Vì sao chiến
tranh biên giới Việt - Trung sách lịch sử chỉ viết 11 dòng
Cập nhật lúc 09:15
GS Vũ Dương Ninh đã lý
giải thắc mắc của dư luận về việc sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 chỉ có 11
dòng viết về cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược, bảo vệ Tổ quốc
năm 1979.
Là giáo
viên sử học và là đồng tác giả cuốn SGK đó, ông nói rằng: “Những tác giả
chúng tôi rất không thoả mãn với việc thể hiện cuộc chiến biên giới phía bắc
trong sách giáo khoa, nhưng cuối cùng, đành chấp nhận”.
Ông kể lại nguyên nhân
của sự việc ấy như sau: “Vào đầu những năm 2000, Nhà xuất bản Giáo dục tổ
chức trại sáng tác sách giáo khoa. Một vấn đề được đưa ra thảo luận khi đó là
sách Lịch sử lớp 12 nên viết thế nào về những sự kiện có liên quan đến hải
đảo và biên giới đất liền giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Có ý
kiến chỉ đạo là không viết vì khi đó ta vừa bình thường hoá quan hệ với nước
bạn. Tuy nhiên, các thầy giáo không đồng ý mà chủ trương viết đầy đủ sự kiện
đã xảy ra vì Lịch sử phải khách quan. Sau những cuộc thảo luận sôi nổi, cuối
cùng mọi người đi đến kết luận là nhất định phải viết, rồi giao một số thầy
thực hiện.
Sự kiện
Hoàng Sa thời điểm đó chưa công bố thông tin nên chỉ có vấn đề chiến tranh
biên giới phía Tây Nam và phía Bắc được đưa vào sách.
Ban đầu
các tác giả viết khá dài và chi tiết về chiến tranh biên giới phía Bắc. Sau
vì khuôn khổ sách giáo khoa quy định, chủ yếu vì lý do "quan hệ tế
nhị" với nước bạn nên nội dung này bị sửa đi sửa lại nhiều. Từ 4 trang
xuống chỉ còn 11 dòng. Với nội dung như thế chưa thể nói lên được điều gì
nhưng sự kiện đã được nêu ra để học sinh biết đến.
Qua dư
luận, tôi thấy nhu cầu lớn của xã hội đòi hỏi được biết những sự thật đã xảy
ra một cách đầy đủ. Việc bưng bít thông tin đang khiến nhiều người nghi ngại
là chúng ta sẽ chuẩn bị thế nào nếu tình hình tương tự xảy ra. Với học sinh,
sinh viên, từ chỗ không biết sẽ không phân biệt được đúng sai. Từ đó các em
không chuẩn bị được tinh thần cảnh giác để nhìn nhận đúng nguy cơ và sẵn sàng
đứng lên bảo vệ khi đất nước có biến.
Với tư
cách một người giảng dạy Lịch sử, tôi rất lo nếu cứ cắt xén sự kiện thế này,
thế hệ sau sẽ không tiếp nhận được thông tin đúng đắn để có định hướng rõ
ràng. Sự bưng bít thông tin một cách cố ý tạo nên hậu quả nguy hiểm khôn
lường”.
Qua sự
việc đó, GS Vũ Dương Ninh đã nói rõ quan điểm của mình: “Sách giáo khoa mới
nhất thiết phải nhắc tới các sự kiện bảo vệ biên giới đất liền và hải đảo, từ
những vụ như Hải chiến Hoàng Sa năm 1974, chiến tranh biên giới Tây Nam và
biên giới phía Bắc năm 1978-1979 đến trận chiến ở Vị Xuyên bảo vệ biên giới phía
Bắc năm 1984, trận đánh Gạc Ma bảo vệ Trường Sa năm 1988…”
Và GS
Ninh cũng đề xuất những tiêu chí khi viết SGK lịch sử là:
“Thứ
nhất, viết đúng sự thật lịch sử đã xảy ra là ngày tháng nào, có cuộc tấn công
gì, diễn ra ra sao và hậu quả như thế nào.
Thứ
hai, phải phân tích được tính chất của cuộc đấu tranh ấy, về phía Việt Nam là
cuộc chiến chống xâm lược để bảo vệ biên cương, hải đảo, toàn vẹn lãnh thổ. Ở
đây cần nhấn mạnh yếu tố xâm lược của Trung Quốc khi họ chiếm Hoàng Sa, tấn
công biên giới nước ta, do đó chúng ta phải tiến hành đấu tranh chống xâm
lược.
Cuộc
đấu tranh ở biên giới phía Tây Nam cũng là nhằm bảo vệ biên giới, lãnh thổ
nước ta, đồng thời giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng.
Thứ ba,
phải nhấn mạnh tinh thần chiến đấu hy sinh của quân dân Việt Nam trong cuộc
đấu tranh bảo vệ biên cương, từ những cái chung rồi nêu đến những nhân tố
điển hình.
Thứ tư,
cần giáo dục tinh thần cảnh giác cho học sinh vì việc bảo vệ biên cương, biên
giới là việc lâu dài. Vì thế ta phải cảnh giác, sẵn sàng đề phòng và chống
lại những hành động xấu, những hành vi xâm lược của đối phương.
Thứ
năm, nhấn mạnh truyền thống yêu nước, tinh thần yêu chuộng hòa bình của dân
tộc Việt Nam. Quan điểm của ta là quyết đánh để bảo vệ nền độc lập nhưng vẫn
coi trọng những mối quan hệ hữu hảo giữa các quốc gia, dân tộc.
Không
thể nói rằng, nếu đưa thông tin lịch sử về các sự kiện như chiến tranh biên
giới 1979 sẽ ảnh hưởng tới quan hệ hữu nghị Việt - Trung. Đây là sự nguỵ
biện. Việc gì phải ra việc ấy. Bản thân cuộc chiến tranh đã diễn ra như thế
nào thì ta phải nói đúng như thế ấy. Còn xây đắp tình hữu nghị thì ta vẫn
làm, vẫn phát huy mặt tốt.
Trong
thời gian chờ đợi sách giáo khoa mới phải vài năm nữa mới có, tôi nghĩ, các
thầy giáo giỏi của các trường chuyên có thể tập trung viết một tài liệu để
giảng dạy, đáp ứng nhu cầu về mặt giáo dục cho học sinh. Tài liệu này tất
nhiên có sự thống nhất và chỉ đạo của nhà trường, các Sở Giáo dục và Đào tạo”.
(Theo
Năng lượng Mới) Lê Danh
|
Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét