Tìm lại “sông nước Sài Gòn”
Cập nhật lúc 08:02
Cùng với việc đào kênh Hàng Bàng đã bị lấp
15 năm, TP HCM đang thực hiện nhiều chính sách, kế hoạch để khôi phục đặc
trưng sông nước
PGS-TS Nguyễn
Trọng Hòa, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, nhận định gìn giữ và phát huy
đặc trưng sông nước là chủ trương từ lâu của TP nhưng do sự quản lý lỏng lẻo
của các ban - ngành, địa phương đã khiến đặc trưng này bị mờ nhạt trong quá
trình phát triển đô thị. “Chúng ta đã mắc nhiều sai lầm trong phát triển đô
thị như: xây dựng, phân lô tràn lan, san lấp, bê tông hóa mặt nước gây ngập
lụt… Trong nhiệm kỳ này, lãnh đạo TP HCM rất quyết tâm để chấn chỉnh sai lầm
cũng như khôi phục lại giá trị sông nước cho TP”.
Định hướng
không gian mở
Theo Sở Quy
hoạch - Kiến trúc TP HCM, thời gian qua, một số đoạn của sông Sài Gòn bị ô
nhiễm, bờ sông làm cơ sở công nghiệp đóng tàu hay cảng biển… gây ngăn cách cư
dân đô thị tiếp xúc với dòng sông. Đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm
hiện hữu 930 ha đã mở không gian đô thị trung tâm về phía sông Sài Gòn, tổ
chức không gian công cộng dọc hai bên bờ sông Sài Gòn (cùng với công viên bờ
sông Thủ Thiêm, phạm vi rộng 450 m và dài khoảng 8 km). Các khu đất dọc bờ
Tây sông Sài Gòn như Tân Cảng, Ba Son, cảng Sài Gòn… tuy giao cho tư nhân
thực hiện dự án nhưng theo yêu cầu của TP, công viên công cộng là thành phần
ưu tiên thực hiện trước.
Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé
tồn tại trong sự phát triển của TP HCM
Trong quy
hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, định hướng không gian mở cũng chiếm đa số mục
đích sử dụng đất, đặc biệt là công viên rừng ngập nước mang tên Châu thổ phía
Nam. Những rừng tràm, rừng đước 150 ha này không chỉ là khu sinh thái bền
vững tại Thủ Thiêm mà còn là một phần di sản văn hóa Thủ Thiêm cũng như TP
HCM.
Vừa qua, Thủ
tướng Chính phủ đã chấp thuận chỉ định chủ đầu tư dự án, UBND TP HCM đã phê
duyệt quy hoạch 1/500. Theo đó, đây là công viên cấp trung tâm TP, có chức
năng cải thiện môi trường thiên nhiên, tái lập các đặc trưng vùng ngập nước,
nuôi dưỡng và bảo tồn các loài động vật hoang dã phù hợp với môi trường sinh
thái của khu vực. Đồng thời, công viên cũng có chức năng quản lý nước mưa và
ngập lũ như lưu trữ nước, cân bằng chế độ thủy văn nhằm giúp khu trung tâm TP
điều tiết và hạn chế nguy cơ ngập lụt. Tổ chức mạng lưới gồm các hồ chứa
nước, hành lang quản lý nước mưa đô thị kết hợp với trồng thực vật ngập nước,
tạo cơ chế lọc rửa các dòng chảy, cải thiện chất lượng nước cho Thủ Thiêm.
Ngoài ra, khu
đô thị mới Thủ Thiêm còn được quy hoạch một hồ trung tâm rộng 14 ha, có chức
năng dự trữ nước chống ngập, điều hòa thủy triền và nâng cao chất lượng nước,
thải độc hại cho nguồn nước sông chảy từ thượng nguồn về. Hồ này cũng có
chức năng tích hợp như một địa điểm vui chơi cho cộng đồng.
TS-KTS Lê
Quang Ninh cho rằng môi trường tự nhiên, trong lành là yếu tố bắt buộc phải
có trong kiến trúc, cảnh quan đô thị sông nước. Về mặt thiết kế không gian đô
thị, rạch Bến Nghé cùng với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bảo đảm một tầm nhìn
lý tưởng với bề ngang 100-300 m, dài 900-1.000 m, xứng đáng là biểu tượng
sông nước của TP HCM.
“Hai con rạch
này đã tồn tại vài thế kỷ và có thể nói, đây là một trong những yếu tố khai
sinh ra thành phố này. Không chỉ có giá trị về ký ức đô thị mà với sự phát
triển kinh tế - đời sống hôm nay, nó vẫn rất quan trọng” - ông Ninh nhận
định.
Giữ mặt nước
bằng mọi giá
PGS-TS Hồ Long
Phi, Đại học Quốc gia TP HCM, cho biết trong giai đoạn 2015-2020, TP sẽ xây
dựng 3 hồ điều tiết và dự kiến xây dựng hàng trăm hồ sau đó. Các hồ điều tiết
này, ngoài chức năng giữ nước, giảm ngập cho TP còn để điều hòa khí hậu, giúp
thời tiết mát mẻ hơn, cảnh quan cũng trong lành hơn. Đặc biệt, các hồ điều
tiết cũng giúp thay đổi cách nhìn, cách ứng xử của người dân TP: nước là
nguồn tài nguyên quan trọng, không nên tháo đi mọi giá mà cần trữ lại bằng
nhiều hình thức khác nhau.
“Quy hoạch
1547 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về thoát nước và chống ngập úng cho
TP yêu cầu khôi phục dung tích trữ và thấm nước không dưới 17% nhưng hiện
nay, dung tích này chỉ khoảng 8%. Vì vậy, song song với việc đầu tư các hồ
điều tiết, cần kiểm tra và ngăn chặn tình trạng lấp kênh rạch vô tội vạ, đặc
biệt là các dự án bất động sản. Các dự án đã lấp thì kiên quyết bắt buộc khôi
phục hoặc xây dựng hồ điều tiết thay thế. Phải giữ diện tích mặt nước bằng
mọi giá” - ông Phi nhấn mạnh.
Việc khôi phục
và phát huy giá trị sông nước của TP HCM còn được thể hiện trong kế hoạch
phát triển các tuyến giao thông thủy, du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè…
15 năm, mất 47 tuyến kênh
Theo PGS-TS
Lưu Đức Cường, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và Phát triển nông thôn
quốc gia - Bộ Xây dựng, quá trình đô thị hóa đã khiến TP HCM trong vòng 15
năm mất đi 47 tuyến kênh với diện tích 16,4 ha. Bên cạnh đó, hồ Bình Tiên
diện tích 7,4 ha, một trong những hồ chứa quan trọng của TP, cũng bị san lấp.
Từ năm 2003-2009, khả năng chứa nước của TP giảm đi 10 lần. Mặt đất bị bê
tông hóa đã khiến khả năng thấm nước mưa trung bình 50% xuống chỉ còn 15%,
làm gia tăng đáng kể lượng nước chảy tràn bề mặt và gây ngập lụt. Việc bê
tông hóa bề mặt còn gây ra hiện tượng đảo nhiệt do thay đổi về nhiệt độ bề
mặt, nhiệt độ không khí kéo theo sự gia tăng về quy mô và số lượng cơn mưa
nhiệt đới.
Báo cáo của
Sở Xây dựng TP HCM cho thấy từ năm 2007 đến nay, có 159 dự án bất động sản
được cấp phép thỏa thuận san lấp sông, kênh, rạch. Trong đó, 48 dự án đã và
đang triển khai với số lượng rạch nhánh, rạch cụt và chi lưu được cấp phép
san lấp là 129, khối lượng san lấp gần 92%. Hầu hết các dự án được cấp phép
san lấp đều kèm phương án xây dựng hệ thống thoát nước, làm hồ điều tiết để
trả lại diện tích mặt nước tự nhiên. Tuy nhiên, cho đến nay, số lượng các dự
án thực hiện đúng cam kết này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
(Theo Người LĐ) Minh Khanh
|
Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét