Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Bộ GD-ĐT nói thế nào về "bác sĩ Kinh Công"?

Cập nhật lúc 19:33

Câu chuyện Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mới đây vừa được cho phép tuyển sinh đào tạo các ngành y dược đang được dư luận hết sư quan tâm. Nhiều nghi ngại về chất lượng đào tạo ngành học đặc thù này một lần nữa được đặt ra.

Chương trình "Góc nhìn thẳng" của VietNamNet đã mời bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Quyền Vụ trưởng Vụ  Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) trao đổi thêm về vấn đề này.


Nhà báo Lê Hạnh: Thưa bà tại sao việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lại được Bộ GD-ĐT cấp phép mở ngành y,  dược? 

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Những lý do cơ bản nhất là trường đã đầu tư từ trước đó và đăng ký mở ngành với Bộ từ năm 2013. Từ thời điểm đó, Bộ thấy trường chưa đủ điều kiện cần đầu tư tốt hơn nên đã trả lời cần đầu tư để đạt chuẩn mở ngành. 

Thời điểm đăng ký đó trước năm 2014, Bộ mới ra công văn là tạm dừng mở một số ngành khoa học sức khỏe ở các trường đa ngành, trừ một số trường đặc biệt. Trường đã đáp ứng yêu cầu cơ bản trong luật, được đầu tư nâng cao đảm bảo chất lượng trong thời gian tới. Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Y tế thẩm đinh nghiêm ngặt khi trường đủ điều kiện thì cấp phép theo quy định.

Nhà báo Lê Hạnh: Việc cho phép mở rộng nghề y, và sắp tới đây khi các trường tự chủ mở ngành đào tạo nữa có dẫn đến tình trạng ngành y lại được đào tạo theo mốt, như tình trạng các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, ngân hàng hay chứng khoán  đã từng bùng nổ trước đây nay lại bão hòa?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Đào tạo y dược không giống như đào tạo hầu hết các ngành khác. Chẳng hạn trong quy định về học phí, ngành y dược bao giờ cũng thu học phí cao nhất. 
Tại sao như vậy? Bởi vì để mở ngành y dược, đầu tư đòi hỏi rất lớn, phải có máy móc, trang thiết bị chuyên dụng phù hợp trong ngành, phải hợp tác hoặc xây dựng cơ sở thực hành cho ngành Những cơ sở thực hành này phải đảm bảo cho sinh viên thực hành trong suốt quá trình đào tạo theo chuẩn của Bộ Y tế.  Tất cả những yêu cầu đó không phải những trường nào muốn là cũng được mở ngành

Trong rất nhiều năm qua nhà nước, vẫn đầu tư cho đào tạo y dược nhưng hầu như không mở thêm cơ sở đào tạo y dược nào, trong khi nhu cầu nhân lực ngành y dược của ta vẫn còn thiếu, còn vùng trũn, do đó cần đa dạng hóa nguồn đầu tư như tư nhân, nguồn đầu tư nước ngoài để đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực. Những vẫn đề đó phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nhà báo Lê Hạnh: Thưa bà, cứ tạm cho rằng nhân lực y khoa thiếu nhưng tại sao Bộ GD-ĐT không chọn trường nào đó, có điểm đầu vào kỳ tuyển sinh vừa qua cỡ 25 điểm chẳng hạn để đào tạo y, dược, như vậy khoảng cách đầu vào giữa các trường cùng đào tạo y, dược là hẹp, chất lượng đầu vào sẽ đồng đều hơn? 

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Nếu ở thời kế hoạch hóa tập trung, nhà nước ra kế hoạch và đầu tư cho các kế hoạch đó thì Nhà nước cũng phải chọn những trường có năng lực tốt nhất để đầu tư và giao đào tạo ngành y dược. Nhưng như tôi đã nói, những năm gần đây, nhà nước không đầu tư thành lập bất cứ cơ sở đào tạo nào mới, các trường công muốn làm đầu tư nhà nước cũng hạn hẹp. Trong lĩnh vực này, các nhà đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài lại là thế mạnh; bởi nếu như có chiến lược và tiềm lực kinh tế họ có thể đầu tư được và tập trung nguồn lực của mình để trang bị máy móc, tuyển dụng giảng viên. Khối tư nhân có thể tận dụng lao động chất lượng tốt đã hết tuổi làm việc ở khu vực nhà nước có thể ra làm việc trường tư thục. Trường tư thục có chiến lược thu hút giảng viên tốt thì họ có thể thu hút người giỏi, có kinh nghiệm để  vừa xây dựng chương trình, vừa đào tạo đội ngũ kế cận để xây dựng cơ sở đào tạo tốt.

Nhà báo Lê Hạnh: Nhiều ý kiến cho rằng sẽ chẳng ai dám để bác sĩ tốt nghiệp trường Đại học Kinh doanh Công nghệ khám, điều trị cho mình, bà nghĩ gì về điều này?
 Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Sự lo lắng của xã hội về chất lượng đào tạo y dược là chính đáng và chúng tôi cũng chung sự lo lắng đó.

Tuy nhiên, trường chưa tuyển sinh mà nói rằng không bao giờ để cho bác sĩ của trường đó khám, chữa bệnh thì đó là biểu hiện của định kiến xã hội.

Mặc dù tôi hiểu có thể băn khoăn đó xuất phát từ tên nhà trường, từ thực trạng tuyển sinh năm vừa qua khi trường lấy điểm khá thấp.  
Theo cách đó mà áp dụng sang cho đào tạo y dược là không phù hợp. 

Tuy nhiên, sau 6 năm học ở trường, qua những kỳ thi nhất định; rồi qua thi sát hạch để lấy chứng chỉ hành nghề. Để làm việc cho một cơ sở y tế nào đó cũng phải qua quá trình thi tuyển hoặc xét tuyển,v.v.. Đó là những chặng đường gian nan mà không phải là không có cố gắng mà đương nhiên sẽ đạt được. 

Sự lo lắng là tiếng nói cần thiết, để trường làm tốt hơn công việc của m,ình. Nhưng nếu như chúng ta đóng cửa với họ, họ chưa làm mà đã nói là không bao giờ chấp nhận thì họ nản, và không nên.

Nếu họ làm tốt như trường công thì tốt hơn cho xã hội. Giống như thời gian vừa qua bệnh viện tư tham gia vào khám chữa bệnh thì hệ thống y tế đã tốt hơn rất nhiều. Chúng tôi cũng mong muốn, cố gắng đạt được điều đó và mong muốn xã hội đồng hành với chúng tôi.


Theo VietNamNet

Không biết cái công văn tạm dừng mở ngành Y năm 2014 có “mở ngoặc” là các trường đã đăng ký trước đó và có “đầu tư lớn” vẫn được cấp phép dạy “chữa người” không nhỉ? Có ai ở Bộ Dạy trả lời hộ tí. Nếu không có cái “mở ngoặc” ấy thì rõ ràng Bộ GD ĐT đã tiền hậu… chẳng phải là một.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét