Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

‘Oằn lưng’ cõng phí, vẫn bị công chức coi như ‘ban ơn’?

Cập nhật lúc 19:40

Mọi mức phí đều là cao nếu như tư duy ban phát dịch vụ vẫn còn tồn tại trong đội ngũ công chức nhà nước.

Câu chuyện con gà, quả trứng lại tiếp tục gợi nên nhiều trăn trở sau phát ngôn đầy cảm thán của người đứng đầu Quốc hội (QH) vừa qua, khi thảo luận về Dự thảo Luật phí và lệ phí. “Nông nghiệp phải gánh cả ngàn loại phí, lệ phí tùy tiện như vậy thì làm sao được?... Quả trứng đếm ra đếm vào có tới 14 lần thu phí, thế làm sao nông nghiệp tiến lên được? Như thế người dân sống sao được”.
Phát biểu của người đứng đầu cơ quan dân cử tái hiện rõ nét gánh nặng phí nhọc nhằn của người dân suốt 13 năm qua kể từ khi Pháp lệnh phí và lệ phí có hiệu lực thi hành.
Ma trận phí, lệ phí
Theo rà soát, hiện nay có đến 57 Luật chuyên ngành có quy định về phí và lệ phí [1]. Theo đó, có hàng nghìn loại phí và lệ phí [2] đã ra đời len lỏi vào mọi hoạt động của đời sống người dân, bất kể giàu nghèo, thành thị hay nông thôn, doanh nhân hay người lao động phổ thông.  
Một con gà thành phẩm phải chịu đến 14 lần phí. Nào là phí kiểm dịch gà con mới nở, phí chứng nhận chuồng trại, phí vệ sinh khử trùng, phí phòng chống dịch bệnh, phí xuất gà ra khỏi chuồng, phí xét nghiệm nhiễm bệnh, phí vận chuyển ngoại tỉnh, phí vận chuyển nội tỉnh…
Đến nỗi, mang gà từ xưởng đến kho cũng tính phí, vận chuyển gà từ kho đến nơi xuất bán lại tính phí thêm lần nữa. Theo ước tính của một doanh nghiệp trong ngành, các khoản phí này đã chiếm đến 20% giá thành sản phẩm.
Vậy thì thử hỏi, nông dân Việt sống bằng gì và doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh ra sao trong môi trường hội nhập đầy thách thức. Chẳng hạn, một câu chuyện đủ khiến chúng ta giật mình. Từ đâu năm đến nay, có hàng chục tấn đùi gà xuất xứ Hoa Kỳ được nhập vào Việt Nam chỉ với giá 20.000/kg, bằng 1/3 giá gà thành phẩm tại thị trường nội địa.  
Và hiển nhiên, không chỉ con gà, quả trứng “oằn lưng”. Từ câu chuyện đi lại, lưu thông cũng chằng chịt những nghĩa vụ. Nào phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng đường thủy, nào là phí qua cầu, phí qua phà, phí qua đò. Vô lý hơn đã đóng phí sử dụng đường thủy lại phải tiếp tục đóng phí luồng, lạch với nội dung hoàn toàn không khác nhau.  
Đến những công việc tưởng chừng đó phải là nghĩa vụ tối thiểu của quản lý nhà nước nhưng vẫn có trong danh mục phí phải nộp như phí phòng chống dịch bệnh, phí phòng chống thiên tai, phí an ninh trật tự, an toàn xã hội, phí bảo tồn nguồn lợi thủy sản…
Thực trạng trên cho thấy, hành lang pháp lý về phí và lệ phí cũng như việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực này hiện nay còn nhiều điều bất cập cần khắc phục.

Hàng nghìn loại phí và lệ phí đã ra đời len lỏi vào mọi hoạt động của đời sống người dân. Ảnh minh họa
Nhập nhằng cách hiểu
Hiện nay, có một sự nhập nhằng trong cách hiểu của các nhà lập pháp về “dịch vụ công”. Điều này dẫn đến tư duy cứ hễ thực hiện hoạt động gì cho người dân là nghĩ ngay đến việc thu phí hay lệ phí.
Dịch vụ công được hiểu nôm na là tất cả những gì mà nhà nước có trách nhiệm cung ứng cho xã hội và được phân thành hai loại chính: dịch vụ thuần công (pure public service) và dịch vụ công không thuần túy (Impure/ quasi-public service).
Trong đó, dịch vụ thuần công được hiểu là loại dịch vụ chỉ có nhà nước mới được quyền cung cấp hoặc có khả năng cung cấp. Dịch vụ này được cung cấp nhằm mục đích phục vụ những lợi ích tối cần thiết cho xã hội và đảm bảo cuộc sống của người dân. Đồng thời đây cũng là những trách nhiệm cơ bản của nhà nước. Điển hình như: phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự xã hội…
Với dịch vụ này, người dân có khả năng được thụ hưởng dịch vụ như nhau với tư cách là đối tượng nhà nước phải phục vụ và hoàn toàn miễn phí. Hay nói đúng hơn, người dân đã trả tiền trước khi sử dụng dịch vụ dưới hình thức đóng thuế vào ngân sách nhà nước để nuôi bộ máy công quyền. Đồng nghĩa, nhà nước không có quyền đặt ra bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào khi cung cấp những dịch vụ này.
Đối với những dịch vụ công không thuần túy, người sử dụng phải trả một phần hoặc toàn bộ chi phí cho nhà nước. Nhà nước lúc này có trách nhiệm đảm bảo việc cung ứng dịch vụ không nhằm hướng đến mục tiêu lợi nhuận. Nghĩa là khoản phí hay lệ phí nhà nước thu không được cao hơn giá thành của dịch vụ.
Vậy mà, các nhà làm luật khi chắp bút nên Dự thảo Luật phí và lệ phí lại xem mục tiêu bù đắp chi phí và đảm bảo lợi nhuận phù hợp là một trong những nguyên tắc để xác định mức thu phí [3]. Cách hiểu này đi lệch với bản chất của dịch vụ công và có thể tạo mảnh đất màu mỡ cho lạm thu, tận thu.  
Những điều đang bị bỏ quên
Quan sát tranh luận, bàn bạc của các đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật phí và lệ phí thời gian qua, người viết vẫn thấy thiếu vắng những ý kiến về chất lượng dịch vụ công. Chúng ta cứ mải miết bàn về nghĩa vụ của người dân, mà quên mất rằng phải song hành với nó là cung cách phục vụ của các cơ quan công quyền.
Mọi mức phí đều là cao nếu như tư duy ban phát dịch vụ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận công chức nhà nước. Đồng thời, người viết cũng tin rằng, người dân sẵn sàng chấp nhận trả mức phí nhiều hơn hiện tại nếu như cái họ nhận được là tương xứng.
Điều cuối cùng, người viết muốn đề cập đó là nỗi niềm mang tên “Quỹ”. Thực tế cho thấy, chính quyền các cấp vô cùng “năng động” trong việc lập các loại quỹ, từ quỹ khuyến học đến quỹ vì người nghèo, quỹ thăm hỏi, quỹ an ninh, quỹ phòng chống lũ lụt rồi đến cả quỹ giao thông nông thôn…
Danh nghĩa là tự nguyện, nhưng thử hỏi có bao nhiêu hộ dân “dám” không đóng khi chính quyền đến thu? Cứ vậy, phí chồng phí, quỹ chồng quỹ.
Liệu có căn cứ pháp lý nào cho sự “năng động” này hay không? Liệu quản lý được phí và lệ phí có quản lý được những biến tướng đa dạng của chúng tại các địa phương hay không?
Còn quá nhiều điều cần phải bàn cho một chính sách phí và lệ phí hợp lý. Chưa biết hình hài của Luật phí và lệ phí khi được thông qua sẽ ra sao, nhưng hy vọng các vị đại biểu Quốc hội hãy khoan thư sức dân, vì dân mà bấm nút.
(Theo TuanVietNam) Lưu Minh Sang
(Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM)
------
[1] Bản tổng hợp, rà soát quy định liên quan đến phí và lệ phí tại các luật chuyên ngành của kèm theo Tờ trình Quốc hội số 135 /TTr-CP ngày 31/3/2015 của Chính phủ. 
[2] Chẳng hạn, theo Bộ trưởng Tài chính - Đinh Tiến Dũng cho biết: riêng nông nghiệp, vừa qua đã rà soát bỏ nhiều loại song vẫn còn 937 khoản phí và 90 lệ phí. Con số này là quá lớn. Hay với lĩnh vực tài liệu do Nhà nước quản lý cũng có hàng trăm loại phí và lệ phí.
[3] Điều 7 Dự thảo Luật Phí và lệ phí (lần 3).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét