Con số mà biết nói năng...
Cập nhật lúc 07:30
Trải qua gần
70 năm hình thành và phát triển, ngành
thống kê VN đã có những đóng góp quan trọng vào việc hoạch
định chính sách của Chính phủ, là cơ sở cho việc xây dựng các chiến lược phát
triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của
người dân.
Nền tảng pháp lý cho hoạt động thống kê
cũng không ngừng được ban hành, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Chỉ tính từ
thời kỳ sau đổi mới, Quốc hội đã nhiều lần ban hành và sửa đổi các quy định
về hoạt động thống kê mà khởi đầu là Pháp lệnh kế toán và thống kê (1988) rồi
nâng cấp lên thành luật Thống kê (2003). Thế nhưng trong hơn 10 năm qua, nền
kinh tế và xã hội VN đã có những thay đổi không ngừng, các quan hệ kinh tế -
xã hội ngày càng phức tạp đã đặt ra nhiều thách thức về mặt quản lý nhà nước
và công tác thống kê.
Thực tiễn cho thấy có quá nhiều trục
trặc và bất cập nảy sinh liên quan đến công tác thống kê, cả về mặt tổ chức
thống kê, hệ thống thông tin thống kê, chỉ tiêu thống kê và số liệu thống kê,
đòi hỏi cần phải có những điều chỉnh. Những bất cập thường bị phê phán như
thông tin không đầy đủ, không hệ thống, không kịp thời, chất lượng không đáng
tin cậy, bị phân tán, lạc hậu về phương pháp, bị khiếm khuyết, chồng chéo và
mâu thuẫn, thiếu cơ sở khoa học, thiếu độc lập, thiếu vắng giải trình, mâu thuẫn
lợi ích...
Bất cập còn là chuyện con số thống kê
chỉ biết “nghe” chứ không biết “nói”, và kiểu thống kê “ấn - độ”. Điều đáng
nói là nhiều người, đặc biệt là các nhà quản lý thường ngộ nhận con số thống
kê như là chỉ tiêu thay vì cần xem đó là những chỉ báo (indicators). Hơn nữa,
cách tổ chức hệ thống thống kê của VN còn nhiều bất cập. Nhiều bộ/ngành xem thống
kê là việc riêng của ngành thống kê chứ không phải là nhiệm vụ của họ.
Với lẽ đó, nhiều nội dung của luật
Thống kê 2003 đã không còn phù hợp cần phải nâng cấp, đồng thời bổ sung thêm
nhiều quy định mới mà qua thực tiễn phát sinh nhận thấy đó là đòi hỏi cần
thiết. Việc trình dự thảo luật Thống kê sửa đổi ra thảo luận tại Quốc hội lần
này là rất kịp thời, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang thực hiện công
cuộc tái cấu trúc, đòi hỏi cần có một bộ chỉ tiêu thống kê tốt làm cơ sở cho
việc đánh giá kết quả tái cấu trúc. Bản thân ngành thống kê cũng cần phải có những
cải cách và nâng cấp để thích ứng với tiến trình đó. Các cải cách như vậy
thường bắt đầu hay được thúc đẩy bằng những thay đổi pháp lý và việc sửa đổi
luật Thống kê không phải là ngoại lệ.
Tác giả có dịp tham gia hội thảo góp ý
luật Thống kê sửa đổi gần đây và nhận thấy dự thảo có nhiều thay đổi quan
trọng trên một tinh thần tiến bộ hơn so với luật Thống kê cũ. Tuy nhiên, nội
dung dự luật nhìn chung vẫn chưa thực sự thể hiện tư duy đột phá trong xây
dựng thể chế, chưa có nội dung mang tính cải cách thực sự và ghi dấu ấn.
Thiết nghĩ, nếu không có những thay đổi đột phá, ngành thống kê sẽ khó giải
quyết được những trục trặc cố hữu như đã chỉ ra. Hy vọng lần sửa đổi này,
Quốc hội sẽ có những quyết định đúng tầm. Có như vậy ngành thống kê mới có thể
phát huy được vai trò thực sự của mình, đứng cùng mà không quá lạc lõng với
ngành thống kê của các nước trong khu vực cũng như thế giới.
(Theo
Thanh niên) Đỗ Thiên Anh Tuấn
(Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright)
Con số mà biết nói năng
Thì anh kê khống hàm răng chẳng
còn.
Thương Giang
|
Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét