Làm gì để chấm dứt “gia đình trị”?
Cập nhật lúc 15:30
Tình trạng "cả
họ làm quan" gây nhiều quan ngại trong dự luận. Vì sao tình trạng
“gia đình trị” xảy ra nhiều nơi và có cách nào để chấn chỉnh?
Nội dung kết luận đơn thư tố cáo của Bộ
Giao thông vận tải về tình trạng “gia đình trị” tại Tổng công ty Bảo đảm an
toàn hàng hải miền Nam công bố tuần qua cho thấy đơn vị này có 15 người trong
gia đình - họ hàng cùng làm việc, trong đó có tới 11 người giữ chức vụ.
Trước đó, báo chí đề cập câu chuyện “cả họ làm quan” tại huyện Mỹ
Đức (Hà Nội), Phổ Yên (Thái Nguyên)... gây nên nhiều quan ngại trong dư luận.
Vì sao tình trạng “gia đình trị” xảy ra nhiều nơi và có cách nào để chấn
chỉnh? Tuổi Trẻ ghi
nhận các ý kiến.
* Ông Nguyễn Đức Chính (Chủ
tịch UBND tỉnh Quảng Trị):
“Đúng quy trình” cũng dễ tạo ra sự bất bình
Tôi cho rằng việc lựa chọn cán bộ trong
các cơ quan nhà nước nói chung, ví như con cháu người thân của lãnh đạo cơ
quan đơn vị, địa phương đó mà đạt chất lượng tốt thì không vấn đề gì. Có vài
vị trí trong các cơ quan mà Luật công chức, viên chức quy định cấm thì không
được bổ nhiệm, còn lại nếu đạt chất lượng tốt thì bổ nhiệm cũng được.
Tuy nhiên, việc đưa nhiều người thân,
gia đình của cán bộ lãnh đạo vào làm chung trong những tập đoàn kinh tế, cơ
quan nhà nước rất dễ xảy ra tình trạng bao che những sai sót của nhau, tạo ra
sự thiếu công bằng trong môi trường làm việc.
Thời gian qua, báo chí có nêu một số vụ
lãnh đạo địa phương bổ nhiệm người thân vào một số vị trí quan trọng của cơ
quan và các cơ quan này đều cho rằng “đúng quy trình”.
Tôi cho rằng quy trình có thể đúng,
nhưng bổ nhiệm những vị trí như vậy có thể gây ra sự bất bình trong dư luận
và thực tế việc xôn xao bình luận nghi ngờ trong thời gian qua như vậy ảnh
hưởng không nhỏ đến công việc và dư luận tại địa phương.
* Ông NGUYỄN ANH SƠN (đại biểu Quốc hội):
Tìm cách chấm dứt
“địa hạt khép kín”
Việc những người thân trong gia đình, họ
hàng cùng làm việc trong một cơ quan, doanh nghiệp, thậm chí cùng giữ những
vị trí quan trọng của một cơ quan, doanh nghiệp nào đó cần nhìn ở hai trường
hợp.
Với doanh nghiệp tư nhân thì chuyện đó
hết sức bình thường, trong trường hợp này việc “gia đình trị” phát huy được
những thế mạnh rất tự nhiên là sự chung sức chung lòng, tin tưởng lẫn nhau vì
một mục
tiêu chung, không xung đột
lợi ích.
Nhưng với cơ quan, doanh nghiệp nhà nước
thì câu chuyện lại khác. Bởi lẽ trong một doanh nghiệp nhà nước tiền vốn là
tiền của Nhà nước, lời thì những người lãnh đạo doanh nghiệp được hưởng, còn
lỗ thì Nhà nước chịu, và lâu nay người ta vẫn cho rằng việc nắm giữ doanh
nghiệp nhà nước là “miếng mồi béo bở” với không ít người.
Do đó, việc đưa người nhà vào những vị
trí quan trọng rất dễ nảy sinh tình trạng thao túng doanh nghiệp, chia nhau
những “miếng bánh béo bở” để cùng hưởng.
Một trong những đòi hỏi của hoạt động bộ
máy nhà nước, doanh nghiệp nhà nước là phải công khai, minh bạch, có sự giám
sát từ nhiều phía, nếu một tổ chức, doanh nghiệp toàn những người cùng nhà
thì rất khó đảm bảo nguyên tắc này.
Pháp luật về phòng chống tham nhũng của
chúng ta đã có những quy định, ví dụ như người thân trong gia đình người đứng
đầu một cơ quan, doanh nghiệp không được đảm nhận các chức vụ như kế toán
trưởng, không được nắm vị trí tổ chức nhân sự...
Tuy vậy, các quy định này dường như chưa
đủ. Về lâu dài, pháp luật cần được bổ sung, hoàn thiện hơn nữa nhằm chấm dứt
tình trạng biến doanh nghiệp, cơ quan nhà nước thành địa hạt riêng, khép kín
của gia đình, thân tộc, tước đi cơ hội của biết bao người xứng đáng khác.
* Ông Bùi Quang Nghiêm (Đoàn luật sư TP.HCM):
Không khéo là một cách
sỉ nhục người thân
Việc đưa con em vào làm việc trong doanh
nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế tạo thành mô hình “gia đình trị” về mặt
khách quan có thể dẫn đến nhiều hậu quả cho nền kinh tế.
Chỉ đơn giản với bài toán kinh doanh,
nếu không tuyển được những người giỏi và xứng tầm để làm mà những người lãnh
đạo trong cơ quan lựa chọn con em mình là những người kém cỏi thì sẽ không
khiến đồng vốn đó sinh lời, không thể làm lợi cho nền kinh tế, không đóng góp
được cho ngân sách quốc gia mà còn trở thành gánh nặng cho ngân sách và nhân
dân.
Hoặc nếu cán bộ là quan chức địa phương
chỉ chăm lo vun vén cho vị trí của mình, cho những người thân trong gia đình,
con cháu thì cơ quan đó khó có thể đề xuất được những chính sách tốt, không
thực thi được những nhiệm vụ đối với nhân dân, địa phương đó khó phát triển
được.
Trong trường hợp “gia đình trị” mà báo
chí đã nêu, tôi nghĩ thật ra những người lãnh đạo ở đó đã không suy nghĩ kỹ,
việc bổ nhiệm con cái, người thân vào các vị trí trong cơ quan, nâng đỡ những
người thân chính là một cách “sỉ nhục” vào năng lực những người thân của mình.
Bởi nếu là người có năng lực thì bản
thân người ta sẽ tự làm lấy những việc mà mình thích, chứ không dựa dẫm vào
người khác để có một vị trí công việc.
(Theo Tuổi trẻ) HOÀNG ĐIỆP - LÊ KIÊN ghi
|
Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét