Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

Không cần thiết cũng thành… cần thiết. Hiểu chưa?  


Cập nhật lúc 10:12

Nghèo mà công bằng, yên bình đã tốt. Nhưng giàu mà công bằng, yên bình chắc chắn còn tốt hơn nhiều!
Những ngày đầu xuân, tháng giêng- đến hẹn lại lên, trên các trang báo giấy, báo mạng lại đậm đặc thông tin về các lễ hội với các hoạt động “cướp có văn hóa”, theo cách biện hộ của một cựu quan chức văn hóa HN. Từ hội phết ở Hiền Quang (Phú Thọ), đến lễ hội phát ấn Đền Trần (Nam Định)…, khiến bạn đọc cũng đến hẹn lại… hỉ nộ ái ố.
Có tiền mới xong chứ sao nữa?
Nhưng sự chú ý cũng không kém là giành cho phát ngôn ấn tượng của Chủ tịch QH, tại cuộc họp của UB Thường vụ QH về dự án Luật Dược (sửa đổi). Khi ông cho rằng: Thủ tục hành chính ở Việt Nam quá 'cay độc, độc ác' gây phiền hà cho người dân khi đăng ký hành nghềdược. Ông tự hỏi và rồi tự trả lời: Nhiều thủ tục để làm gì? Để có tiền thì mới xong chứ sao nữa. Pháp luật nói tự do kinh doanh mà sao nghề chữa bệnh cứu người lại gây cản trở.
Chắc chắn, ông không lạ gì cái sự hành là chính này của các thủ tục. Còn các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ càng… rất quen. Và cái sự hành là chính nó cũng rất lên bổng xuống trầm.

Chủ tịch Quốc hội, truyền hình, Việt Nam, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, nhà báo Kim Dung
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Bởi đầu tháng 07/2015, các DN vừa và nhỏ hẳn mừng vui, vì được biết, 3.299 giấy phép “cha”, giấy phép “con”, giấy phép “cháu” (các điều kiện kinh doanh) của các bộ, ngành sẽ bị bãi bỏ và hết hiệu lực thi hành khi Luật Đầu tư 2014 chính thức có hiệu lực. Từ nay chỉ có QH, Ủy ban Thường vụ QH và CP mới có quyền ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh. Doanh nghiệp coi như được cởi trói, điều kiện kinh doanh thông thoáng hơn (Lao động, ngày 01/7/2015).
Thế nhưng, gần nửa năm sau, cuối tháng 12/2015, kết quả rà soát bước đầu của Bộ KH &ĐT cho thấy, trong số hơn 5800 điều kiện kinh doanh ở 267 ngành nghề, vẫn còn tới gần 3000 điều kiện kinh doanh (trái luật) ngang nhiên áp dụng cho các DN. Như vậy cái sự cởi trói cho các DN của Luật Đầu tư chỉ mới có ý nghĩa… nới lỏng dây. Trả lời phỏng vấn một tờ báo, Bộ trưởng KH & ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định, chỉ có nghị định của CP trở lên mới có quyền hạn chế quyền kinh doanh của người dân và DN. Tuy nhiên, các bộ ngành vẫn ra thông tư đặt ra điều kiện kinh doanh.
Đúng là phận các DN vừa và nhỏ quan thì xa, bản nha thì gần, thật khổ sở. Tại hội thảo “Tham vấn ý kiến về phát triển DN vừa và nhỏ 2016 - 2020”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, GV Chương trình đào tạo kinh tế Fulbright, cho rằng khối DN này vẫn bị “hành” nhiều nhất từ cơ quan nhà nước, mặc dù các DN này hiện đóng góp 45% vào GDP, 30% thu ngân sách nhà nước, tạo 55% tổng số việc làm (Thanh niên, ngày 07/01)
Cái sự hành là chính của các bộ, ngành Nhà nước, khiến các DN vừa và nhỏ long đong, lận đận liệu có liên quan gì tới hiện trạng viễn cảnh kinh tế đất nước vừa được Trí thức trẻ thông tin, ngày 23/02 mới đây, khiến dư luận XH cứ tưởng là mừng, thật ra là khó có thể vui.
Tiếp sau thông tin 20 năm nữa, GDP bình quân đầu người VN mới đuổi kịp Malaysia hiện tại (Trí thức trẻ, ngày 25/11/2015), mới đây cũng tờ báo này cho biết,  20 năm nữa, VN sẽ có cơ hội bằng Hàn Quốc, nhưng là ở năm… 2000 của quốc gia này. Tờ báo cho biết, nếu duy trì mức tăng trưởng kinh tế tối thiểu 7%/năm trong 20 năm, người Việt có thể đạt mức thu nhập bình quân đầu người 7000 USD/ năm. Con số này nếu quy ra sức mua tương đương, sẽ ngang bằng với Hàn Quốc năm 2000. Ngược lại, không đạt mục tiêu trên, VN sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Hiểu đơn giản là “mãi không tăng trưởng nổi”.
Một bài toán mà đáp số đã có vẻ rất gần. Bởi trong hành trình 20 năm sắp tới đó, ai có thể bảo đảm mức tăng trưởng nước Việt luôn phải 7%/ năm? Nếu vẫn với thể chế kinh tế nhiều bất cập như hiện nay. Và sự cải cách thì luôn gặp phải lợi ích nhóm?
Nhóm mà to hơn cả… quốc gia?
Còn thân phận các DN vừa và nhỏ thì chả có quyền hỉ nộ ái ố gì trong cái môi trường kinh doanh bất bình đẳng.
Giàu mà công bằng, bình yên còn…tốt hơn nhiều!

Chủ tịch Quốc hội, truyền hình, Việt Nam, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, nhà báo Kim Dung
Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải.
Một phát ngôn khác cũng gây ấn tượng không kém, và được dư luận XH trên báo chí, các trang mạng bàn luận sôi nổi, đa chiều. Đó là phát ngôn của Bí thư Thành ủy HN Hoàng Trung Hải ngày 23/2 khi ông về làm việc với huyện Ba Vì. Nhìn nhận về những phát triển kinh tế, thu hút du khách du lịch của Ba Vì…, đều rất quan trọng nhưng “tội phạm nhiều, người dân không dám ra đường thì cũng vứt đi”, ông cho rằng:
Kinh tế chưa phải là số 01. Số 01 là xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng cho DN, tạo môi trường sinh sống an lành cho nhân dân. Thà sống nghèo mà công bằng, yên bình còn hơn giàu mà không công bằng, không yên bình. Đây là nhiệm vụ mà nòng cốt phải làm cho tốt”(VietNamNet, ngày 23/2)
Nói cho cùng, điều ông mong mỏi sự công bằng, yên bình đến mức thà sống nghèo còn hơn giàu mà không công bằng, yên bình, phản chiếu tâm lý và tư duy nền nếp của người Việt một thời, từng là đạo lý sống rất đẹp của người Việt. Thậm chí đã thành triết lý nhân sinh quan. Như giấy rách phải giữ lấy lề; đói cho sạch, rách cho thơm. Triết lý ấy, nhân sinh quan ấy hẳn đã khiến cho không biết bao gia đình nghèo vẫn dạy con nên người. Và tạo nên hình ảnh đẹp của người Việt một thời.
Nhưng mỗi thời cuộc có một thước đo lịch sử khác nhau. Lịch sử nước Việt nói chung, Thủ đô HN và huyện Ba Vì nói riêng muốn hay không đã giở sang trang mới- thời của hội nhập hiện đại và văn minh, văn hóa. Thì cái thước đo cho gia đình Việt xưa kia, rất khó có thể là thước đo chung cho 7-8 triệu gia đình HN, khi mà đây vẫn là một trong hai đô thị có mức sống cao của cả nước và trình độ dân trí giàu nghèo khác nhau. Làm giàu không chỉ là khát vọng chính đáng, còn là tham vọng của không ít gia đình.
Mặt khác, sự nghèo khó xưa nay bao giờ cũng có phần là nguồn gốc của nhiều sự bất ổn trong XH. Nghèo khó dễ sinh ra đạo tặc, trộm cướp, dễ song hành cùng dốt nát. Nhất là nước Việt đang còn phải “kéo cày” để có thể trả nợ công, để có thể phấn đấu mức độ tăng trưởng 7% với hy vọng 20 năm sau mức sống bằng năm 2000 của Hàn Quốc. Kinh tế và văn hóa phải song hành và nên coi là số 01. Mà cái gốc là giáo dục
Nhưng người viết bài cũng tâm đắc và chia sẻ với quan niệm của ông- khi ông nhận ra rằng- một trong những nguyên nhân làm chậm quá trình phát triển là cải cách hành chính. Đây là hạn chế của cả bộ máy thành phố.
Đây cũng không phải là yếu kém của riêng ai. Chủ tịch QH trong cuộc làm việc với UBTVQH đã “chạm’ đến một trong những “nút” khó gỡ nhất của sự phát triển của nước Việt- CCHC. Thông qua việc bàn về những hành xử “cay độc, độc ác” của thủ tục hành là chính.
Nhưng cũng không chỉ CCHC, muốn nước Việt nói chung, Thủ đô HN nói riêng tăng tốc trong sự phát triển, còn cần có một chiếc chìa khóa… vàng khác. Đó là năng suất lao động phải tăng. Bởi nước Việt vốn là quốc gia nông nghiệp, văn hóa tiểu nông thấm đậm trong tư duy kinh tế, lại bị ảnh hưởng ở một số mô hình kinh tế lỗi thời, dây chuyền công nghệ cũ kỹ lạc hậu, và chất lượng nguồn đào tạo nhân lực còn thấp. Điều đó, kéo theo năng suất lao động, giá trị lao động và hiệu quả lao động … tương đồng.
Dư luận XH hẳn chưa quên tháng 5/2014, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đánh giá năng suất lao động của VN thuộc nhóm thấp nhất ở Châu Á- Thái Bình Dương. Nhưng đặc biệt, chỉ bằng 1/15 của Singapore.
Không phải vô lý khi ông Paul Krugman, GS ĐH Princenton (Mỹ) giải thưởng Nobel Kinh tế học năm 2008 từng tổng kết: “Năng suất không phải là tất cả, nhưng về lâu dài thì nó gần như là tất cả” (Trí thức trẻ, ngày 23/2)
Cái gần như là tất cả” đó đang cần gì? Nếu không phải là tái cơ cấu kinh tế, đổi mới dây chuyền công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Chả lẽ nước Việt lại chỉ có thể cam chịu chờ đợi, như trong câu chuyện cổ tích xưa: Năng suất ơi…. mở cửa!
Nghèo mà công bằng, yên bình đã tốt. Nhưng giàu mà công bằng, yên bình chắc chắ còn tốt hơn nhiều!
“VTV có cần xây tháp truyền hình”?
Cần phải dùng câu hỏi của Chủ tịch UBND t/p Hà Nội Nguyễn Đức Chung là tiêu đề chung của vấn đề này- Dự án xây Tháp truyền hình cao nhất thế giới 636 mét của VTV, đang làm nổi sóng dư luận.

Chủ tịch Quốc hội, truyền hình, Việt Nam, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, nhà báo Kim Dung
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Không nổi sóng sao được, giữa lúc HN vừa công bố 42 chung cư cũ nguy hiểm sắp đổ, nhưng vì sự nhùng nhằng lợi ích giữa các DN, dân cư mà đến giờ vẫn chưa có giải pháp rõ ràng. Thì việc Dự án xây Tháp truyền hình cao nhất thế giới 636 m, cao hơn cả hai tháp TH được coi là cao nhất hiện nay, tháp Sky Tree (Tokyo - Nhật Bản) cao 634m, hoàn thành năm 2012, và tháp truyền hình Quảng Châu (Trung Quốc) cao 600m, hoàn thành năm 2009, được đưa ra.
Người Việt mình thì bé nhỏ, chậm phát triển, nhưng cái gì cũng muốn “nhất thế giới”, cả tinh thần và vật chất. Lúc thì hạnh phúc, lạc quan nhất thế giới. Lúc thì bánh chưng, bánh dầy, tô phở lớn nhất thế giới… Nay đến lượt tháp truyền hình cũng phải cao nhất thế giới.
Nhưng tháp truyền hình cao nhất thế giới đó, để dân có lợi gì, thì chưa ai trả lời được.
“Nhà đài” mới chỉ có thể trả lời về những con số khủng của dự án có… lợi cho nhà đài.
Đó là không chỉ xây tháp và khối đế tháp với tổng diện tích khoảng 14,1 ha, mà VTV còn xây dựng khối phụ trợ bao gồm các chung cư, văn phòng, khách sạn, khu dịch vụ, vui chơi giải trí và tổ chức sự kiện. Riêng mật độ xây dựng chung cư cao cấp từ 30% đến 50% diện tích (khoảng 300.000 - 600.000 m2). Đồng thời, VTV còn xin hàng loạt ưu đãi vốn chỉ áp dụng cho các dự án đầu tư vào những vùng “đặc biệt khó khăn”. Ví như miễn các loại thuế DN, thuế nhập khẩu các vật tư, máy móc. Và kinh phí đầu tư của dự án cũng rất “khủng”, từ 1,3 đến 1,5 tỷ USD, trong đó riêng phần khối tháp là 900 triệu USD. Và như ông Nguyễn Thành Lương, PGĐ Đài truyền hình VN thản nhiên: Ai cũng vậy thôi, ai cũng muốn có lợi nhất cho mình (Đất Việt, ngày 26/2).
Dĩ nhiên, sóng dư luận cũng lập tức nổi lên.
Trước hết là ý kiến các nhà chuyên môn. Tỷ như Phó GS, TS Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội môi trường Xây dựng VN rất phản đối, khi ông cho rằng, thời đại công nghệ hiện nay không nước nào say mê với tháp truyền hình cao nữa. Đó là tư duy cũ rồi. Khi Nhật Bản xây dựng tháp Tokyo là đang ở đỉnh cao của sự phát triển về kinh tế và xã hội. Nhật xây tháp còn vì mục đích chính là để đáp ứng yêu cầu của ngành truyền hình lúc bấy giờ, chứ không phải xây tháp truyền hình vì mục đích kinh doanh dịch vụ hay kinh doanh BĐS.
Và ông cũng lưu ý một điều rằng, không một nhà đầu tư nào sẵn sàng đổ tiền đầu tư vào một dự án mà họ không nhìn thấy lợi nhuận. Nhưng tại sao VTV vẫn làm? Họ làm vì ai?  Chắc chắn, mục đích của họ là hướng tới những chính sách ưu đãi của nhà nước, khi mà dự án có hàng trăm căn hộ cao cấp cùng với khách sạn, nhà hàng, khu trung tâm thương mại mọc lên (Đất Việt, ngày 23/2).
Đó có lẽ mới là mục đích chính của dự án này, đâu phải đáp ứng nhu cầu truyền hình của người dân. Còn như ai đó đã huỵch toẹt: Thực chất là chuyện BĐS, kinh doanh du lịch, là như dân gian đã nói nhìn rau gắp thịt.
Nhưng quan trọng hơn, là những điều mà theo KTS Ngô Doãn Đức, có rất nhiều vấn đề của dự án đã không được đồng ý. Đáng chú ý nhất, độ cao của dự án có khả năng đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc phòng. Trước đây, VTV đã từng trình phương án xây dựng này nhưng Bộ Quốc phòng cho biết, nếu thực hiện dự án sẽ có nguy cơ đe dọa an ninh quốc phòng, vi phạm vùng bay. Trong các dịp đại lễ, duyệt binh, nếu máy bay bay từ sông Hồng vào Quảng trường Ba Đình, tháp này sẽ gây cản trở. Thêm nữa, theo đuổi một dự án mà công nghệ đã lạc hậu từ hàng chục năm rồi, có nên không? Đến năm 2020, Việt Nam sẽ hoàn thành Đề án số hóa truyền hình, khi đó toàn bộ mạng truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất sẽ chuyển sang công nghệ số DVB-T2. Lúc đó tháp cao là không hữu ích (Đất Việt, ngày 26/2).
Ở góc độ ĐBQH, thành viên của cơ quan giám sát, bà Bùi Thị An cũng đặt ra một loạt những câu hỏi. Rằng, tác động thực tiễn của công trình tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước như thế nào? Dù xây dựng bằng nguồn vốn nào cũng là nguồn lực của toàn xã hội, là tiền của của dân, vì vậy VTV phải trả lời được câu hỏi: Đầu tư rồi, khi nào sẽ thu hồi được vốn?
Nhưng khó nhất có lẽ là câu hỏi của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND t/p: VTV có cần xây tháp truyền hình? Khi mà kỹ thuật công nghệ truyền hình nay chỉ cần vệ tinh? Khi mà diện tích trước đó theo dự án là 14,5 ha, nay mở rộng tới 49 ha, sẽ phải giải phóng mặt bằng của hàng nghìn hộ dân, rất khó khả thi. Và trong khi nhất loạt những phản biện của các nhà chuyên môn, ĐBQH đều trả lời và khẳng định- không cần thiết!
Hàng loạt những vấn đề “cay độc, độc ác”, “nghèo mà bình yên”, hay “ai hưởng lợi” nảy sinh, chỉ xoay quanh mỗi chữ- Kim Tiền.
Nghe nhắc đến tên mình, nét mặt Kim Tiền bỗng vênh vang, tự đắc. Ngài lim dim mắt, nhìn xa xôi mà bảo: - Chứ sao? Thời của ta, không cần thiết cũng thành … cần thiết. Hiểu chưa?
-Dạ!  
(Theo TuanVietNam) Kỳ Duyên

1 nhận xét:

  1. nghe bác Hải Bác ấy phát biểu chỉ thấy thất vọng về trí tuệ của lãnh đạo Việt nam

    Trả lờiXóa