Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

Trường “ngoại đạo” đào tạo y, bác sĩ: Đùa với tính mạng con người?

 Cập nhật lúc 14:11  
 
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ được đào tạo ngành y dược khiến dư luận đặt dấu hỏi về cách điều hành, quản lý đào tạo hiện nay.
Trường Đại học (ĐH) Kinh doanh và Công nghệ vừa được Bộ Giáo dục-Đào tạo (GDĐT) cho phép đào tạo ngành y – dược. Điều đáng nói là, vừa cuối tháng 12/2014, Bộ GDĐT ra quyết định tạm dừng mở ngành y – dược ở các trường đa ngành, không chuyên do lo ngại về chất lượng đào tạo. Lo ngại này của Bộ GD-ĐT ở thời điểm trước đây chưa đầy 1 năm là có căn cứ và quyết định “tạm dừng” khiến người dân “thở phào” vì hy vọng nếu có vào bệnh viện không sợ gặp phải “lang băm”.
Thế nhưng, quyết định cho phép trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ được đào tạo ngành y dược lại cho thấy cách điều hành “tiền hậu bất nhất” của Bộ GD-ĐT. Dư luận cũng lo ngại, nếu có một ngoại lệ thì chắc chắn sẽ có thêm nhiều ngoại lệ nữa, biết đâu khoa y – dược lại “mọc” lên ở những trường mà “không ai ngờ tới”. Và họ cũng có quyền đặt câu hỏi: Đằng sau quyết định này còn có điều gì mà dư luận chưa biết?

 truong "ngoai dao" dao tao y, bac si: dua voi tinh mang con nguoi? hinh 0
Vào bệnh viện, ai biết bác sĩ nào thi đại học 15 điểm, bác sĩ nào 27 điểm?
Phân tích cụ thể, chưa dám bàn về chất lượng đào tạo ở những trường “ngoại đạo” nhưng có thể thấy từ đầu vào của các trường này đã không đảm bảo chất lượng thì liệu đầu ra chất lượng có được nâng cao? Đơn cử ngay mùa tuyển sinh năm 2015, ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) lấy chuẩn đầu vào ngành dược sĩ là 15 điểm. Điểm chuẩn đầu vào ngành Y đa khoa Trường ĐH Võ Trường Toản là 20 điểm, ngành dược là 15 điểm. Ngành dược học ĐH Thành Đô lấy 14 điểm. Trong khi đó, Đại học Y khoa Hà Nội điểm chuẩn năm vừa rồi dao động từ 23-27 điểm (tùy chuyên ngành).
Liệu có phải vì là kinh doanh giáo dục nên các trường sẽ mở tất cả các ngành học mà họ thấy “đắt hàng”? Và người học, dù ở trình độ thấp nhưng vẫn thỏa ước mơ được học những ngành mà nhiều người học giỏi hơn cũng không dám mơ tới là y, dược? Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường nói rằng: nếu đầu ra không đạt yêu cầu thì nhà tuyển dụng sẽ không tuyển dụng,  sinh viên ra trường không có việc làm và trường sẽ không thể tiếp tục đào tạo, cuối cùng sẽ dẫn đến phá sản...
Quá bất ngờ với cách trả lời của ông Thứ trưởng. Bởi là nhà quản lý, hoạch đinh chính sách, sao các ông “thấy chết”, thấy tốn kém cho xã hội mà không ngăn chặn? Chưa kể, giáo dục đại học Việt Nam đang ở tầng nấc nào mà vị lãnh đạo Bộ Y tế so sánh với Havard của Mỹ, cũng đào tạo đào tạo rất nhiều chuyên ngành khác nhau từ chính trị, kinh tế, kỹ thuật đến dược học… và chất lượng đào tạo của họ là rất tốt.
Bộ Y tế đồng ý với đề xuất của Bộ GD&ĐT và đề xuất những tiêu chí, tiêu chuẩn khi mở ngành đào tạo y khoa. Theo Thứ trưởng Lê Quang Cường, “những tiêu chí, tiêu chuẩn này chúng tôi phải dựa vào tiêu chuẩn của quốc tế để đưa ra”. Nhưng nói thật với ông Thứ trưởng, là lâu nay người ta không tin vào các tiêu chí, tiêu chuẩn được các Bộ, ngành trong nước thẩm định. Cụ thể trong trường hợp này, nếu từ trước tới nay các qui trình, tiêu chí được thẩm định một cách nghiêm túc, minh bạch, công khai thì đã không có chuyện một quyết định của Bộ GD-ĐT đưa ra lại gây tranh cãi nhiều như vậy. Các qui trình, tiêu chí, bộ tiêu chuẩn… của chúng ta rất hợp chuẩn, theo kịp trình độ quốc tế. Nhưng đó chỉ là trên giấy tờ và khi tiến hành kiểm định còn thực tế chúng ta tuân thủ, áp dụng như thế nào mới là điều quan trọng. Thế mới có chuyện, hàng chục trường đại học, cao đẳng được cấp phép hoạt động rồi đã phải đóng cửa hoặc đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Sai lầm ở bất kỳ ngành nghề nào cũng là điều nguy hiểm và không ai mong muốn. Riêng với ngành y, mỗi sai lầm là gắn với tính mạng một con người. Ngay trong lúc dư luận tranh cãi, lo lắng về việc để các trường không chuyên đào tạo ngành y thì chất lượng sẽ ra sao, thì thầy trò trường Đại học Y khoa Hà Nội, một ngôi trường có điểm tuyển sinh đầu vào cao nhất nước, vẫn trăn trở về cách giảng dạy và học tập hiện nay. Có thể nói, các GS, BS y khoa đầu ngành của cả nước đều tham gia giảng dạy, truyền thụ kinh nghiệm nghề nghiệp cho sinh viên của trường. Thế nhưng, theo phản ánh của chính các em, thì nhiều thầy giảng bài không hấp dẫn, như học thuộc lòng; thời gian dành cho các thầy cô bình luận về bệnh quá ngắn, không đủ để sinh viên hỏi và đưa ra tình huống để phân tích… Thầy giỏi, trò hay là thế, nhiều sinh viên của trường Đại học Y Hà Nội vẫn tỏ ra lo lắng khi bước vào nghề. Có phải “biết nhiều lo nhiều”, còn những người khác “không biết không lo” hay nói cách khác “Điếc không sợ súng”!
Dù là mô hình gì khi mua bán, hay mang về Việt Nam, chúng ta không thể sao chép nguyên si mà phải có những thay đổi phù hợp. Một quyết định đưa ra đơn giản, dễ dãi hôm nay có thể là trò đùa với tính mạng của hàng triệu người bệnh sau này. Rất mong những người có trách nhiệm phải thật sự tỉnh táo, đừng đánh cược sự nghiệp, tính mạng của quá nhiều người như vậy!/.
Vũ Hạnh/VOV.VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét