Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

Chốt máu Pha Long

Cập nhật lúc 14:00  

 Cán bộ chiến sĩ Đồn BP Pha Long kiểm tra mốc biên giới - Ảnh: M.T.H
Cán bộ chiến sĩ Đồn BP Pha Long kiểm tra mốc biên giới - Ảnh: M.T.H

Đồn biên phòng Pha Long (Mường Khương, Lào Cai) trấn giữ cửa khẩu phụ Lồ Cố Chin (VN) - Lao Kha (Trung Quốc) vốn đi lại dễ dàng.

Trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh biên giới, các chiến sĩ biên phòng đã cầm chân lính Trung Quốc suốt 4 ngày liền, không cho chúng chớp nhoáng kéo về TT.Mường Khương, theo QL4D ra Bảo Thắng, ngược lên TP.Lào Cai hoặc xuôi theo QL70 về tỉnh Yên Bái...
Bẻ gãy công kiên
Lúc 5 giờ ngày 17.2.1979, trời còn tối đen như mực và gió mùa đông bắc lạnh buốt, 2 trung đoàn bộ binh Trung Quốc lặng lẽ vượt qua biên giới bao vây căn nhà lá của Trạm kiểm soát biên phòng (BP) Lồ Cố Chin và bắn xối xả hòng tiêu diệt 5 cán bộ chiến sĩ của trạm.
Chúng không biết: Bộ đội ta đã phát hiện ý đồ ngay từ trước và rút sang chân cao điểm 1612 ngay cạnh đó, nổ súng đánh thẳng vào đội hình địch, báo hiệu cuộc chiến nổ ra trên khắp tuyến biên giới Mường Khương. Thời điểm này, Đồn trưởng Mai Khánh Thát đi họp ngoài tỉnh nên nhiệm vụ chỉ huy dồn hết lên vai thượng úy Trần Ngọc, Chính trị viên của đồn. Nghe tiếng súng nổ, ngay lập tức thượng úy Ngọc lệnh cho lực lượng tăng cường lên phía bắc phòng ngự, cùng với cụm chốt cửa khẩu, chốt chặn quanh pháo đài Lê Đình Chinh cầm chân địch dưới chân cao điểm 1612 nguyên ngày 17.2.1979, để ở đồn có thời gian bố trí binh, hỏa lực cho 3 đại đội cơ động mới được tăng cường...
“Bộ đội đồn Pha Long thuần thục kỹ thuật vận động thoát ly công sự dưới làn hỏa lực của địch, ít bị sát thương!”, thượng tá Trần Quốc Khải, nguyên Đồn trưởng BP Pha Long, khẳng định như vậy sau khi liệt kê 4 lần thượng sĩ Lê Khắc Xuân, Đội phó Vận động quần chúng, dẫn bộ đội vượt qua lửa đạn đi đột kích, chuyển thương binh về đồn, nhưng không bị thiệt hại về người. Thượng tá Khải kể tiếp: “Nét nổi bật nữa là cách đánh không cho địch tiếp cận pháo đài. Từ ngày 18 - 20.2.1979, chỉ với quân số 9 người, nhưng bộ đội đã đánh bật 13 đợt xung phong của lính Trung Quốc, buộc chúng phải gọi pháo tầm xa và hỏa lực đi cùng chi viện, để tháo lui!”. Thực tế, lính Trung Quốc được huấn luyện rất kỹ việc đánh bộc phá và có nhiều bộc phá để đánh công kiên, nhưng suốt 4 ngày tấn công đồn Pha Long, chúng không đặt được một quả nào.
Đập tan “biển người”
Trung tá Phan Đức Mạnh, Chính trị viên Đồn BP Pha Long, cho biết: “Nói về so sánh lực lượng, địch đã tung vào cuộc tấn công một số quân đông gấp 4 lần bên ta. Nhưng khi kết thúc trận đánh, chúng bị diệt 800 tên. Phía đồn BP, sau khi phá vây quân số còn 80%” và khẳng định: “Đấy là kỳ tích, nhất là trong điều kiện khó khăn như 1979”.
Những cựu chiến binh Pha Long đến bây giờ gặp nhau vẫn kể về những pha “chọi lựu đạn” trong 4 ngày đêm quyết tử: Tối 18.2, non trung đội lính Trung Quốc bám theo tường lọt vào sân đồn. Trời nhá nhem tối, rất khó phân biệt địch - ta bởi quân phục giống nhau nên anh em hô nhau lao vào vị trí chiến đấu quen thuộc và dùng lựu đạn tung ra tiêu diệt những tên cũng quần áo Tô Châu màu xanh, nhưng đứng lớ ngớ ngoài sân; liên tục trong đêm 19 và tối 20.2, lính Trung Quốc hò dô leo tường vào chiếm đồn, do cự ly gần không thể dùng súng, bộ đội BP Pha Long tung lựu đạn diệt sạch từng toán, khiến chúng khiếp đảm, phải tháo chạy lên đồi cao, để lại vô số xác chết và súng đạn...
Anh hùng Lê Khắc Xuân (sinh năm 1953, hiện đang nghỉ hưu ở xã Thiệu Vận, H.Đông Sơn, Thanh Hóa) vẫn nhớ như in những ngày lửa đạn Pha Long, kể: “Lính Trung Quốc có hỏa lực mạnh, từ pháo tầm xa đến pháo đi cùng, song sự hiệp đồng của chúng không ăn khớp, để hở nhiều thời gian lúc bộ binh tiến hoặc lùi; ban đêm chúng không dám tấn công, chỉ co cụm trên sườn đồi!”.
Rồi vị cựu chiến binh cười kể: “Bộ đội ta lợi dụng thời cơ này để củng cố các chốt, di chuyển vị trí, thậm chí vượt ra khỏi pháo đài để thu nhặt súng đạn, lương khô chúng bỏ lại!”. Còn ông Vàng Sảo Hòa, cựu Bí thư Đảng ủy xã Pha Long (Mường Khương, Lào Cai) thì nhớ lại những ngày giúp bộ đội đánh quân Trung Quốc xâm lược: “Anh em rất ngạc nhiên trước tác phong chiến đấu lạ lùng của địch là chỉ sợ B40 và lựu đạn, nghe tiếng súng CKC bắn trả chỉ cười và tiến dồn đống, làm mồi cho hỏa lực đại liên, trung liên!” và lắc đầu: “Một thằng bị thương, cả bọn túm tụm kêu la inh ỏi!”...
Trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược đầu tháng 2.1979, mặc dù rơi vào thế bị bao vây cô lập, nhưng cán bộ chiến sĩ của đồn đã chiến đấu phòng thủ ác liệt, trụ vững trong 4 ngày đêm (17 - 20.2.1979) vừa tiêu diệt nhiều sinh lực địch vừa ngăn cản đường tiến quân, chờ quân chủ lực ta từ phía sau tiếp ứng.
Lời thề biên cương
Cả chục năm nay, cứ ngày 16.2 là nhà ông Mai Khánh Thát (nguyên Đồn trưởng BP Pha Long) ở thành phố Yên Bái lại chộn rộn những gương mặt cựu chiến binh Pha Long từ khắp các địa phương như Thanh Hóa, Phú Thọ, Ninh Bình, Lào Cai và các huyện trong tỉnh kéo về. Họ ngồi sát bên nhau gượng nhẹ ăn bữa cơm, run run uống chén rượu và rưng rưng từng mẩu chuyện về 26 người đồng đội đã ngã xuống trên mảnh đất Pha Long, trong 4 ngày giữa tháng 2.1979. “Đa số anh em toàn từ 18 - 20 tuổi, chưa vợ và nghịch như quỷ. Buổi chiều 16.2 năm ấy tôi ra tỉnh họp, chúng nó còn đứng tràn cổng đồn vẫy tay bảo: Đồn trưởng về nhớ có quà!” - ông Mai Khánh Thát nghẹn ngào, rồi nức nở: “Hôm sau, tôi đang cùng các đồn trưởng BP họp bàn Kế hoạch dọn sạch địa bàn, phương án đánh trả quân xâm lược ở Phố Lu thì Trung Quốc đã bất ngờ tấn công, giết hết 26 chiến sĩ của tôi!”. “Ở miền xuôi, những ngày này ít người nhắc đến ngày 17.2.1979. Nhưng ở biên giới, dịp này linh thiêng và đau xót lắm anh à! Tôi sống ở biên giới gần hết đời người, nên hiểu rất rõ mấy chữ: Dã tâm xâm lược. Nhưng tôi rất tin vào anh em BP trung kiên, lực lượng ta lớn mạnh và ý chí bảo vệ chủ quyền của mọi người dân!”, người cựu Đồn trưởng BP Pha Long khẳng định vậy và đanh thép: “Pha Long bây giờ cũng sẽ giống Pha Long 37 năm trước, kiên cường để hậu phương phía sau không bị bất ngờ!”.
Tôi tin như vậy, bởi ông khi rời cây súng về nghỉ hưu, nhiệm vụ bảo vệ biên cương vẫn giao cho người con trai, thiếu tá Mai Đức Thịnh, hiện là Phó trưởng phòng Trinh sát - Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai, đã từng là Đồn phó Trinh sát của chính đồn bố mình chỉ huy: Đồn BP Pha Long anh hùng...

Bia trấn ải (ảnh, dựng tháng 5.2013) bên cổng Đồn BP Pha Long ghi: “Nguyên Thần Bổn Mệnh giữ núi non. Nam Sơn bốn cõi tựa sách trời định. Thiên thiên nhật nguyệt linh linh ứng. Tuyệt tuyệt long phụng báo quốc an. Bình nhất hà Việt Nam Quốc thổ” (Tạm dịch nghĩa: Nguyên Thần được giao sứ mệnh giữ núi non. Núi nam bốn cõi đã quy định trong sách trời. Nghìn nghìn mặt trời, mặt trăng linh thiêng và ứng nghiệm (điều đó). (Có) rồng phượng tuyệt vời bảo vệ an nguy tổ quốc. Đất Việt Nam yên bình nhất là ở đây).
(Theo Thanh niên) Mai Thanh Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét