Đâu là những hạn chế, yếu kém trong nhiệm kỳ của Chính phủ?
Cập nhật lúc 16:55
Ngày 24/2, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính
phủ - ông Nguyễn Khắc Định đã trình bày công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo chỉ rõ, niệm kỳ
2011- 2016 được kế thừa những thành quả to lớn và kinh nghiệm quý báu của 25
năm đổi mới, nhất là kết quả trực tiếp của nhiệm kỳ 2007 - 2011, đồng thời
cũng phải đối mặt với nhiều diễn biến quốc tế phức tạp, khó lường.
Trong bối cảnh nhiều khó
khăn thách thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực
phấn đấu của hệ thống chính trị và Nhân dân cả nước, tuy còn những hạn chế,
yếu kém nhưng kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được kết quả quan trọng trên
tất cả các lĩnh vực.
Bên cạnh những thành tựu,
ông Nguyễn Khắc Định cũng cho biết 7 hạn chế, yếu kém mà Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ nghiêm túc nhìn nhận:
Thứ nhất, việc quán
triệt, thể chế hóa và ban hành các kế hoạch, chương trình hành động để triển
khai thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, thi hành Hiến pháp, pháp luật,
Nghị quyết của Quốc hội trong một số lĩnh vực và ở một số bộ ngành, địa
phương còn chậm, lúng túng, nhất là về thể chế kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa.
Khung khổ pháp lý, cơ
chế, chính sách trong một số lĩnh vực còn chậm được hoàn thiện, chưa theo kịp
thực tiễn, chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế -
xã hội. Việc chỉ đạo triển khai ở một số cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt,
đồng bộ và hiệu quả, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống
chính trị và nhân dân.
Việc sửa đổi, bổ sung,
hoàn thiện một số quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành để triển
khai Hiến pháp 2013 còn chậm.
Việc thực thi pháp luật
vẫn còn nhiều bất cập, chậm được đổi mới, có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu
quả. Các điều kiện bảo đảm tổ chức thi hành trong một số trường hợp còn chưa
được xem xét thật kỹ lưỡng, thận trọng, thiếu quy định cụ thể, rõ ràng.
Thứ hai, chương trình xây
dựng luật, pháp lệnh trình Quốc hội trong một số trường hợp tính khả thi chưa
cao, chưa bảo đảm trình tự, thủ tục theo đúng quy định; vẫn còn có đề án phải
xin lùi hoặc xin rút khỏi chương trình. Tiến độ xây dựng một số dự án luật,
pháp lệnh còn chậm.
Hệ thống văn bản quy phạm
pháp luật tạo hành lang pháp lý cho kinh tế thị trường còn nhiều bất cập,
chưa đồng bộ, nhất là các quy định về quản lý giá, phát triển thị trường, xử
lý nợ xấu, tái cơ cấu kinh tế.
Công tác theo dõi, kiểm
tra việc xây dựng, ban hành một số văn bản quy phạm luật chưa đáp ứng yêu
cầu. Chất lượng thẩm định văn bản pháp luật trong một số trường hợp còn thiếu
tính bao quát, chưa chú trọng đến tính hợp lý và khả thi.
Công tác phối hợp giữa
các cơ quan của Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội, các tổ chức chính trị
- xã hội trong nghiên cứu, xây dựng dự án luật, pháp lệnh chưa thật chặt chẽ.
Thứ ba, công tác chỉ đạo
điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong một số lĩnh vực còn những hạn
chế, yếu kém và gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, do
khả năng nắm bắt, xử lý thông tin, năng lực phân tích, dự báo còn hạn chế nên
việc xây dựng mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội chưa lường
hết được những tác động bất lợi của diễn biến tình hình trong và ngoài nước.
Sự phối hợp giữa các
chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư và các chính sách khác trong
thực hiện các mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh
tế có thời điểm còn chưa đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.
Việc kiểm soát nhập siêu
còn gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý thị trường có mặt còn hạn chế, tình
trạng hàng kém chất lượng, hàng giả, buôn lậu và vi phạm pháp luật trong kinh
doanh còn diễn biến phức tạp.
Việc huy động nguồn lực
cho phát triển kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế. Một số ngành, địa phương
còn đề xuất bố trí vốn đầu tư dàn trải, phân tán, chưa tuân thủ đúng các quy
định pháp luật về đầu tư công. Chính sách về giá, phí sử dụng dịch vụ hạ tầng
chậm được đổi mới.
Hành lang pháp lý về hợp
tác công tư chưa thật đồng bộ. Một số quy định về giải phóng mặt bằng còn bất
cập, công tác phối hợp trong một số trường hợp chưa chặt chẽ, ảnh hưởng tiến
độ và hiệu quả dự án, công trình.
Việc tổ chức triển khai
thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế ở nhiều lĩnh vực còn chậm. Tái cơ cấu
hệ thống tổ chức tín dụng còn khó khăn; các cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ
cấu, xử lý nợ xấu còn nhiều bất cập, chưa khuyến khích, huy động các nhà đầu
tư trong và ngoài nước tham gia.
Chậm có giải pháp hiệu
quả khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, đầu tư dàn trải. Cơ chế
chính sách huy động vốn đầu tư ngoài nhà nước còn hạn chế.
Tư duy, nhận thức về phát
triển nông nghiệp, nông thôn còn chậm đổi mới và chưa theo kịp yêu cầu thực
tiễn. Việc huy động nguồn lực xã hội cho phát triển nông nghiệp nông thôn
chưa đáp ứng yêu cầu. Một số chủ trương chính sách thiếu đồng bộ, thiếu nguồn
lực, tổ chức thực hiện còn lúng túng, hiệu quả chưa cao.
Một số địa phương chưa
quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp, quản lý
người lao động nước ngoài. Tình trạng vi phạm quy định về bảo hiểm xã hội,
bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động chậm được khắc phục.
Quản lý nhà nước về văn hoá, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, thông tin
truyền thông có mặt còn bất cập, lúng túng.
Việc khắc phục quá tải
bệnh viện còn chậm. Thực hiện lộ trình giá thị trường đối với dịch vụ y tế và
cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập còn khó khăn; chưa có
giải pháp đủ mạnh thu hút nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước. Quản lý y tế tư
nhân, thuốc chữa bệnh, vệ sinh, an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế.
Quản lý nhà nước về giáo
dục vẫn còn những bất cập; một số vấn đề bức xúc xã hội chưa được khắc phục
triệt để như: dạy thêm học thêm trái quy định, hiện tượng tiêu cực về đạo
đức, lối sống trong học sinh, sinh viên, nhà giáo. Việc xây dựng và công bố
chuẩn đầu ra của các trường chưa gắn với nhu cầu thị trường lao động và trách
nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục đại học.
Chính sách phát triển
khoa khọc công nghệ chưa thực sự chủ động, quyết liệt. Thiếu các giải pháp
đồng bộ và cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả trong tổ chức thực hiện chủ trương,
chính sách, pháp luật và các nhiệm vụ khoa khọc công nghệ.
Công tác quản lý tài
nguyên và bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập. Tình trạng ô nhiễm môi trường
chậm được khắc phục. Công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản ở một số
địa phương còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc bảo vệ môi trường trong khai
thác khoáng sản.
Một số địa phương khai
thác tài nguyên khoáng sản thiếu bền vững, môi trường bị ô nhiễm nghiêm
trọng. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện đồng bộ;
chưa có chế tài đủ mạnh xử lý các vi phạm.
Thứ tư, tổ chức bộ máy
hành chính nhà nước ở nhiều bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa
tinh gọn, hiệu quả, còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Công tác phối hợp
giữa các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, nhất là trong giải quyết các vấn
đề liên ngành, liên vùng.
Công tác thanh tra, kiểm
tra đối với tổ chức bộ máy, quản lý biên chế, tuyển dụng, bổ nhiệm, quy
hoạch, đào tạo chưa được chú trọng thường xuyên; kỷ luật, kỷ cương hành chính
còn chưa nghiêm.
Vẫn còn tình trạng một số
bộ ngành, địa phương trình và xử lý công việc không đúng thẩm quyền và quy
chế làm việc của Chính phủ. Trách nhiệm giải trình của bộ ngành, địa phương,
nhất là người đứng đầu chưa được đề cao đúng mức, công tác thông tin, báo cáo
trong nhiều trường hợp còn chậm, chưa nhất quán.
Công tác cải cách hành
chính trên nhiều lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ triển khai nhiều đề
án, dự án còn chậm.
Nhiều quy định về thủ tục
hành chính còn phức tạp, khó thực hiện, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây
dựng, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Sự phối hợp giữa
các cấp, các ngành liên quan trong giải quyết thủ tục hành chính còn thiếu
nhất quán, chưa đồng bộ.
Công khai minh bạch thủ
tục hành chính tại các cấp còn hạn chế; việc hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ
thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong một số lĩnh vực chưa đáp
ứng yêu cầu.
Công tác quản lý công
chức, viên chức và củng cố, kiện toàn đội ngũ còn hạn chế. Việc đánh giá cán
bộ, công chức, viên chức còn lúng túng, bất cập. Cơ chế quản lý viên chức
chưa đổi mới đồng bộ với cơ chế tự chủ trong tổ chức và hoạt động của các đơn
vị sự nghiệp công lập.
Thứ năm, công tác thanh
tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo ở một số bộ ngành, địa phương còn
thiếu quyết liệt, chưa sâu sát; công tác phối kết hợp còn hạn chế. Việc triển
khai kế hoạch thanh tra ở một số đơn vị còn chậm; nhiều cuộc thanh tra còn
kéo dài, hiệu quả chưa cao.
Việc nắm tình hình khiếu
nại, tố cáo có lúc còn bị động, lúng túng trong chỉ đạo xử lý tình huống phức
tạp xảy ra. Công tác xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo còn chậm, một số địa
phương chưa chú trọng giải quyết ngay từ khi vụ việc mới phát sinh.
Công tác đấu tranh phòng
chống tham nhũng, lãng phí chưa tạo được chuyển biến căn bản. Tình hình tham
nhũng tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là ở một số lĩnh vực như đất đai, tài
nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng, tài chính, ngân hàng... Một số tổ chức,
cơ quan, đơn vị chưa thực sự quán triệt đầy đủ và quan tâm đến công tác phòng
chống tham nhũng.
Thứ sáu, công tác quản lý
nhà nước về an ninh, trật tự trên một số địa bàn còn có sơ hở, hiệu lực hiệu
quả còn hạn chế. Việc nắm thông tin, nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình
có việc, có địa bàn còn chưa sâu, chưa kịp thời; khi có vụ việc phức tạp xảy
ra giải quyết còn lúng túng.
Việc thực hiện quy định
trong điều tra, xử lý tội phạm ở một số nơi chưa nghiêm, có trường hợp vi
phạm nghiêm trọng dẫn đến oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Tình trạng ùn tắc
giao thông tại đô thị lớn khắc phục chậm, chưa bền vững.
Thứ bảy, quan hệ phối hợp
với các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương
các đoàn thể nhân dân và việc chấp hành giám sát của Quốc hội, chế độ báo cáo
Chủ tịch nước có mặt còn hạn chế.
Việc cập nhật thông tin,
phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh có lúc chưa kịp thời, đầy đủ. Một số Bộ
ngành, địa phương chưa chủ động thực hiện tốt công tác phối hợp, phát huy vai
trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Còn tình trạng chậm gửi
một số báo cáo tại các Kỳ họp Quốc hội và phục vụ công tác kiểm tra, giám sát
của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Còn khó khăn trong việc thực hiện đúng quy
định về thời hạn giải quyết kiến nghị của cử tri do có liên quan đến thẩm
quyền giải quyết của nhiều cấp, nhiều ngành hoặc liên quan đến việc phải sửa
đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật.
Những hạn chế, yếu kém
trên đây được nhận định do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan như:
Nhận thức về kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên nhiều lĩnh vực chưa đủ rõ và còn khác
nhau nên việc xây dựng thể chế, chính sách nhiều mặt còn lúng túng, thiếu
nhất quán, chưa thật phù hợp với kinh tế thị trường, chưa tạo được động lực
mạnh mẽ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư
phát triển.
Công tác tổ chức thực
hiện vẫn là khâu yếu và còn nhiều hạn chế. Việc quán triệt và thể chế hóa
thành luật pháp trong nhiều trường hợp còn chậm, chất lượng thấp, tính khả
thi chưa cao.
Phương thức lãnh đạo,
quản lý, điều hành kinh tế xã hội chưa thật phù hợp, hiệu lực hiệu quả chưa
cao, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển trong kinh tế thị trường và hội nhập
quốc tế. Tổ chức bộ máy và phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức
nhiều mặt còn hạn chế.
Khả năng phân tích, dự
báo và phản ứng chính sách chưa đáp ứng yêu cầu trước tình hình quốc tế biến
động rất nhanh, phức tạp.
(Theo
Giáo dục VN) Ngọc
Quang
|
Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét