Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

GS Trần Đông A: Cấp phép đào tạo ngành y như thế là bước thụt lùi

Cập nhật lúc 14:50               

 

Trên thế giới việc đào tạo nhân lực cho ngành y đều bắt đầu từ xây dựng theo mô hình viện-trường thì việc cấp phép đào tạo cho một trường đại học mà không rõ họ đã có bệnh viện chưa là một bước thụt lùi so với quốc tế.
 

Trao đổi với Dân trí, Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư Bác sĩ Trần Đông A, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết cảm thấy rất lo lắng trước việc Bộ GD-ĐT cấp phép cho trường ĐH Kinh doanh Công nghệ được đào tạo ngành y khoa và y dược.

Giáo sư bác sĩ Trần Đông A (ảnh Vietnamnet)
 
Giáo sư bác sĩ Trần Đông A (ảnh Vietnamnet)
Theo vị giáo sư này, vấn đề đào tạo y khoa là liên quan đến con người, môi trường để sinh viên cọ xát, thực hành hay làm việc hết mình chính là trong bệnh viện. Đào tạo ngành y có đặc thù riêng vì không chỉ dạy những kiến thức lý thuyết mà hơn hết là cần phải có cả thực hành. Đối tượng để sinh viên tiếp cận không chỉ là những mô hình để nhìn ngắm mà phải là chính con người.
“Do đó, yêu cầu phải có viện (bệnh viện) là trước hết. Cả thế giới đều làm theo cách viện là chính, trường ở bên cạnh trong vấn đề đào tạo nhân lực ngành y. Bệnh viện ra đời trước để từ cái nền đó mới xây dựng các môn học cơ bản và trường là nơi dạy sẽ dạy các môn này như lý, hóa, sinh, cơ sở bệnh học, cơ sở bệnh lý…
Hiện tại nước ta cũng có một số trường đào tạo y khoa chỉ mới ở hình thức trường-viện tức đứng sau các trường là các bệnh viện chẳng hạn như ĐH Y dược TPHCM và bệnh viện Chợ Rẫy hay ĐH Y Hà Nội và bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức... Nếu trường ĐH Kinh doanh Công nghệ chưa có viện nào hết thì làm sao đào tạo? Nếu chỉ đơn giản là dựa vào cơ sở vật chất hoặc vài phòng thí nghiệm của một trường đại học thôi thì hoàn toàn không đúng với tiêu chuẩn quốc tế bây giờ”.
GS Trần Đông A chia sẻ rằng “Tôi rất sợ việc mở ra đào tạo ngành y tràn lan, vì nếu một trường mà không có đủ cơ sở vật chất thì lấy gì điều trị, giảng dạy. Bệnh viện cũng phải chuẩn hóa và do những chuyên gia đầu ngành có nhiều kinh nghiệm giảng dạy theo những tiêu chuẩn mới”.
“Trước đây khi tôi đặt vấn đề đổi mới toàn diện giáo dục phải làm thế nào thì chính Thủ tướng Chính phủ cũng từng nhấn mạnh là phải dạy theo chuẩn quốc tế. Do vậy, nếu cho phép mở ngành y như thế này thì chẳng khác nào mình kéo lùi so với quốc tế. Đất nước mình đang hòa nhập thì hãy làm đúng như chuẩn quốc tế, nếu mở trường mới cũng phải đúng như chuẩn quốc tế”, vị giáo sư này kiến nghị.
Ông cũng nhấn mạnh rằng bác sĩ được đào tạo có chất lượng phải là người rất thông hiểu về bệnh nhân lúc khỏe cũng như lúc bị bệnh, hiểu môi trường sống của họ và phải biết kỹ thuật hiện đại để áp dụng trong chuẩn đoán và điều trị. Làm được điều này không cách nào khác là phải đi theo mô hình viện – trường.
(Theo Dân trí) Lê Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét