Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Năng suất chống tham nhũng thấp: ĐBQH khuyên học Trung Quốc

Cập nhật lúc 07:03

(Tin tức thời sự) - Các ĐBQH cho rằng kết quả phòng chống tham nhũng chưa cao là do các quy định và chế tài xử phạt còn nhiều hạn chế.

Muốn xử lý cũng khó
Trong 3 năm gần đây, số vụ tham nhũng bị phát hiện và số tiền tham nhũng bị cơ quan nhà nước thu hồi rất ít. Báo cáo mới nhất của Cục Chống tham nhũng 9 tháng đầu năm 2015, công tác Thanh tra đã phát hiện 4 vụ việc, 4 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 297 triệu đồng. Trong khi đó, các ban ngành, đoàn thể từ cấp cao đến cấp thấp đều thừa nhận, tình hình tham nhũng ở nước ta hiện nay diễn ra rất phức tạp. Câu hỏi đặt ra là, vì sao năng suất chống tham nhũng lại hạn chế như vậy?
Bàn về vấn đề này, ĐB Trần Ngọc Vinh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng thẳng thắn, các cơ quan, ban ngành đã thành lập các ban chống tham nhũng từ trung ương cho đến địa phương, nhưng công bằng mà nói thì chưa đạt yêu cầu.
“Nhìn vào các con số báo cáo có thể thấy số vụ tham nhũng bị phát hiện và xử lý quá ít, nó chênh với thực tế khá nhiều. Tại các phiên thảo luận và chất vấn, chúng tôi cũng đã từng đặt câu hỏi về vấn đề phòng chống tham nhũng hiện nay.
Có thể thấy rằng, cơ quan phòng chống tham nhũng hoạt động chưa thật sự hiệu quả, những vụ phát hiện gần đây đều do quần chúng nhân dân và các cơ quan thông tấn phát hiện rồi sau đó lực lượng chống tham nhũng, thực thi pháp luật mới vào cuộc”, ông Vinh khẳng định.
ĐB Vinh khẳng định, chế tài để xử lý vi phạm, các quy định của pháp luật đối với tội tham nhũng còn nhiều hạn chế, bất cập nên gây ra nhiều khó khăn cho người thực thi pháp luật.
 “Cần phải xem lại cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan phòng chống tham nhũng. Việc không quy định cụ thể luật, xảy ra tình trạng chồng chéo giữa các bên khiến cho lực lượng chức năng muốn xử lý cũng khó”, ông Vinh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ĐB Lê Việt Trường - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng năng suất lao động của cán bộ chống tham nhũng thấp là hoàn toàn dễ hiểu và phù hợp với tình hình thực tế.
 ĐB Trường giải thích: “Việc quản lý nguồn thu nhập của mỗi cá nhân đặc biệt là người công tác trong hệ thống công quyền của chúng ta không chặt chẽ được như các nước. Nền kinh tế tiền mặt ở nước ta gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý, khó phát hiện hành vi tham nhũng.
Ở các nước khác, người ta chủ yếu lưu thông qua hệ thống tài khoản ngân hàng, nên khi người dùng có một lượng tài sản lớn mà không giải thích được rõ nguồn gốc, xuất xứ thì có thể dễ dàng xử lý và thu hồi”.
Cần phải hoàn thiện luật
Nêu quan điểm của mình, ĐB Bùi Thị An – ĐBQH Hà Nội cho rằng, không phải là do những người thực thi pháp luật cắp ô, không quan tâm đến vấn đề này, mà do họ chưa được giao đầy đủ những quyền hạn để làm tốt nhiệm vụ.
“Các cơ quan chống tham nhũng đã cố gắng nhưng thật sự kết quả đạt được không như mong muốn. Cần phải hoàn thiện hệ thống luật pháp, đưa ra quy định cụ thể về chức năng, quyền hạn của những đơn vị này để thực hiện tốt việc phát hiện và xử lý.
Ngoài ra cần tăng cường thêm lực lượng để các cơ quan chống tham nhũng có thể kiểm soát và nắm bắt được các hành vi có dấu hiệu tham ô tài sản”, nữ ĐBQH Hà Nội nhấn mạnh.
ĐB Bùi Thị An cho rằng, các cơ quan, ban ngành đều thấy rõ sự cần thiết và quan trọng của vấn đề phòng chống tham nhũng.
 “Cần phải huy động tất cả các cơ quan đoàn thể phối hợp để hạn chế, đẩy lùi các hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản đã bị thất thoát trả về cho ngân sách nhà nước. Việc làm này là lâu dài, cần phải kiên trì và hết sức công khai minh bạch”, ĐB An nói.
Trong khi đó, ĐB Lê Việt Trường khẳng định, cần phải hạn chế lưu thông tiền mặt, tiến tới áp dụng và triển khai sử dụng tài khoản ngân hàng để quản lý công chức, cán bộ.
“Các nước tiên tiến người ta đã hạn chế tối đa tệ nạn tham nhũng thông qua việc kiểm tra các giao dịch ở ngân hàng. Đây là một cách làm hay, Việt Nam cũng cần học hỏi và tiến tới đẩy mạnh trên phạm vi cả nước.
Ngoài ra cũng có thể nghiên cứu thành lập ủy ban đặc biệt chống tham nhũng như Trung Quốc đã áp dụng. Theo đó thì cơ quan này có những thẩm quyền đặc biệt, không giới hạn như: thanh tra, kiểm tra đột xuất, có thể tiến hành nghe lén những cá nhân, tổ chức có dấu hiệu tham nhũng...”, ĐB Trường nêu quan điểm.
(Theo Đất Việt) Hoàn Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét