Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

Tham "vinh quang”


“Tham vinh quang” tự thân nó sẽ đủ sức mạnh để dẫn dắt quyền lực làm những việc nên làm và cần làm.
Thọ 89 tuổi, Càn Long (1711-1799) là vị vua sống lâu nhất lịch sử Trung Hoa, cũng là vị vua tại vị lâu nhất, tới 60 năm.
Thời Càn Long được xem là thời kỳ hưng thịnh, quân Thanh xâm lược các nước láng giềng, vơ vét của cải thiên hạ chất đầy trong kho ở Tử cấm thành.
Làm được điều đó bên cạnh những trung thần như Kỳ Hiểu Lam, Lưu Dung, Càn Long còn có cánh tay thân tín là Hòa Thân, đại học sĩ và cũng là đại quan tham.
Có phải Càn Long không biết Hòa Thân là đại quan tham? Chắc chắn là không, biết nhưng vẫn dùng cho thấy cái tài dùng người của Càn Long.
Cả Lưu Dung lẫn Hòa Thân đều có lúc bị Càn Long giam vào ngục, giam nhưng không giết, giam rồi lại thả, lại phục chức khiến cả hai đều sợ, đều phục tùng.
Dùng trung thần để kiềm chế gian thần, dùng gian thần để làm giảm sự kênh kiệu của trung thần, dùng “quan tham” để trị “tham quan”.
Người đời thường nhầm lẫn, đánh đồng “quan tham” với “tham quan”.
“Quan tham” là kẻ làm quan nhưng mà tham, quan đến cực phẩm như Hòa Thân, dưới một người, trên muôn người mà vẫn tham thì không một kẻ tham nào qua được mặt.
“Tham quan” thì khác, có thể là quan, cũng có thể là kẻ trọc phú muốn nhăm nhe chiếc ghế chốn công đường, nghĩa là kẻ tham chức “quan”.
Những tham “quan” nếu không phải là trọc phú, nếu đã là quan thì phần đông là “quan cỏ”, nghĩa là quan bé đang có tham vọng trở thành “quan nhớn”.
Số này sẵn sàng dùng tiền tài, gái đẹp dâng cho quan trên để có được chức “quan” to hơn, tất nhiên với bề trên thì họ là “tham quan” còn với bề dưới, đó lại là “quan tham”.
Đời sau vẫn có người thắc mắc, cao mưu của Càn Long trong việc dùng Hòa Thân là gì?
Người Hoa ngày nay đã lý giải điều này qua hai bộ phim dã sử: “Tể tướng Lưu gù” và “Kỷ Hiểu Lam”.
Để tăng thu cho quốc khố, không thể cứ sưu cao, thuế nặng bổ vào đầu dân. Việc phát triển sản xuất, đắp đê trị thủy, xâm lược lân bang… vừa cần phải chi ngân sách quốc gia, vừa phải thu phục lòng dân. Vậy nên Càn Long luôn tỏ ra “dĩ dân vi bản” nghĩa là lấy dân làm gốc, nhưng lại làm ngơ cho quan lại cấp dưới vơ vét của dân.
Dân có chửi thì chửi quan gần chứ mấy khi chửi quan xa. Khi mà dân kêu quá thì “pheng” luôn “quan cỏ”, tịch thu gia sản sung công, thế là dân hết kêu mà của thì lại chui ngay vào ngân khố, không mang tiếng bòn rút của dân mà cũng chẳng tốn công thu gom khắp thiên hạ.
Vậy có phải Càn Long dung túng cho Hòa Thân lũng đoạn triều chính, thực ra không phải như vậy. Chính sách của Càn Long là nhất quán, chỉ có điều khi còn sống Càn Long chưa làm mà dành cho đời sau.
Khi Càn Long chết, con trai thứ 15 của ông lên ngôi lấy hiệu là Gia Khánh. Chính Gia Khánh đã ban chết cho Hòa Thân và tịch thu toàn bộ của cải châu báu mà Hòa Thân một đời tích cóp.
Dân chúng hả hê vì đệ nhất quan tham bị trừng trị nhưng ít ai để ý triều đình mới là kẻ hưởng lợi, chẳng cần phải đưa người đi vơ vét trong dân, chỉ cần đến mỗi dinh của Hòa Thân là thu được không biết bao nhiêu vàng bạc, châu báu.
Có tài liệu ước tính tổng tài sản thu được từ nhà Hòa Thân bằng 15 năm ngân khố quốc gia triều Gia Khánh.
Diệt cái ác, chỉ nên diệt một lần và diệt tận gốc, làm việc tốt, nên làm từ từ và làm nhiều lần để thấm sâu và đều khắp, đấy chính là việc người đứng trên muôn người cần làm.
Cách dùng người của Càn Long thực ra không có gì mới, người Việt cũng có cách xử lý tương tự gọi là “lấy độc trị độc”.
Người uống rượu ở quán về nhà muốn vợ con không thấy mùi rượu nồng nặc thì phải nhai một thứ có mùi nồng hơn rượu ấy là tỏi.
Người bị ung thư thì phải dùng hóa chất diệt tế bào ung thư, đó là thứ chất độc với cơ thể con người nhưng cho đến nay vẫn chưa có gì thay thế.
Có điều trên đời chẳng có gì là không thay đổi, điều ngày xưa đúng ngày nay chưa chắc đã đúng. Điều hôm nay đúng, ngày mai chưa chắc đã đúng.
Thế kỷ 21 mà áp dụng phương pháp của Càn Long thì thất bại là cái chắc.
Ngày xưa, của cải tích cóp được, quan tham chỉ có thể cất giấu trong nhà, cùng lắm là đem về quê. Ngày nay người ta cất ở tận ngân hàng Thụy Sĩ hay tại quốc đảo giữa Thái Bình Dương, dù có phái đặc nhiệm đi khắp thế giới chưa chắc đã tìm thấy.
Tuy nhiên, như các cụ nhà ta thường nói “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt”. Nếu biết lường trước, chuẩn bị nhiều phương án đối phó thì dùng quan tham để trị tham quan vẫn là một cách có thể dùng được.
Người đã tham thì thường tham đủ thứ, tham tiền, tham sắc, tham vị, tham danh. Cái tham thứ nhất là tiền đề cho ba cái tham sau, cái tham cuối cùng là kết quả tất yếu khi ba cái tham đầu đã “trọn vẹn”.
Người tham nào mà chả biết khi nhắm mắt xuôi tay, chẳng mang theo được cái gì xuống mộ, vậy nên để lại cho đời được cái “danh” luôn là điều ước cuối cùng.
Có điều nói ra không biết mọi người có đồng ý, rằng để trở thành đại quan tham như Hòa Thân, đó hẳn phải là một bộ óc kiệt xuất.
Lên được đỉnh cao muôn trượng chỉ có thể là đại bàng hoặc loài bò sát, mà bò sát chính là loài sống sót lâu nhất trong thế giới động vật.
Những người bằng mọi thủ đoạn trở nên lắm của hoặc có địa vị cao chốn công đường  đều không phải là người dốt. Nếu có ai đó chê một vài người giàu, người mua được địa vị cao là dốt thì nên xem lại.
Họ có thể không cùng “chuẩn văn hóa” với người bình thường nhưng chắc họ phải là kẻ thức thời, biết lúc nào phải xuất “chân giò” và cũng biết lúc nào phải “thò chai rượu”!
Tìm được người học rộng tài cao mà lại chính trực liêm khiết để lãnh đạo thật là khó, chục triệu người chưa chắc đã có một người.
Thế nên, ở mỗi thời điểm, lịch sử đã tự động lựa chọn những con người với một số tiêu chí nổi bật chứ không phải là con người “mười phân vẹn mười”.
Nước Mỹ vẫn chấp nhận Bill Clinton làm Tổng thống mặc dù đó là một vị Tổng thống trăng hoa có tiếng, nước Nga chấp nhận V. Putin làm tổng thống mặc dù theo văn hóa phương đông, việc bỏ vợ không phải là điều hay ho gì…
Vì sao từ lãnh đạo Đảng, các chính trị gia đến người dân hàng ngày, hàng giờ bức xúc, căm phẫn nạn tham nhũng, biết đó là giặc nội xâm mà vẫn chưa tiêu diệt được tham nhũng?
Câu trả lời có lẽ là ở chỗ người chống tham nhũng dường như chưa giỏi hơn người tham nhũng.
Không nằm trong chăn, làm sao biết chăn có rận? Các chiến sĩ hình sự chống ma túy nhiều khi phải cải trang thành người nghiện, sống kiểu bụi đời với tội phạm để điều tra.
Trong bộ phim hình sự “Cảnh sát điều tra tội phạm mạng” của Mỹ, nhiều Hacker mũ đen (tội phạm mạng)  được FBI sử dụng làm nhân viên điều tra vì chỉ có họ mới biết hết mánh khóe của tội phạm mạng.
Truyện Thủy Hử bên tàu là một ví dụ, Tống Giang vốn là một viên chức (chức áp ty) sau này được tôn làm đầu lĩnh của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. Triều đình vừa đánh vừa dụ hàng khiến Tống Giang quy thuận, Tống Giang hàng khiến Lương Sơn Bạc tự khắc tan rã, đấy là kế lấy độc trị độc, lấy kẻ cầm đầu trị bè đảng chống đối.
Vậy nên, sẽ không có gì là nghịch lý nếu cơ quan chống tham nhũng có sự tham gia của những người tham nhũng giỏi nhất. Hãy cảnh báo rằng họ được nhận diện là trùm tham nhũng, rằng bản án tham nhũng với họ là án treo có thể được tuyên bất kỳ lúc nào nếu họ không tiêu diệt được bọn “tham nhũng vừa và nhỏ”!
Với vài đại tham nhũng (được nhận diện) tham gia chống tham nhũng, cuộc sống chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn khi đất nước có hàng ngàn, hàng vạn “tham nhũng vặt” ẩn nấp khắp hang cùng ngõ hẻm.
Vấn đề là ai có thể điều khiển được vài “đại tham nhũng” đó?
Nhớ lại truyện Tam Quốc, người đời bảo nếu ai được một trong hai mưu sĩ Ngọa Long (Gia Cát Lượng) và Phượng Sồ (Bàng Thống) phò tá sẽ bình được thiên hạ.
Lưu Bị được cả hai phò tá thế mà vẫn phải lui về chốn rừng xanh núi đỏ chỉ vì Lưu Bị là con người gọi là có đức nhưng nhu nhược, bất tài.
Tào Tháo tuy không được Ngọa Long, Phượng Sồ phò tá nhưng là con người tài trí nên vẫn đủ sức hùng cứ một phương.
Nói đến truyện phương đông không thể không nhắc đến truyện phương tây, tác phẩm Quân Vương (The Prince) của Niccolo Machiavelli ra đời vào năm 1532, tác giả từng là Bộ trưởng Ngoại giao của nền Cộng hòa Ý năm mới 29 tuổi.
Gần 500 năm qua, Quân Vương đã gây nên cuộc tranh luận liên miên chưa bao giờ dứt về những nghịch lý mà tác giả đề cập. Chẳng hạn Niccolo Machiavelli cho rằng, với người đứng đầu quốc gia thì: “Phải làm một kẻ đạo đức giả, và một kẻ dối trá. Quân vương phải luôn rao giảng về những điều tốt đẹp: bao dung, rộng lượng, hòa bình, trung thực…
Nhưng thực tế bên trong, quân vương phải làm những điều khác hẳn như thế để khống chế bề tôi, để đối phó với ngoại bang và mở mang bờ cõi…”.
Theo Niccolo Machiavelli, luôn có sự khác biệt giữa những việc nên làm và những việc cần làm. Nếu một Quân vương chỉ làm những việc nên làm mà không làm những việc cần làm thì vương triều sớm muộn sẽ bị diệt vong.
Mặt khác, nếu quân vương chỉ làm việc tốt cũng gây hại không kém gì làm việc xấu, bởi sống giữa những kẻ xấu, chăm chú làm việc tốt chỉ mang lại nỗi thất vọng cho bản thân và dân chúng.
Có điều, để được người đời tôn trọng, Quân vương dù có phải làm việc xấu cũng không được biến mình thành kẻ xấu.
Người cao thượng buộc phải làm việc xấu không bao giờ giống kẻ xấu sẵn sàng làm việc xấu.
Nói cách khác, mục đích hướng tới của một Quân vương phải là một nhà nước ổn định, mạnh mẽ trước thù trong, giặc ngoài, phải đảm bảo cuộc sống sung túc, bình yên cho người dân. Nếu Quân vương chỉ hành động nhằm thỏa mãn tham vọng chính trị thì chỉ có quyền lực chứ không có vinh quang.
Vậy nên, lãnh đạo một quốc gia phải là người đã  đủ quyền lực để chỉ còn tham vọng vinh quang chứ không phải là người vẫn còn tham vọng quyền lực.
“Tham vinh quang” tự thân nó sẽ đủ sức mạnh để dẫn dắt quyền lực làm những việc nên làm và cần làm./.
(Theo Giáo Dục VN) XUÂN DƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét