Xin đừng mang con trẻ ra
làm thí nghiệm
Cập nhật lúc 07:30
Trong chương trình “Vấn đề hôm
nay” của VTV1 phát lúc 22 giờ ngày 16/11, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
(GD&ĐT) Nguyễn Vinh Hiển đã có một buổi giải thích về chương trình giáo
dục phổ thông tổng thể mà dư luận đang rất bức xúc. Bởi với cách làm, cách
dạy này, dư luận cho rằng Bộ đã gián tiếp “khai tử môn Lịch sử”.
Lời giải thích của ông Hiển khá dài, tuy nhiên, có thể tập trung
vào các ý chính như sau:
- Bộ GD&ĐT không coi nhẹ môn Lịch sử mà đang hướng tới làm
thế nào cho môn Lịch sử sinh động hơn, dễ học hơn. Vì thế mới phải lồng ghép
lịch sử với giáo dục công dân và an ninh quốc phòng.
- Việc học sinh chán không học môn Lịch sử là do cách soạn sách
giáo khoa (SGK) của chúng ta.
- Việc giảng dạy theo kiểu tích hợp với 2 môn học giáo dục công
dân và an ninh quốc phòng đã được Bộ GD&ĐT cho làm thí điểm 2 năm nay và
bước đầu thu được kết quả tốt, đó là học sinh hào hứng học hơn, có nhận thức
tốt hơn…
Những lời giải thích của ông Hiển quả thật hơi khó chấp nhận,
đúng là Bộ GD&ĐT chưa có phát ngôn nào nói rằng: “Hãy giảm môn Lịch sử đi
hoặc không nên học lịch sử nữa”. Nhưng với cách học lồng ghép như thế này thì
môn Lịch sử là một môn khoa học sẽ còn là cái gì?
Số tiết học của “môn tích hợp” này có thể tăng lên, nhưng đó là
thứ “lẩu thập cẩm”. Và không hiểu người ta sẽ chọn giáo trình kiểu gì, khi mà
nhồi nhét cả giáo dục công dân và an ninh quốc phòng vào với lịch sử. Và cũng
chưa hiểu được chương trình này đã được “thí nghiệm” ở đâu, đánh giá kết quả
cụ thể như thế nào, mà bây giờ Bộ GD&ĐT lại nói là đang làm thí điểm ở
một số trường và ở một vài cuộc thi giảng dạy môn “tích hợp lịch sử”, đã “thu
kết quả tốt”?
Thật ra, chẳng ai lạ gì kết quả ở nhưng cuộc thi giảng dạy, bởi
lẽ đối tượng được chọn dự thi là những thầy, cô giỏi và họ đã được tuyển chọn
kỹ càng, được luyện theo kiểu “gà nòi”, thì giảng hay, hấp dẫn là lẽ đương
nhiên. Số giáo viên “tốt lỏi” này, không xóa đi được ấn tượng là nền giáo dục
nước ta đang “xấu đều”.
Bao nhiêu năm nay, ngành giáo dục đã mang con trẻ ra làm thí
nghiệm với đủ kiểu: nào là từ chuyện viết “h” và chữ “g” ngắn tun ngủn cuối
những năm 80 của thế kỷ trước; rồi bỗng dưng đổi chữ “A” đầu tiên thành chữ
“E”; rồi nay đổi SGK năm sau lại thay đổi tiếp; các kỳ thi thì được cải tiến
các kiểu… Nhưng xem ra, càng cải tiến thì càng rắc rối.
Phải chăng những người có trách nhiệm về dân trí nước nhà qua hệ
thống giáo dục cũng đã “tẩu hỏa nhập ma”, vớ cái gì của Tây họ cũng bảo rằng
tốt, rồi họ nói tới chuyện tham khảo nhiều nước trên thế giới, nhưng các nhà
khoa học sử học thì cho biết các nước tiên tiến trên thế giới không ai dám bỏ
môn Lịch sử. Có thể họ đã tham khảo ở những quốc gia, mà ở đây không có lịch
sử dựng nước và giữ nước như ở Việt Nam? Còn với những quốc gia đã từng chinh
chiến, trải qua bao thế kỷ sống trong chiến tranh để giữ mảnh đất cha ông,
chiến thắng quân xâm lược mạnh nhất, hung hãn nhất thì không ai lại bỏ lịch
sử cả, mà người ta biến quá khứ oai hùng đó thành động lực cho thế hệ ngày hôm
nay.
Mặc dù lãnh đạo Bộ cũng nói rằng sẽ “hết sức lắng nghe”, rồi sẽ
“cân nhắc”, nhưng nói như nhà sử học Phan Huy Lê thì khó có thể tin được Bộ,
mà lo ngại họ sẽ tìm mọi cách biến môn Lịch sử thành thứ môn phụ, nghĩa là
học cũng được, chẳng học cũng được, có thêm cũng tốt mà giảm nhẹ hoặc bỏ đi
thì cũng không chết ai.
Rồi không hiểu nếu như học tích hợp thế này thì giáo viên sẽ
giảng dạy kiểu gì, chả lẽ một thầy, cô giáo dạy lịch sử lại phải có thêm các
khóa đào tạo về kiến thức an ninh quốc phòng, rồi lại thêm đào tạo về giáo
dục công dân. Và khi nhốt “3 con gà” vào một chuồng như thế này thì cái nào
là chính, cái nào phụ…
Đó là những vấn đề rất không đơn giản, hay nói một cách khác, nếu
cố thực hiện sẽ càng rối. Không những thầy, cô sa vào “mê hồn trận” kiến
thức, mà học trò cũng vậy.
Đây thực sự là một điều nguy hiểm.
Hình như những người soạn chương trình giáo dục này khi họ đề ra
môn Lịch sử là môn phụ, họ không đánh giá được ý nghĩa của môn Lịch sử với
đạo đức, lối sống, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay, mà họ cho rằng cần
phải nhồi vào đầu học sinh: tiếng Anh, các thứ kiến thức theo kiểu mỳ ăn liền…
Và có lẽ họ đang nghĩ rằng, học lịch sử mà làm gì, muốn tìm hiểu
cái gì thì vào Google mà gõ.
Cũng có một thực tế đáng buồn ở nước ta, lịch sử từ xưa cũng vốn
không được coi trọng. Nhiều khi vì những mục đích chính trị nào đó mà người
ta tùy tiện sửa cả các sự kiện lịch sử, thậm chí không dám phản ánh một cách
trung thực bản chất của sự kiện lịch sử đó. Các nhân vật lịch sử cũng vậy, vì
những thiên kiến chính trị mà họ đã cố tình làm sai lệch đi. Chính vì vậy mà
tấm gương lịch sử đã không được người đời soi vào đó để thấy việc mình làm
hôm nay đúng hay sai.
Đường Thái Tông, một ông vua nổi tiếng thời nhà Đường bên Trung
Quốc đã có câu: “Soi vào tấm gương thấy được râu tóc, mặt mũi của ta. Còn soi
vào lịch sử thì thấy việc ta làm hôm nay là đúng hay sai”. Ý nghĩa của lịch
sử là ở chỗ đó.
Bây giờ thông tin bùng nổ, không có cái gì có thể giấu được thiên
hạ. Nên lịch sử càng phải được phản ánh một cách trung thực chính xác và
khách quan. Còn nếu giảng dạy một đằng, nhưng đến khi học sinh đọc tài liệu
về sự kiện ấy lại thấy khác thì các em sẽ không tin vào lịch sử nữa.
Lại nói về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tất nhiên họ
không dám coi nhẹ, dám nói là bỏ môn Lịch sử, nhưng với cách làm thế này thì
không có lý giải nào khác hơn là họ muốn gạt môn Lịch sử ra ngoài, bằng các
hình thức gián tiếp.
Cho đến bây giờ, chương trình này vẫn đang lấy ý kiến, bàn thảo
và chưa biết bao giờ mới thực hiện được. Nhưng quả thật phải nói rằng, chương
trình giáo dục này đã quá tham, khi cố nhồi vào đầu các em đủ mọi thứ. Và
cũng chẳng hiểu là những người soạn Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục
trẻ em (sửa đổi) nghĩ ra 17 bổn phận của con trẻ. Dự thảo luật có 4 điều quy
định bổn phận của trẻ em với gia đình, với nhà trường, cơ sở giáo dục và bạn
bè, với cộng đồng, xã hội và với quê hương đất nước. Theo đó, trẻ em có 17
bổn phận, từ có trách nhiệm với bản thân đến góp phần xây dựng, bảo vệ lợi
ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Đến người lớn bây giờ cũng không ít người còn chẳng biết yêu Tổ
quốc và đang tự chuyển hóa theo phương Tây, thì nói gì đến con trẻ.
Trở lại môn Lịch sử.
Bản thân môn Lịch sử giảng rất dễ hay, rất dễ hấp dẫn và nếu như
vận dụng một cách khéo léo thì biết bao tấm gương trong lịch sử sẽ có tác động
lớn đến tâm tư, tình cảm của học trò.
Nhưng khổ một nỗi, chỉ vì cách soạn giáo án và cách giảng dạy quá
tham lam, muốn con trẻ phải biết hết, nhớ hết nên đọc SGK lịch sử cứ giống
như một báo cáo tài chính, dày đặc sự kiện và con số. Nên nói rằng học sinh
không thích học lịch sử cũng là vì lẽ đó.
Cải tiến gì thì cải tiến, đổi mới gì thì đổi mới, nhưng cái quan
trọng là phải đưa được sự đổi mới đó thành thực tế, nghĩa là con trẻ có thích
hay không. Tất nhiên nói như thế thì cũng vô cùng, bởi lẽ con trẻ đi học
thích chơi là chính. Đến những người đầu bạc mà phải đi học tại chức, được
thầy cô cho về sớm 15 phút là đã hoan hỉ, nói gì các em học sinh. Cho nên, có
những môn phải bắt buộc học, chứ không thể chiều theo ý thích của học sinh
được. Thậm chí, nếu nói đó là nghĩa vụ phải học môn đó cũng không có gì là
quá!
Có lẽ, thay vì loay hoay nhốt môn lịch sử tích hợp với các môn
khác thì Bộ GD&ĐT nên xem lại chương trình SGK của mình về môn Lịch sử.
Làm thế nào để cho học sinh thấy yêu môn Lịch sử và mỗi một buổi học là một
buổi sinh hoạt, là một buổi kể chuyện thì điều đó có ý nghĩa hơn rất nhiều.
(Theo Năng
lượng Mới) Như Thổ
|
Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét