Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

Nghĩa vụ quân sự, chỉ thị của Thủ tướng và “nỗi buồn vinh quang”


Những người thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ nghĩ gì khi họ nhận “vinh quang” còn người khác đang nhởn nhơ bên trời tây hay trong giảng đường đại học?
Ngày 9/1/2015 Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 01/CT-TTg “về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
Có ba vấn đề toát nên từ Chỉ thị: ai tham gia, đối tượng bảo vệ và bảo vệ như thế nào?
Ai phải tham gia nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia?
Luật nghĩa vụ quân sự (NVQS) mà Quốc hội đang thảo luận chính là việc thể chế hóa nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc của công dân. Có thể nói, NVQS cũng nằm trong nghĩa vụ “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”.
Tham gia “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” là nhiệm vụ của toàn dân.
Tuy nhiên nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi người là không giống nhau, không thể đánh đồng nghĩa vụ, trách nhiệm của người nông dân, công nhân, giáo viên… với trách nhiệm của người lãnh đạo, người làm công tác quản lý.
Để động viên toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia cần có tư duy mới và các chính sách mới.
Ngày nay sức mạnh quân sự của tất cả các quốc gia đều khác, sức mạnh của những kẻ có dã tâm xâm lược nước ta cũng khác, yếu tố con người mặc dù rất quan trọng song không thể chiến thắng kẻ thù bằng tiểu liên và lựu đạn.
Lòng yêu nước với hai bàn tay trắng không thể biến thành sức mạnh chống giặc ngoại xâm. Không thể giữ mãi khẩu hiệu “Một mo cơm, mấy quả cà và một tấm lòng...” để xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nhận thức chính trị của người dân, đặc biệt là những người trẻ không giống như thời chống Mỹ cứu nước.
Tên luật “Nghĩa vụ quân sự” chưa phản ánh đủ những đòi hỏi của cuộc sống, có gì đó vẫn mang hơi hướng chiến tranh. Quốc hội nên ban hành “Luật Nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc” hoặc rộng hơn, có thể dựa vào đề xuất của Thủ tướng qua chỉ thị 01/CT-TTg: “toàn dân tham gia…” để đặt tên luật là “Luật Nghĩa vụ công dân”.
Tất cả người dân trong độ tuổi và có sức khỏe đều phải thực hiện nghĩa vụ công dân dưới nhiều hình thức, không tham gia lực lượng vũ trang có thể tham gia các nghĩa vụ dân sự thay thế.
Luật cần có điều khoản quy định cấm các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tuyển dụng những người chưa thực hiện nghĩa vụ công dân. Những người cố tình trốn tránh nghĩa vụ công dân phải bị phạt thật nặng thậm chí phải bị xử lý hình sự.
Nếu quy định này được luật hóa, chắc chắn con em cán bộ, những người có tiền sẽ không thể từ chối, nhất là với những người đã được nhắm sẵn cho một chiếc ghế trong phòng lạnh.
Người viết cho rằng dự thảo Luật NVQS đang được Quốc hội xem xét nên tạm dừng vì còn nhiều bất cập. Không xuất phát từ cuộc sống, không gắn liền với những biến chuyển quá nhanh của tình hình trong nước và quốc tế, ngồi trong phòng lạnh để soạn thảo luật thì luật đó chẳng khác gì tấm lưới thuyền chài quăng hú họa xuống nước, “cá” khôn thì lẩn hết, chỉ còn lại “cá chậm” mắc lưới.
Đề nghị chưa thông qua Luật NVQS còn vì cơ quan soạn thảo đưa vào luật những điều khoản mâu thuẫn với quyền công dân trong Luật Dân sự hoặc mâu thuẫn với Luật Giáo dục đại học.
Dẫn chứng có thể thấy rất rõ trong dự thảo luật NVQS, đó là có điều khoản quy định: “Sinh viên, học viên đào tạo theo hình thức giáo dục chính quy trình độ đại học trở lên tự bảo đảm chi phí để tham gia chương trình huấn luyện quân sự tập trung ba tháng theo quy định của Chính phủ” thì được coi là đã hoàn thành NVQS.
Hầu hết, nếu không nói là gần 100% con cán bộ, con nhà giàu trượt đại học công lập thì học dân lập hoặc ra nước ngoài học và đương nhiên chẳng ai dại gì mà học tại chức.
Nói thế nghĩa là tiêu chuẩn “giáo dục đại học chính quy” luôn được đảm bảo, nói thế cũng có nghĩa là dự thảo Luật mặc nhiên công nhận nhóm “sinh viên chính quy” được quyền ưu đãi hơn tất cả những người “không chính quy” còn lại.
Dù chất lượng giáo dục tại chức hiện nay là rất đáng xấu hổ nhưng tấm bằng tốt nghiệp của họ vẫn được luật pháp công nhận như bằng chính quy, vậy tại sao sinh viên tại chức, chuyên tu… lại không được hưởng quyền lợi như sinh viên chính quy? Điều này có trái Luật Giáo dục đại học?
Phải chăng cơ quan soạn thảo luật đang muốn xóa bỏ các hình thức đào tạo phi chính quy?
Mặt khác, những kiến thức quân sự học trong ba tháng có khó đến mức chỉ sinh viên chính quy mới tiếp thu được hay bộ phận dự thảo luật đã có tổng kết từ thực tế rằng tất cả những người không học đại học chính quy đều không đủ trình độ tiếp thu?
Đối với quan chức, dường như lâu nay không ít người chỉ biết đến “nghĩa vụ lãnh đạo” chứ không phải là nghĩa vụ công dân.
Nếu tất cả cán bộ đều hiểu rõ nghĩa vụ công dân thì sẽ không xảy ra tình trạng để cho doanh nghiệp nước ngoài mặc sức vơ vét tài nguyên, lũng đoạn thị trường nông sản như đang xảy ra.
Dẫn chứng cho nhận định này là chuyện trên địa bàn 18 tỉnh (Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Bình Dương…) chính quyền địa phương đã cho nước ngoài thuê trên 398.374 ha đất, trong đó người Hoa (Hongkong, Đài Loan, Trung Quốc) đã thuê đến 264.000 ha.
Có những dự án nhạy cảm liên quan đến vấn đề an ninh biên giới như ở Nghệ An, Kon Tum... Chính phủ đã thu hồi khoảng 53 nghìn ha. [1]
Nếu hiểu biết và có nhận thức đúng đắn về nghĩa vụ công dân thì Phó bí thư huyện đoàn Tánh Linh (Bình Thuận) Trần Văn Thông đã không biển thủ hơn 50 triệu đồng quỹ “Góp đá xây Trường Sa”. [2]
Một số ví dụ nêu trên cho thấy, trách nhiệm chính không ở phía người dân mà là lãnh đạo. Không thể nói quan chức các  đơn vị không có kiến thức an ninh quốc phòng bởi lẽ hầu hết đều đã học và có bằng Lý luận chính trị trung, cao cấp.
Chỉ có thể giải thích ý thức trách nhiệm kém của họ đối với bảo vệ chủ quyền quốc gia là do những lợi ích vật chất mang tính cục bộ, địa phương, thậm chí là những lợi ích cá nhân tầm thường.
Bảo vệ chủ quyền quốc gia là bảo vệ cái gì?
Bảo vệ chủ quyền quốc gia là bảo vệ quyền của Nhà nước và nhân dân đối với những tài sản quốc gia hữu hình và vô hình, không phải chỉ từng nắm đất cha ông để lại mà còn là nền văn hóa, các mối quan hệ quốc tế, uy tín và thương hiệu hàng Việt...  
Không cho phép bất kỳ doanh nghiệp, cá nhân nào muốn làm gì thì làm trên lãnh thổ Việt Nam, kể cả là khách du lịch.
Không thể để tồn tại tình trạng người nước ngoài vơ vét rễ cây, lá cây, hoa thanh long, ốc bươu vàng… một cách tùy tiện mà không biết họ là ai, mua làm gì.
Không thể để cho nước ngoài đánh cắp các thương hiệu hàng Việt như nước mắm Phú Quốc, võng xếp Duy Lợi, cà phê Trung Nguyên… như đã từng xảy ra trước đây.
Hãy xem khi Bộ trưởng Đinh La Thăng phê phán nhà thầu Trung Quốc thì Thời báo Hoàn cầu tru tréo rằng Bộ trưởng Thăng "nhóm lại ngọn lửa chống Trung Quốc ở Việt Nam". Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thì thanh minh "Chúng tôi hoàn toàn không đi theo lối mòn của chủ nghĩa thực dân phương Tây” khi bị chỉ trích về việc khai thác tài nguyên châu Phi. Người ta bảo vệ từng “cái móng tay” của người ta như thế, còn chúng ta thì sao?  
Gần đây doanh nghiệp Trung Quốc còn đòi sử dụng đồng Nhân dân tệ trong thanh toán giao dịch tại Việt Nam. Cần phải khẳng định rằng trên lãnh thổ Việt Nam chỉ có một đồng tiền duy nhất được sử dụng làm phương tiện thanh toán đó là tiền đồng Việt Nam. Bảo vệ đồng tiền Việt cũng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Kinh nghiệm rất nhiều dự án do người Trung Quốc trúng thầu đã quá thừa để những người đứng đầu cơ quan chức năng cảnh giác, đặc biệt là các dự án giao thông vận tải.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có quá nhiều “kinh nghiệm” với nhà thầu Trung Quốc, liệu Bộ trưởng có muốn tiếp tục nghe “bài ca Hoàn cầu Thời báo” nếu cho họ thầu tuyến đường sắt Sài Gòn-Lộc Ninh?
Không bảo vệ được rừng biên giới, không bảo vệ được ngay vườn cây nhà mình thì nguy cơ mất đất, mất rừng không còn là chuyện dự báo. 
Không xây được miếu thờ ở Hà Tĩnh, người ta xây viện Khổng Tử ở Hà Nội trong khi  Canada, Mỹ, Thụy Điển… đang ra lệnh đóng cửa viện Khổng Tử.
Chúng ta không bài xích các tư tưởng triết học của Khổng Tử, hoan nghênh các viện Khổng Tử nếu nó chỉ là cầu nối giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc nhưng cần cảnh giác trước việc lợi dụng các cơ sở này như là một công cụ thực hiện các mưu đồ chính trị.
Bảo vệ như thế nào?
Như đã nêu, bảo vệ chủ quyền quốc gia bao gồm chủ quyền lãnh thổ (đất liền, biên giới, biển và hải đảo), chủ quyền văn hóa, chủ quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu…
Điều đầu tiên và quan trọng nhất là ý thức chủ quyền của công dân. Muốn toàn dân đồng lòng thì phải công bằng, minh bạch, nói theo Cụ Hồ, chúng ta “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”.
Giáo dục ý thức công dân không khó, cái khó là người đứng trên bục giảng đã hoàn thành nghĩa vụ công dân hay chưa?
Một khi người dân vẫn còn vương vấn suy nghĩ “hãy nhìn ông ấy làm chứ đừng nghe ông ấy nói” thì mọi sự rao giảng về “vinh dự, thiêng liêng, vinh quang…” đều phản tác dụng kể cả việc đưa các khái niệm này vào trong luật.
Những người thực hiện NVQS sẽ nghĩ gì khi họ nhận “vinh quang” còn người khác đang nhởn nhơ bên trời tây hay trong giảng đường đại học? Liệu đó có phải là một “nỗi buồn vinh quang” như cách nói của một số người?
Thời chống Mỹ, dân quân tự vệ có thể sử dụng cao xạ, pháo bờ biển chống lại máy bay, tàu chiến kẻ thù. Năm 1979 lực lượng quân sự địa phương, dân quân tự vệ có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược biên giới phía bắc vì kẻ địch sử dụng chiến thuật biển người.
Tư duy con người là yếu tố quyết định tuy đúng song không thể bắn hạ máy bay bằng ý chí, không thể diệt tàu chiến địch bằng quyết tâm.
Không thể đặt việc bảo vệ chủ quyền quốc gia vào tay những cán bộ vừa kém năng lực, vừa kém ý thức. Làm sao Đài truyền hình quốc gia lại có thể để vị trí Thủ đô tận phía trên bán đảo Lôi Châu Trung Quốc?
Làm sao lãnh đạo một tỉnh như Thừa Thiên-Huế lại tự cho mình cái quyền cho thuê những vị trí có tầm quan trọng chiến lược, ảnh hưởng đến việc bảo vệ bí mật quân sự?
Trong mọi trường hợp, muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia thì đều phải chuẩn bị cho chiến tranh. Một quân đội mạnh, trang bị tốt, đủ sức giáng trả bọn xâm lược những đòn đích đáng không chỉ trên đất nhà mình mà còn bất kỳ nơi nào có thể mới là cách để triệt tiêu mầm họa, để những kẻ có dã tâm phải lo sợ khi có ý định đặt tay vào cò súng.
Chiến lược bảo vệ tổ quốc phải là ưu tiên cho công nghiệp quốc phòng. Một nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh lại chính là đầu tầu kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp khác.
Bán một tấn thóc chưa mua được một viên đạn pháo cỡ lớn, bán cả triệu tấn thóc chưa đủ mua một chiếc tàu ngầm hiện đại, vậy nên đã đến lúc không phải là phát triển “công nghiệp làm thuê” mà là một nền công nghiệp đủ sức trang bị cho quân đội những vũ khí hiện đại.
Không thể và không được phép trông cậy vào người ngoài, bất cứ quốc gia, dân tộc nào cũng muốn mượn sức nước khác, mượn máu xương dân tộc khác để mưu lợi cho mình.
Kinh nghiệm đau đớn ở Hoàng Sa, Trường Sa, biên giới phía bắc cho thấy không thể để một lần nữa một nước lớn chống nước lớn khác đến người Việt Nam cuối cùng./.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/trung-quoc-thue-dat-trong-rungdung-cac-du-an-nhay-cam-3042767/
[2] http://plo.vn/thoi-su/chinh-tri/bi-cach-chuc-vi-bien-thu-quy-gop-da-xay-truong-sa-37381.html
(Theo Giáo dục VN) XUÂN DƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét