ĐẾN TẬN CÙNG LỊCH SỬ.
Cập nhật lúc 15:03
Thưa các Bác, các Anh, các Chị !
Sau khi đăng bài TẢN MẠN 30-4… trên Fb của tôi có nhiều ý kiến
của các Bác, các Anh, các Chị bày tỏ về một sự kiện được coi là vẻ vang nhất
trong lịch sử dân tộc, đặc biệt có vài ba ý kiến tham gia không mấy thiện
chí, thậm chí xúc phạm đến những nhân vật đã đi vào lịch sử. Ngay sau đó, tôi
nhận được tư liệu của một Đại tá ở Học viện Quân sự gửi cho liên quan đến sự
kiện ngày 30 tháng 4. Để rộng đường dư luận, làm sáng tỏ thêm những sự kiện
lịch sử, tôi xin phép đăng lại tư liệu này (bài viết và ảnh của nhà báo Đại
tá Đào Văn Sử, báo QĐND, đăng trên Fb cá nhân đề ngày 28-4-2017) để mọi người
cùng suy ngẫm
------------------------------------
NHẮC LẠI SỰ KIỆN LỊCH SỬ TRƯA 30/4/1975
Thưa các bạn facebook. Mấy hôm nay thấy các bạn thể hiện
sự bất bình, trăn trở trước sự kiện lịch sử trưa ngày 30/4/1975 chưa rõ ràng,
tôi rất trân trọng suy nghĩ của các bạn. Các bạn quan tâm đến lịch sử nước
nhà và muốn có sự công bằng, chính xác của lịch sử. Mỗi người một vị trí xã
hội và hoàn cảnh, điều kiện khác nhau nên nhiều ý kiến nêu ra rất khác nhau.
Điều rất may mắn là các nhân chúng ngày ấy còn khá đầy đủ.
Để giúp các bạn rộng đường suy ngẫm và phán xét, tôi xin
đăng lại bài viết của mình in trên cuốn “ĐẾN TẬN CÙNG LỊCH SỬ” của Đào Văn Sử
xuất bản năm 2012. Nội dung này tôi đã viết vài lần ở những góc độ khác nhau
trên báo Quân đội nhân dân.
Đại tá, nhà báo Đào Văn Sử
AI ĐƯA DƯƠNG
VĂN MINH ĐI TUYÊN BỐ ĐẦU HÀNG ?
Có đồng nghiệp chỉ trích tôi: Lỗi lớn nhất của ông là đưa
anh Phạm Xuân Thệ lên báo, khiến làng báo tốn bao nhiêu giấy mực, chẳng đi
đến đâu, chỉ thêm rắc rối! Để có được sự kiện Dương Văn Minh - Tổng thống
chính quyền sài Gòn- tuyên bố đầu hàng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất
đất nước là trí tuệ tập thể, là sức mạnh đoàn kết dân tộc, là xương máu của
biết bao thế hệ người Việt Nam, chứ đâu phải của cá nhân nào? Ai may mắn có
mặt ở thời khắc lịch sử, chỉ là may mắn – thời thế tạo anh hùng! Dân tộc ta
phải đổi núi xương, sông máu đồng bào để cho họ đến được Dinh Độc Lập đấy.
Khó ai bẻ được cái lý ấy của đồng nghiệp tôi. Có lẽ còn
nữa những lời trách cứ tương tự như vậy! Nhưng với lương tâm, trách nhiệm của
người làm báo – lại là cử nhân lịch sử - tôi chấp nhận và quyết dấn thân đến
tận cùng sự thật.
Ngày ấy, đầu năm 1985 – đúng 10 năm sau ngày Sài Gòn giải
phóng, tôi về công tác tại Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 (còn gọi là Đoàn Vinh Quang,
Binh đoàn Hương Giang). Trong đêm yên tĩnh tại doanh trại sư đoàn, tôi cùng
anh Phạm Xuân Thệ tâm sự rất khuya. Lúc đó anh Thệ là trung tá, Phó sư đoàn
trưởng. Trong câu chuyện thân tình, chúng tôi cùng nhau ôn lại sự kiện 10 năm
trước.
Anh đã kể hết với tôi về sự thật lịch sử: cùng đồng đội
vào Dinh Độc Lập buộc tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, trưa ngày 30 tháng
4 năm 1975. Kể xong, anh năn nỉ tôi không viết lên báo vì cuốn lịch sử Sư
đòan và Quân đoàn đã viết khác với nội dung ấy. Theo anh thì, nếu nói ra, dễ
bị mọi người coi là tranh công và có thể bị kỷ luật vì can tội nói trái với
sự kiện lịch sử mà Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đòan đã kết luận bằng văn bản!
Với nhãn quan nhà báo, tôi nhận thấy đây là tư liệu hệ trọng nên yêu cầu anh
nhớ thật kỹ, nói đúng sự thật. Anh Thệ đã lấy danh dự người sĩ quan quân đội
và người đảng viên của Đảng để cam kết với tôi rằng anh không thể quên, những
điều anh kể là hòan tòan sự thật. Cuối cùng tôi đã thuyết phục anh, chấp nhận
việc chính thức đưa công khai những chi tiết lịch sử ấy lên báo.
Tôi đã ghi lại chi tiết những sự việc từ hôm đơn vị anh
giải phóng căn cứ Nước Trong, Đồng Nai (27-4-1975) đến khi tiến vào Dinh Độc
Lập. Tư liệu quý nhất, tôi đặc biệt quan tâm, nghe và ghi thận trọng là thời
điểm các anh vào phòng khánh tiết cho tới khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu
hàng:
*
* *
“ - Khi tôi cùng anh em cán bộ trung đoàn 66 bước tới cửa
phòng khánh tiết thì toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn lục tục đứng dậy.
Một người cao lớn, mặt vuông vức, đeo kính trắng, mặc quân phục màu rêu bước
lên. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh liền giới thiệu với tôi:
- “Báo cáo cấp chỉ huy, đây là ông Dương Văn Minh, tổng
thống...”.
Ông chỉ tay vào một người hơi thấp, trán cao, mặc com-lê
đen, giới thiệu:
- “Đây là thủ tướng Vũ Văn Mẫu”. Ông Mẫu khẽ cúi đầu chào
đáp lễ. Dương Văn Minh bước tới, nói thận trọng:
- “Chúng tôi biết Quân giải phóng tiến vào nội đô. Chúng
tôi đang chờ Quân giải phóng vào để bàn giao!”.
Nghe tới đó, tôi phản ứng rất tự nhiên, giọng kiên quyết:
- “Các ông đã bị bắt làm tù binh. Các ông phải tuyên bố
đầu hàng vô điều kiện, chứ không có gì để bàn giao!”
Không khí trùng hẳn xuống. Trước thái độ kiên quyết của
tôi, Dương Văn Minh bị bất ngờ, tỏ vẻ lúng túng, cúi đầu xuống. Tôi nói:
- “Các ông phải ra ngay Đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố
đầu hàng!”.
Nghe bên ngòai vẫn còn tiếng súng nổ, binh lính địch đang
cảnh hỗn quân hỗn quan nên Dương Văn Minh lộ rõ sự lo lắng, ngồi xuống ghế thở
dài:
- “Xin cấp chỉ huy cho tuyên bố đầu hàng tại Dinh, ra
ngòai phố lúc này không an tòan!”.
- Sài Gòn đã giải phóng, chúng tôi bảo đảm an tòan cho các
ông!
Nghe tôi nói vậy, Vũ Văn Mẫu trao đổi nhỏ với Dương Văn
Minh rồi đứng dậy nói:
- “Xin tuân lệnh cấp chỉ huy”.
Thực lòng, lúc đó tôi không hiểu về kỹ thuật thu băng của
đài, cứ tưởng phải ra tận đài phát thanh mới tuyên bố được! Chúng tôi yêu cầu
Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu đi theo ra ngòai. Các quan chức chính quyền Sài
Gòn trong phòng nhốn nháo, xôn xao bàn tán...
Khi bước xuống hết bậc cầu thang, Dương Văn Minh chỉ tay
sang bên trái nói với tôi:
- “Mời các ông lên xe!”.
Tôi nói:
-“Chúng tôi đã có xe!”.
Dương Văn Minh đành theo chúng tôi lên xe Zeep. Tôi và
Dương Văn Minh ngồi ghế trên. Phía sau là Vũ Văn Mẫu và các anh Phùng Bá Đam,
Đinh Thái Quang... Xe chúng tôi chuyển bánh cũng là lúc xe tăng và các loại
xe khác chở bộ đội ta từ các hướng đã dồn về khu vực trước cổng Dinh Độc Lập.
Đến Đài phát thanh, các đồng chí Trương Quang Siều, tiểu đoàn trưởng và Hoàng
Trọng Tình, chính trị viên tiểu đoàn 8 ( Sau này là Thiếu tướng, Phó Chính ủy
Quân khu 4), vui mừng chạy ra đón chúng tôi. Siều báo cáo tôi:
- “Tiểu đoàn 8 đã hòan thành nhiệm vụ, chiếm được Đài phát
thanh Sài Gòn!”.
Ngay sau đó các anh cùng chúng tôi dẫn Dương Văn Minh lên
tầng 2 vào phòng thu. Các nhân viên của đài đã bỏ chạy. Đồng chí Tình yêu cầu
người bảo vệ đài đi tìm nhân viên đến làm việc. Trong lúc chờ đợi, tôi tranh
thủ trao đổi với các đồng chí đi cùng về nội dung bản tuyên bố đầu hàng của
Dương Văn Minh. Ngay sau đó một đồng chí bộ đội dáng người cao lớn, đội mũ
cứng bước vào hỏi chúng tôi:
- “Các anh ở đâu, đơn vị nào?”.
Tôi trả lời:
- “Tôi là Đại úy Phạm Xuân Thệ, Phó đòan Đông Sơn!” (Đông
Sơn là biệt danh của trung đòan bộ binh 66).
Đồng chí đó tự giới thiệu: - “Tôi là Bùi Tùng, trung tá,
chính ủy lữ đòan xe tăng 203. Tôi tưởng các anh là người của Quân đoàn nên
tôi không tham gia. Tôi vào Dinh, biết Dương Văn Minh đã ra Đài phát thanh nên
tôi đến đây luôn!”.
Tôi nói:
- “May quá, bây giờ chúng ta cùng làm…”
Thế là anh Tùng cùng chúng tôi thảo tiếp nội dung lời tuyên
bố đầu hàng để Dương Văn Minh đọc. Vì tôi viết khó xem, ông Minh loay hoay đọc
mãi không xuôi. Ông nói:
- “Cấp chỉ huy đọc lại cho tôi chép”.
Đồng chí Đinh Thái Quang (trợ lý câu lạc bộ) đưa giấy bút
cho ông Minh chép. Khi tôi đọc đến từ “tổng thống”, ông Minh dừng lại đề nghị:
- “Chỉ nên nói là đại tướng thôi, chức tổng thống tôi mới
nhận từ ông Trần Văn Hương...”.
Anh Tùng và chúng tôi không đồng ý. Anh Tùng nói:
- “Không được. Dù anh làm một ngày, một giờ cũng phải chịu
trách nhiệm...”.
Dương Văn Minh đành chấp nhận, tiếp tục viết. Viết xong,
tôi cầm lên xem lại rồi đưa cho anh Tùng xem. Đến khi đồng chí Quang mở máy
ghi âm để thu thì cuộn băng bị rối. Đồng chí Phùng Bá Đam tìm được một chiếc
cặp có một số băng ghi âm đưa cho Quang. Nhưng ngay lúc đó một nhà báo người
Đức đưa máy ghi âm ra cho chúng tôi mượn; rồi ông tự lắp băng, mở máy thu lời
đầu hàng của Dương Văn Minh. Tôi nói:
- “ Đề nghị anh Tùng chức vụ cao nhất ở đây thay mặt Quân
giải phóng chấp nhận lời tuyên bố đầu hàng.
Anh Tùng lấy bút ra viết nháp rồi đọc dõng dạc:
- “Tôi, Bùi Tùng, đại diện lực lượng Quân giải phóng miền
Nam Việt Nam long trọng tuyên bố, Thành phố Sài Gòn đã được hoàn toàn giải phóng.
Chúng tôi chấp nhận sự đầu hàng của Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền
Sài Gòn...”
Công việc ghi âm xong thì cũng là lúc đồng chí Tình đã đưa
được các nhân viên Đài phát thanh đến mở máy làm việc, phát đi trên sóng lời
tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh. Lúc đó là 11 giờ 30 phút.
Khi chúng tôi yêu cầu Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng,
nhà báo Đậu Ngọc Đản (phóng viên thông tấn quân sự, sau này là Tổng biên tập Tạp
chí Truyền hình Việt Nam) đã chụp hình. Tấm hình hiện nay còn lưu tại Bảo
tàng Quân đội.
Sau đó, chúng tôi lại đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu đi
xe Zeep về Dinh Độc Lập…”
* * *
Câu chuyện trên được tôi ghi lại ngắn gọn, đăng báo Quân
đội nhân dân năm 1985. Ngay sau khi bài đăng trên báo, đại diện lãnh đạo Quân
đoàn 2 đã đến Tòa soạn gặp Tổng biên tập phản ứng, yêu cầu đính chính vì bài
viết có nhiều chi tiết sai với cuốn lịch sử Quân đoàn, đồng thời còn kiến
nghị cơ quan cấp trên xử lý phóng viên đưa thông tin sai với tư liệu lịch sử!
Lúc đó đồng chí Thiếu tướng Trần Công Mân, Tổng biên tập
nói với tôi: - “Mình tin ở lời cam kết của cậu. Mình cũng thấy các sự việc
xảy ra hợp lý, có sức thuyết phục. Nhưng nếu cấp trên điều tra, xác định bài
viết sai là cậu bị kỷ luật đấy!”.
Rất may, sau đó một thời gian Ban Bí thư Trung ương cho cơ
quan điều tra, khẳng định bài viết đúng. Tiếp theo, cấp trên điều trung tá
Phạm Xuân Thệ (lúc đó đang là khối trưởng luyện tập duyệt binh ở sân bay Hòa
Lạc) về bổ sung vào đoàn đại biểu Việt Nam dự cuộc liên hoan Festival Thanh
niên Việt-Xô tại Mátxcơva. Thế là năm ấy đòan đại biểu thanh niên Việt Nam ta
có hai đại biểu danh dự là chị Võ Thị Thắng và anh Phạm Xuân Thệ.
Hiện nay anh Phạm Xuân Thệ là Trung tướng, nguyên Tư lệnh
Quân khu 1. Tuy vụ kiện của lãnh đạo Quân đoàn 2 đối với tôi đã kết thúc, các
cơ quan chức năng cấp trên đã thừa nhận sự thật lịch sử, song đến nay vẫn còn
một số cơ quan báo chí trong và ngoài nước sử dụng tư liệu cũ, nêu nhiều chi
tiết khác nhau xung quanh sự việc Dương Văn Minh đầu hàng.
Sáng 19-10- 2005, tại TP Hồ Chí Minh, thực hiện chỉ đạo
của Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đã tổ
chức toạ đàm khoa học về sự kiện đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975.
Đại tá, tiến sĩ Phạm Văn Thạch, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đã đánh giá cao ý nghĩa lịch sử của sự kiện đánh chiếm Dinh Độc Lập và khơi gợi các nhân chứng lịch sử và các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử, khoa học quân sự nêu cao trách nhiệm trước lịch sử. cung cấp những thông tin chân thực, cần thiết. Hội thảo có khá đông các nhân chứng lịch sử: Trung tướng Phạm Xuân Thệ, Tư lệnh Quân khu I, nguyên Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2; Đại tá Bùi Văn Tùng, nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203; Đại tá Bùi Quang Thận, nguyên đại đội trưởng xe tăng thuộc Lữ đoàn 203; Đại tá Phùng Bá Đam, nguyên trưởng ban cán bộ Trung đoàn 66 (từ Hà Nội vào); đại diện cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị; ông Hà Huy Đỉnh, nguyên chủ bút thời báo Kinh tế Sài Gòn (chế độ cũ)… cùng nhiều nhân chứng, đại biểu khác. Tôi được mời với cương vị là nhà báo viết bài phát hiện ra nhân chứng Phạm Xuân Thệ. Ý kiến của các nhân chứng, đại biểu đã kể lại sự kiện lịch sử và nêu quan điểm, nhận định của mình trước sự kiện lịch sử quan trọng này.
Không khí tọa đàm nóng nhất là cuộc trao đổi ý kiến theo
kiểu đối chất giữa Trung tướng Phạm Xuân Thệ, Đại tá Phùng Bá Đam với đồng
chí Bùi Tùng. Khi đồng chí Bùi Tùng phát biểu đã bộc lộ những chi tiết không hợp
lý, không rõ ràng. Người chất vấn đồng chí Bùi Tùng đầu tiên không phải là
cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 66 mà là một ông già, tuổi khoảng 70, tóc dài,
trắng muốt. Ông tự giới thiệu, tên là Hà Huy Đỉnh - nhà báo của chế độ cũ.
Ông nói nhẹ nhàng nhưng giọng cứng rắn:
- “Tôi xin được hỏi ông Bùi Tùng. Ông ra đài phát thanh
bằng xe gì?
Đồng chí Bùi Tùng lộ rõ sự bất ngờ, không kịp phản ứng,
lặng im nhìn ông Hà Huy Đỉnh. Như biết không có câu trả lời, ông Đỉnh tiếp
luôn:
- “Chính là xe hơi của tôi. Tôi đã cho ông quá giang, đưa
ông đến đài, đến sau ông tướng này. Ông không nên nói sai như vậy!”
Đồng chí Bùi Tùng như đã nhớ ra, cúi đầu xuống bàn, không
tranh luận, gương mặt và thái độ mất hết vẻ tự nhiên. Xin không nhắc lại các
ý kiến khác khá mạnh mẽ của các nhân chứng và đại biểu yêu cầu sự trung thực
với lịch sử. Lúc đó tôi thực lòng thương ông Bùi Tùng. Ông nói đúng nhiều chi
tiết, chỉ sai vài chi tiết nhỏ là do cấp trên trước đó (năm 1975) đã kết
luận, ông phải chấp hành. Tôi tin rằng ông không cố ý tranh giành làm gì
chuyện nhỏ ấy, trong khi ông đã làm những việc lớn với lịch sử.
Kết thúc hội thảo, đồng chí trưởng Ban tổ chức đã kết luận
được nhiều chứng cứ lịch sử sáng rõ. Từ đó, đồng chí Bùi Tùng cũng không phát
biểu về sự kiện này nữa. Nhưng rất tiếc cuối năm 2006, trên Đài truyền hình
TP Hồ Chí Minh (HTV) phát một bộ phim tư liệu, có những lập luận không dựa
trên chứng cứ lịch sử, mà dùng tư liệu gián tiếp, gây nên sự hoài nghi không
đáng có về các sự kiện và nhân chứng lịch sử ngày 30-4-1975. Đã có nhiều
người xem phim cho rằng, thế là có sự tranh công, nhầm lẫn của mấy ông bộ đội
!?
Ngày 12-6-2007, trong buổi làm việc của đoàn cán bộ Tổng
cục Chính trị với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, về bộ phim này, có nhiều đại
biểu có trách nhiệm tham dự: Nhà sử học, PGS, Tiến sĩ Phan Xuân Biên, Thường
vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, nhà báo Huỳnh
Văn Nam, Giám đốc Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh, Thiếu tướng, PGS, TS. Trịnh
Vương Hồng, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Quân sự; Đại tá, TS. Trần Ngọc
Long, Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự và đại diện cục Chính trị Quân
khu 7. Tôi lại được mời với tư cách là nhà báo viết bài phát hiện ra anh Phạm
Xuân Thệ. Có nhiều ý kiến khác nhau giữa những người làm bộ phim này với các
đại biểu quân đội. Đồng chí Phan Xuân Biên gợi ý cho các bên phát biểu làm
sáng tỏ, không kết luận. Bài phân tích của Đại tá, TS. Trần Ngọc Long trên cơ
sở những luận cứ lịch sử khoa học và những nghiên cứu sâu về sự kiện này đã
có sức thuyết phục lớn với các đại biểu dự họp.
Cuối cùng nhà báo Huỳnh Văn Nam, Giám đốc Đài truyền hình
TP Hồ Chí Minh đã phát biểu, nhận rõ sự thật lịch sử. Với thái độ khách quan,
cầu thị, đồng chí nói: Tôi rất tiếc là HTV đã đưa ra chiếu bộ phim này hơi
vội vã. Nếu trước khi đưa công chiếu, chúng tôi tham khảo ý kiến các đồng chí
thì tránh được sự sai lệch này.
Từ đó đến nay HTV đã ngưng không chiếu bộ phim ấy nữa
nhưng vẫn còn những cơ quan báo chí hình như vẫn dựa theo các tư liệu cũ, nói
không đúng sự kiện lịch sử và còn cố tình bình luận, gây hoài nghi, gợi ra
vấn đề cán bộ quân đội ta tranh công, đổ lỗi… Có tờ báo còn trích dẫn ý kiến
nhà báo nước ngoài. Nhưng không biết rằng nhà báo ấy đã hỏi lại tư liệu của
chúng ta rồi đưa vào bài viết của mình.
Lẽ nào các nhà lịch sử Việt Nam hiện đại lại không làm
tròn bổn phận của mình? Lẽ nào trước sự kiện lịch sử quan trọng này, Đảng,
Nhà nước không “đứng ra” kết luận chính thức bằng văn bản để bổ sung vào lịch
sử cách mạng Việt Nam và đưa vào chương trình sách giáo khoa phổ thông ? Lẽ
nào… là một nhà báo, có trách nhiệm với lịch sử, tôi lại bỏ qua, không trăn
trở ?
Giữa tháng 4 - 2010, Trung tướng Phạm Xuân Thệ báo với tôi
tin vui: Nhà nước vừa phong tặng anh danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trong
số những cán bộ, chiến sĩ ta vào Dinh năm ấy, chỉ có anh được vinh dự nhận
phần thưởng cao quý này.Tôi nghĩ đó cũng là một cách Nhà nước thừa nhận vai
trò của anh trong sự kiện lịch sử 35 năm trước. Anh tha thiết mời tôi ra dự
lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng đúng ngày 30-4-2010 tại Sư đoàn 304 - đơn vị
đã sản sinh ra những nhân chứng lịch sử quan trọng tại Dinh Độc Lập.
Theo Facebook Kim Ngân
|
Thứ Ba, 8 tháng 5, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét