Mẫu lãnh đạo
rất cần cho Việt Nam
lúc này
Cập nhật lúc 20:18
Kim Ngọc nói được, làm được trước hết ông là
người thật lòng, đặt lợi ích của người dân lên trên hết, tư duy vấn đề logic,
độc lập và vì vậy ông có trí tuệ và bản lĩnh để làm. Mẫu cán bộ lãnh đạo như
ông Kim Ngọc rất cần cho đất nước, nhất là vào thời điểm đầy thử thách
này.
Chúng ta học
Triết học Mác, nhưng chúng ta lại không hiểu, hoặc cố tình không hiểu rằng,
cuộc sống và xã hội là luôn biến đổi. Mọi thứ đều qua quá trình hình thành
phát triển, cái suy thoái, lạc hậu bị thay thế bởi cái mới, tiên tiến hơn.
Không thay đổi, cứ như cũ thì mọi thứ đều dễ đi đến thoái hóa. Hơn thế
nữa, quy luật của muôn đời, của tự nhiên luôn luôn là cái thiện phải chiến
thắng cái ác, cái đúng đắn và phù hợp quy luật chắc chắn sẽ chiến thắng sự
sai lầm.
Hành động vì lợi ích người dân
Trước đây người ta phán xét ông Kim Ngọc, sợ thay đổi chủ
yếu là do nhận thức cũ, tư duy cũ xa rời thực tế. Ngày nay, vẫn có những
người sợ thay đổi còn vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Vì vậy con đường đổi
mới giờ đây vừa dễ hơn, vừa khó hơn. Khó hơn vì vừa phải đấu tranh với cơ chế
cũ, vừa phải đấu tranh với các nhóm lợi ích. Dễ hơn vì thời thế cũng đã ít
nhiều cởi mở hơn.
Trong vô số rào cản mà người lãnh đạo phải vượt qua để
hoàn thành được nhiệm vụ thì vượt qua chính mình là rào cản lớn nhất. Ông Kim
Ngọc đã làm được điều đó, ông đã vượt lên được chính mình. Ông nói được, làm
được trước hết ông là người thật lòng, đặt lợi ích của người dân lên trên
hết, tư duy vấn đề logic, độc lập và vì vậy ông có trí tuệ và bản lĩnh để
làm. Mẫu cán bộ lãnh đạo như ông Kim Ngọc rất cần cho đất nước, nhất là vào
thời điểm đầy thử thách này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại diễn văn bế mạc Hội nghị
11 Ban chấp hành TƯ Đảng khoá XI, 7/5/2015 đã nói rất đúng rằng cán bộ và
công tác cán bộ là “cái gốc của mọi công việc”, là “nguyên nhân của mọi
nguyên nhân”, là “then chốt của then chốt”. Nhưng thật đáng buồn khi những
điều nêu trên của TBT về công tác cán bộ vẫn chưa biến thành thực tiễn sinh
động hiện nay.
Câu nói cửa miệng của dân là
liệu có bao nhiêu quan chức “không chạy”? Cách sử dụng cán bộ "cậu này
ngoan, cô kia biết điều" của văn hoá tiểu nông làm sao sử dụng được
người tài? Trên thực tế, kiểu hình thành đội ngũ cán bộ theo cách thức:
“Có tiền chuyển hóa thành có
quyền lực. Có quyền lực chuyển hóa thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền
lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực
và có tiền ngày càng nhiều hơn. Đồng tiền cộng với quyền lực tạo thành sức
mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội…” như ông Vũ Ngọc
Hoàng, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ nhận
định tại bài viết trên Tạp chí Cộng sản gần đây thì làm sao có được đội ngũ
cán bộ thật lòng và vì dân, theo mẫu ông Kim Ngọc?.
Đất nước hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách
thức, tụt hậu so với thế giới và các nước trong khu vực là nỗi buồn của mỗi
người dân, mỗi quan chức có lương tâm. “Lấy dân làm gốc” là điều cốt lõi
trong mọi hoạt động của cán bộ lãnh đạo thì ai cũng biết, ai cũng nói được.
Nhưng hiện có bao nhiêu người đã làm như ông Kim Ngọc đã làm?
Từ tư duy đến hành động, ông Kim Ngọc luôn vì lợi ích của
của dân nên ông dám nghĩ, dám làm, dám chống lại sự vô lý theo tâm lý đám
đông, bầy đàn. Chỉ có dựa vào dân mới giữ được nước. Đó là chân lý bất di bất
dịch và đã được chứng minh trong suốt quá trình mấy ngàn năm giữ nước và xây
dựng đất nước. Muốn để nhân dân tin tưởng thì phải xây dựng lòng tin trong
dân, hành động vì lợi ích của dân.
Có vị lãnh đạo nói đại ý: "Hãy lấy sự hài lòng
của người dân làm thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền". Rất
đúng, vậy đã bao giờ có ngành chức năng nào đã điều tra xã hội học theo đúng
nghĩa để xem sự hài lòng của người dân chưa? Ngày nay, điều kiện giao lưu,
thông tin khác rất nhiều, nhận thức người dân cao hơn nhiều. Sự hình thức,
nói dối lẫn nhau và tự dối mình vẫn còn là căn bệnh trầm kha đáng lo ngại.
Muốn chữa căn bệnh này, phải lần đến gốc rễ của nó.
|
Sự thách
thức của thời hiện đại và yêu cầu phát triển của đất nước vẫn rất cần ý chí
và tinh thần của những lãnh đạo như Kim Ngọc. Ảnh minh họa
|
Tâm bị che mờ trí không thể tỏ
Tại sao những người cán bộ lãnh đạo như ông Võ Văn Kiệt,
ông Kim Ngọc – tuy không có học vấn cao nhưng lại là những người có những
sáng kiến đột phá thay đổi thời cuộc? Họ đâu có phát minh ra cái gì quá cao
siêu, mà họ nhận thức bằng trực giác, từ sự vận động thực tiễn của cuộc sống.
Họ nhận ra được việc cần làm, vì họ có cái tâm và luôn trăn trở với cuộc sống
của nhân dân, luôn hướng về chân lý và lẽ phải. Nếu XH chúng ta hiện nay nuôi
dưỡng được nhiều cái tâm như vậy thì sẽ tránh được bao sai lầm.
Tại sao ngày nay trong XH, tỷ lệ quan chức có học
hàm, học vị khá lớn mà không thấy có những đột phá mới phá vòng luẩn quẩn để
đưa đất nước đi lên? Câu trả lời là, có lẽ chẳng có nhiều người trong số họ
thực sự trăn trở về cuộc sống của người dân và vận mệnh đất nước. Do đó, họ
không thực sự thấy được việc gì cần làm, việc gì đòi hỏi họ sẵn sàng hy sinh,
cống hiến xứng đáng với cương vị họ đang nắm giữ. Trong lý thuyết đâu đó (cả
trong nghiên cứu khoa học và trong Phật giáo) có nói rằng trí tuệ con người lại
xuất phát từ trái tim (thay cho khái niệm chỉ là cái đầu). Tâm sáng thì trí
sáng. Tâm bị che mờ thì trí không thể tỏ. Nếu tâm cứ “tham-sân-si” thì trí sẽ
luẩn quẩn không thể phát sáng được.
Từ "bài học" Kim Ngọc, con đường đến được
"khoán hộ kiểu mới" cho cơ chế quản lý của đất nước cần phải được
đặt ra và xem xét thấu đáo để đưa dân tộc ra khỏi tình trạng kém phát triển
hiện nay.
Ông Kim Ngọc đã bị hàm oan khi còn sống và được giải oan
sau khi ông chết, đây là một hành động tích cực, tuy đáng tiếc là hơi muộn.
Ngày nay, xã hội đã có nhiều thay đổi, sự thách thức của thời hiện đại và yêu
cầu phát triển của đất nước vẫn rất cần ý chí và tinh thần của Kim Ngọc tiếp
tục được nhân rộng, phá bỏ những rào cản phi lý, để xã hội đi đúng hướng,
công bằng, dân chủ và văn minh!
(Theo TuanVietNam) Tô Văn Trường
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét