Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Metro Hà Nội, TPHCM đội vốn khủng: Ai gánh nợ?

Cập nhật lúc 07:25         

        

(Tin tức thời sự) - Việt Nam đang vay tiền để đầu tư phát triển, nếu sử dụng không hiệu quả, thì gánh nợ trên vai con cháu sẽ ngày càng cao.

Thiếu kinh nghiệm nhưng làm ồ ạt
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT đều đặt ra câu hỏi nghi vấn về nguyên nhân và trách nhiệm tăng vốn cho các dự án Metro tại TPHCM và Hà Nội hiện nay.
Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, ngày 25/11, TS Phạm Sỹ Liêm - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: "Metro là một loại dự án cực lớn. Không chỉ ở nước ta, thế giới cũng liệt metro vào loại dự án lớn và phức tạp.
Chính vì thế, việc quản lý dự án, thiết kế và dự toán cho những công trình này tất nhiên không phải việc dễ dàng. Đặc biệt, đối với Việt Nam thì những việc này càng khó khăn hơn.
Dù chúng ta có thể thuê những đơn vị thiết kế chuyên nghiệp, để lập dự án, làm thiết kế, dự toán, kể cả khảo sát và đo đạc nhưng điều đáng lo ngại hơn hết, đó là Ban quản lý (BQL) dự án toàn những người không chuyên nghiệp, nên cũng khó làm việc được với bên chuyên nghiệp. Cho nên, theo tôi, nguyên nhân dẫn đến đội vốn, chậm tiến độ, đó chính là tính không chuyên nghiệp, nói cách khác sự yếu kém năng lực của BQL dự án phía Việt Nam".
Ông Liêm phân tích, hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư các dự án vào Việt Nam trị giá hàng tỷ USD, như một khu nghỉ mát hay một khu công nghiệp, thì chủ đầu tư không bao giờ đứng ra làm BQL dự án. Họ luôn thuê cho mình một đơn vị tư vấn thay mặt họ quản lý, bởi họ xác định, chỉ giỏi về sản xuất chứ không giỏi quản lý dự án. 
"Tại sao Việt Nam, với một loạt các dự án lớn như Metro, không có kinh nghiệm, lại không thuê tư vấn quốc tế để họ quản lý dự án cho mình.
Trong khi, các đơn vị quốc tế quản lý dự án Metro trên thế giới có rất nhiều, chỉ cần chúng ta tổ chức cuộc đấu thầu thì chắc chắn họ sẽ tham gia. Từ đó, chúng ta có thể chọn ra những đơn vị phù hợp và có năng lực, kinh nghiệm nhất để trao quyền quản lý thay mình" - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề xuất.
 Metro Ha Noi, TPHCM doi von khung: Ai ganh no?
Tuyến metro số 2 TP.HCM đội vốn thêm hơn 700 triệu USD
Trước lý do BQL dự án đường sắt đô thị TPHCM đưa ra giải thích cho việc đội giá, chậm tiến độ là do trong quá trình triển khai dự án, bị ảnh hưởng các yếu tố như trượt giá, chi phí tài chính, xây dựng, cùng với đó, đồng thời, do TPHCM lần đầu tiên triển khai xây dựng các tuyến đường sắt Metro nên chưa có kinh nghiệm, ông Liêm cho rằng giải thích này là không thể chấp nhận. Tại sao cái giá của sự thiếu kinh nghiệm phải đắt như vậy, trị giá lên tới hàng mấy tỷ USD, mà đó lại là những đồng tiền của người dân?
Ông Liêm phân tích: "Thứ nhất, nếu đã thiếu kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp thì chỉ nên làm một dự án. Sau khi hoàn thiện xong thì sẽ xem xét, rút kinh nghiệm, sau đó thì triển khai các dự án tiếp theo.
Nghịch lý là tại Việt Nam, đã thiếu kinh nghiệm, nhưng lại triển khai đồng loạt, tại TPHCM là 3 dự án, Hà Nội là 2 dự án và đến nay tất cả các dự án đều chậm tiến độ và đội vốn đầu tư. Ở đây, chúng ta phải đặt ra câu hỏi, vì sao lại như vậy?
Theo tôi, là vì lợi ích trong các dự án đó, nên mới triển khai ồ ạt, bởi dự án nào cũng vậy, tiền thì vay nước ngoài, nhưng phải có vốn đối ứng, Việt Nam thì luôn luôn không đủ vốn đối ứng, vậy thì tại sao không làm từng dự án một, mà làm tràn lan, rồi dự án nào cũng chậm.
Đây chính là cách làm việc làm cho nhanh, cho xong và căn bệnh cố hữu của đầu tư công tại Việt Nam "ăn bánh nhận phần", lợi ích nhóm vẫn luôn tồn tại.
Thứ hai, việc quản lý các dự án Metro là một môn học hết sức phức tạp, chuyện xảy ra như vậy thì phải có cá nhân hay tập thể kiểm điểm, phê phán, rút kinh nghiệm rồi mới làm tiếp, nhưng ở đây thì không có sự tự phê bình, chỉ nói vài câu nhẹ nhàng "tại chúng tôi thiếu kinh nghiệm", rồi nhà nướcphải bỏ thêm tiền để sửa chữa, vậy là xong!
Vì vậy, tôi tán thành ý kiến của Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư về vấn đề này, đề nghị Chính phủ, có chậm thì cũng chậm rồi, kiểm tra lại việc sửa chữa, nâng cấp, nếu BQL năng lực kém thì phải thay đổi".
Phải quy trách nhiệm cá nhân
Không chỉ vậy, theo ông Liêm, phải quy định rõ, đơn vị nào thiết kế, đơn vị nào thẩm định, ai là người phê duyệt, phải quy trách nhiệm từng cá nhân cụ thể.
Theo ông Liêm, phải làm sao để tránh lãng phí đầu tư công, không thể đang trong thời gian triển khai đã đòi tăng vốn, đến lúc quyết toán, hoàn thiện không biết còn đòi bổ sung bao nhiêu.
Mặt khác, ông Liêm nói: "Thông thường khi làm dự toán công trình, tính toán giá thành bao giờ cũng phải đánh giá rủi ro tăng giá, rủi ro trong lúc thi công, rủi ro trong khảo sát địa chất. Mới đây, Metro Singapore trong quá trình thi công cũng bị sập nên phải dừng triển khai để xem xét lại, đánh giá những rủi ro.
Nhưng trước hết, để làm được bao giờ cũng phải có một khoản tiền dự trữ thường chỉ khoảng 10%, có nhiều hơn thì 15%, còn chúng ta, dự án vượt ít nhất cũng 50%, nhiều thì 100-200%, đó chính là sự yếu kém trong việc dự toán chi phí".
Theo ông Liêm, để xử lý được thì cán bộ thiếu kinh nghiệm cũng phải chịu trách nhiệm, ở đây nó cũng giống như câu chuyện đi ra đường vi phạm Luật giao thông. Khi công an dừng lại yêu cầu xử phạt, thì nói là tại tôi chưa biết Luật, không ai có thể nghe và chấp nhận lý do đó. Hay đến các bác sĩ chữa bệnh, năng lực kém làm bệnh nhân tử vong, không thể nào đưa ra lý do thiếu kinh nghiệm được.
Vì sao Việt Nam phải chi gấp đôi?
Không dừng lại ở chuyện metro, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng bày tỏ sự trăn trở về việc tiền đầu tư công của Việt Nam hiện nay còn tồn tại nhiều vấn đề. Ví dụ như ký túc xá sinh viên xây dựng hàng mấy trăm tỷ đồng, hàng nghìn tỷ đồng cũng để không, rồi nhiều công trình bệnh viện xây to không sử dụng.
Để thấy, đầu tư công của chúng ta là một vấn đề cần xem lại, làm sai lãng phí cũng chỉ kiểm điểm qua loa mà không ai chịu trách nhiệm, chỉ có nhân dân gánh hậu quả, cho nên nó vẫn tiếp tục.
Đáng buồn khi đất nước bỏ vốn đầu tư ra để phát triển, thì cũng có phát triển, tiêu biểu là chỉ số GDP hiện nay đã tăng lên 6,5%/năm, nhưng cái giá phải bỏ ra, so với các nước xung quanh Việt Nam phải chi gấp đôi, như vậy có phải thành tích hay không? Trong khi, hậu quả các khoản nợ thì ai chịu, đó chính là thế hệ tương lai của đất nước, chứ không phải chúng ta bây giờ, chúng ta đang vay để phát triển, mà dùng không tốt thì con cháu sau này phải trả nợ.
"Hiện nay, chỉ số ICOR cũng đã thể hiện rõ điều này, cụ thể là mức đầu tư để sinh ra được 1 đồng GDP. Đối với các nước, thì chỉ dao động 3-3,5 đồng thì sẽ tăng 1 đồng GDP, nhưng Việt Nam thì phải 6-7 cho đến 8 đồng thì mới thu được 1 đồng GDP, nghĩa là chúng ta tăng nhưng đắt gấp đôi, thế hệ con cháu phải gánh. Cho nên tôi hay ví von câu chuyện này đúng là “vén tay áo sô, đốt nhà táng giấy” - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng gay gắt.
(Theo Đất Việt) Châu An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét