Vì sao tiết kiệm được tới 14.000 tỷ trong dự án nâng
cấp đường?
Cập nhật lúc 07:15
Trong khi đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ lý do
dôi dư tới 14.000 tỷ đồng tại các dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1A và đường
Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên thì Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng
khẳng định: “Do thực hiện theo đúng quy định hướng dẫn, do làm nhanh nên giảm
được số tiền này”.
Thảo luận về báo cáo tình hình triển khai thực hiện và
phương án sử dụng trái phiếu Chính phủ còn dôi dư với các dự án cải tạo nâng
cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (14.000 tỷ đồng), chiều 3/11,
đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của
Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải trong việc chỉ đạo, điều hành, đẩy nhanh
tiến độ thi công và hoàn thành vượt thời gian so với kế hoạch đề ra.
“Với một công trình không dễ gì tiết
kiệm 23% như thế”
“Đến nay các dự án đã hoàn thành và cơ bản đưa vào sử
dụng, tuy nhiên thực tế có một số đoạn đường xuống cấp, chưa đảm bảo an toàn
giao thông cũng như sự thông suốt của toàn tuyến đường, trong đó có đoạn Quốc
lộ 1A qua tỉnh Long An - đoạn đường này được cải tạo, nâng cấp và đưa vào sử
dụng từ năm 1999, mở rộng từ 2003, khi mở rộng tận dụng lại kết cấu của làn
xe thô sơ, hiện nay đường đã xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống thoát nước gặp
vấn đề, hệ thống cầu cũ xuống cấp,…có thể gây ra hậu quả khó lường”- đại biểu
Lâm nói.
Từ đó, đại biểu này cho rằng việc phân bổ và sử dụng số
vốn còn dư để đầu tư cho các công trình liên quan trực tiếp đến Quốc lộ 1A và
Quốc lộ 14 là phù hợp, góp phần hiệu quả sử dụng hai tuyến đường này. Tuy
nhiên Chính phủ cần rà soát kỹ hơn, bảo đảm các dự án được đề xuất không đội vốn.
Đại biểu Lâm cũng mong Chính phủ quan tâm đầu tư dự án
Quốc lộ 1A qua tỉnh Long An, góp phần đảm bảo thông suốt tuyến đường huyết
mạch đi các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.
Đại biểu Ngô Văn
Minh (Quảng Nam).
Trong khi đó, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng
“chiến tích” dư hơn 14.000 tỷ đồng là tốt và Quốc hội hoan nghênh việc không
dễ gì làm được này của Bộ Giao thông vận tải.
“Nhưng cần phải làm rõ từng nội dung chúng ta đã tiết
kiệm. Với một công trình không dễ gì tiết kiệm 23% như thế. Đề nghị làm rõ
từng lý do, từng khoản một. Chúng ta điều chỉnh thiết kế ở những đoạn nào, ở
công trình nào? Chúng ta nói thi công hợp lý thì hợp lý thế nào, tiết kiệm được
bao nhiêu? Những vấn đề này có thể do bất cập về khâu lập thiết kế, thẩm
định”- ông Minh nói.
Theo vị đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, nhiều cử
tri hết sức lo lắng về việc cắt giảm quy mô đầu tư làm ảnh hưởng đến chất
lượng công trình, những công trình vừa xong đã sụt, nứt, lún. “Nếu như vậy
thì không đảm bảo an toàn giao thông, việc điều chỉnh thiết kế Quốc lộ1A từ 6
làn xuống 4 làn, không có làn cho xe thô sơ và người đi bộ thì liệu có đúng
thẩm quyền như quy định tại Nghị quyết của Quốc hội?”- ông Minh đặt vấn đề.
Trong khi đó, đại biểu Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực
Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - cho rằng trong bối cảnh nợ công như
hiện nay, đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng 14.000 tỷ đồng dôi dư này bổ sung
vào nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và sử dụng làm 3 việc: đầu tư vào Quốc lộ
1, Quốc lộ 14 qua Tây Nguyên đã bố trí vốn khác nhưng khó khăn chưa có khả
năng sử dụng và đồng bộ hệ thống giao thông và đầu tư vào một số dự án, công
trình đã có vốn trái phiếu Chính phủ.
Cũng cơ bản đồng ý với việc bố trí, ưu tiên vốn cho dự án
Quốc lộ 1A, đường 14 qua Tây Nguyên, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho
rằng, nếu theo nguyên tắc này thì danh mục các dự án mà Chính phủ trình Quốc hội
chưa đủ, cần phải thêm 2 dự án nữa là hỗ trợ đầu tư mở rộng quốc lộ 13 trên
địa bàn tỉnh Bình Phước và đoạn cuối đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên tại thị
trấn Lộc Ninh (Bình Phước).
“Do làm nhanh nên giảm được số tiền này”
Giải trình với các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải Đinh La Thăng cho biết dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A và
đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên được Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo, giám sát
nên đã hoàn thành trước thời hạn: Quốc lộ 1A là 1 năm và đường Hồ Chí Minh là
1,5 năm.
“Chính vì vậy, đây là nguyên nhân chính giảm vốn so với dự
kiến đầu. Có một số ý kiến cho rằng việc dư này có đúng không, hay lập tổng
mức đầu tư vống lên?”- ông Thăng đặt vấn đề.
Rồi chính ông Thăng lý giải: “Việc lập tổng mức đầu tư,
lập dự toán theo quy định của Luật Xây dựng cùng nhiều thông tư hướng dẫn của
Chính phủ chứ không phải thích lập bao nhiêu thì lập. Tất cả các dự toán này đều
đã được Viện Kinh tế xây dựng của Bộ xây dựng thẩm định trước khi Bộ Giao
thông vận tải phê duyệt”.
Bộ trưởng Đinh La
Thăng giải trình từng lý do giúp giảm 14.000 tỷ đồng.
Theo ông Thăng, trong tổng số dư hơn 14.000 tỷ đồng có
giảm 4.485 tỷ do chênh lệch giữa tổng nguồn vốn bố trí cho các dự án và tổng
mức đầu tư dự án đã được phê duyệt.
Thứ hai, giảm 1.070 tỷ do thực hiện hình thức chỉ
định thầu mà Chính phủ cho phép; giảm 686 tỷ chi phí giải phóng mặt bằng do
công tác này được trực tiếp lãnh đạo các địa phương và nhân dân vùng dự án
vào cuộc.
Giảm 6.290 tỷ đồng do rút ngắn thời gian thi công 1 năm
với Quốc lộ 1A và 1,5 năm với đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên. “Việc giảm
này gồm chi phí dự phòng, trượt giá, theo quy định còn 26%, trong đó 10% dự phòng
khối lượng được xác định trong thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng, 16% dự
phòng trượt giá được xác định theo thời gian thi công là dự kiến 3 năm. Thực
hiện theo đúng quy định hướng dẫn, do làm nhanh nên giảm được số tiền này”-
ông Thăng nói.
Bên cạnh đó giảm tiếp 1.728 tỷ do trong quá trình triển
khai Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các khâu thiết kế,
dự toán biện pháp thi công phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo tính kinh
tế và giá thành công trình; điều chỉnh biện pháp thi công cho phù hợp với thực
tế.…
(Theo
Dân trí) Thế Kha
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét