Giá xăng
tăng: Doanh nghiệp, người dân đều thua, ai thắng?
Cập nhật lúc 20:35
Cứ mỗi khi người tiêu dùng chuẩn bị hưởng lợi từ việc xăng dầu
thế giới hạ giá thì bộ ngành liên quan lại có những chính sách để nâng thuế.
Nhìn lại những đợt tăng thuế hay tăng
giá suốt vài năm trở lại đây có thể thấy cứ mỗi khi người tiêu dùng chuẩn bị
hưởng lợi từ việc xăng dầu thế giới hạ giá thì bộ ngành liên quan lại có
những chính sách để nâng thuế, khiến người dân chưa được hưởng trọn phần hạ
giá tương xứng so với thế giới.
Chẳng hạn khi dầu giảm không phanh cuối
năm ngoái, Bộ Tài chính liền áp bốn mức thuế khác nhau theo hướng đi lên.
Trong đó, đáng chú ý nhất là thời điểm
giá dầu thô giảm xuống dưới 60 USD/thùng, bộ ngay lập tức nâng thuế suất các
mặt hàng xăng dầu mức cao nhất 40% (so với mức trần 25 - 30% ở quy định cũ).
Việc điều chỉnh này khiến người dân không thể hưởng lợi trọn vẹn khi giá dầu
xuống rất thấp.
Lý do việc điều chỉnh thang tính thuế
nhập khẩu xăng dầu khi đó được viện dẫn là nhằm bù vào khoản ngân sách bị hụt
thu hàng chục ngàn tỉ đồng khi giá dầu thế giới giảm.
Thế rồi đà giảm của dầu thế giới vẫn
tiếp diễn, song do đã áp mức thuế nhập khẩu cao nên giá xăng dầu trong nước
vẫn không thể giảm tương xứng với đà giảm thế giới.
Thậm chí thời điểm giá dầu thế giới ở
mức rất thấp xoay quanh mức 42 - 44 USD/thùng, giá xăng vẫn chỉ ở mức 15.670
đồng/lít do trước đó Bộ Công thương đã tăng mức trích Quỹ bình ổn giá xăng
dầu lên thành 800 đồng/lít.
Gần đây nhất, khi ngày giảm thuế theo
lộ trình các cam kết hội nhập quốc tế đã điểm, bộ ngành lại ra biện pháp mới
để bù.
Theo trình bày của Bộ trưởng Bộ Tài
chính Đinh Tiến Dũng, do VN phải thực hiện các cam kết quốc tế về cắt giảm
thuế suất nhập khẩu theo lộ trình cộng với việc xăng dầu thế giới giảm khiến
số thu cho ngân sách giảm, và để bù một phần giảm thu ngân sách, Chính phủ đề
nghị tăng thuế bảo vệ môi trường gấp ba lần, với xăng là từ 1.000 đồng/lít
lên 3.000 đồng/lít.
Khi tăng thuế bảo vệ môi trường ở mức
trên đây, thuế nhập khẩu sẽ giảm từ 35% xuống còn 20%. Như vậy tăng thuế bảo
vệ môi trường nhưng giảm thuế suất nhập khẩu theo đúng cam kết Asean, tính ra
số tăng còn thấp hơn số giảm nên không ảnh hưởng đến giá bán lẻ.
Thế nhưng thực tế sau đó cho thấy giá
xăng tăng hai lần, chỉ trong tháng 5 thêm 3.150 đồng/lít. Tính ra xăng đã
tăng khoảng 18% so với trước thời điểm áp thuế môi trường mới và tăng 28% so
với mức giá 15.670 đồng/lít cuối năm 2014.
Khi giảm thuế suất nhập khẩu 15%, người
dân kỳ vọng được hưởng lợi nhưng thực tế thì không. Với các khách hàng lớn
như doanh nghiệp, họ cũng chứng kiến sự thiệt thòi về giá mua nhiên liệu và
cả trong kinh doanh do giảm sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
Các chính sách thuế khóa thay đổi như
trên khiến doanh nghiệp không thể nào tiên liệu được đầu vào để lập kế hoạch,
chi phí đầu ra cho sản phẩm. Dân không lợi, doanh nghiệp không lợi, vậy ai
hưởng lợi?
|
Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét