Biến tướng thu hồi vốn nhà nước trong đề án thành lập hãng hàng không
mới
Cập nhật lúc 14:47
Nhận định trước đề xuất tách VASCO thành công ty riêng, PGS.TS Phạm
Quý Thọ cho rằng, đây là biến tướng của việc thu hồi vốn nhà nước.
Đề xuất lạ
Mới đây, Tổng công ty
hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) có tờ trình Bộ Giao thông vận
tải xin phê duyệt việc góp vốn, thành lập hãng hàng không mới theo mô hình
công ty cổ phần trên cơ sở sắp xếp lại Công ty VASCO - một đơn vị của Vietnam
Airlines hiện nay.
VASCO có tên đầy đủ là
Công ty dịch vụ bay hàng không, hiện đã là đơn vị khai thác dịch vụ hàng
không được Cục Hàng không Việt Nam cấp chứng chỉ khai thác tàu bay (AOC).
Trong báo cáo gửi Bộ Giao
thông vận tải, Vietnam Airlines cho biết, tại Đại hội cổ đông lần thứ
nhất, Vietnam Airlines đã thông qua chủ trương thành lập Công ty TNHH
Một thành viên Bay dịch vụ hàng không.
Nói cách khác, Đại hội cổ
đông của Vietnam Airlines đưa ra chủ trương thành lập một hãng hàng không mới
dưới dạng Công ty TNHH một thành viên, tách biệt độc lập với Vietnam
Airlines.
Cũng theo Vietnam
Airlines, khi hoàn thiện đề án thành lập công ty TNHH một thành viên, Vietnam
Airlines nhận được đề nghị của một ngân hàng tham gia góp vốn để trở thành cổ
đông của VASCO.
Vietnam Airlines đã tiếp
nhận đề nghị này để định hướng thành lập một công ty mới theo mô hình công ty
cổ phần thay cho kế hoạch chuyển đổi thành Công ty TNHH trước đó, dự kiến có
tên gọi là Công ty cổ phần hàng không VASCO.
Theo đó, việc tổ chức
thành công ty cổ phần sẽ giúp VASCO có khả năng huy động vốn cao hơn thông
qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra thị trường và cách thức quản trị
một doanh nghiệp theo mô hình công ty cổ phần sẽ chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Sẽ không có gì đáng nói
nếu như, hãng hàng không mới được thành lập dưới dạng công ty cổ phần mà
thương hiệu, tài sản của doanh nghiệp cổ phần được định giá và bán công khai
minh bạch.
Tuy nhiên, thực tế phương
án cho ra đời một hàng hàng không mới dưới hình thức công ty cổ phần dường
như đã được lên kế hoạch từ trước.
Bởi lẽ, trong tờ trình Bộ
Giao thông vận tải, Vietnam Airlines cho biết, quy mô vốn điều lệ của Công ty
cổ phần này tối thiểu sẽ là 300 tỉ đồng. Trong đó, Vietnam Airlines góp 51%.
Công ty TNHH một thành viên quản lý quỹ kỹ thương (Techcom Capital) góp 48%
và Công ty cổ phần dự án Techcomdeveloper góp 1%.
Vietnam Airlines góp vốn bằng các tài sản
hiện có do VASCO đang quản lý (tính ra giá trị khoảng 153 tỉ đồng) gồm
5 máy bay ATR 72 hiện đang khai thác các đường bay đi Côn Đảo, Điện Biên, Cà
Mau, Kiên Giang,... kho phụ tùng vật tư, động cơ dự phòng.
Hai cổ đông còn lại góp vốn bằng tiền (tương
ứng 147 tỷ đồng).
Nếu phương án đề xuất
được chấp thuận, Công ty cổ phần hàng không VASCO sẽ đi vào hoạt động từ quý
2/2016 với phương án kinh doanh dựa trên 5 tàu bay sẵn có, với số giờ bay
trung bình cho cả 5 tàu bay đến 4 điểm bay nói trên cỡ khoảng 187 giờ
bay/tàu/tháng.
Nói phương án tách VASCO
thành hãng hàng không mới là “kịch bản có sẵn” bởi ngay trong tờ trình
Vietnam Airlines đã đưa ra phương thức góp vốn, trong đó Vietnam Airlines nắm
giữ 51% cổ phần, hai đối tác còn lại nắm giữ 49%.
Biến tướng của việc thu hồi vốn nhà nước
Cho dù theo đề án trình
Bộ Giao thông vận tải, Vietnam Airlines ghi là thành lập “hãng hàng
không mới” nhưng điều này, theo các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý doanh
nghiệp, dẫu với mô hình mới, đội bay mới thì VASCO cơ bản, vẫn cứ là… VASCO,
chỉ thêm cổ đông góp vốn và đây bản chất là cổ phần hóa Công ty TNHH.
PGS.TS Phạm Quý Thọ -
chuyên gia chính sách công đánh giá: Đề xuất trên của Vietnam Airlines thể
hiện cổ phần có tính chất nhà nước.
“Thực ra nó là một cái
biến tướng của độc quyền về sở hữu”, PGS.TS Phạm Quý Thọ thẳng thắn.
Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ,
lịch sử hình thành của VASCO là những doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ hàng
không nằm trong Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
“Với quá trình phát triển
cùng những yêu cầu và đòi hỏi về đổi mới, cải cách thể chế trong đó có cổ
phần hóa, doanh nghiệp bắt đầu tìm cách lách luật. Chủ trương tách ra cổ phần
hóa là tốt nhưng cách làm thì dường như doanh nghiệp đang tìm mọi kẽ hở để
lách luật và vụ lợi”, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết.
Theo vị chuyên gia này, nguyên
tắc cổ phần hóa công ty, doanh nghiệp vốn nhà nước thường phải công khai minh
bạch chào bán cổ phần. Việc minh bạch sẽ không ảnh hưởng đến thất thoát tài
sản của nhà nước.
“Về hình thức, doanh
nghiệp vẫn làm đúng luật, giả sử họ lách luật nhưng pháp luật không quy định
hoặc thiếu chặt chẽ rất khó để “bắt lỗi”. Việc tách ra thành lập hãng hàng
không mới chỉ là hình thức, trên danh nghĩa là chuyển đổi hình thức doanh
nghiệp. Vietnam Airlines không dại gì cho thành lập một hãng hàng không mới
cạnh tranh với chính nó”, PGS.TS Phạm Quý Thọ kết luận.
Thị trường hàng không
Việt Nam trong nhiều năm qua đã ghi nhận có sự tham gia thị trường của nhiều
nhà đầu tư với những hàng hàng không mới như Indochina Airlines (đã phá sản),
Trãi Thiên (phá sản), Air Mekong (cũng đã ngừng bay), Blue Sky Air (ngừng
hoạt động)…
Sự phá sản, đình bay của
các hãng này cho thấy, kinh doanh trên thị trường hàng không nội địa ở Việt
Nam không hề dễ dàng.
Để tồn tại và phát triển
trong thị trường hàng không tuy có rất ít hãng nhưng mức độ cạnh tranh khá
gay gắt như hiện nay, chỉ có nguồn lực tài chính là không đủ.
Với những nội dung như đề
án của Vietnam Airlines thể hiện, sẽ rất khó có một hãng hàng không mới thực
sự được hình thành, thực sự cạnh tranh nổi với 2 hãng lớn như Vietnam
Airlines và Vietjet, để tạo lên thế “chân vạc”, cạnh tranh, nâng cao chất
lượng dịch vụ, giảm giá vé để người dân hưởng lợi.
(Theo
Giáo dục VN) Mai Anh
|
Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét