Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Thủ tục kiểm tra chuyên ngành:

'Thập diện mai phục' doanh nghiệp

Cập nhật lúc 13:26                 

Thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN) hàng hóa xuất nhập khẩu liên quan các bộ, ngành như Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quá nhiêu khê, cứng nhắc, tốn kém chi phí… Những phiền hà đó đẩy doanh nghiệp (DN) vào việc nhập lậu cho nhanh gọn.

Quá nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành cản trở doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Đức Huy. 
Quá nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành cản trở doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Đức Huy.

Một chủ doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa đã cảnh báo như vậy tại cuộc hội thảo “Đơn giản hóa thủ tục KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổng cục Hải quan tổ chức tại Hà Nội ngày 17/8.
Bát nháo quy định
Bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc Cty TNHH TM và XD An Đô cho hay, mỗi năm phải chi khoảng 700 triệu tới 1 tỷ đồng tiền KTCN với mặt hàng vải nhập khẩu mà đơn vị đang kinh doanh. Việc kiểm tra lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác dù mẫu hàng giống nhau. “Một tuần có khi chúng tôi phải kiểm tra 6 mẫu vải giống hệt nhau”, bà Tú Anh chia sẻ.
Bà này cho biết thêm, mỗi lần nhập một container hàng có nhiều loại vải, nhưng mỗi loại chỉ có một vài cuộn. Tuy nhiên, quy định hiện hành yêu cầu kiểm tra tất cả, không phân biệt giá trị, khối lượng. Vì thế, mỗi lần kiểm tra DN phải trả chi phí cho hàng chục loại khác nhau. Bà Tú Anh cho rằng, tình trạng thủ tục gây khó như vậy nguy cơ đẩy doanh nghiệp theo con đường buôn lậu để đỡ mất thời gian, giảm chi phí.
“Cần có một ban cải cách KTCN liên ngành với sự tham gia các bộ, ngành liên quan. DN chỉ làm việc với đầu mối này, thay vì đi giải thích với từng cơ quan về một loại hàng hóa”, đại diện một doanh nghiệp kiến nghị.
Không đề cập đến chi phí, nhưng quy trình KTCN cứng nhắc như trên được đại diện Hiệp hội Chuyển phát nhanh Châu Á-Thái Bình Dương (CAPEC) Trần Lệ Thu nêu ra. Vị này dẫn chứng liên quan đến quy định kiểm nghiệm men bia. Theo đó, DN không thể lấy mẫu kiểm nghiệm trong điều kiện bình thường nên phải tự khai báo rồi lấy giấy xác nhận cho xong. Vì thế, đại diện CAPEC đặt ra câu hỏi có cần kiểm tra trong trường hợp này hay cần có quy trình phù hợp với thực tiễn.
Bà Thu đưa ra ví dụ: Có DN thuộc hiệp hội phản ánh, mỗi khi xuất ổ cứng hỏng, cơ quan quản lý văn hóa yêu cầu đưa hàng lên để xóa dữ liệu mới dán tem cho xuất. “Song chúng tôi xuất cả container ổ cứng, yêu cầu xóa từng cái thì quá phiền hà cho DN và quá tải nhân lực cho chính cơ quan chức năng. Có nhất thiết phải đưa đi xóa dữ liệu từng chiếc ổ cứng không”?, bà Thu băn khoăn.
Nhận xét về hàng loạt vướng mắc của DN, ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia Dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện USAID cho rằng, những quy định chồng chéo, không thống nhất đang làm khó người thực hiện. Ông nêu ví dụ: Cùng thực hiện Luật An toàn thực phẩm, nhưng các bộ lại có cách hiểu khác nhau. Thậm chí, cùng một quy định, mỗi đơn vị lại áp dụng một khác.
“Có nơi cho đưa hàng về kho của DN, nơi khác lại không cho; nơi yêu cầu phải xuất trình giấy nộp tiền thuế, nơi không yêu cầu; bổ sung C/O (chứng nhận xuất xứ) nơi phạt vi phạm, nơi không phạt…”, ông Bình nêu thực tế.
Vấn đề quy định kiểm dịch thực vật trở thành chủ đề nóng khi vị chuyên gia này đưa ra con số thống kê cho thấy, hoạt động kiểm soát lĩnh vực này có gia tăng đột biến. Ông này đưa ra báo cáo của Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng I (Hải Phòng và 4 địa phương lân cận): Số lượng hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật tại đây năm 2014 là 34.563 hồ sơ, song 7 tháng đầu năm 2015 đã là 21.959 hồ sơ, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước đó.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm nói riêng về quy trình kiểm tra hàm lượng formaldehyt với sản phẩm dệt may. Ông cho hay, thủ tục yêu cầu 10 loại chứng nhận, trong đó 7 chứng nhận bắt buộc. Điều này khiến DN rất vất vả và mất thời gian. Ông đề nghị cần có sự phân biệt sản phẩm từ khu vực tiêu chuẩn cao hơn Việt Nam hoặc sản phẩm đã có chứng nhận của tổ chức uy tín thì miễn kiểm tra.
Hững hờ hay vô cảm
Điều đáng nói, những vướng mắc của các DN liên tiếp phản ánh tới cơ quan chức năng chuyên ngành, nhưng đáp lại, họ nhận được phản hồi thiếu tính xây dựng. Như ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp Hội xuất khẩu và chế biến Thủy sản Việt Nam (VASEP) tiết lộ: Gửi cả tập dày hàng chục trang A4 tới cơ quan chức năng, nhưng nhận lại là thái độ hờ hững.
“Cơ quan quản lý cần lắng nghe tích cực nhiều hơn. Những đề xuất của chúng tôi xuất phát từ thực tế và xác đáng về mặt pháp lý. Tuy nhiên, sự tiếp thu lắng nghe của cơ quan quản lý chậm và thiếu hợp tác. Có đề nghị chúng tôi gửi lên, nhận lại là phản ánh nói chúng tôi thiếu tích cực, phản ánh không đúng. Điều này gây sự chán chường cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Nam thẳng thắn.
Đại diện các cơ quan chuyên ngành có mặt tại hội thảo như: Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNN), Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y Tế), Vụ Khoa học-Công nghệ (Bộ Công thương) trả lời chung chung rằng sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi và mong cộng đồng DN thông cảm.
Đại diện Tổng cục Hải quan, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý Ngô Minh Hải thừa nhận thực tế: “Hệ thống văn bản quá nhiều, nhưng có nơi lại thiếu”. Vị này đưa ra kiến nghị cần cần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động KTCN giúp tiết kiệm nguồn lực nhà nước, đồng thời cung cấp nhiều lựa chọn cho DN. Đồng tình với giải pháp này, chuyên gia Phạm Thanh Bình đề nghị bộ, ngành cần điện tử hóa thủ tục để giảm tối thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính.
(Theo Tiền phong)  Tuấn Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét