Ngân
hàng đồng loạt tăng phí: Siết tài khoản, chặn khách thu tiền
Cập nhật lúc 15:21
Nhiều khách hàng lo ngại, sắp có đợt tăng phí rút tiền nội mạng
lên mức 1.650 đồng/giao dịch, nhiều loại phí ngân hàng khác cũng ngày càng
tăng. Việc cải thiện tỷ trọng thu từ dịch vụ đang được nhiều ngân hàng tính
đến, bởi đây được xem là nguồn thu bền vững, ít rủi ro hơn so với hoạt động
tín dụng.
Khách hàng lo ngại
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn (Agribank) vừa thông báo, từ 12/5 sẽ tăng phí rút tiền nội mạng qua ATM, mức 1.000 đồng lên 1.500
đồng/giao dịch. Nếu tính cả thuế Giá trị gia tăng 10%, chủ thẻ sẽ phải trả
1.650 đồng cho mỗi lần rút tiền. Ngoài phí rút tiền nội mạng, Agribank cũng
tăng phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ATM và phí chuyển khoản
liên ngân hàng tại ứng dụng E-Mobile Banking lên mức 0,05% số tiền
giao dịch.
Vietcombank
cũng vừa thông báo tăng phí rút tiền ATM nội mạng thêm 500 đồng, lên mức
1.650 đồng/giao dịch (sau thuế), ngang với mức tăng của Agribank.
Vietinbank đưa
ra hai mức phí rút tiền tại ATM của chính ngân hàng áp dụng cho các dòng thẻ
khác nhau. Cụ thể, Thẻ Gold, Pink-Card chịu mức phí là 2.200 đồng/giao dịch
(sau thuế), với dòng thẻ C-Card, S-Card mức phí là 1.650 đồng/giao dịch (sau
thuế).
Trong khi đó, BIDV - ngân hàng còn sót lại
của nhóm Big 4 có gốc nhà nước, vẫn chưa thông báo biểu phí rút tiền ATM mới.
Như vậy, đã có ba ngân hàng lớn nhất
tăng phí rút tiền nội mạng sau 5 năm "đứng yên", kéo theo khoảng
38,73 triệu chủ thẻ, tương đương hơn 50% số người dùng sẽ phải trả thêm phí
khi rút tiền tại ATM của chính ngân hàng phát hành thẻ.
Trước đó, tháng
3/2018, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã điều chỉnh một số
loại phí, như nâng mức phí SMS Banking từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng/tháng,
mức phí chuyển khoản nội mạng với số tiền trên 50 triệu đồng sẽ là 5.500
đồng/lần, thu phí quản lý tài khoản thanh toán mức 2.200 đồng/tháng...
Ngân hàng TMCP
Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng thu phí chuyển khoản nhanh qua tài
khoản hoặc thẻ khác hệ thống và khác địa phương là 0,05% số tiền. Ngân hàng
Đông Á áp dụng phí chuyển khoản qua Internet Banking khác hệ thống là 11.000
đồng/giao dịch, cùng hệ thống nhưng khác tỉnh là 5.500 đồng/giao dịch. Cùng
với đó, một số ngân hàng khác cũng bắt đầu thu phí nhiều dịch vụ trước đây
vẫn được miễn.
Đại diện của
Agribank giải thích, việc tăng phí từ ngày 12/5 chỉ là điều chỉnh nhỏ, để bù
đắp vào việc đầu tư lớn cho hệ thống ATM và các dịch vụ, chứ không nhằm mục
đích kinh doanh.
Nhiều ngân hàng
cũng cho biết, muốn tăng phí ATM từ lâu, nhưng chưa dám vì còn lo ngại phản
ứng từ khách hàng. Với phí rút tiền qua ATM, Ngân hàng Nhà nước quy định mức
trần là 3.300 đồng/giao dịch, nhưng thời gian qua các ngân hàng chỉ áp
dụng mức này với rút tiền ngoại mạng, còn nội mạng, tất cả vẫn duy trì mức
phí có cả thuế Giá trị gia tăng là 1.100 đồng/giao dịch. Nếu tính đầy đủ, thì
không bù đắp được chi phí.
Nhiều khách
hàng lo ngại sau khi Agribank tiên phong, một loạt các ngân hàng khác sẽ làm
theo, tăng phí rút tiền nội mạng lên mức 1.650 đồng/giao dịch. Rất nhiều
người sử dụng thẻ ATM để rút tiền cho hay, họ không có sự lựa chọn nào khác,
bởi quy định trả lương qua tài khoản. Trong đó, những người có thu nhập thấp
phải chịu thiệt thòi nhất.
Nhiều lao động
tại các khu công nghiệp, cả tháng chỉ được trả lương 4-5 triệu đồng. Số tiền
đó thường được dùng để chi tiêu hàng ngày. Nhận lương qua thẻ ATM, tự nhiên
họ phải để lại số dư tối thiểu 50.000 đồng trong tài khoản và phải gánh các
loại phí rút tiền, phí duy trì tài khoản, phí chuyển tiền, phí SMS... Nếu các
loại phí này tăng lên thì họ lại chịu thêm thiệt thòi.
Theo chuyên gia ngân hàng Phạm Nam Kim, nếu căn cứ trên
thu nhập đầu người giữa Việt Nam và EU, có thể thấy các ngân hàng
Việt Nam thu phí dịch vụ cao hơn gấp nhiều lần. Thông thường các ngân
hàng EU không thu phí chuyển tiền trong cùng hệ thống, phí truy vấn tài
khoản, miễn phí duy trì tài khoản thanh toán...
Tuy ngân hàng bỏ ra một kinh phí khá
lớn đầu tư cho hệ thống ATM, song cũng được hưởng lợi lớn từ nguồn vốn lãi
suất không kỳ hạn giá rẻ mà khách hàng để trong tài khoản. Với số tiền gửi
không kỳ hạn này, ngân hàng đem cho vay với lãi suất thấp nhất khoảng
5-6%/năm là cũng đã lãi to. Vì thế, ngân hàng có thể dư sức bù đắp cho các
khoản miễn phí từ phí dịch vụ với khách hàng, ông
Kim cho biết.
Phí còn tăng
Các chuyên gia
tài chính ngân hàng cho rằng, trung bình doanh thu từ dịch vụ của các ngân
hàng thế giới chiếm từ 30-40% trong tổng doanh thu của ngân hàng. Nhưng ở
Việt Nam, rất ít ngân hàng đạt được con số đó. Vì vậy, việc cải thiện tỷ
trọng thu từ dịch vụ đang được nhiều ngân hàng đặt ra, bởi đây được xem là
nguồn thu bền vững và ít rủi ro hơn so với hoạt động tín dụng. Thời gian qua
các ngân hàng đều hướng nguồn thu sang dịch vụ. Chuyển thu nhập từ tín dụng
sang phí nên nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng các loại phí liên quan đến
thẻ, ATM, ngân hàng điện tử...
Theo báo cáo
của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ trọng nguồn thu từ dịch
vụ của các ngân hàng thương mại ngày càng tăng. Năm 2017, thu nhập thuần từ
hoạt động dịch vụ của các ngân hàng thương mại tăng 34,7% so với cùng kỳ năm
trước. Tại Vietcombank, năm 2017, thu nhập ngoài tín dụng của Ngân hàng
chiếm 25,6% tổng thu nhập.
Nguyên tổng
giám đốc một ngân hàng lớn thừa nhận, việc phát triển dịch vụ thẻ mang lại
nguồn lợi khá tốt cho các ngân hàng. Chỉ tính riêng với dịch vụ SMS banking,
chủ thẻ mỗi tháng phải trả 10.000 đồng, nếu ngân hàng có lượng khách hàng lên
1 triệu thẻ, thì mỗi tháng sẽ thu về 10 tỷ đồng, một năm là 120 tỷ đồng.
Năm 2018, cùng
với kế hoạch lợi nhuận khủng, nhiều ngân hàng cũng nâng cao chỉ tiêu doanh
thu từ dịch vụ. Phí thì tăng nhưng hầu hết các ý kiến đều cho rằng chất
lượng dịch vụ của các ngân hàng hiện không theo kịp. Chẳng hạn, tình trạng
máy ATM hết tiền, gặp trục trặc, tạm dừng hoạt động thường xuyên xảy ra.
Việc tăng phí
hay đặt ra các loại phí tùy tiện, sẽ gây bất lợi cho các chủ tài khoản. Điều
đáng lo ngại là khi các ngân hàng đều tăng phí thì khách hàng vẫn phải chấp
nhận, vì không có lựa chọn khác.
(Theo VietNamNet) Trần Thủy
|
Thứ Tư, 9 tháng 5, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét