Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

Ra ngõ gặp trạm thu phí

 Cập nhật lúc 07:54      
            
Trạm thu phí đang giăng như mạng nhện. Khắp các tuyến đường, đâu đâu cũng có trạm thu phí.  

 Trạm thu phí số 2 đường Hồ Chí Minh 
Trạm thu phí trên đường Hồ Chí Minh 

Không kể quốc lộ 1, nơi mà trạm thu phí gần như đếm không xuể, các đường liên tỉnh cũng dày đặc trạm thu phí. 
Có những con đường chỉ vài trăm cây số như quốc lộ 14 từ TP.HCM đi Buôn Ma Thuột, tính cả trạm mới lẫn trạm đang xây, nay đã lên tới chục trạm thu phí hoành tráng, người dân không ngoa khi gọi đường này là “đường thu phí”. 
Đặc biệt, tại khu vực TP.HCM - Đông Nam bộ, trạm thu phí cứ chen chúc mọc lên, ra ngõ gặp ngay trạm thu phí, xe chạy chưa nóng máy là phải móc bóp trả phí.
Không ai phản đối thu phí, nhất là trong tình hình đòi hỏi phát triển hạ tầng giao thông ngày càng cao trong khi kinh phí đầu tư của Nhà nước lại quá eo hẹp. Nhưng việc mở rộng hệ thống thu phí như thời gian vừa qua là quá tùy tiện, thiếu quy hoạch, đụng đâu làm đó.
Theo Bộ Tài chính, muốn tổ chức thực hiện thu phí phải có đủ các điều kiện như: hoàn thành xây dựng, nâng cấp công trình đường bộ theo dự án, phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án, các trạm thu phí phải đặt cách nhau tối thiểu 70km...
Thực tế hoàn toàn khác, việc đặt trạm thu phí diễn ra rất tùy tiện, có nơi trạm nằm ở đường này lại thu tiền hoàn vốn cho đường khác, có chỗ đường hư hỏng lung tung nhưng vẫn cứ ngang nhiên thu phí. Đó là chưa kể rất nhiều khu vực có trạm thu phí được bố trí san sát nhau, bất chấp quy định về khoảng cách.
Đáng nói hơn cả là có dự án chưa làm xong đã thu phí trước, thậm chí như dự án hầm đèo Cả dự kiến tới cuối năm 2016 mới xong nhưng mấy năm qua đã thực hiện thu phí, trái hẳn với nguyên tắc “tiền trao cháo múc” vốn thường được áp dụng cho thu phí đường bộ, có nghĩa là khi nào được hưởng thụ thì người dân mới phải trả phí.
Sự bất hợp lý của các trạm thu phí là rất rõ ràng, kéo dài suốt nhiều năm, dư luận cũng liên tục phản ánh, nhưng các chủ đầu tư BOT luôn thẳng thừng trả lời rằng trên cho phép. Đến nước này thì dân đành cam chịu, chẳng biết kêu vào đâu nữa.
Phí cầu đường là một khoản không nhỏ đè nặng lên lưng người dân. Một chiếc xe vốn đã phải cõng đủ thứ loại thuế và phí, trong đó có khoản quỹ bảo trì đường bộ, nhưng đi đến đâu vẫn phải mua đường đến đó.
Đấy chưa phải là điều bức xúc nhất, cái mà người dân không đồng thuận chính là việc thu vô tội vạ, bất kể quyền lợi chính đáng của đối tượng bị thu phí.
Chúng ta đang ước vọng xây dựng mạng lưới hạ tầng giao thông hiện đại, nhưng không phải vì cái ước vọng ấy mà “móc túi” dân một cách vô lối. Không thể duy trì mãi kiểu thu phí tùy tiện chỉ đem lại cái lợi nhỏ nhoi trước mắt.
(Theo Tuổi trẻ) LÊ THANH TÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét