Tướng Phạm
Xuân Thệ: Nói về chiến tranh biên giới không phải kích động thù hằn dân tộc!
Cập nhật lúc 10:42
Trung tướng - Anh hùng
LLVTND Phạm Xuân Thệ nhấn mạnh rằng: “Thêm lịch sử là bất nhân, bớt lịch sử
là bất nghĩa. Lịch sử cần phải được tôn trọng và vinh danh những con người
làm nên nó. Chúng ta nói ra là để tôn vinh những người đã khuất chứ không
phải để kích động thù hằn dân tộc.”
Chiến tranh bảo vệ biên
giới là chính đáng
Lịch sử về cuộc
chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc đến nay cũng đã 37 năm. Không
quá dài nhưng cũng chẳng ngắn. Nó vốn mang trong mình những giá trị và
tính chất chính nghĩa mà từng người lính bộ đội cụ Hồ đã hiện thực hóa trên
từng tấc đất nơi biên cương Tổ quốc, dẫu thịt nát xương tan hòa cùng vào đất
mẹ cũng không nề.
Thời gian trôi qua nhưng
những giá trị đó thì mãi mãi trường tồn cùng dân tộc. Trong dòng cảm xúc ấy,
Trung tướng - Anh hùng LLVTND Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu I đã
chia sẻ đến phóng viên Báo điện tử PetroTimes nhằm giúp độc giả có
cái nhìn toàn diện hơn về cuộc chiến này.
Mở đầu
cuộc trò chuyện, Trung tướng Phạm Xuân Thệ cho hay: “Quân đội nhân dân Việt
Nam cùng với lực lượng dân quân và các đơn vị địa phương 6 tỉnh biên giới
phía Bắc khi đó đã phối hợp hiệp đồng chiến đấu và chiến thắng oanh liệt.
Điều này là sự tiếp nối cho truyền thống anh hùng, mưu trí sáng tạo của con
người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, nhất là khi chủ quyền lãnh thổ
thiêng liêng của Tổ quốc bị xâm phạm. Nó đã thể hiện được ý chí và khát vọng
bảo vệ độc lập dân tộc”.
Là Tư
lệnh quân khu I có địa bàn kéo dài từ tỉnh Quảng Ninh – Cao Bằng dài hơn
600km, tướng Thệ thẳng thắn chia sẻ, mặc dù ở cấp chỉ huy hay với tư cách là
một công dân bình thường thì cũng thể hiện chính kiến của mình.
“Đã là
dân Việt Nam thì phải biết và hiểu rõ về cuộc chiến ấy. Chính nghĩa thuộc về
chúng ta, cả thế giới khi đó còn lên án mạnh mẽ Trung Quốc, bảo vệ ta cơ mà.
Tại sao ta lại có thể quên đi điều này được?”, ông nói.
Cũng
theo vị tướng, truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta đã có bề dày từ
bao đời nay. Từ khi bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt
vang lên chống nhà Tống vào thế kỷ XI, cho tới thời đại Hồ Chí Minh với các
cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ.
Tất cả đều cho thấy một
chân lý muôn thuở rằng: “Chủ quyền lãnh thổ, biên giới là không thể xê dịch
hay xâm phạm. Việt Nam đã trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Nhưng
hào kiệt thì đời nào cũng có và đã chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, đem lại
hòa bình thống nhất về cho non sông nước Việt. Và cuộcchiến tranh bảo vệ
biên giới phía Bắc năm 1979 cũng là hoàn toàn chính đáng”.
“Lịch sử là không thể
thêm bớt”
Đây là
điều mà Trung tướng Phạm Xuân Thệ muốn nhấn mạnh tới các thế hệ sau này. Ông
bày tỏ quan điểm: “Trong quan hệ quốc tế hiện nay, mỗi một quốc gia đều có
một chủ quyền lãnh thổ riêng và coi đó là tối thượng mà không ai có quyền
được xâm phạm nó. Và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, một khi chủ quyền
bị đe dọa thì nhất quyết phải giành lại cho bằng được. Qua bao nhiêu thế kỷ
chống lại sự đô hộ của đế chế phong kiến phương Bắc, Việt Nam đã có bề dày
lịch sử hào hùng để giữ vững giang sơn, bờ cõi”.
Mặc dù trong quan hệ đối
ngoại với nước láng giềng Trung Quốc, ta vẫn thể hiện thiện chí hòa bình và
không bao giờ chủ động vô cớ gây chiến trước. Nếu họ xâm phạm trước thì buộc
phải đánh trả. Về cuộc chiến tranh năm 1979 cũng cần phải có cái
nhìn rạch ròi, rõ ràng về lịch sử.
Trung
tướng Thệ tái khẳng định quan điểm rằng, phải tôn trọng sự thật lịch sử. Cần
nói thẳng và nói thật chính xác ở từng cấp độ, tầm mức sao cho mỗi công dân
Việt Nam đều hiểu được điều này mà không bị nhiễm tư tưởng kích động thù hằn dân
tộc.
Chúng
ta nói ra là để tôn vinh những người đã khuất chứ không phải để kích động thù
hằn dân tộc.
“Hiện
nay, trong hệ thống giáo khoa chuẩn của nền giáo dục nước ta gần như bỏ qua
nhiều điểm quan trọng của cuộc chiến tranh chính nghĩa này mà biết bao chiến
sĩ quân dân ta đã hy sinh xương máu mới bảo vệ được thành quả cách mạng. Ở
một góc độ nào đó, điều này cho thấy chúng ta đã và đang thiếu sót?”, tướng
Thệ băn khoăn.
Đồng
thời, nguyên Tư lệnh Quân khu I cũng rất tâm đắc với một câu nói mà mình đã
từng nói với các sinh viên của một trường Đại học tại Hà Nội nhiều năm trước:
“Thêm lịch sử là bất nhân, bớt lịch sử là bất nghĩa”. Lịch sử cần phải được
tôn trọng và vinh danh những con người làm nên nó.
Trung
tướng Phạm Xuân Thệ kiến nghị, ngoài việc khẩn trương nghiên cứu để có phương
án lồng ghép các nội dung chính về cuộc chiến đấu ngoan cường này của quân
dân ta vào chương trình giáo dục quốc dân thì cũng nên chú trọng tới công tác
tuyên truyền, thông tin.
Ông lưu
ý: “Ở mỗi địa bàn đơn vị, thậm chí các tỉnh đều đã từng tìm được một số kỷ
vật chiến đấu mà bộ đội ta để lại từ hồi chiến tranh năm 1979 tại mặt trận
biên giới cũng cần tập hợp, phân loại và nghiên cứu đưa ra trưng bày tại các
bảo tàng ở các cấp. Từ đó, góp phần giáo dục tư tưởng chính trị và tinh thần
yêu nước cho cán bộ chiến sĩ cũng như mọi tầng lớp nhân dân về truyền thống
anh hùng của quân đội ta”.
(Theo
Năng lượng Mới) Thảo Phượng – Đình Tuệ
|
Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét