Giáo dục
và thị trường
Cập nhật lúc 10:57
“Giáo dục là thứ vũ khí lợi hại nhất mà bạn
có thể sử dụng để thay đổi thế giới này” - đó là lời của Nelson Mandela.
Do vậy, trong lịch sử phát triển của loài người, nghề giáo
luôn được xã hội tôn vinh. Bao lớp thầy cô luôn miệt mài truyền tải kiến
thức, niềm đam mê và cảm hứng học hỏi, khám phá cho triệu triệu người. Sự
tiến bộ của nhân loại bắt đầu từ ghế nhà trường.
Nhưng, cũng như bao nghề khác, giáo viên cũng đều phải lo
miếng cơm manh áo hằng ngày. Tiền lương là nguồn sống chính của gia đình họ.
Nhiều người có thể đắn đo về mức thu nhập cũng như các
điều kiện khác khi chọn nơi dạy và cũng có những con sâu làm rầu nồi canh.
Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, sự tận tâm của
các thầy cô giáo không phụ thuộc vào mức thù lao hay điều kiện làm việc.
Không có gì đảm bảo một giáo viên có đầy đủ vật chất và
điều kiện làm việc tận tâm hơn một người ở vùng sâu vùng xa, trăm bề thiếu
thốn với bao thứ phải lo toan.
Quy chuẩn hay sự nhìn nhận của xã hội quyết định đến sự
tận tâm, lòng nhiệt huyết của bao lớp người làm nghề “bán cháo phổi”. Đây
chính là giá trị cốt lõi.
Trong lịch sử nhân loại, thị trường là cơ chế phân bổ
nguồn lực hiệu quả nhất trong hầu hết các trường hợp. Ngay trong giáo dục
cũng vậy.
Nhờ cơ chế thị trường, những trường học chất lượng cao
được hình thành để con của những gia đình khá giả hơn có thể học nhằm phát
huy tốt nhất khả năng của mình và tạo ra nhiều giá trị cho nhân loại.
Lúc này, nguồn lực ở các trường công lại được tập trung
cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn hơn thay vì chia đều lãnh đủ, ai
cũng khó khăn như nhau.
Thị trường đã giúp cho mọi thứ tốt lên. Tuy nhiên, trong
nhiều vấn đề, thị trường không thể thay thế quy chuẩn xã hội.
Đồng tiền trở thành thước đo đang gây ra những vấn đề hết
sức nhức nhối cho hệ thống giáo dục Việt Nam. Trong lịch sử dân tộc, có lẽ
chưa bao giờ nghề giáo, trong con mắt của xã hội, lại ở vị trí thấp như hiện nay
cho dù chúng ta cải thiện rõ về vật chất.
Hồi tưởng lại Ngày nhà giáo Việt Nam cách đây vài ba thập
kỷ và hôm nay sẽ cảm nhận được những nỗi đau.
Thời trước cái gì cũng thiếu, cả lớp chỉ có món quà tượng
trưng tặng giáo viên chủ nhiệm, nhưng tình cảm thầy trò hết sức ấm áp và
thuần khiết. Người thầy là một cái gì đó rất thiêng liêng trong mắt mọi người.
Ngày nay, những mối quan hệ được dựa vào quy chuẩn xã hội
tốt đẹp đang bị thay thế bằng quy tắc “tiền trao, cháo múc” đáng sợ.
Cơ chế thị trường là rất quyền năng, nhưng quy chuẩn xã
hội cũng chứa đựng những giá trị cốt lõi và việc gìn giữ chúng có ý nghĩa
sống còn cho sự phát triển của mỗi xã hội.
Do vậy, ngay ở những nơi thị trường tự do được tôn vinh,
xã hội cũng không để cho cơ chế thị trường chi phối những “ngôi đền thiêng”
hoạt động theo các quy chuẩn xã hội. Ví dụ, Đại học Harvard - nơi tiên phong về
nghiên cứu và cổ xúy cho thị trường tự do - lại hoạt động dựa trên nền tảng
các quy chuẩn xã hội.
Chúng ta không nên viện cớ những nơi phát triển mới làm
được như vậy, còn Việt Nam vẫn đang rất khó khăn. Trên thực tế, thời phong
kiến hay bao cấp ở nước ta cuộc sống rất khó khăn, nhưng giáo dục dựa trên
quy chuẩn xã hội làm cho mọi thứ đẹp biết dường nào.
Có tiền mua tiên cũng được không phải lúc nào cũng hợp lý.
Thị trường hóa những thứ dựa vào quy chuẩn xã hội sẽ rất nguy hiểm. Do vậy,
nhiều vấn đề trong ngành giáo dục có thể dùng cơ chế thị trường để nguồn lực được
phân bổ hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, cần phải giảm thiểu tối đa việc đồng tiền xen
vào các giá trị cốt lõi mà chúng dựa trên quy chuẩn xã hội.
Tất cả chúng ta cần phải ý thức điều này!
(Theo Tuổi trẻ) HUỲNH THẾ DU
|
Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét