Lẽ thịnh suy trong suy nghĩ của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết
Cập
nhật lúc 10:55
GS. Nguyễn
Minh Thuyết bình luận, tham nhũng khó moi ra mà xử lý được, nhất là khi đứng
sau một ông quan nhỏ lại có “ông anh, bà chị” nào đó giữ chức rất to.
Theo kết quả khảo sát của
Tổ chức Minh bạch Thế giới về chỉ số cảm nhận tham nhũng, năm 2015, Việt Nam
đứng ở vị trí 112/168 quốc gia với thang điểm 31/100. Điều đáng tiếc là 4 năm
liên tiếp, Việt Nam không thể cải thiện được điểm số, mặc dù báo cáo của các
cơ quan chức năng thì khẳng định nỗ lực cải cách hành chính đang có kết quả,
chống tham nhũng cũng có những kết quả nhất định.
Báo Điện tử Giáo dục Việt
Nam có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy
ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về đề
tài “nhạy cảm” này.
Báo cáo chống tham nhũng và thực tế khác xa
nhau
Giáo sư có bình luận gì khi Việt Nam 4 năm
liền chỉ được 31/100 điểm?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi không bất ngờ trước thông tin
này. Kết quả khảo sát của Tổ chức Minh bạch Thế giới dựa trên đánh giá của
các tổ chức quốc tế trong những lĩnh vực khác nhau theo 12 tiêu chí rất khách
quan.
Chỉ số cảm nhận tham
nhũng được đánh giá không theo ý kiến của những người dân bình thường, mà qua
doanh nghiệp và các chuyên gia, cho nên có độ tin cậy cao.
Những câu hỏi mà họ đặt
ra cũng rất rõ ràng, rành mạch, ví dụ: Những quy định của pháp luật về kiểm
soát ngân sách nhà nước có rõ ràng, minh bạch không? Kiểm soát chi tiêu của
các tổ chức chính trị thế nào? Thủ tục hành chính còn nhiều hay ít? Những thủ
tục ấy có mức độ công khai thế nào, có nhũng nhiễu trong các thủ tục ấy
không? Có biện pháp nào để bảo vệ những người tố cáo tham nhũng?…
Những câu hỏi được đặt ra
rất chi tiết, và với những câu hỏi như thế này thì đúng là Việt Nam ít có sự
thay đổi, mà minh chứng rõ nhất là kết quả 31/100 điểm kéo dài liên tục 4 năm
liên tiếp.
Và với mức điểm này thì
Việt Nam đứng thứ 6 ở Đông Nam Á, còn nếu xét ở cả khu vực Châu Á - Thái Bình
Dương thì thấp hơn rất nhiều. Điểm số 4 năm liền không có sự thay đổi khiến
cho nhiều người liên tưởng tới câu nói của ông Huỳnh Phong Tranh – Tổng Thanh
tra Chính phủ: “Tham nhũng ở Việt Nam ổn định”.
Các báo cáo của Trung ương luôn khẳng định
quyết tâm chống tham nhũng, báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại kỳ họp Quốc
hội thứ 10 thậm chí còn cho thấy số vụ phát hiện và xử lý tham nhũng đã giảm
đi. Nhưng vì sao người dân lại không thấy yên tâm?
GS.Nguyễn Minh Thuyết: Người dân không yên tâm là vì giữa
báo cáo với thực tế khác xa nhau.
Mới đây, Hà Nội và TP. Hồ
Chí Minh đều công bố không phát hiện tham nhũng. Nhưng chỉ ít ngày sau, cơ
quan điều tra bắt một cán bộ hải quan tại TP. Hồ Chí Minh, khám xét nhà riêng
phát hiện những chiếc phong bì tiền tỷ. Và theo thông tin ban đầu thì cán bộ
hải quan này bị bắt từ thông tin tố cáo của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, họ
đã bị làm khó, bắt chung chi nhiều tiền mới xong được thủ tục.
Chỉ một cán bộ nhỏ như
vậy cũng có thể o ép doanh nghiệp để ẵm những khoản tiền lớn, vậy còn biết
bao vị trí khác thì sao?
Cứ đụng đến thủ tục hành
chính, đụng đến việc làm ở các cơ quan nhà nước là người dân tin rằng họ phải
chi tiền, thậm chí nhiều tiền thì mới xong.
Tham nhũng không chỉ làm
khổ người dân, mà nguy hiểm hơn là còn làm suy yếu đất nước. Tài nguyên rồi
dần dần cạn kiệt, muốn phát triển phải có công nghiệp, có sự đầu tư từ các
nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Với đánh giá về chỉ số cảm nhận tham
nhũng ở Việt Nam như thế này thì hẳn là không có lợi cho việc thu hút các nhà
đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.
Bộ máy cũ, con người và
tư duy đều cũ cho nên chúng ta cứ loay hoay mãi mà không thoát ra được, trong
khi nhiều nước có xuất phát điểm thấp cũng đã bỏ xa chúng ta tới mấy chục năm.
Chúng ta nói thì rất hay,
nào là ở đâu có tham nhũng thì người đứng đầu trách nhiệm, tổ chức ở đó chịu
trách nhiệm. Nhưng thử nhìn lại xem có ai chịu trách nhiệm không?
Tôi lấy ví dụ, một địa
phương vừa công bố không có tham nhũng mà cơ quan điều tra phát hiện ra tham
nhũng thì người ký cái công bố ấy có chịu trách nhiệm không? Người đứng đầu
tại đơn vị có cán bộ tiêu cực có chịu trách nhiệm gì không? Nếu phải chịu
trách nhiệm thì là trách nhiệm gì? Khiển trách, cảnh cáo, cách chức hay cũng chỉ
là rút kinh nghiệm sâu sắc?
Tham nhũng thành dây sẽ rất khó xử lý?
Đảng ta vừa tổ chức thành công Đại hội XII.
Trong 200 ủy viên Trung ương có sự góp mặt của các cấp lãnh đạo từ trung ương
cho tới các bộ, ngành, địa phương… và quả thật sẽ rất đáng tiếc nếu tiếp tục
chống tham nhũng không thành công?
GS.Nguyễn Minh Thuyết: Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội một cách
toàn diện và tuyệt đối bằng đường lối, công tác nhân sự và kiểm tra. Đường
lối đúng mà bố trí nhân sự sai, kiểm tra lỏng lẻo thì không thể chống tham
nhũng được.
Nhân sự lãnh đạo từ cơ sở
đến trung ương đều là đảng viên, thậm chí đại bộ phận là cấp ủy. Trong khi
đó, tham nhũng chỉ rơi vào những người có chức có quyền, tức là vào cán bộ,
đảng viên thôi. Vậy thì chống tham nhũng trước hết là chống những hành vi,
những người thoái hóa trong nội bộ Đảng.
Nghị quyết của Trung ương
thì luôn thể hiện quyết tâm rất cao, nhưng nếu chỉ có quyết tâm bằng văn bản,
bằng lời nói thì mãi mãi không chống được tham nhũng, mà phải cụ thể hóa
quyết tâm ấy thành các biện pháp cụ thể ở các cấp ủy, các bộ ngành và địa
phương.
Tôi có cảm giác là lâu
nay nghị quyết nói thì rất hay nhưng triển khai vào thực tế thiếu biện pháp.
Những vụ tham nhũng đơn lẻ thì có thể phát hiện và xử lý được ngay, nhưng
tham nhũng thành cả dây, nhất là tham nhũng chính sách thì rất khó moi ra mà
xử lý được, nhất là khi đứng sau một ông quan nhỏ lại có “ông anh, bà chị”
nào đó giữ chức rất to.
Điều Giáo sư nói khiến cho nhiều người liên
tưởng tới chuyện kê khai tài sản. Người lãnh đạo trong một cơ quan kê khai
thế nào thì cấp dưới cũng chẳng dám động vào. Và nếu có tố cáo tham nhũng thì
ai sẽ bảo vệ người tố cáo?
GS.Nguyễn Minh Thuyết: Kê khai tài sản ở nước mình rất hình thức.
Người trong diện kê khai chỉ kê khai đại khái, cơ quan chủ quản xác nhận vào
là xong. Đáng lẽ, sau kê khai phải có một cơ quan độc lập xác minh toàn bộ
các thông tin và công khai cho toàn dân biết, chứ tại sao phải đóng dấu mật
vào bản kê khai làm gì.
Mà rất lạ là bản kê khai
tài sản nào cũng có dấu mật, nhưng cứ mỗi lần chuẩn bị sắp xếp nhân sự, trên
mạng lại xuất hiện thông tin về tài sản rất lớn của một số vị lãnh đạo.
Dân khó biết những thông
tin ấy đúng hay sai vì chẳng có lời cải chính hay xác nhận nào về những
trường hợp cụ thể.
Cùng lắm chỉ có một bài
báo nói một cách chung chung rằng gần đây xuất hiện nhiều thông tin bịa đặt
của các thế lực thù địch nhằm bôi nhọ cán bộ, gây mất lòng tin của nhân dân.
Người dân nghi nghi hoặc
hoặc cũng phải, vì có nhìn thấy bản kê khai của ông bà lãnh đạo nào đâu.
Đáng lẽ khi có thông tin
như vậy thì ngay lập tức phải có một cơ quan vào cuộc kiểm tra, nếu thông tin
sai sự thật phải minh oan cho cán bộ đó, còn nếu đúng thì phải xử lý ngay.
Làm được việc đó thì
chính Đảng tự nâng cao uy tín trong lòng quần chúng.
Nói về những tấm gương
chống tham nhũng thì báo chí cũng đã nhận xét rằng, chẳng có tấm gương nào
không bị bầm dập. Và có một câu hỏi dù đã cũ nhưng cho tới nay chưa có lời
giải, đó là: Đấu tranh thì tránh đâu? Ai bảo vệ người chống tham nhũng?
Từ vụ việc mới nhất liên quan tới cán bộ
hải quan ở TP. Hồ Chí Minh bị bắt thì rõ ràng các thủ tục hành chính vẫn đang
là cơ hội kiếm tiền bất chính với nhiều cán bộ nhà nước. Như vậy có thể thấy
rằng thủ tục hành chính vẫn đang có vấn đề, cho nên người thực hiện mới đẻ ra
“giấy phép con” chèn ép doanh nghiệp và người dân?
GS.Nguyễn Minh Thuyết: Thủ tục hành chính đang là một rào
cản rất lớn, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Cho dù thời gian gần đây
Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để giảm bớt phiền hà, nhưng trên thực tế các cơ
quan nhà nước vẫn đang giữ quá nhiều quyền xin-cho, từ đó nảy sinh ra tiêu
cực.
Luật pháp là do con người
định ra để phục vụ đời sống của người dân, nhưng trong một số trường hợp thì
những người thi hành lại bóp méo các quy định để gây khó khăn, tìm cách chèn
ép để buộc người dân, doanh nghiệp phải chung chi.
Tôi lấy ví dụ nhiều doanh
nghiệp đã từng than phiền rằng thủ tục nộp thuế rất khó. Tại sao lại như vậy,
trong khi ngân sách nhà nước cần thuế? Bởi vì thủ tục rất nhiêu khê, mang
tiền đi nộp phải vượt qua hàng đống thủ tục, giấy tờ lằng nhằng, mà đến hạn
chưa hoàn thành thì sẽ bị phạt. Muốn thoát phạt thì phải chạy.
Tham nhũng là một vấn nạn
của cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam, chỉ có điều mức độ và khả năng
cải thiện thì khác nhau. Theo kinh nghiệm của một số quốc gia đã chống tham
nhũng thành công thì họ làm tới mức mà công chức, viên chức không cần tham
nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng.
Như Singapore chẳng hạn,
mức lương của công chức, viên chức nhà nước quá đủ để họ sống đàng hoàng,
nuôi được gia đình, và họ phải làm tốt chức trách của mình; nếu ai bị phát
hiện tham nhũng thì sẽ mất tất cả, cho nên người ta không dại gì mà tham
nhũng.
Tôi hy vọng rằng sau Đại
hội Đảng XII này, lãnh đạo sẽ thể hiện rõ được quyết tâm chống tham nhũng,
chứ không thể để nhu nhơ mãi thế này khiến người dân ngày càng mất niềm tin.
Nhìn lại lịch sử của dân
tộc, trải qua các thời kỳ Đinh, Lý, Trần, Lê… có hưng thịnh rồi cũng đến lúc
suy vong. Tại sao lại suy vong? Câu hỏi ấy đã có lời giải và nó chính là bài
học cho các nhà lãnh đạo ngày nay.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
(Theo
Giáo dục VN) Ngọc
Quang thực hiện
|
Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét