Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

Vốn vay của Việt Nam đang được dùng thế nào?

Cập nhật lúc 13:19

Cả bảo lãnh vay trong nước và nước ngoài, các dự án trong lĩnh vực điện đều đứng số một...

Vốn vay của Việt Nam đang được dùng thế nào? 
Lũy kế đến 31/12/2014, tổng số dự án được cấp bảo lãnh vay nước ngoài là 110 dự án, trong đó chủ yếu là các dự án thuộc lĩnh vực điện (56 dự án), hàng không (7 chương trình, dự án), xi măng (17 dự án), dầu khí (7 dự án), giấy và bột giấy (5 dự án) và các lĩnh vực khác.

Một bản báo cáo về sử dụng vốn vay, quản lý nợ công vừa được Chính phủ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Tại đây, có khá nhiều con số chi tiết về huy động, sử dụng vốn vay nước ngoài, huy động vốn vay trong nước, cấp và thực hiện bảo lãnh Chính phủ mà không phải báo cáo lần nào cũng có.

Tập trung cho đầu tư phát triển

Năm 2014, Việt Nam tiếp tục đàm phán, đẩy mạnh huy động nguồn vốn ODA từ các nhà tài trợ, đã ký kết 41 hiệp định vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ với tổng trị giá 4.705,2 triệu USD, Chính phủ cho biết.

Theo báo cáo thì việc phân bổ sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ đã được tập trung chủ yếu cho đầu tư phát triển, gồm: Bộ Công Thương (năng lượng điện) khoảng 1.846 triệu USD, chiếm 31,6%. Giao thông vận tải là 1.173 triệu USD, chiếm 24,9%. Nông nghiệp và phát triển nông thôn là 327 triệu USD, chiếm 7%.

Tài nguyên và môi trường (cho biến đổi khí hậu) khoảng 217 triệu USD, chiếm 4,6%. Y tế  là 170 triệu USD, chiếm 3,6%; và còn lại được phân bổ cho các bộ, ngành và địa phương khác trong cả nước.

Ngoài ra, năm 2014 Chính phủ đã phát hành trái phiếu quốc tế với tổng giá trị 1 tỷ USD, lãi suất coupon 4,8% để tái cơ cấu lại các khoản nợ gốc trái phiếu quốc tế phát hành năm 2005 và 2010.

Việc này được nhìn nhận là làm giảm đáng kể chi phí vay thương mại của Chính phủ, góp phần cơ cấu lại danh mục nợ Chính phủ theo hướng giảm áp lực chi trả nợ, kéo dài thời hạn vay, giảm đỉnh nợ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội.

Cụ thể hơn, báo cáo nêu, trong tổng số 41 chương trình, dự án ký vay trong năm 2014 có 28 dự án cấp phát từ nguồn vốn ngân sách nhà nước với trị giá 3.233 triệu USD, chiếm 68,7%.

Có 9 dự án vay về cho vay lại trị giá 1.155,8 triệu USD, chiếm 24,6% và 4 dự án áp dụng cơ chế hỗn hợp (cấp phát 1 phần, cho vay lại 1 phần) trị giá 316,3 triệu USD, chiếm 6,7% tổng giá trị ký kết.

Huy động vốn vay trong nước, thông tin tại báo cáo là phát hành trái phiếu Chính phủ được 248.024 tỷ đồng, bằng 94,7% kế hoạch, tăng 18,4% so với năm 2013.

Lãi suất trái phiếu được điều hành chặt chẽ, sát với tình hình thị trường và phù hợp với định hướng điều hành chính sách tiền tệ. Lãi suất trung bình của trái phiếu Chính phủ phát hành năm 2014 là: 6,62%/năm, giảm khoảng 1,3%/năm so với năm 2013, góp phần tiết kiệm chi phí vay nợ cho ngân sách nhà nước, Chính phủ đánh giá.

Điện chiếm hơn nửa dự án bảo lãnh vay

Cả bảo lãnh vay trong nước và nước ngoài, các dự án trong lĩnh vực điện đều đứng số một.

Một số thông tin đáng chú ý trong cấp và thực hiện bảo lãnh Chính phủ trong năm 2014 là Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành được 23.043 tỷ đồng trái phiếu được bảo lãnh Chính phủ, bằng 57,6% hạn mức bảo lãnh năm 2014 được giao là 40 nghìn tỷ đồng)

Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam phát hành được 4.702 tỷ đồng trái phiếu bằng 30,4% hạn mức bảo lãnh năm 2013 được giao là 15.492 tỷ đồng.

Cho biết là Chính phủ còn thực hiện cấp bảo lãnh vay từ các ngân hàng thương mại trong nước cho các dự án trọng điểm nhưng báo cáo không nêu số tiền cụ thể.

Năm 2014, Chính phủ đã cấp mới bảo lãnh cho 8 chương trình, dự án vay nước ngoài trong 3 lĩnh vực, là đầu tư đội máy bay, dự án nguồn và lưới điện và khai khoáng.

Trong năm 2014 Chính phủ chỉ cấp bảo lãnh cho một dự án vay trong nước, lũy kế đến 31/12/2014, tổng số dự án vay trong nước được cấp bảo lãnh là 26 khoản vay, chủ yếu thuộc lĩnh vực điện (8 dự án chiếm 68,35 % tổng giá trị vốn bảo lãnh) và dầu khí (7 dự án chiếm 23,81%),.

Cũng lũy kế đến 31/12/2014, tổng số dự án được cấp bảo lãnh vay nước ngoài là 110 dự án, trong đó chủ yếu là các dự án thuộc lĩnh vực điện (56 dự án), hàng không (7 chương trình, dự án), xi măng (17 dự án), dầu khí (7 dự án), giấy và bột giấy (5 dự án) và các lĩnh vực khác, Chính phủ thông tin thêm.

Các lĩnh vực này đều thuộc danh mục ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh của Chính phủ và đang được tập trung triển khai đầu tư trong vòng 4 năm trở lại đây, theo giải thích của Chính phủ.

Về giải ngân, con số ước thực hiện giải ngân vốn vay được Chính phủ bảo lãnh năm qua đạt 74.834 tỷ đồng trong 129.825 tỷ.

Với bảo lãnh của Chính phủ, các doanh nghiệp đạt được điều kiện vay tốt hơn so với vay thương mại thông thường. Đa số các trường hợp các tổ chức tín dụng nước ngoài chỉ cho vay với điều kiện có bảo lãnh của Chính phủ, báo cáo nêu rõ.

Ngoài nợ Chính phủ, báo cáo cũng cho hay tổng số vay của chính quyền địa phương là 16.290 tỷ đồng.

Nguồn vốn này được huy động chủ yếu qua qua tạm ứng tồn ngân Kho bạc Nhà nước, vay ngân hàng phát triển Việt Nam, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, Chính phủ cho biết.
(Theo VnEconomy) Nguyễn Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét