi vai, không còn
thời gian để xem con cái mình học hành như thế nào, mà chỉ biết thỉnh thoảng
động viên con cố gắng.
Khi vào Đại học, nhiều người trong
chúng tôi phải vừa đi học, vừa đi gia sư và phải tự quyết định mọi vấn đề
liên quan đến bản thân, rồi ra trường tự phải lăn lộn đủ nghề, có khi làm
trái nghề, khác xa những thứ mình được học để tồn tại.
Đến tận bây giờ, khi quan niệm vào Đại
học vẫn còn nặng nề trong xã hội, thì việc vào Đại học vẫn là “gánh nặng” và
nhiệm vụ quan trọng đối với mỗi thí sinh, gia đình, thậm chí của cả dòng họ.
Chỉ khác là bây giờ điều kiện tốt hơn nhiều, nên việc học của con cái được
gia đình quan tâm hơn. Ngay từ khi con cái còn bé đã được bố mẹ lo cho vào
trường chọn, lớp điểm, rồi chạy đua các lớp học thêm đủ môn… cũng cốt hướng
đến đích cuối cùng là thi đỗ Đại học, cao hơn là vào trường danh giá.
Có lẽ vì thế, nên chuyện chạy trường, chạy lớp, chạy điểm… đã trở
nên phổ biến trong xã hội hiện nay. Và nguy hiểm hơn, không chỉ “chạy điểm” ở
bậc Tiểu học, Trung học cơ sở và THPT, người ta còn “chạy” vào các trường Đại
học. Minh chứng rõ ràng nhất là vụ gian lận điểm thi ở Sơn La, Hòa Bình, Hà
Giang... xảy ra trong thời gian vừa qua làm rúng động dư luận, lại càng lung
lay niềm tin của xã hội vào một môi trường giáo dục “sạch” đã ít nhiều bị hư
hao.
Sau gần một năm trời công an vào cuộc
điều tra, cuối cùng đường dây gian lận điểm thi ở các địa phương trên cũng bị
phanh phui. Một năm với nhiều người, có thể là một khoảng thời gian không
dài, nhưng với những thí sinh là “nạn nhân” trong vụ gian lận thi cử và gia
đình các em, dường như dài vô tận. Bởi đó không chỉ là cả sự đau khổ, tuyệt
vọng và mất lòng tin vào chính bản thân mình khi không biết vì sao mình trượt
đại học, mà còn là sự đau khổ của cha mẹ, thậm chí của cả dòng họ khi danh dự
bị người khác “đánh cắp”.
Trong khi các nạn nhân, gia đình và cả
xã hội vẫn đang chờ một đáp án thỏa đáng trong vụ gian lận thi cử, thì việc
người đại diện cho Sở Giáo dục Đào tạo Hòa Bình lại làm cho người ta thất
vọng. Trả lời phỏng vấn trên báo Tiền Phong, bà Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc
Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình khẳng định đã tiếp nhận danh sách thí sinh được cơ
quan điều tra xác định là điểm thi có sự can thiệp. Tuy nhiên, danh sách này
vẫn được giữ kín, không công bố trước công luận. Vì theo bà Hường không muốn
làm những sinh viên “dởm” phải tổn thương “việc người lớn làm, các em phải
chịu đã là một tổn thất lớn cho các em. Nhưng chúng tôi muốn làm sao để
tâm lý các em không bị đột ngột, không bị xáo trộn”.
Một
xã hội muốn phát triển thì mọi thông tin, phải được công khai, minh bạch. Trong
các cuộc họp Chính phủ và của các Bộ, ban ngành, người đứng đầu Chính phủ cũng
như lãnh đạo các Bộ, ngành đã nhiều lần chỉ đạo phải công khai mình bạch thông
tin trong mọi khâu, mọi hoạt động. Vì vậy, không có lý gì một vụ việc rúng động
mà dự luận trong cả năm trời chờ đợi câu trả lời cuối cùng thì lại chưa đi
đến kết luận thỏa đáng. Trước mỗi sự việc, nếu chúng ta không dũng cảm nhìn
thẳng, nhìn đúng bản chất thì khó có thể biết rõ được nó sai ở khâu nào, cấp
nào để có giải pháp khắc phục.
Còn
nếu sợ gia đình và các sinh viên “dởm” bị tổn thương, thì đây là lo lắng thái
quá. Vì khi làm những việc này, gia đình các em đã bỏ qua danh dự, bỏ qua lòng
tự trọng, thậm chí bỏ qua dư luận xã hội, chà đạp lên sự đau khổ, tuyệt vọng
của những gia đình và thí sinh “nạn nhân” của việc gian lận thi cử để dùng tiền
mua điểm, bằng mọi giá để con em mình cướp đi cơ hội của người khác.
Với
những sinh viên “dởm”, họ đều đã qua tuổi 18 và đều đã có trách nhiệm về hành
vi của mình trước pháp luật. Hơn nữa, họ cũng đã đủ chín chắn để xem xét những
việc mình làm, nhất là những việc liên quan đến học hành, thi cử. Từ bé họ cũng
đã được dạy về bài học làm người, về lòng trung thực, nên việc họ đồng lõa với
bố mẹ, gia đình để mua điểm, chạy điểm cũng đồng nghĩa với việc họ bất chấp tự
trọng, bất chấp hậu quả. Không có lý gì một học sinh từ điểm liệt, thậm chí
dưới điểm liệt được nâng lên cả chục điểm, cá biệt có trường hợp được nâng hơn
26 điểm, lại không biết sức học của mình đến đâu, vào Đại học bằng con đường
nào?
Gần
1 năm trời cũng là khoảng thời gian đủ dài để cho những sinh viên “dởm”
suy nghĩ, áy náy về việc mình ngồi nhầm ghế giảng đường, cướp đi cơ hội của
nhiều thí sinh có năng lực thực sự. Nếu có tự trọng, những em này đã không nhập
học, hoặc tự mình rút khỏi giảng đường chứ không phải đợi đến bây giờ, khi mọi
chuyện vỡ lỡ, trắng đen rõ ràng nhưng chưa mảy may thấy một ai xin "bỏ
cuộc".
Vì
thế, nếu có lo lắng, nên dành cho những “nạn nhân” và gia đình của họ trong vụ
gian lận thi cử. Bởi dù có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa, cũng không đủ để xin
lỗi, bù đắp cho họ những tổn thương tinh thần to lớn trong suốt thời gian vừa
qua.
Mà thực sự nên thế, dẫu muộn vẫn hơn không./.
Minh Hòa/VOV.VN
|
Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét