Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

Đào tạo y - dược: Thật như đùa!

Cập nhật lúc 08:32   

 Điểm đầu vào ngành y - dược của trường ĐH dân lập chỉ bằng 2/3 điểm vào các trường y hàng đầu. Bộ Y tế cho rằng về chất lượng đào tạo, nhà trường phải chịu trách nhiệm, còn không thì mất uy tín (!)

Việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được cấp phép mở ngành y đa khoa và dược học đã khiến dư luận xôn xao vì lo ngại chất lượng đào tạo không bảo đảm.
Dư thừa nhân lực ngành y
Cách đây 2 năm, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cảnh báo việc dư thừa nhân lực ngành y tế (điều dưỡng, y sĩ…) đến thí sinh.
Ở thời điểm đó, để được học ngành bác sĩ đa khoa ở các trường ĐH công lập danh tiếng, thí sinh phải đạt từ 23 điểm trở lên, trong khi điểm đầu vào ngành y của các trường ngoài công lập thấp bất ngờ. Năm 2013, điểm chuẩn vào nguyện vọng 1 của ngành y đa khoa Trường ĐH Võ Trường Toản là 16 điểm, ngành dược cũng tương tự. Còn Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 ngành kỹ thuật y học, điều dưỡng khối B chỉ là 14 (tương đương điểm sàn). Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng tuyên bố tất cả các ngành của trường lấy bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT, trong đó có ngành điều dưỡng…
Trong công văn gửi Bộ GD-ĐT, ông Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH y - dược Việt Nam đã họp và phản ánh việc nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh số lượng khá lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế. Điều này cũng dẫn đến điểm tuyển sinh vào các trường ngoài công lập rất thấp so với trường công lập, không phù hợp với quy hoạch của ngành và ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo. Chính vì thế, Bộ Y tế đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét chỉ đạo việc giao chỉ tiêu đào tạo nhân lực y tế cho các cơ sở đào tạo ngoài công lập cần căn cứ vào cả tiêu chí năng lực chuyên môn và cơ sở thực hành, qua đó sẽ giúp bảo đảm công bằng trong tuyển sinh và bảo đảm chất lượng đào tạo. Bộ Y tế cho biết: Theo báo cáo của sở y tế các địa phương, qua kỳ tuyển dụng, nhân lực y tế trình độ trung cấp ra trường khá nhiều (dược, điều dưỡng, y sĩ) trong khi khả năng tuyển dụng của các cơ sở y tế có hạn. Chính từ đề nghị này mà vào tháng 12-2014, Bộ GD-ĐT đã có văn bản tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ các ngành y - dược thuộc khối không chuyên y - dược. 
Công việc của bác sĩ liên quan mật thiết đến tính mạng và sức khỏe con người, vì vậy quy trình đào tạo nhân lực ngành y phải hết sức nghiêm túcẢnh: NGỌC DUNG 
Công việc của bác sĩ liên quan mật thiết đến tính mạng và sức khỏe con người, vì vậy quy trình đào tạo nhân lực ngành y phải hết sức nghiêm túcẢnh: NGỌC DUNG 
Bộ này cảnh báo, bộ kia “bật đèn xanh”
Trước những băn khoăn về việc một trường dân lập chuyên về đào tạo kinh doanh và công nghệ, điểm đầu vào khá thấp, chủ yếu bằng điểm sàn, trong khi đào tạo y đa khoa luôn cần những thí sinh thật giỏi, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, lập luận hiện có 21 trường đào tạo y đa khoa, trong đó 5 trường ngoài công lập; 26 trường đào tạo ngành dược (14 trường ngoài công lập) nên trường hợp của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không phải cá biệt.
Về câu hỏi nhân lực ngành y tế đang bị cho là dư thừa, 2 bộ Y tế và GD-ĐT cũng đã thống nhất dừng mở ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ ngành y - dược ở các trường đa ngành không chuyên, vậy tại sao lại cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành học này, bà Phụng nói là do xét tình hình thực tế và dựa trên các điều kiện bảo đảm chất lượng mà trường này đã chuẩn bị. “Việc quản lý phải theo điều kiện chung, không thể phân biệt đối xử trường công hay tư. Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã bảo đảm yêu cầu về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên cho việc mở ngành. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đồng ý chủ trương của trường này” - bà Phụng lý giải.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế, cho biết cách đây hơn 2 năm, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đã làm hồ sơ trình Bộ GD-ĐT đề nghị cho phép mở ngành đào tạo trình độ ĐH ngành y đa khoa và dược học nhưng chưa được chấp thuận. “Trường này sau đó liên tục đề nghị Bộ GD-ĐT vì đã chuẩn bị các điều kiện để mở ngành song Bộ Y tế vẫn yêu cầu phải thành lập đoàn thẩm định liên ngành. Ngày 5-10-2015, sau khi xem xét đề án cũng như kiểm tra tất cả các điều kiện cụ thể của trường tại cơ sở Bắc Ninh, đoàn thẩm định đã yêu cầu trường bổ sung, hoàn thiện một số yêu cầu về chuyên môn. Theo quy trình, Bộ Y tế hiểu rằng Bộ GD-ĐT đã kiểm tra, rà soát, xác định và nhất trí với những bổ sung của trường theo góp ý của Bộ Y tế và thành viên đoàn thẩm định nên mới ủng hộ việc mở ngành đào tạo y - dược” - ông Lợi nói.
Chất lượng: May nhờ rủi chịu
Trao đổi với các phóng viên ngày 26-11, ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng việc một trường đa ngành mở đào tạo y - dược ở Việt Nam không phải chưa từng có tiền lệ, chẳng hạn ĐH Đà Nẵng hoặc các trường ngoài công lập như Trường ĐH Thành Tây, Trường ĐH Đại Nam đều đào tạo ngành y - dược, vấn đề quan trọng là quy trình đào tạo có tốt không. Theo ông Hóa, nhà trường đã gửi báo cáo lên Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đề nghị được tuyển sinh vào tháng 1-2016 theo 3 tổ hợp tuyển sinh gồm toán - lý - hóa, toán - hóa - sinh và toán - lý - sinh, điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 20 điểm 3 môn.
Nhận xét về chất lượng đầu vào cũng như đầu ra của những sinh viên sau khi được đào tạo tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho rằng với đầu vào được xét tuyển từ 20 điểm chắc chắn sẽ có sự chênh lệch rất lớn về điểm số với các trường đào tạo y - dược hàng đầu hiện nay là 28-29 điểm cho 3 môn học. Theo ông Cường, nếu tuyển dụng đầu vào “ấm ớ”, không chất lượng và đầu ra không đạt yêu cầu thì nhà tuyển dụng sẽ chê, chắc chắn sinh viên ra trường sẽ không có việc làm, khi đó trường mất uy tín và sẽ không thể tiếp tục đào tạo. “Chúng tôi ủng hộ việc mở rộng đào tạo nhưng quan trọng nhất là phải có được nguồn nhân lực có chất lượng. Băn khoăn của dư luận về chất lượng đào tạo cũng là hoàn toàn chính đáng bởi y - dược là ngành đặc thù có những tiêu chí riêng khi đào tạo” - ông Cường bày tỏ.
Để kiểm soát chất lượng đào tạo, lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ tăng cường hậu kiểm các trường công lập và tư thục đang được đào tạo ngành y - dược. “Cơ sở nào không đáp ứng các yêu cầu, điều kiện thì Bộ Y tế sẽ kiến nghị cho ngừng tuyển sinh. Chúng tôi đang đề xuất và xây dựng chính sách, trong đó sẽ tổ chức thi chứng chỉ hành nghề theo thông lệ quốc tế. Điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo ý thức sâu sắc về việc bảo đảm chất lượng đào tạo và có tinh thần trách nhiệm cao đối với xã hội cùng sinh viên của mình. Hiện văn bằng bác sĩ do Việt Nam đào tạo chưa được các nước trong khu vực chấp thuận” - ông Cường nhấn mạnh.

Bộ GD-ĐT bất nhất?
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho rằng quyết định cho phép mở ngành đào tạo trình độ ĐH ngành y đa khoa và dược học  tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khiến dư luận lên tiếng có thể xuất phát từ tên trường. Người ta nghĩ đó là trường kinh doanh thì liên quan gì đến y - dược. Thực tế, khái niệm trường đơn ngành không còn mà phải là trường đa ngành. Thời gian qua, nhiều trường không phải là trường y đã được Bộ GD-ĐT cấp phép mở ngành liên quan sức khỏe.
Mỗi ngành đào tạo trước khi được mở đều đánh giá các điều kiện như đội ngũ, trang thiết bị... Đối với ngành đào tạo về sức khỏe, việc mở ngành càng phải kiểm tra điều kiện mở ngành khắt khe hơn, phải có hội đồng thẩm định chương trình đào tạo. Một vấn đề quan trọng khác là chuẩn đầu vào, làm sao chọn được những sinh viên có năng lực lại phù hợp với đặc thù nghề nghiệp.
Việc mở ngành đào tạo về sức khỏe khi đủ điều kiện sẽ tăng tính cạnh tranh giúp nâng cao chất lượng. Và điều này là đương nhiên, không cần tranh cãi nếu Bộ GD-ĐT không có văn bản quy định về mở ngành đào tạo nhân lực y tế tại các cơ sở giáo dục ĐH không chuyên và xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Theo văn bản này, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đã thống nhất tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ ĐH các ngành y đa khoa, răng - hàm - mặt, y học cổ truyền và trình độ ĐH và CĐ đối với ngành dược học tại các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành y - dược.
Thế nên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng với việc cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành đào tạo trình độ ĐH ngành y đa khoa và dược học, phải chăng Bộ GD-ĐT đã... quên văn bản đã ký hơn 1 năm trước?!
H.Lân

(Theo Người LĐ) Yến Anh - Ngọc Dung

Nghe cách trả lời của một quan chức Bộ GD ĐT trên VTV thì mới hay lí do cấp phép đào tạo Y Dược cho Trường Công nghệ trên vì họ đã xin phép từ mấy năm, và họ đầu tư rất lớn, có đủ chuyên gia theo quy định… Tóm lại, một lí do mà chẳng thiếu đơn vị đạt được, kể cả đội ngũ chuyên gia. "Chuyến tàu vét" ngày càng lắm chuyện buồn... cười!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét