Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

Cách mới quản lý kỹ nữ Việt: Đà Nẵng đang chờ

Cập nhật lúc 14:41   
(Đời sống) - Các địa phương đang chờ văn bản hướng dẫn từ các cấp để triển khai việc hỗ trợ cho người bán dâm tại trung tâm bảo trợ xã hội.
Ngày 7/3, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, có đặt ra vấn đề xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội xây dựng tiêu chí lựa chọn địa phương thí điểm về xây dựng và vận hành mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm (bổ sung chức năng, nhiệm vụ, đào tạo nhân lực, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất…). Tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ về phương pháp tiếp cận, cung cấp dịch vụ hỗ trợ đối với người bán dâm; lựa chọn các dịch vụ hỗ trợ phù hợp và thử nghiệm việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng hoặc tại các Trung tâm công tác xã hội.
Đà Nẵng: Muốn nhưng chưa có quy định cụ thể
Bà Hệ Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Đà Nẵng cho rằng những quy định hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng trước nay đều không được quan tâm và đề cập đến một cách rõ ràng. Hiện nay, những người làm công tác bảo trợ xã hội như bà Hương chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo trợ và hỗ trợ cho người già neo đơn, trẻ em lang thang cơ nhỡ.
“Chưa có trường hợp gái bán dâm nào được vào trung tâm để chăm sóc, hỗ trợ về sức khỏe, tư vấn nghề nghiệp cả. Phía Trung tâm chúng tôi đang thực hiện theo nghị định 67 quy định chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm bảo trợ xã hội như: bảo trợ và hỗ trợ cho người già neo đơn, trẻ em lang thang cơ nhỡ. Còn những mô hình này mới thì cũng chưa nắm được chủ trương, nhất là việc tiếp nhận các đối tượng hành nghề mại dâm”, bà Hương nhấn mạnh.
Theo bà Hương, Đà Nẵng là một trong những địa phương dành nhiều sự quan tâm cho các đối tượng hành nghề mại dâm. Với việc Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020, bà Hương hi vọng thành phố sẽ có thêm những động lực, những biện pháp hay đưa vào áp dụng thực tế.
“Hiện nay chúng tôi đang chờ chỉ đạo của cấp trên, của Thành phố. Có ý kiến của Sở LĐ-TB-XH hay của Thành phố thì sẽ bổ sung vào chức năng của Trung tâm. Sau đó mới nghiên cứu để triển khai các biện pháp hỗ trợ cũng như nghề nghiệp áp dụng”, bà Hương khẳng định.
Cùng ngày, trao đổi với Đất Việt, Nguyên lãnh đạo Chi cục Phòng chống TNXH Đà Nẵng khẳng định đã biết được chủ trương xây dựng 3 mô hình thí điểm, trong đó có hoạt động hỗ trợ gái mại dâm tại cộng đồng, trung tâm bảo trợ xã hội.
“Mảng tệ nạn xã hội, đặc biệt là vấn đề mại dâm cũng được người dân và lãnh đạo thành phố rất quan tâm. Mới đây, Đà Nẵng đã ra quyết định 1010 đưa các đối tượng này vào danh sách những người phải được bảo vệ khẩn cấp tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Đây là giải pháp căn cơ để đi vào nề nếp cho tất cả định hướng trong công tác phòng chống mại dâm. Đặc biệt với phê duyệt với của Thủ tướng chính phủ và 3 mô hình thí điểm, chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để những quyết tâm của Đà Nẵng trong việc hỗ trợ những người hành nghề mại dâm đạt được kết quả cao”, vị chuyên gia nói.
Cũng theo ông, muốn đạt được hiệu quả trong công tác hỗ trợ sức khỏe, tư vấn nghề nghiệp, các trung tâm bảo trợ xã hội cần phải được đầu tư thêm các trang thiết bị hạ tầng, cũng như cần phối hợp chặt chẽ với các trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp thì mới giúp đỡ được người bán dâm hoàn lương, chuyển đổi nghề nghiệp. 


Các địa phương đều đang chờ văn bản hướng dẫn cũng như chỉ đạo từ các cấp để triển khai việc hỗ trợ cho người bán dâm tại trung tâm bảo trợ xã hội. Ảnh minh họa
 Hà Giang: Không hỗ trợ, gái mại dâm được giải cứu có thể tái phạm
Cùng ngày, trao đổi với Đất Việt, ông  Phạm Ngọc Dũng – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Giang cho biết dù chưa có thông tin cũng như những văn bản hướng dẫn cụ thể nhưng tỉnh Hà Giang sẽ sẵn sàng tham gia.
Theo ông Dũng, trên địa bàn tỉnh ngoài hoạt động của các đối tượng hành nghề mại dâm thì còn xuất hiện tình trạng buôn bán trẻ em, phụ nữ sang Trung Quốc. Những cô gái này sẽ được bán vào chủ chứa để hành nghề mại dâm hoặc bán làm vợ trong các gia đình người Trung Quốc.
Thời gian qua, nhiều trường hợp trẻ em, phụ nữ bị bán sang biên giới đã được giải cứu, đưa trở về địa phương. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một chế độ chính sách hay bất cứ một chế độ nào nhằm hỗ trợ, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng cũng như định hướng nghề nghiệp cả.
“Tình trạng kỳ thị gái hành nghề mại dâm vẫn còn. Địa phương rất muốn giúp đỡ gái bán dâm, để họ không bị mặc cảm, có chế độ chăm sóc, hỗ trợ tốt nhất nhưng quy định không có nên không thể làm được gì cả. Chúng tôi rất mong trong chương trình phòng chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 sẽ đưa thêm những đối tượng đó vào để địa phương có cơ sở thực hiện. Khi đó chúng tôi sẽ huy động thêm các đoàn thể phụ nữ, thanh niên cùng vào cuộc để chung tay giải quyết”, ông Dũng khẳng định.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Giang cho biết thêm, trong thời gian qua, địa phương này cũng đã kiểm tra và xử phạt một số trường hợp gái hoạt động mại dâm.
“Qua quản lý theo dõi của ngành thì mại dâm ở Hà Giang dù có xuất hiện nhưng cũng không nhiều. Tuy nhiên nếu không có chế độ hỗ trợ, cũng như giúp đỡ người hoạt động mại dâm tại cộng đồng, Trung tâm bảo trợ xã hội thì nhiều trường hợp phụ nữ người Việt được giải cứu về nước rất có thể sẽ tái phạm làm nghề. Đây là điều rất đáng lo ngại”, ông Dũng cho biết thêm.
Thái Bình, Quảng Nam: Nghiên cứu để phù hợp với địa phương
Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, bà Nguyễn Thuý Hoàn, Phó Giám đốc Sở LĐ –TB-XH Thái Bình cho biết hiện nay chỉ mới có Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 thôi còn Bộ LĐ-TB-XH chưa có định hướng gì cụ thể.
Theo bà Hoàn, trước kia Thái Bình cũng đã triển khai mạnh mẽ công tác phòng, chống mại dâm. Tuy nhiên những quy định hỗ trợ, tư vấn cho gái mại dâm thì không có. Với chương trình mới được phê duyệt, Thái Bình sẽ nghiên cứu một cách thận trọng để triển khai vào thực tế cho phù hơp.
“Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thái Bình cũng đang chờ xin chỉ đạo của Bộ cho có sự thống nhất. Tất nhiên là chúng tôi sẽ phải nghiên cứu cho nó áp dụng như thế nào để phù hợp với tình hình của địa phương và chúng tôi cũng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch để thực hiện. Tuy nhiên hiện nay chúng tôi cũng chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết nên chúng tôi vẫn đang chờ”, bà Hoàn cho hay.
Dù khẳng định tệ nạn mại dâm không phải là vấn đề bức xúc tại địa phương nhưng ông Nguyễn Thuỳ - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Quảng Nam cho biết sẽ xem xét những quy định một cách nghiêm túc.
“Tôi cũng chỉ mới biết bản phê duyệt chương trình phòng chống mại dâm thôi chứ hướng dẫn cụ thể thì chưa có. Khi có những hướng dẫn chi tiết, chúng tôi sẽ xem xét kỹ, nếu phù hợp với tình hình của địa phương, chúng tôi sẽ tham gia để giải quyết triệt để tình ”, ông Thùy nhấn mạnh.
(Theo Đất Việt) Hà Đông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét