Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

'Miếng bánh' Hồ Tây

Cập nhật lúc 09:45                 

Hồ Tây nằm ở phía tây bắc trung tâm Hà Nội, là một hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành, có diện tích hơn 500ha, chu vi 18km. Có thể ví Hồ Tây như lá phổi lớn nhất của thủ đô, điều hòa bầu không khí trong lành và cũng mang lại nguồn thủy sản lớn cho người dân Hà Nội, bên cạnh chức năng vui chơi, giải trí.

Nhưng cũng chính từ nguồn lợi vô giá về vật chất cũng như tinh thần của nó mà Hồ Tây đã trở thành “miếng bánh” chung cho nhiều người lợi dụng để “ăn chia”. Hậu quả là Hồ Tây bị xâm hại, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và nguồn lợi thủy sản.

Những người câu cá trộm ở Hồ Tây
Với dân cư Hà Nội ngày càng đông, khu vực Hồ Tây gồm các phường Bưởi, Thụy Khuê, Yên Phụ, Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng An, Xuân La và Phú Thượng đang mất nét ven đô mà thay đổi theo hướng mật độ cao, phố xá dày đặc. Hà Nội đã có kế hoạch giảm mức tăng trưởng và chỉnh trang khu vực quanh hồ, hạn chế các công trình xây dựng chiều cao tối đa 12m và giữ khoảng không gian cây xanh.
Trước năm 2000, Hồ Tây còn giữ được vẻ hoang sơ, tự nhiên vốn có. Nhưng sau đó, tốc độ đô thị hóa đã làm thay đổi diện mạo của hồ. Nhà hàng, quán cóc mọc lên như nấm. Chất thải được người dân vô tư đổ xuống hồ. Thêm vào đó là hàng trăm chiếc cầu bằng tre, gỗ của dân câu cá được cắm xuống ven hồ, nhìn như bãi chông. Đặc biệt, từ khi thành phố cho xây dựng con đường ven hồ thì dân câu cá trộm ở Hồ Tây càng đông thêm. Người đi đường nhiều phen hú vía bởi những người câu cá cầm chiếc gậy tre dài khoảng 2m, văng chùm lưỡi câu với cuộn dây cước dài chừng 50m, lấy đà vung ra phía mặt đường, tiếng rít veo véo.
Từ năm 2010, các nhà chức trách đã nhổ hết được những chiếc cầu tre, gỗ, trả lại mặt phẳng cho hồ. Tuy nhiên, dân câu cá vẫn còn nhiều hình thức khác. Có người dùng những chiếc ống bơ sữa bò để cuộn cước và mắc mồi vào chùm lưỡi câu rồi văng ra xa mấy chục mét, sau đó ngồi ghế đá chơi, chờ cá cắn câu thì kéo. Một số khác dùng tay lưới dài, lội xuống lòng hồ thả lưới thành hình vòng tròn với chu vi vài trăm mét vuông rồi lên bờ ngồi đợi một giờ sau thì xuống kéo lưới bắt cá. Còn lại những “cần thủ” câu theo kiểu truyền thống thì quanh hồ phải tính tới hàng trăm. Mỗi ngày trung bình có vài tạ cá các loại bị câu, bắt trộm.
Suốt ngày đêm, trên Hồ Tây có 2 chiếc xuồng máy chạy vòng quanh để xua đuổi người câu và đánh bắt trộm cá. Nhưng 2 chiếc xuồng này chỉ dám chạy cách bờ từ 50m trở ra vì chạy gần bờ sẽ bị dân câu cá ném gạch đá, bắn súng cao su. Đã từng có nhân viên của Công ty Khai thác cá Hồ Tây đi xuồng xua đuổi những người thả lưới và bị ném đá đến tử vong. Sau đó, Ban Quản lý Hồ Tây đã ký hợp đồng với một công ty bảo vệ để trông giữ hồ với số tiền 200 triệu trong 3 tháng. Nhưng công ty này cũng không làm được, thậm chí nhân viên công ty còn bị người câu đánh lại.
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ đã từng thừa nhận: “Câu cá trộm tại Hồ Tây là câu chuyện tương đối nan giải nhưng không thể để họ câu cá công khai và gây phản cảm như vậy được. Đây là trách nhiệm của quận và chúng tôi đã nhận với Thành ủy, UBND TP về việc chỉ đạo các phường, công an phường thường xuyên có bộ phận đi đôn đốc kiểm tra, phát hiện”. Tuy nhiên, việc kiểm tra, truy quét của các phường ven hồ cũng chỉ làm thành từng đợt nhân các dịp lễ tết, còn quanh năm thì vẫn buông xuôi. Và những người sống nhờ Hồ Tây, chồng con đánh bắt cá, vợ ngồi bán cá ven hồ vẫn tồn tại.
Những buổi tối, dân ven hồ chia nhau từng đoạn đường, trải chiếu, kê bàn, ghế để bán hàng, chiếm hết đường đi dạo và khiến giao thông ùn tắc ở nhiều điểm.



Những hình ảnh và nguyên nhân ô nhiễm Hồ Tây
Phải nói rằng, ý thức của nhiều người dân sống ven Hồ Tây rất kém. Vùng hồ giáp với đường Trích Sài và Lạc Long Quân không khác gì một bãi rác khổng lồ. Người ta vứt tất cả các thứ xuống lòng hồ mà nhiều nhất, dễ thấy nhất là bát hương, bàn thờ cùng các đồ tế lễ khác. Cuối năm 2014, Công ty Quản lý Hồ Tây đã cho nạo vét lòng hồ khu vực này nhưng vì chỉ nạo vét cách bờ hồ 10m trở ra nên hiện nay vẫn còn nhìn rõ vô vàn bát hương và bàn thờ cùng các đồ vật khác nằm dưới hồ. Ở phía đường Nguyễn Đình Thi giáp với đường Thanh Niên, một cống nước thải từ quận Ba Đình cộng với các nhà thuyền, nhà hàng nổi hằng ngày trút xuống lòng hồ đủ mọi thứ chất thải đã tạo nên một đầm lầy nhức mắt, bốc mùi xú uế quanh năm. Do nước hồ bị ô nhiễm nặng nên cá chết hàng loạt nổi lều bều khiến gió Hồ Tây thổi vào một bầu không khí ngột ngạt
Các khu vực liền kề xung quanh hồ Tây sẽ được quy hoạch để trở thành trung tâm của thủ đô Hà Nội mới, thay thế dần vị trí hồ Hoàn Kiếm hiện nay. Nhưng thành phố và quận Tây Hồ không khẩn trương có những biện pháp mạnh để xử lý những tiêu cực đang diễn ra lâu nay thì Hồ Tây sẽ càng mất đi vẻ đẹp vốn có từ ngàn đời để lại. Nó sẽ mãi là “miếng bánh” để cho người dân và doanh nghiệp quanh hồ chia nhau mưu sinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét