Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

 Đập Cảnh Hồng bé hơn Thủy điện Hoà Bình, lấy đâu nước mà xả?


Cập nhật lúc 15:40                

Với dung tích hồ chứa chỉ bằng 1/10 tổng dung tích hồ chứa nước của Thuỷ điện Hoà Bình (Việt Nam), thuỷ điện Cảnh Hồng (Vân Nam - Trung Quốc) nếu có xả nước thì cũng chẳng thấm tháp gì.
   
Đó là nhận định của GS.TSKH.VS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, chuyên gia về thuỷ điện.
Bằng 1/10 lượng nước hồ Hoà Bình

 dap canh hong be hon thuy dien hoa binh, lay dau nuoc ma xa? hinh anh 1
Thuỷ điện Cảnh Hồng (Vân Nam, Trung Quốc). Ảnh: T.L

Cụ thể, theo GS Long, Thuỷ điện Cảnh Hồng của Trung Quốc có chiều cao thân đập là 108m; chiều dài đập là 704,5m. Tổng dung tích hồ chứa của Thuỷ điện Cảnh Hồng là 1,139 tỷ mét khối nước (trong khi tài liệu của  Wikipedia nói đập Cảnh Hồng chỉ có 249 triệu mét khối nước). Theo tài liệu của Dân Việt có được, năm 2003, Thuỷ điện Cảnh Hồng bắt đầu xây dựng, sau đó tích nước và tới tháng 11.2007, tổ máy đầu tiên đã phát điện lên lưới điện quốc gia của Trung Quốc. Đến ngày 27.5.2009, tất cả các tổ máy của Thuỷ điện Cảnh Hồng hoàn thành và đồng loạt phát điện.
“Nếu so với dung tích hồ chứa của Thuỷ điện Hoà Bình của mình là 9 tỷ mét khối nước thì Thuỷ điện Cảnh Hồng của Trung Quốc chỉ bằng hơn 1/10. Với dung tích hồ chứa của Thuỷ điện Cảnh Hồng chỉ như vậy khó mà có thể xả được lượng nước như chúng ta đề nghị (Việt Nam đề nghị Trung Quốc xả 2.300mnước mỗi giây từ công trình thủy điện Cảnh Hồng. Thời gian xả nước trong 134 ngày, trong đó có 92 ngày xả nước liên tục, 42 ngày xả nước chia làm 6 đợt, mỗi đợt xả 7 ngày - PV). Thậm chí nếu so sánh với lượng xả của các thuỷ điện phía Bắc thuộc EVN cho vụ Đông - Xuân hằng năm của nông dân (hồ Hoà Bình thường xả trên 3 tỷ mét khối) thì đợt xả nước tới đây nếu có từ Thuỷ điện Cảnh Hồng của họ là không thấm tháp gì” - GS Long nói.
“Cách đây mấy năm tôi có sang Lào (cũng là nước hạ du của sông Mekong) và chứng kiến cảnh tượng thật kinh ngạc. Cả con sông Mekong ngày nào còn hùng vĩ, to lớn thế kia mà cả đoàn công tác có thể dễ dàng lách qua các vũng nước nhỏ còn đọng lại giữa lòng sông và sang bên kia bờ một cách dễ dàng. Điều đó cho thấy tác hại to lớn của các đập thuỷ điện thượng nguồn dòng sông ngày gây ra” - GS Long nói.
Chưa xả ngay?
“Rõ ràng cùng với hiện tượng El Nino thì việc các quốc gia phía thượng nguồn đua nhau xây dựng một loạt các đập thuỷ điện trên thượng nguồn đã khiến những nước hạ lưu phải chịu thiệt hại to lớn. Uỷ ban sông Mekong đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo mạnh mẽ, Liên Hợp Quốc cũng có tiếng nói rõ ràng về trách nhiệm của các nước chung dòng Mekong, thế nhưng vì mục đích thuần kinh tế mà có nước vẫn bất chấp, ứng xử thiếu trách nhiệm” - GS Long nói.

dap canh hong be hon thuy dien hoa binh, lay dau nuoc ma xa? hinh anh 2 
GS Trần Đình Long.

Cũng theo GS Long, từ kinh nghiệm của ông hồi còn công tác tại Tổng công ty Điện lực Việt Nam (ông Long từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam - PV) những đập thuỷ điện thượng lưu sông Mekong thường tích giữ nước cho tới mùa mưa - tức cuối tháng 5 hằng năm mới chạy các tổ máy.
“Trên dòng Mekong, Việt Nam không làm một dự án thuỷ điện nào cũng nhằm tính toán đảm bảo nguồn nước cho bà con nông dân. Thế nhưng, với việc các quốc gia khu vực thượng nguồn đua nhau xây đập, chúng ta lại là nước chịu hậu quả nặng nề nhất. Đấy là sự bất công lớn. Việc Trung Quốc nói sẽ xả nước cho hạ lưu chống hạn, xâm nhập mặn là động thái mang tính ngoại giao, hình thức nhiều hơn là thực chất, bởi lượng nước mà họ sẽ xả chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu trước mắt để khắc phục hạn nặng của ta” - GS Long nhìn nhận.
“Tôi cho rằng động thái đồng ý xả nước của Trung Quốc nhằm “giúp” ta chống hạn, xâm nhập mặn mang tính ngoại giao nhiều hơn là thực tế, bởi nó không giải quyết được vấn đề gì lớn cho việc chống hạn và xâm nhập mặn tại hạ du cả” - GS Long nói.
Ngày 15.3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết, từ ngày 15.3 đến 10.4, qua đập thuỷ điện Cảnh Hồng (Vân Nam, Trung Quốc), nước này sẽ xả nước với lưu lượng 2.190m3/giây bổ sung nước cho khu vực hạ lưu sông Mekong.
(Theo Dân Viêt)  Ngọc Thọ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét