Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

 Chợ phụ tùng ô tô giả lớn nhất Hà Nội


Cập nhật lúc 14:43                   

Là nơi buôn bán nhất về phụ tùng ô tô ở Hà Nội, chợ Trời nổi tiếng: thượng vàng, hạ cám: từ phụ tùng xe vài chục ngàn tới cả trăm triệu đồng, từ hàng thật, hàng giả,... đều có đủ. Có người nói đùa, một buổi ra chợ Trời, có thể mua về lắp được một chiếc xe hoàn chỉnh.
 “Mê cung” hàng giả
Thị trường ô tô trong nước ngày càng phát triển, kéo theo nhu cầu lớn về thay thế linh kiện, phụ tùng. Khu vực kinh doanh phụ tùng ở chợ Trời cũng “phình” to. Nếu như trước đây, hàng bán chỉ rải rác ở khu vực phố Trần Cao Vân, Đỗ Ngọc Du thì nay chiếm hết cả phố Lê Gia Định, Nguyễn Công Trứ...  Tại đây, khách hàng có thể mua được đủ loại phụ tùng mình cần, nhưng để mua được hàng thật, chất lượng tốt lại không hề dễ.
Phụ tùng ô tô ở chợ Trời, cùng một sản phẩm nhưng có nhiều loại khác nhau và giá cả cũng rất khác. Để phân biệt được đâu là hàng loại 1, loại 2, cũng như giá mua thế nào cho hợp lý, thật không khác gì lạc vào "mê hồn trận".

chợ Trời, linh kiện, phụ tùng ô tô, hàng ăn cắp, tiêu thụ hàng ăn cắp, chợ Trời Hà Nội, hàng thật, hàng giả, hàng nhái, hàng chính hãng
Lực lượng chức năng kiểm tra việc kinh doanh tại chợ Trời
Tuấn Anh là dân kinh doanh xe cũ vừa có 1 garage chuyên sửa chữa ô tô ở Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy - Hà Nội) là khách hàng quen của chợ Trời. Mua xe cũ về "mông má", bán lại: ra chợ Trời. Kiếm phụ tùng, sửa xe cho khách hàng: ra chợ Trời. Mọi ngóc ngách, mánh khóe trong mua bán phụ tùng Tuấn Anh khá am tường.
Theo Tuấn Anh, có tới 50% số phụ tùng ô tô bán tại chợ Trời là hàng giả, hàng nhái. Gặp khách không am hiểu, hầu hết các chủ cửa hàng đều đưa hàng giả.
Chẳng hạn, 1 lá côn dùng cho xe 16 chỗ, loại tốt ở đây có giá khoảng 2,5 triệu đồng, nhưng khách không biết có thể mua phải hàng giả chỉ với giá khoảng 300.000 đồng. Kính chắn gió, tại đây có đủ các thương hiệu nổi tiếng như Mercedes, BMW, Lexus, Toyota,... nhưng hầu hết là hàng giả, được cắt ra từ kính trắng, rồi dùng máy in nhãn hiệu của các hãng xe nổi tiếng lên. Giá những loại kính này bỏ buôn cho các cửa hàng tại chợ Trời rất "bèo", chỉ vài triệu đồng, nhưng nếu khách không tinh, có thể phải chi hàng chục triệu đồng để "rước" về.
Tuấn Anh cho biết, ngay cả với những người có nhiều kinh nghiệm, việc phân biệt hàng thật, giả bằng mắt thường rất khó. Nhìn bề ngoài tất cả các sản phẩm bày bán đều có hình dáng giống hệt phụ tùng chính hãng, rất tinh xảo và sắc nét, ngay từ bao bì. Với công nghệ ngày càng cao thì việc làm giả, nhái giống như thật không có gì khó khăn cả.
Hỏi thử một chiếc Bugi của hãng Bosch dành cho xe ô tô; có nơi 70.000 đồng, nhưng có nơi 200.000 đồng... người bán thì tất cả như một: hàng chính hãng. Tuy nhiên, theo Tuấn Anh, tất cả đều là hàng giả, bởi giá chính hãng của chiếc Bugi Bosch bạch kim khoảng 700.000 đồng. Mà kể cả có cửa hàng nào bán chiếc bugi này đúng với giá chính hãng cũng chưa chắc đã phải hàng thật.

chợ Trời, linh kiện, phụ tùng ô tô, hàng ăn cắp, tiêu thụ hàng ăn cắp, chợ Trời Hà Nội, hàng thật, hàng giả, hàng nhái, hàng chính hãng
Nhiều người cứ mất phụ tùng hoặc muốn thay thế linh kiện là ra chợ Trời để tìm mua, kể cả khi không rành về chất lượng và giá cả, nguồn gốc sản phẩm
Hàng giả tại đây cũng chia làm nhiều loại. Có loại giả tương đối tốt, giả bình thường và giả xấu, giá cả loạn lung tung. Không phải cứ hàng giả xấu thì bán giá rẻ, mà còn phụ thuộc vào... mặt khách mua. Nếu thấy đúng là kẻ ngu ngơ không biết gì, thì giả xấu cũng bị "hét" giá, thậm chí là bằng giá hàng thật. Hầu hết những phụ tùng giả, nhái thường có xuất xứ từ Trung Quốc, sau khi về Việt Nam đều được gắn mác của các thương hiệu nổi tiếng. 
Hám rẻ, mất mạng như chơi
Mặc dù biết, ra chợ Trời mua không cẩn thận là bị hàng giả, hàng nhái, nhưng số lượng khách hàng vẫn tăng theo năm tháng và nhu cầu ngày càng cao.
Theo giải thích của Tuấn Anh, nếu vào chính hãng mua phụ tùng thì chất lượng đảm bảo, tuy nhiên giá rất đắt, với nhiều xe cũ, hoặc xe cần "mông má" để bán lại, thì không ai dại gì vào chính hãng mua đồ. Đấy là chưa kể vào đó nhiều khi chỉ cần thay 1 phụ tùng rời thì họ lại bắt thay cả cụm.
Chẳng hạn chiếc Mercedes C 200 đời 2010 bị hỏng 1 vòng bi ở vô lăng, mang vào chính hãng, được yêu cầu thay cả cụm có tới 7 vòng, với giá 7 triệu đồng. Trong khi đó, ra ngoài gara thay, giá 1 vòng bi, tính cả tiền công chỉ mất 1 triệu đồng. Đấy chính là lý do vì sao nhiều người biết là mua hàng không chính hãng, chất lượng không đảm bảo nhưng vẫn tìm ra chợ Trời.

chợ Trời, linh kiện, phụ tùng ô tô, hàng ăn cắp, tiêu thụ hàng ăn cắp, chợ Trời Hà Nội, hàng thật, hàng giả, hàng nhái, hàng chính hãng
Sử dụng phụ tùng giả với ô tô không chỉ đơn giản là mất tiền mà còn nguy cơ gây mất an toàn, nhất là với xe chở khách

Chủ một cửa hàng bán phụ tùng ô tô trên phố Đỗ Ngọc Du cũng tiết lộ, hầu hết khách chỉ thích hàng rẻ, cứ thấy hàng giá rẻ là mua. Vì vậy, chỉ bán hàng chính hãng rất khó sống. Tất cả các cửa hàng ở đây phải bán đủ mọi thứ, theo đúng phương châm khách hàng cần là có.
Không chỉ bán lẻ, chợ Trời còn là nơi cung cấp lượng lớn phụ tùng ô tô cho các đại lý sửa chữa ô tô khắp cả nước.
Tuấn Anh cho hay, sau khi hết thời gian bảo hành bảo dưỡng, hiếm khi chủ ô tô mang xe vào các đại lý chính hãng để sửa chữa thay thế phụ tùng, chủ yếu tìm đến các garage bên ngoài bởi giá rẻ.  Phụ tùng giả, nhái, chất lượng kém rất dễ trà trộn vào, nhất là với các garage thiếu chuyên nghiệp, gặp khách hàng lạ, ngu ngơ là không ngại ngần "ra tay".
Thay trót lọt một phụ tùng giả cho khách hàng, garage có thể kiếm lời tiền triệu thì chả dại gì mà họ không làm. Đặc biệt ở tỉnh lẻ, nơi có ít đại lý chính hãng, ít hàng thật và kiến thức của người sử dụng ô tô còn thấp, Tuấn Anh nói.
Tuy nhiên, sử dụng phụ tùng giả với ô tô không chỉ đơn giản là mất tiền mà còn nguy cơ gây mất an toàn, nhất là với xe chở nhiều người.
Mặc dù tại chợ Trời hàng thật, giả, nhái, ăn cắp mua bán công khai và người ta dùng đủ các chiêu để “móc túi” khách hàng, nhưng số cơ sở bị xử lý rất hạn chế. Việc quản lý của các cơ quan chức năng rõ ràng còn lỏng lẻo. Cùng với đó, các quy định của pháp luật về xử lý hàng gian, hàng giả còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Rất ít vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
(Theo Vef.vn) Trần Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét