Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

Đắk Lắk:

Côn đồ ép người trồng tiêu nộp tiền bảo kê

Cập nhật lúc 13:41     
             
 
Vườn tiêu của Phó Công an xã Nguyễn Thuận Nam bị chặt phá để... “dằn mặt”. Ảnh: Đ.T.K

 

Hàng trăm hộ dân trồng tiêu tại huyện Cư Kuin (Đắc Lắc) đang phải đối mặt với nạn phá hoại, ép buộc nộp tiền bảo kê. Lo sợ vườn tiêu - tài sản lớn nhất của gia đình - bị triệt hạ, nhiều người dân phải cắn răng nộp tiền bảo kê cho những đối tượng côn đồ. Nhưng không ít nạn nhân đã chấp nhận nộp tiền, vườn tiêu vẫn bị chặt phá tan hoang…

Điên cuồng phá hoại để thị uy
Từ đầu năm đến nay, riêng xã Đrây Bhăng đã có hàng ngàn trụ tiêu bị đốn hạ, chỉ riêng trong tháng 7 đã xảy ra hàng chục vụ. Trong đó vườn ông T.V.Q bị cắt 70 trụ, ông Đ.M.H 60 trụ, ông L.M.Q 95 trụ, ông M.S.L 40 trụ… Còn tại xã Ea Bhốk, ngày 5.8 vừa qua, vườn tiêu của 7 hộ dân ở thôn 3 và thôn 8 đồng loạt bị chặt phá, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Cách Ea Bhốk không xa, tình trạng phá hoại tiêu của người dân xã Ea Ning còn khốc liệt hơn. 
Người dân đã dùng mọi biện pháp để bảo vệ như mắc võng, dựng lều canh vườn suốt đêm, vây rào thép, thậm chí cắm chông, giăng lưới điện… Những tấm biển ghi dòng chữ: “Không phận sự miễn vào, có điện giật chết người” xuất hiện nhan nhản trên các vườn tiêu ở huyện Cư Kuin. Nhưng không vì thế mà nạn phá hoại thuyên giảm. 
Thậm chí, nhiều vườn tiêu của công an xã cũng liên tiếp bị chặt phá. Ngày 8.7 vừa qua, vườn tiêu của anh Nguyễn Thuận Nam - Phó trưởng Công an xã Ea Ning - đã bị chặt phá 204 trụ. “Với chừng đó trụ tiêu, gia đình tôi thiệt hại mỗi năm không dưới 300 triệu đồng, vợ tôi đã ngất xỉu vì tiếc của” - anh Nam nói.
Ngay sau khi vườn tiêu của Phó Công an xã Nguyễn Thuận Nam bị chặt phá, rất nhiều công an viên xã Ea Ning đã viết đơn xin ra khỏi ngành. Ông Nguyễn Văn Khánh - Trưởng Công an xã Ea Ning - cho biết: “Vì nhiệm vụ, nhiều đồng chí đã không ngần ngại va chạm với các đối tượng nguy hiểm. Nhưng kinh tế chủ yếu của chúng tôi vẫn là trồng tiêu, nếu bị phá hoại, chúng tôi không biết lấy gì sinh sống và trả nợ đầu tư. 
Chính vì thế, từ tháng 4 đến giữa tháng 7 vừa rồi đã có 3 đồng chí công an viên viết đơn xin ra khỏi ngành. Đầu tháng 8, lại thêm một đồng chí đề cập chuyện “nghỉ hưu” để lo việc gia đình”. Với diễn biến này, những kẻ giấu mặt càng được nước, do vậy người dân trồng tiêu ở huyện Cư Kuin như đang ngồi trên đống lửa.
Điều đáng nói là khác với trước đây, mục đích của kẻ gian không phải là trộm dây tiêu đem bán, bởi toàn bộ số dây tiêu bị cắt đều vứt lại hiện trường. Qua điều tra của công an cũng như chính các nạn nhân xác nhận, họ không có thù oán với ai nên không có việc chặt phá vườn tiêu để trả thù.
Trắng trợn đòi tiền bảo kê
Nhưng không để người dân đợi lâu, thời gian gần đây, những kẻ phá hoại giấu mặt đã cho biết mục đích của chúng: Đòi tiền bảo kê. Tại xã Đrây Bhăng, nhiều đối tượng nhắn tin đe dọa các chủ vườn, với nội dung như: “Vườn tiêu nhà bác rất đẹp…!”, “Anh có cần người trông tiêu không, tôi giới thiệu cho?”, “Vườn tiêu nhà anh mỗi năm thu tiền tỉ, chết thì uổng lắm”…. Mặc dù người dân rất bức xúc, nhưng không ai dám đứng ra tố cáo. 
Ông L.M.Q xót xa kể: “Cách đây hơn một tháng, có một số điện thoại lạ nhắn cho tôi, bảo phải nộp tiền trông coi vườn tiêu với giá 10 ngàn đồng/trụ/năm. Tưởng ai đó đùa giỡn, tôi không làm theo, hậu quả là 95 trụ tiêu bị cắt chết héo”. Tương tự, bà L.T.M cũng cho biết: “Khoảng một tháng trước, có hai thanh niên vào gặp cháu tôi, xin số điện thoại của chồng tôi rồi gọi điện bảo đã nhận trông coi vườn tiêu cho gia đình, nghe vậy chồng tôi cúp máy. 
Nào ngờ mấy ngày sau, người này nhắn tin bảo: “Tiêu đẹp hè”, ngay trong đêm đó 17 trụ tiêu của gia đình tôi bị phá sạch”. Trở lại lại vụ chặt phá vườn tiêu của anh Nguyễn Thuận Nam, nhiều người dân cho rằng mục đích của bọn phá hoại là để thị uy. Bởi vườn tiêu của Phó Công an xã mà còn bị chặt, đương nhiên người dân phải biết điều, ngoan ngoãn nộp tiền bảo kê cho chúng.
Lo sợ vườn tiêu bị phá, ông N.H.N (trú tại thôn Kim Châu, xã Đrây Bhăng) đã đến quán càphê nộp 5 triệu đồng/năm cho một đối tượng lạ mặt để 500 trụ tiêu được sống. “Tên cầm đầu không bao giờ ra mặt, chỉ nhắn tin bảo tôi đem tiền ra quán, sẽ có người tới nhận” - ông N nói. Tuy nhiên, không ít hộ đã chấp nhận nộp tiền bảo kê, nhưng vườn tiêu của họ vẫn bị chặt phá, như ông Đ.M.H (trú thôn Thành Công). 
“Gia đình tôi có 400 trụ tiêu đã hơn 3 năm tuổi, bắt đầu cho thu hoạch thì bị phá 60 trụ, tôi gọi điện cho người bảo kê thì không ai nghe máy” - ông Đ.M.H cay đắng nói. Tương tự, ông T.V.Q đã nộp 5 triệu đồng, nhưng 40 trụ tiêu của gia đình ông cũng vừa bị chặt phá cuối tháng 7 vừa qua. “Bọn bảo kê này chỉ ép dân nộp tiền, nếu không nộp thì chúng phá hoại vườn tiêu, nhưng lấy tiền xong chúng không có trách nhiệm gì cả” - ông Q nói.
Trao đổi với PV Lao Động chiều 18.8, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi - Giám đốc Công an tỉnh Đắc Lắc - cho biết, do giá hạt tiêu thời gian qua luôn ở mức cao, dây tiêu giống cũng khan hiếm nên tình trạng cắt trộm dây tiêu rất phức tạp. Ngoài việc phá hoại, gần đây một số đối tượng - phần lớn đi tù về - có hành vi đe dọa, ép buộc người dân phải nộp tiền bảo kê. 
Ông Rơi nói: “Trước tình hình trên, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an huyện Cư Kuin lập chuyên án đấu tranh, đã bắt được nhiều đối tượng phá hoại vườn tiêu của dân. Hiện chúng tôi đang chỉ đạo tập trung điều tra, xử lý các đối tượng bảo kê thu tiền, không thể để bọn tội phạm này lộng hành được”.
(Theo Lao động) ĐẶNG TRUNG KIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét