Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

Liệu có còn "nhất y, nhì dược?"

Cập nhật lúc 10:15

 Để đỗ vào các trường y, thí sinh thường phải đạt trên 27 điểm nhưng tới đây sẽ có bác sĩ với đầu vào chỉ khoảng 20 điểm. Chất lượng nhân lực ngành y quyết định sinh mệnh con người sẽ như thế nào khi đầu vào như vậy?

Liệu có còn "nhất y, nhì dược?"

Hai ngành y, được luôn đúng đầu về độ hấp dẫn đối với thí sinh cả nước hàng chục năm qua. Gần đây hai ngành này được mở thêm ở nhiều trường đại học. Việc mở rộng này có gắn với chất lượng đào tạo đang là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm. Góc nhìn thẳng mời ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ, Đào tạo Bộ Y tế để cùng trao đổi về vấn đề này

Nhà báo Văn Chung: Thưa ông, việc nhiều trường được mở thêm hai ngành "hot" y, được có xuất phát từ thực tiễn thiếu hụt đội ngũ y bác sĩ hiện nay hay là chỉ chạy theo trào lưu?

Ông Nguyễn Minh Lợi: Tôi nghĩ đây là câu hỏi rất nhiều người quan tâm. Ngành y và dược từ trước tới nay có sức hút rất lớn. Khi tôi vào trường y tôi vẫn nhớ có câu nhất Y, nhì Dược. Trong thời gian gần đây có các trường ngoài các trường chuyên ngành y dược tham gia đào tạo về nhân lực y tế, trong đó có ngành y đa khoa và ngành dược.
Trước hết điều này phù hợp với chủ trương chung của Nhà nước trong xã hội hóa giáo dục và đào tạo. Để xác định việc đào tạo đã phù hợp, đáp ứng các tiêu chí hay chưa thì thời gian vừa qua căn cứ vào các quy định hiện hành việc quy định quản lí Nhà nước về giáo dục đào tạo thuộc thẩm quyền Bộ GD-ĐT.
Đương nhiên, về phía Bộ Y tế có sự tham gia về chuyên ngành. Và chúng ta biết trong hệ thống y tế hiện nay có một số cơ sở y tế, một số vùng nhân lực y tế còn thiếu. Việc tăng quy mô đào tạo trong các cơ sở đào tạo y dược cũng như một số trường đa ngành tham gia đào tạo y dược chúng tôi nghĩ đó cũng là góp phần cung cấp nguồn nhân lực, bổ sung nguồn nhân lực cho hệ thống y tế.
Nhà báo Văn Chung:Không giống như những ngành nghề khác, ngành y đòi hỏi sự đặc biệt nghiêm ngặt. Một số nước phát triển còn đòi hỏi người dự thi phải tốt nghiệp một trường khác. Vậy việc mở rộng đào tạo hai ngành này, nhìn từ thực tế giáo dục đào tạo hiện nay, liệu chất lượng có được đảm bảo?

Ông Nguyễn Minh Lợi: Đây là một vấn đề, thách thức rất lớn đối với các nhà quản lí. Trước hết đào tạo nhân lực y tế, quan điểm của Đảng đã được thể hiện trong Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị ngày 23/2/2005 nêu rõ ngành y là ngành đặc biệt cần tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt, trong đó có nhấn mạnh cả về đào tạo đặc biệt. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Trong đào tạo nhân lực y tế hiện nay, theo chúng tôi nghiên cứu có hai mô hình đào tạo. Một là mô hình theo hệ của Mỹ đào tạo sẽ tuyển sinh vào ngành y đối với những người đã tốt nghiệp những chuyên ngành gần, nhưng đồng thời có hệ khác tạm gọi là của châu Âu - mà chúng ta đang áp dụng là mô hình tuyển sinh những người mới tốt nghiệp phổ thông vào học.
Tuy nhiên, dù mô hình nào thì đảm bảo chất lượng đào tạo là tiêu chí sống còn mà các cơ sở đào tạo cũng như các nhà quản lí cần phải quan tâm, có định hướng thật cụ thể để đảm bảo chất lượng vì sản phẩm là những người sau đó khi hành nghề sẽ trực tiếp tiếp xúc, quyết định đến vận mệnh của từng người bệnh. Vấn đề chất lượng dù trong hoàn cảnh nào cũng phải là tiêu chí ưu tiên hàng đầu.
Nhà báo Văn Chung:Cá nhân ông đánh giá như thế nào khi một trường đại học tuyển sinh không nổi, điểm đầu vào chỉ 15 lại được cấp phép đào tạo ngành Bác sĩ đa khoa vừa qua?

Ông Nguyễn Minh Lợi: Đây là câu hỏi chúng tôi nghĩ không chỉ đặt ra đối với xã hội, người đi học mà cả nhà quản lí phải quan tâm. Nhưng tiêu chí 15 điểm đầu vào không hoàn toàn phản ánh được cơ sở đào tạo đó khi tham gia đào tạo nhân lực y tế có chất lượng hay không. Vấn đề ở chỗ nếu họ chuẩn bị đủ điều kiện đảm bảo chất lượng như đội ngũ giảng viên, chương trình, cơ sở thực tập trong trường và cơ sở thực hành ngoài trường. Nếu đảm bảo các tiêu chí vẫn có thể đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nghĩ trong hệ thống hiện nay đào tạo nhân lực y tế những năm gần đây các trường đạo tạo lớn như Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y dược TP.HCM điểm tuyển sinh thông thường là 27, năm nay là 27,75. Trong khi những trường khác lại tuyển sinh dưới 20 điểm là thiệt thòi rất lớn cho hệ thống đào tạo.
Bởi vì như vậy có người 26-27 điểm không vào được trường lớn, trong khi các trường mới tuyển sinh tuyển những người điểm thấp thì chúng tôi nghĩ đây là điều rất tiếc về cơ hội cho người đi học.
Nhà báo Văn Chung:Việc cho phép này và sắp tới đây sẽ có thêm nhiều trường khác được phép đào tạo hai ngành y, dược có nằm trong quy hoạch về nguồn nhân lực của Bộ Y tế?

Ông Nguyễn Minh Lợi: Quy hoạch nguồn nhân lực ngành y tế được ban hành theo Quyết định 816 vào tháng 2/2012 dựa trên quy hoạch nguồn nhân lực Việt Nam đã được Chính phủ ban hành.
Trong quy hoạch nhân lực chúng tôi cũng xác định chủ yếu những tiêu chí về quy mô, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực. Cho nên việc trường nào tham gia hay không không phản ánh họ có nằm trong quy hoạch hay không. 
Xu hướng hiện nay là xã hội hóa, trường nào đủ điều kiện thì vẫn tham gia đào tạo nhưng quy mô như thế nào là rất quan trọng. Họ tham gia mà nằm trong tổng quy mô chung mà Bộ Y tế đã làm việc với Bộ GD-ĐT thì hoàn toàn bình thường.
Quan trọng là sản phẩm đầu ra đáp ứng yêu cầu chuyên môn, khi hành nghề có đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân hay không. Việc này Bộ Y tế cũng đã chủ động và đang làm việc với Bộ GD-ĐT.
Thứ nhất, VN đã ký thỏa thuận khung công nhận lẫn nhau trong khối các nước ASEAN và mới đây nhất ngày 22/11 Cộng đồng kinh tế ASEAN đã được ký chính thức. Một thách thức rất lớn trong đó có 3 nhân lực ngành y tế là điều dưỡng, bác sĩ và nha sĩ-răng hàm mặt.
Việt Nam đã ban hành năng lực, chuẩn Điều dưỡng, chuẩn Bác sĩ đa khoa, chuẩn bị ban hành chuẩn năng lực Bác sĩ răng hàm mặt. Trên cơ sở ba chuẩn này tiến tới sẽ tổ chức thi chứng chỉ hành nghề. 
Gần đây nhất Bộ GD-ĐT đã có Thông tư số 33 quy định kiểm định chất lượng đào tạo điều dưỡng. Chuẩn đầu ra các cơ sở đào tạo phải dựa trên các chuẩn năng lực cơ bản đối với điều dưỡng mà Bộ Y tế đã ban hành cũng như đáp ứng chuẩn nghề nghiệp do hội điều dưỡng ban hành.
Sắp tới chuẩn năng lực Bác sĩ đa khoa cũng như chuẩn bác sĩ răng hàm mặt cũng phải được thể chế hóa để các cơ sở giáo dục đào tạo dựa vào đó để ban hành, công bố chuẩn đầu ra.
Đồng thời, để đảm bảo chất lượng chúng tôi cũng đã làm việc với Bộ GD-ĐT và đang chờ ý kiến chính thức của Bộ GD-ĐT cần phải có kế hoạch định kỳ kiểm tra, hậu kiểm đối với các cơ sở đào tạo để duy trì các điều kiện đảm bảo chất lượng, tránh tình huống khi mở ngành có thể tốt nhưng trong quá trình không duy trì được.
Nếu kiểm tra có những kết quả thấy không đáp ứng yêu cầu chuyên môncủa Bộ Y tế chúng tôi sẽ kiến nghị với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho dừng tuyển sinh.
Sẽ thi, cấp chứng chỉ hành nghề định kỳ cho nhân lực ngành y
Trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho rằng chuyện tên trường không quyết định được gì, chất lượng là điều quan trọng nhất, nếu đào tạo không có chất lượng thì sẽ mất uy tín và tự phá sản. "Không nên bàn cái tên mà cần đi vào bản chất là anh đã đủ tiêu chí đảm bảo chất lượng đào tạo hay chưa" - ông Cường nhấn mạnh.
Tới đây, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường bộ này sẽ đề xuất việc thi chứng chỉ hành nghề quốc gia. Ai vượt qua vòng kiểm tra này mới đủ điều kiện khám chữa bệnh. Việc kiểm tra này cũng sẽ tiến hành định kỳ như thi, cấp bằng lái xe hiện nay.
"Như vậy thì anh có thể dạy thoải mái, chuyện mở ngành nghề ở đâu cũng rất nhẹ nhàng." - ông Cường cho biết.
Hãy nhìn sang các nước chúng ta, ví dụ Trung Quốc người học ngành y 5 năm tốt nghiệp nhưng không được cho hành nghề mà phải có 2 năm nữa thực hành ở BV. Sau đó họ phải vượt qua một kỳ thi thực hành cực kỳ chặt mới được khám chữa bệnh cho bệnh nhân.
Với cách làm như vậy, theo ông Cường: "Anh cứ đào tạo nhưng nếu người học ra trường không được cấp thẻ hành nghề thì có thể họ sẽ quay lại kiện anh vì đào tạo kém".
VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét