Tính thuế xăng dầu sai: Người tiêu
dùng thiệt hại hằng trăm tỷ mỗi tháng
Cập nhật lúc 10:46
Hằng
trăm tỷ đồng mỗi tháng là số tiền các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đang được
hưởng lợi từ chênh lệch thuế nhập khẩu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc
người tiêu dùng đang bị “móc túi” hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng. Vậy trách
nhiệm của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính trong vấn đề này ở đâu?
Bất cập chính
sách thuế
Liên quan đến những bất
cập trong điều hành thuế nhập khẩu giá xăng dầu đang gây chú ý dư luận những
ngày qua, nguồn tin của PVTiền Phong cho biết, ngày 14/3,
Bộ Công Thương có văn bản (số 2146) gửi Bộ Tài chính, Cục Quản lý giá “thúc”
điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm xăng dầu.
Văn bản do Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Võ Văn
Quyền ký nêu rõ: Hiện mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các
nước có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam đã được thực hiện theo
lộ trình cam kết dẫn đến chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt
đối với các sản phẩm xăng dầu nhập từ các nước khác nhau.
Theo ông Quyền, trước văn bản này, ngày 23/2/2016, Bộ Công Thương có
công văn số 1507 gửi Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh chính sách thuế nhập
khẩu đối với xăng dầu, hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở để làm căn cứ
điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Theo đó, cần sớm có giải pháp tài chính tổng thể xử lý hài hòa vệc
giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình đã ký trong các FTA trên cơ sở đảm bảo lợi
ích của nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh, doanh nghiệp sản xuất, doanh
nghiệp xăng dầu và các đối tượng tiêu dùng khác.
Người tiêu
dùng chịu thiệt trong khi ngân sách được tăng thu và doanh nghiệp được hưởng
lợi từ chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu theo các cam kết hội nhập khác
nhau.
Trao đổi với PV Tiền
Phong, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho rằng,
trong năm 2015, với cách tính thuế nhập khẩu cao hơn 100% (Bộ Tài chính áp
mức thuế nhập khẩu 10% với diesel và dầu madút) trong khi cam kết thuế nhập
khẩu từ ASEAN năm 2015, xăng dầu chỉ áp thuế 5%, đã giúp nhiều doanh nghiệp
xăng dầu được hưởng lợi lớn từ cách tính thuế. Còn nếu so với các cam kết
thuế còn 0% khi nhập xăng dầu từ ASEAN áp dụng từ đầu năm 2016 đến nay, ngân
sách tiếp tục thu được mức thuế cao hơn.
Theo mức tính giá dầu diesel 0,05S nhập từ Singapore được liên Bộ Tài
chính-Công Thương áp dụng để tính giá cơ sở vào thời điểm điều chỉnh giá ngày
18/2/2016 (là 43,2 USD/thùng, tức khoảng 6.058 đồng/lít); với lượng nhập ước
tính 400 triệu lít dầu/tháng, doanh nghiệp có thể “thu thêm” tổng cộng hơn
240 tỷ đồng/tháng từ chênh lệch thuế.
Cũng theo các chuyên gia, nếu tính theo giá của năm 2016, với mức giá
vừa công bố tại kỳ điều hành 4/3 vừa qua (là 42,31 USD/thùng), mức thu thuế
nhập khẩu trong giá xăng mà người tiêu dùng phải trả vào khoảng 1.261
đồng/lít. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp nhập xăng từ Hàn Quốc, theo cam kết,
người tiêu dùng sẽ chỉ phải chịu thuế 630,77 đồng/lít và mức giá bán với mặt
hàng xăng sẽ thấp hơn so với mức giá bán hiện tại.
Doanh nghiệp
xăng dầu hưởng lợi lớn
Từ các số liệu trên có thể thấy, trong phần lợi nhuận thu được
năm 2015, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đã được hưởng lợi khá nhiều từ
chênh lệch thuế nhập khẩu hiện nay. Trong số này phải kể đến Tập đoàn Xăng
dầu Việt Nam (Petrolimex). Báo cáo tài chính của tập đoàn này cho thấy, năm
2015 lợi nhuận sau thuế đạt 3.128 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận từ kinh doanh
xăng dầu đạt gần 1.990 tỷ đồng.
Lý giải về phần lợi nhuận cao từ xăng dầu, đại diện Petrolimex cho
rằng, lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu trong năm 2015 có sự tăng trưởng do
các yếu tố: Giảm chi phí tài chính và sản lượng gia tăng, thay đổi phương
thức tính giá mua hàng nhập khẩu phù hợp diễn biến thị trường (chênh lệch
thuế nhập khẩu từ các thị trường khác nhau-PV).
Số liệu từ
cơ quan hải quan cho biết, năm 2015, cả nước tiêu thụ 8,33 triệu tấn dầu
diesel thì trong đó có tới 4,42 triệu tấn nhập từ ASEAN, chiếm 53% tổng sản
lượng dầu tiêu thụ trên thị trường. Còn theo xác nhận của một quan chức Bộ
Công Thương, xăng dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN chiếm 30% tổng lượng
nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam trong năm 2015.
Theo nguồn tin riêng của
PV Tiền Phong, năm 2015, Bộ Tài chính thu được khoảng 35 nghìn tỷ
đồng từ nhập khẩu xăng dầu các loại. Lượng xăng dầu nhập khẩu đã được tính
chung một mức thuế 20% từ các nước. Đến cuối năm, cơ quan Hải quan, Thuế tính
toán lại và cho các doanh nghiệp hoàn khoảng 3.500 tỷ đồng tiền chênh lệch
khi áp thuế nhập khẩu với lượng xăng dầu được doanh nghiệp nhập khẩu theo
form D (xăng dầu nhập khẩu từ ASEAN và những nước có ưu đãi thuế đã ký với
Việt Nam).
Tuy nhiên, đến nay cơ quan quản lý vẫn còn “nợ” nhiều doanh nghiệp
chưa được hoàn hết số tiền chênh lệch này (như Petrolimex, PVOil...). Số tiền
chưa được hoàn lên tới cả trăm tỷ đồng/đơn vị dù các đơn vị này từng có ý kiến
được sớm hoàn thuế.
“Vì sao Bộ Công Thương nhiều lần kiến nghị xem lại mức thuế nhập khẩu
xăng dầu áp ở mức chung 20% (như hiện nay là chưa phù hợp) nhưng Bộ Tài chính
vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng? Có thể họ đang chịu sức ép lớn từ thu
ngân sách. Nếu bây giờ hạ thuế nhập khẩu đồng nghĩa với việc thu ngân sách sẽ
bị giảm. Cùng đó sẽ phải bù thêm phần thuế cho xăng dầu nhập khẩu từ Dung
Quất như cam kết. Với tôi, giảm thuế nhập khẩu xăng dầu hiện nay xuống còn
mức 7%-10% như đề xuất của Dung Quất là hợp lý”, một chuyên gia kinh tế phân
tích.
Vị này cũng cho rằng, với số tiền hoàn thuế như trên, có thể thấy
doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu được hưởng lợi từ chênh lệch nhập khẩu thuế
lớn như thế nào.
Bộ Tài
chính từng từ chối kiến nghị giảm thuế nhập khẩu xăng dầu
Tháng 10/2015, Bộ Tài chính đã có văn bản từ chối kiến nghị của Hiệp
hội Xăng dầu Việt Nam về lộ trình điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc
biệt đối với các mặt hàng xăng dầu. Cụ thể, theo công văn của Bộ Tài chính,
bộ này không điều chỉnh mà sẽ giữ ổn định thuế nhập khẩu xăng dầu cho đến hết
31/12/2015 (tức giữ nguyên thuế với xăng là 20%; dầu diesel, dầu madút, nhiên
liệu bay là 10%; dầu hỏa 13%).
Theo công bố của Bộ Tài chính, từ ngày 1/1/2016, thuế các loại dầu
(gồm diesel, dầu hỏa, madút, nhiên liệu bay) nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam
sẽ về 0%. Bộ này khẳng định, tới thời điểm đó sẽ nghiên cứu để điều chỉnh
thuế nhập khẩu phù hợp với nguyên tắc đúng quy định các văn bản pháp luật
hiện hành, phù hợp diễn biến giá xăng dầu thế giới, đúng nghị định 83 về kinh
doanh xăng dầu.
Trước đó, giữa tháng 8/2015, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam có văn bản
kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các
mặt hàng này nhập khẩu từ các thị trường khác ngoài ASEAN xuống còn một mức
chung 5%, ngoại trừ với dầu madút là 0%. Và thời điểm thực hiện là từ 1/10
tới. Hiện mức thuế đối với dầu diesel là 10%, với dầu hỏa 13%, nhiên liệu bay
10% và dầu madút 10%.
Truy lợi
nhuận 22 đầu mối nhập khẩu xăng dầu
Trước việc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thu được lợi
nhuận lớn từ kinh doanh xăng dầu, trong đó có phần từ chênh lệch thuế nhập
khẩu, Tổng cục Thuế mới đây đã có văn bản gửi các cục thuế địa phương đề nghị
kiểm tra chặt chẽ chi phí, thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp kinh
doanh xăng dầu xuất phát từ phát sinh các khoản chênh lệch về thuế nhập khẩu
hình thành tại 22 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu.
Trong văn bản này, lý do khiến Tổng cục Thuế đưa Petrolimex, Tổng Cty
Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipec),
Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Cty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (SaigonPetro)
cùng các đơn vị khác vào diện kiểm tra là do có chênh lệch thuế xuất nhập
khẩu với mặt hàng ở các biểu thuế khác nhau hiện đang áp dụng.
Siết kiểm
tra xăng dầu nhập khẩu
Tổng
cục Hải quan vừa có công văn yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc
tiếp tục tăng cường kiểm soát tình hình hưởng ưu đãi theo C/O theo các Hiệp
định FTA, trong đó có bổ sung mặt hàng xăng dầu form VK (theo Hiệp định thương
mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc đã ký kết) vào đối tượng kiểm tra. Tổng cục Hải
quan cũng yêu cầu các đơn vị bổ sung vào nội dung báo cáo số liệu hằng tháng
các hoạt động nhập khẩu xăng dầu theo form VK được hưởng thuế suất ưu đãi đặc
biệt theo Thông tư 201/2015/TT-BTC ngày 16/12/2015 của Bộ Tài chính ban hành
Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện Hiệp định Thương
mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc giai đoạn 2015-
2018.
Nguyễn
Hạnh
Tranh công,
đổ tội
PGS.TS
Ngô Trí Long cho rằng, lâu nay chúng ta sử dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi
(MFN) làm thuế tính giá cơ sở, áp dụng chung cho tất cả xăng dầu nhập khẩu.
Vì vậy, phần thuế trong giá xăng dầu bị đẩy lên, kéo theo giá bán lẻ tăng hơn
so với thực tế và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Theo
ông Long, cả Bộ Công Thương và Tài chính đều sai, nhưng sai nặng nhất là Bộ
Công Thương, vì Bộ Tài chính chỉ quản lý về giá nói chung.
Theo
Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu: “Bộ Công Thương chủ trì, phối
hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu. Khi có ý kiến khác nhau, Bộ Công
Thương quyết định và chịu trách nhiệm. Công thì tranh công, tội lại đổ cho
nhau. Cuối cùng, để tình trạng đó kéo dài, gây thiệt hại cho người tiêu
dùng”, ông Long nói.
Do
đó, theo ông Long, ngoài việc thay đổi mức thuế tính giá cơ sở, phần tiền
chênh lệch doanh nghiệp thu được từ chênh lệch cách tính thuế, nhà nước có
thể thu hồi đưa về Quỹ bình ổn xăng dầu để quản lý, sử dụng.
(Theo
Tiền phong) Lê Hữu
Việt
|
Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét