Thủ tướng chỉ đạo điều chỉnh
quy hoạch vùng thủ đô
Cập nhật lúc
17:26
Sáng 3/3/2016, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương
và các địa phương liên quan nghe báo cáo Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng
vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.
Đồ án Quy hoạch
chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.
Từ đó đến nay, các tỉnh
trong vùng Thủ đô đã bước đầu triển khai thực hiện bám sát các định hướng,
chiến lược theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiều dự án có
quy mô lớn trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng kỹ thuật đã bước đầu được
thực hiện không chỉ dừng ở quy mô phục vụ trong tỉnh mà đã nâng lên tầm cỡ
quy mô cấp vùng.
Tuy nhiên, trong thực tế
triển khai còn những tồn tại cần điều chỉnh như việc liên kết chia sẻ các
chức năng vùng còn chưa rõ ràng; các khu công nghiệp tập trung nhiều ở các
cửa ngõ vào Thủ đô Hà Nội; các dự án khu đại học tập trung, các khu đô thị
quy mô lớn… cần được xem xét, đảm bảo phù hợp hơn với thực tiễn phát triển;
công tác phối hợp giữa các tỉnh, thành phố với các bộ, ngành còn nhiều lúng
túng, chưa tạo được sự gắn kết giữa các tỉnh, thành phố trong nội vùng;…
Đồng thời, các định
hướng, chiến lược phát triển mới trong vùng Thủ đô theo các nghị quyết của
Trung ương, các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành
phố trong vùng cần thiết phải được cập nhật trong đồ án điều chỉnh quy hoạch
nhằm đảm bảo tính thời sự phục vụ phát triển vùng. Từ những yêu cầu thay đổi
nên trên, việc lập Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến
năm 2030 và tầm nhìn 2050 là hết sức cần thiết.
Nhiệm vụ điều chỉnh quy
hoạch xây dựng vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết
định số 1758/QĐ-TTg vào cuối năm 2012 với địa giới mới gồm Hà Nội và 09 tỉnh
(Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái
Nguyên và Bắc Giang, tổng diện tích toàn vùng khoảng trên 24.314 km2, dân số
hiện trạng (năm 2012) khoảng 17,6 triệu dân.
Căn cứ vào nhiệm vụ được
duyệt và việc Chính phủ chấp thuận chủ trương lựa chọn tư vấn nước ngoài tham
gia lập quy hoạch, Bộ Xây dựng đã giao cho Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn
Quốc gia và Viện quy hoạch phát triển Vùng Ile de France - IAU (đơn vị lập
quy hoạch vùng Thủ đô Paris-Pháp) phối hợp thực hiện Đồ án này.
Đồ án đã nêu lên 3 mục
tiêu lớn của quy hoạch xây dựng vùng là: Thứ nhất, đáp ứng các yêu cầu phát
triển, công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội có sự
phân công, hợp tác, chia sẻ là liên kết giữa các địa phương trong vùng; đảm
bảo phân bổ nguồn lực quốc gia có hiệu quả; hạn chế những mặt trái của quá
trình đô thị hóa đến môi trường sống, tác động của biến đổi khí hậu nhằm xây
dựng vùng phát triển thịnh vượng và có môi trường bền vững.
Thứ hai là đáp ứng nhu
cầu xây dựng đồng bộ và hiện đại hệ thống mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và xã
hội của vùng, tạo điều kiện cho các đô thị tiếp tục phát huy vai trò là những
hạt nhân tạo động lực thúc đẩy phát triển cho các khu vực xung quanh về kinh
tế, văn hóa-xã hội; phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn.
Thứ ba, làm cơ sở cho
việc lập và điều chỉnh các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng dọc tuyến đường
vành đai, cao tốc liên tỉnh, các vùng, các khu chức năng đặc thù, quy hoạch
chung các đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch chuyên
ngành hạ tầng kỹ thuật; là cơ sở lập dữ liệu phục vụ công tác quản lý, đề
xuất cơ chế chính sách và mô hình quản lý vùng.
Theo Báo cáo của Bộ Xây
dựng tại cuộc họp, cho đến nay Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ
đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đã được lập, thẩm định và trình duyệt
theo đúng quy trình, được nghiên cứu công phu, được tham vấn của tất cả các
cơ quan có liên quan và kính trình Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét và phê
duyệt Đồ án.
Theo Đồ án, tầm nhìn vùng
Thủ đô Hà Nội đến năm 2050 sẽ là vùng đô thị lớn, có chức năng kinh tế tổng
hợp của quốc gia và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là khu vực phát triển
năng động, có chất lượng đô thị cao, môi trường đầu tư thuận lợi, bền vững;
bảo đảm an ninh quốc phòng; Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt, là trung tâm
đầu não chính trị-hành chính, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và
công nghệ, kinh tế và giao dục quốc tế của cả nước.
Tại cuộc họp, ý kiến phát
biểu của lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương cho rằng, Đồ án điều chỉnh Quy
hoạch xây dựng vùng Thủ đô đến 2030, tầm nhìn 2050 (Đồ án) đã được triển khai
theo đúng quy trình, nội dung yêu cầu nghiên cứu. Nội dung Đồ án cơ bản bám
sát, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ
đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại
Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 20/11/2012.
Các ý kiến cũng nhận
định, Đồ án được nghiên cứu cẩn trọng với tinh thần cầu thị, liên tục được
nâng cao chất lượng trong suốt quá trình triển khai lập quy hoạch, từ các
bước khảo sát thực địa, thu thập số liệu, tài liệu;… đến làm việc với các cơ
quan chuyên môn của các bộ, ngành liên quan, tổ chức các cuộc báo cáo, hội
thảo lấy ý kiến đóng góp của các tỉnh/thành, chuyên gia, cơ quan và tổ chức
quốc tế;…
Bên cạnh đó, lãnh đạo các
bộ, ngành, địa phương cũng đã tập trung phân tích, thảo luận, đóng góp nhiều
ý kiến sát đáng vào các nội dung lớn của Đồ án, nhất là về cơ sở nghiên cứu
đề xuất nội dung điều chỉnh; dự báo phát triển; định hướng phát triển không
gian vùng; định hướng quy hoạch giao thông vùng; định hướng quy hoạch hệ
thống hạ tầng kỹ thuật vùng; định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng xã hội
vùng; định hướng cơ cấu kế hoạch sử dụng đất; đánh giá môi trường chiến lược;
an ninh quốc phòng; các cơ chế chính sách để sử dụng hiệu quả tài chính và
nguồn lực đầu tư; các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư, nguồn lực và lộ
trình thực hiện; mô hình quản lý vùng;…
Phát biểu tại Hội nghị,
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đồ án đã đề cập mạnh tới
tính chất liên kết vùng, nhất là liên kết về hạ tầng kinh tế - xã hội
tương đối đồng bộ. Cùng với phát triển hệ thống đô thị và giao thông, nhiều
định hướng quan trọng cũng đã được làm rõ như công nghiệp, nông nghiệp, giáo
dục, y tế, văn hóa- xã hội, môi trường, cấp thoát nước, đào tạo nguồn
nhân lực,… Phó Thủ tướng đề nghị, trong tổ chức thực hiện; cần có sự phân
vai, phối hợp rõ ràng giữa các bộ, ngành, địa phương. Đi liền với liên kết,
thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là phải đảm bảo được vững chắc
an ninh quốc phòng.
Phát biểu kết luận cuộc
họp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, biểu dương
Ban Chỉ đạo quy hoạch và Đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội mà trực tiếp là
Bộ Xây dựng được phân công làm nhiệm vụ chủ trì, xây dựng Đồ án với các nhiệm
vụ cụ thể mà Thủ tướng Chính phủ giao. Thủ tướng Nguyễn nêu rõ vùng Thủ đô đã
có quy hoạch từ năm 2008, tiếp đó có quy hoạch về mở rộng vùng Thủ đô năm
2011. Tuy nhiên từ yêu cầu thực tiễn cần phát triển và qua thực tế có những
vấn đề nảy sinh cần cập nhật và bổ sung cho kịp thời và yêu cầu đặt ra là
phải điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô để phát triển nhanh và bền vững trên
các lĩnh vực, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Trên cơ sở các nội dung
Đồ án đã được xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ban Chỉ đạo quy
hoạch và Đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, các cơ quan liên qua tiếp thu,
hoàn thiện Đồ án để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt. Đồng thời
lưu lý, khi Đồ án đã được phê duyệt, các địa phương trong vùng cần hết sức
quan tâm cập nhật, bổ sung, rà soát quy hoạch của địa phương mình gắn với
những nội dung quy hoạch trong Đồ án cũng như những quy hoạch chi tiết vùng Thủ
đô.
Thủ tướng lưu ý Ban Chỉ
đạo quy hoạch và Đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội cần tiếp tục kiện toàn về
tổ chức; thực hiện tốt hơn nữa chức năng chỉ đạo, điều phối, tham mưu, tư
vấn, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ quy
hoạch, xây dựng và phát triển vùng Thủ đô.
Các địa phương trong vùng
tiếp tục quan tâm phát huy nội lực, tiềm năng lợi thế của mình để phát triển,
nhất là tiềm năng về đất đai, du lịch. Năng động, sáng tạo trong thu
hút các nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn lực đầu tư ngoài xã hội, nguồn lực
đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội,
nâng cao đời sống mọi mặt của người dân.
Đối với Quy hoạch phòng
chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình vừa mới được
phê duyệt; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng Quy hoạch này có tầm ảnh
hưởng đến toàn bộ đến các địa phương trong vùng Thủ đô.
Tuy nhiên, sau khi được
phê duyệt, ý kiến của nhiều chuyên gia, nhiều địa phương cho rằng quy hoạch
này quá an toàn và trong điều kiện đất chật người đông, gây ra sự lãng phí
khi có nhiều bãi ven sông bị bỏ hoang, không được sử dụng; trong khi đó chúng
ta đã trị thủy thành công được sông Hồng, Sông Thái Bình cũng như các sông
liên quan, bảo đảm chống lũ được cho Hà Nội; đảm bảo được giao thông đường
thủy, chống lũ được vào mùa mưa, điều tiết được nước tưới tiêu vào mùa khô
hạn,…
Vì vậy, cần hết sức quân
tâm rà soát, có các giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai ở các khu
vực ven sông; bảo đảm được an toàn đê điều, song cũng phải tận dụng, khai
thác hiệu quả tiềm năng, nguồn lợi từ các vùng đất ven sông, tránh tình trạng
đất đai bị bỏ hoang, lãng phí. Bên cạnh đó, cần quan tâm khôi phục, cải tạo
tất cả hệ thống sông, hồ trong vùng bằng nạo vét, khai thông luồng chảy, kè đắp
để “vừa đảm bảo làm đẹp cảnh quan môi trường, phục vụ phát triển du lịch; đảm
bảo chức năng cấp thoát nước, tưới tiêu; giao thông đường thủy,…”
Một nhiệm vụ lớn tiếp
theo được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập là cần tiếp tục quan tâm huy động
các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội,
nhất là hạ tầng kết nối giao thông đường bộ, đường sắt trong vùng Thủ đô, đảm
bảo cho giao thông thông suốt, tạo thuận lợi cho đi lại và giao thương. Tính
toán kỹ lưỡng, chặt chẽ trong quy hoạch, phát triển, mở rộng các sân bay
trong vùng, đảm bảo hiệu quả kinh tế cũng như vấn đề quốc phòng, an ninh.
Trong quy hoạch về
đô thị, khu công nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cần tính toán kỹ,
cân nhắc kỹ theo nhu cầu của từng tỉnh và cho cả vùng. Quy hoạch phát triển
các khu công nghiệp hiện đại, tập trung; không phát triển các cơ sở công
nghiệp theo kiểu tràn lan, bám mặt đường quốc lộ, tỉnh lộ. Cùng với đó, trong
quy hoạch phát triển y tế, giáo dục cũng phải rõ ràng, không làm tràn lan.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng
lưu ý cần làm tốt công tác quy hoạch nghĩa trang; thực hiện đồng bộ, hiệu quả
công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, giữ gìn cảnh quan, sinh
thái trong vùng.
Theo Pháp luật VN
|
Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét