Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

 Sự thật không thể xuyên tạc:
Đổi mới: Cây đời xanh tươi
Cập nhật lúc 20:15

 “Đảng Cộng sản Việt Nam đẩy đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, đang cản trở tiến trình phát triển của đất nước, khiến Việt Nam ngày càng tụt hậu so với nhiều nước xung quanh”. Đó là luận điệu các thế lực thù địch, được sự tiếp tay của một số kẻ cơ hội chính trị, suy thoái về tư tưởng ra sức gieo rắc, gây phân tâm xã hội, kích động nhằm từng bước xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Nhớ lại, một phần tư thế kỷ trước, khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, có không ít kẻ đã hăm hở mơ về một ngày “đắm thuyền” không xa ở Việt Nam. Họ cho rằng chế độ cộng sản ở Việt Nam sẽ không tồn tại được lâu sau khi “bầu sữa” từ bên ngoài bị cắt đứt. Đó thật sự là thời kỳ nguy nan, “lửa thử vàng” của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam. Từ một đất nước bị tàn phá nặng nề vì chiến tranh xâm lược, bị các thế lực thù địch điên cuồng chống phá, bao vây, cấm vận, lại phải chịu nhiều tổn thất do thiên tai khắc nghiệt gây ra, Việt Nam đã đứng vững và đi lên. Trong một thế giới đang toàn cầu hóa mạnh mẽ, cuồn cuộn bão giông thế sự, đan chéo cực kỳ phức tạp các mối quan hệ để đuổi bắt lợi ích quốc gia - dân tộc, con tàu Việt Nam vẫn kiên gan vượt qua bao thác ghềnh, hướng tới chân trời tươi sáng.
Nắm bắt được xu thế thời đại, Đảng ta đã sớm đề ra đường lối đổi mới phù hợp với lợi ích tối cao của đất nước, của dân tộc. Chế độ XHCN ở Việt Nam đã biết tự bảo vệ khi đổi mới không phải là một khẩu hiệu chính trị khô khan mà đã trở thành cây đời xanh tươi ăn sâu bén rễ trong lòng người.
Sau 10 năm đổi mới (1986 - 1996), đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; sau 25 năm đổi mới (1986 - 2010), đất nước đã ra khỏi tình trạng nước nghèo kém phát triển, bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Và trong giai đoạn 2001 - 2010, kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt tốc độ bình quân là 7,26%/năm. Trong 5 năm 2011 - 2015, do tác động của khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng GDP bị giảm sút. Năm 2014, trong điều kiện kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi vững chắc, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 5,98%, năm 2015 dự kiến đạt 6,5%. GDP của Việt Nam năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 2.200 USD (trước đổi mới, chỉ đạt chưa tới 200 USD/người). Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hiện có mặt trên thị trường 220 nước và vùng lãnh thổ. Nước ta được xếp vào nhóm 30 nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa hàng đầu thế giới. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng trong 14 năm thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, với 3/8 mục tiêu hoàn thành trước thời hạn. Tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh chóng từ 58,1% năm 1993 xuống còn 9,6% năm 2012 và năm 2014 còn 6%. Từ chỗ thường xuyên thiếu đói, phải nhập khẩu lương thực, nay Việt Nam là nước xuất khẩu gạo và khoảng 10 mặt hàng khác hàng đầu thế giới.
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 170 nước (trong đó xác lập quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước), quan hệ thương mại với 230 nước và vùng lãnh thổ, ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Năm 2006, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); năm 2007, Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc với số phiếu cao rất ấn tượng: 183/190 phiếu. Tháng 4-2015 vừa qua, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) thành công rực rỡ tại Hà Nội đã một lần nữa khẳng định vai trò và vị thế ngày càng cao của Việt Nam.
Sức sống, vẻ đẹp Việt Nam hôm nay không chỉ biểu hiện qua bộ mặt các khu công nghiệp, đô thị mới, các công trình hiện đại, các làng quê sáng đẹp bức tranh nông thôn mới, ở các hội nghị quốc tế lớn được tổ chức thành công..., mà còn lắng sâu trong bình yên xã hội. Trước một thế giới bất an, đầy xung khắc và nhiều hiểm họa, giữ cho đất nước một môi trường hòa bình là điều cốt tử. Đó không chỉ là loại trừ nguy cơ, tránh thảm họa mà còn là nắm bắt cơ hội để vươn lên. Và điều đó đòi hỏi khả năng giải bài toán dân tộc - thời đại vô cùng phức tạp và nhạy cảm trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Nét đẹp bình yên giữa thế giới bất ổn đã khiến Việt Nam trở thành một trong các thị trường đầu tư an toàn nhất châu Á. Ổn định chính trị - xã hội là nguồn gốc, là cơ sở của mọi thắng lợi trong những năm qua. Đây là thành tựu đặc biệt nhưng vô hình, không thể cân đong, đo đếm bằng những phép tính thị trường lạnh lùng, nhưng lại hiển hiện ở mọi lĩnh vực, mọi ngõ ngách, mọi tế bào xã hội. Như Trưởng đại diện cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam J.Hen-đơ-ra từng thổ lộ: “Việt Nam đã đạt được những tiến bộ “đáng ganh tị” trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Khi đặt chân tới Việt Nam, tôi như “ngợp” trong cảm giác về một đất nước năng động và căng tràn nhựa sống. Thật hiếm thấy một quốc gia luôn hướng tới phía trước và đạt được nhiều thành công về tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ xã hội như Việt Nam. Với tôi, Việt Nam là biểu tượng của sức mạnh phát triển nội tại”.
Trong con mắt của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã nêu một thí dụ điển hình cho việc chuyển đổi thành công từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường mà tránh được tổn thương nhất. Nhiều bạn bè quốc tế nhận xét, bằng cách thức tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đang tặng cho thế giới một kinh nghiệm độc đáo. Cách đây 30 năm, cải tổ ở Liên Xô từng được ngợi ca là “cuộc cách mạng lớn nhất” trong thời bình. Nhưng chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô đã sụp đổ trong cuộc “cách mạng” đó! Khi “con ngựa cải tổ” bắt đầu phi nước đại, vực thẳm của sự đổ vỡ đâu đã hiện ra ngay để mọi người nhìn thấy! Chúng ta đã tránh được bi kịch của lịch sử do biết tiến hành công cuộc đổi mới với quyết tâm lớn, thái độ điềm tĩnh, lộ trình phù hợp. Công cuộc đổi mới được thực hiện thành công bước đầu hoàn toàn không phải chỉ với ý chí của dân tộc biết thắng trong chiến tranh. Việt Nam là hình ảnh một đất nước thật sự khởi sắc thanh xuân, vững vàng đi lên khi thế nước mở ra trong cuộc hội nhập khu vực và toàn cầu.
Tuy vậy, nhìn tổng thể, sức cạnh tranh quốc gia của chúng ta còn yếu, và đất nước vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn so với các nước trong khu vực. Chủ yếu dựa vào đầu tư, dựa vào khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ để tăng trưởng kinh tế đã không còn là “cứu cánh” trong bối cảnh mới. Nhìn ra một thế giới đang không ngừng biến động và cạnh tranh gay gắt, tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp, nhìn vào những vấn đề bên trong của đất nước sau nhiều năm phải dốc sức xử lý biết bao việc gay cấn thuộc loại “tình thế”, càng thấm thía rằng, chúng ta phải đưa tiến trình phát triển đất nước theo cách thức căn cơ hơn, khoa học hơn. Cộng đồng kinh tế ASEAN gồm hơn 600 triệu dân sẽ trở thành một thị trường chung thống nhất vào cuối năm nay. Và nước ta sẽ tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương trong một ngày không xa. Chính vì thế, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trước những cơ hội, thách thức đối nội, đối ngoại mới đòi hỏi một tầm cao mới của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.
Đất nước cần một động lực phát triển mới mạnh mẽ hơn nữa! Động lực đó được kết tạo từ việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế để nền quản trị quốc gia ngày càng khoa học và hiệu năng hơn. Cuộc chạy đua trong thế giới hiện đại trước hết là cuộc chạy đua về trí tuệ. Đã qua 30 năm đổi mới, thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta chưa thể bằng lòng với cách thức nuôi dưỡng, khai thác và sử dụng nguồn lực con người, tiềm năng trí tuệ. Lịch sử nhân loại, dân tộc và cách mạng đã chỉ ra: Lãng phí lớn nhất là lãng phí nhân lực. Thiệt hại có ảnh hưởng sâu xa nhất là bỏ phí nhân tài. Sai lầm tai hại nhất là xem nhẹ trí tuệ. Vẫn còn có biết bao nhiêu chướng ngại, bất cập đang làm tắc nghẽn những mạch nguồn quý giá của đất nước. Vì thế, trí tuệ phải được hướng ngay tới việc xây dựng một chiến lược con người, tạo ra một cơ chế khơi mở mọi nguồn lực, giải phóng được sức lao động và sáng tạo sung mãn của người Việt Nam. Trí tuệ Việt Nam phải là nguồn sáng vừa làm bật lên những sức mạnh của dân tộc đang còn tiềm ẩn, vừa thu hút, vận dụng sáng tạo những thành tựu mới của trí tuệ nhân loại.
Sức mạnh Việt Nam được khởi nguồn từ truyền thống của cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước, được bồi đắp bằng trí thông minh, lòng quả cảm, đức tính cần cù, tinh thần vượt khó, sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, bằng khả năng nhận biết và sửa chữa, khắc phục những yếu kém của mình. Ở tầng nấc nào cũng có thể cảm nhận rõ chướng ngại, bất cập đang tước đoạt những tiềm năng, nguồn lực quý giá của đất nước, trong đó nguy hại nhất là tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Điều dễ thấy nhất là hiệu quả đầu tư công thấp, năng suất lao động thấp. Nhìn tổng thể, có thể nói, nền kinh tế đất nước đang phát triển dưới mức tiềm năng. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy giảm ý chí chiến đấu, tha hóa về đạo đức và lối sống đã làm ảnh hưởng tới uy tín của Đảng suy giảm niềm tin của nhân dân. Nếu chúng ta không chặt đứt gốc rễ tệ nạn quan liêu, tham nhũng, phá vỡ các nhóm lợi ích; không thiết lập và vận hành được hệ thống thể chế, cơ chế tiên tiến; không tăng cường dân chủ cùng với siết chặt kỷ cương thì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước sẽ đối mặt với những nguy cơ có tính chất sống còn.
Đang hiển hiện tầm vóc một nước Việt Nam mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng vẫn nâng niu, ươm giữ vẻ đẹp truyền thống và lòng nhân ái bao la. Quá khứ, hiện tại và tương lai đang hòa quyện, tạo thành một sức mạnh mới trong cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nguồn công năng lớn nhất vận hành sự nghiệp ấy chính là bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được kết tinh trong tài thao lược của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu không là một dân tộc bất khuất và giàu sáng tạo, chúng ta đã không thể đánh gục những kẻ xâm lược mạnh hơn ta gấp nhiều lần và gây dựng cơ đồ ngày càng rạng rỡ. Trí tuệ đang thắp sáng bản lĩnh Việt Nam thời đổi mới. Dù đất nước còn nghèo, người dân còn phải sớm tối bươn chải, lo toan, nhưng nhịp sống khẩn trương, lành mạnh thường nhật và sự gắn kết của khối đại đoàn kết toàn dân tộc chung quanh hạt nhân lãnh đạo là Đảng Cộng sản Việt Nam đang thắp lên niềm hy vọng lớn về tương lai tươi sáng của đất nước. 
Sự thật sáng rõ và đanh thép này đã, đang bác bỏ các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, một số kẻ cơ hội chính trị về tình hình đất nước, về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

(Theo Nhân dân) HỒ QUANG LỢI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét