Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

ĐBQH yêu cầu dẹp bớt trạm thu phí dày đặc: Không thể biện minh bằng sự "đặc thù"

Cập nhật lúc 08:21      

(Tin tức thời sự) - Đã quy định khoảng cách giữa hai trạm BOT là 70km thì phải tuân thủ. Nếu không đạt thì phải điều chỉnh lại.

Bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã khẳng định như vậy khi trả lời câu hỏi của báo Đất Việt.
Không thể nói do đặc thù nên xây trạm gần nhau
Liên quan đến câu chuyện thu phí tại các trạm BOT, thời gian qua người dân và doanh nghiệp bức xúc về việc nhiều trạm không đạt khoảng cách quy định là 70km. Thậm chí có những nơi chỉ 50km/1 trạm.
Về vấn đề này Bộ GTVT đã khẳng định với Đất Việt: Theo đúng quy định 159 của Bộ Tài chính thì khoảng cách tối thiểu là 70km cây số một chặng. Tuy nhiên có những chặng không đủ khoảng cách thì phải có sự thỏa thuận của tỉnh và Bộ Tài chính.
"Có những trạm không đủ khoảng cách quy định là do đặc thù. Quan trọng là khoảng cách không đủ thì phải có sự thỏa thuận trước", Bộ trưởng Thăng khẳng định.
Tuy nhiên trước ý kiến này ông Phùng Quốc Hiển bày tỏ quan điểm: "Nói do đặc thù nên các trạm xây gần nhau, tôi không đồng ý. Luật là luật, chính chúng ta đặt ra luật nên chúng ta phải tuân thủ".
Ông Hiển cũng thừa nhận quy định đưa ra là 70 km mới có một trạm thu phí nhưng hiện nay nhiều nơi không tuân thủ khoảng cách này. 
"Tôi có đi qua khu vực Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Bình Dương thì thấy vị trí trạm thu phí đặt quá dày đặc.
Nhưng cái này cũng có nguyên nhân là các trạm này đã xây dựng từ rất lâu rồi, trước khi có quy định trạm thu phí phải cách nhau 70 km. Vậy thì thực tiễn như vậy, quy định luật như thế kia, theo tôi phải quy hoạch lại.

Dù Bộ GTVT khẳng định các trạm BOT thực hiện đúng quy định hiện hành nhưng đại biểu Quốc hội cho rằng với các trạm khoảng cách không đúng phải dẹp bỏ
Bộ GTVT khẳng định các trạm BOT thực hiện đúng quy định hiện hành nhưng đại biểu Quốc hội cho rằng với các trạm khoảng cách không đúng phải dẹp bỏ 

Phải dẹp bỏ
"Với các trạm mới xây sau này phải kiên quyết dẹp bỏ, đã xây sai quy định thì không thể bắt dân phải đóng phí. Tương tự là các trạm thu phí đang thu phí oan của người dân, không đi trên tuyến đường đó mà vẫn phải đóng thì cũng phải điều chỉnh ngay. Đây là việc phải làm ngay lập tức vì nó xảy ra ở không ít nơi. Còn câu chuyện thu phí oan, thu sai thì phải điều chỉnh ngay", ông Hiển nói.
Theo đó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội khẳng định: "Với những trạm không đạt khoảng cách 70km thì phải điều chỉnh lại".
Cũng chung quan điểm này, TS Bùi Đức Thụ, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và ngân sách, đại biểu Quốc hội đoàn Lai Châu đề nghị dẹp bỏ các trạm thu phí giao thông đặt không đúng vị trí, khoảng cách quy định.
Theo đó, ông Thụ cho biết, thời gian vừa qua Bộ Giao thông vận tải đã rà soát và bỏ một số trạm thu phí giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế lại thấy một số trạm thu phí trái với các quy định hiện hành, ví dụ không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70km giữa trạm này với trạm kia, hoặc có những trạm đặt sai vị trí, người tham gia giao thông không đi qua đoạn đường BOT đó hoặc chỉ đi qua một phần nhưng vẫn phải nộp phí.
Chẳng hạn, người tham gia giao thông chỉ đi trên đoạn đường Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) nhưng vẫn phải nộp phí cho đoạn quốc lộ 2 tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), trạm thu phí đoạn đường tránh TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) nhưng lại đặt tại thị xã Bỉm Sơn cách đó 40km...
"Tôi cho rằng Bộ Giao thông vận tải phải tiếp tục rà soát, bãi bỏ những trạm thu phí bất hợp lý, không đúng quy định. Việc bỏ một số trạm thu phí để giảm gánh nặng chi phí cho người dân là việc cần thiết", ông Thụ khẳng định.
Cho rằng việc đặt các trạm BOT khoảng cách không đúng gây bất bình trong nhân dân và doanh nghiệp là điều không nên, đại biểu Bùi Thị An, đoàn Hà Nội không đồng tình với cách giải thích của Bộ GTVT.
Theo bà An, dù Bộ có giải trình với các trạm khoảng cách không đúng quy định đã có sự thỏa thuận và thống nhất với địa phương.
"Nhưng người dân là người trực tiếp nộp phí đường bộ họ có được lấy ý kiến không?. Bên cạnh đó, tôi đề nghị cũng phải minh bạch nguồn tiền thu từ phí đường bộ là việc vốn bỏ ra bao nhiêu, đầu tư trở lại bao nhiêu phần trăm để duy tu, sửa chữa đường.
Các trạm thu phí BOT phải phù hợp từ việc bố trí khoảng cách các trạm đến việc thu phí bao nhiêu/phương tiện chứ không phải là đặt ra mức phí cao để thu hồi vốn nhanh.
Tôi nghĩ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải không chỉ dừng lại ở việc lấy ý kiến của chính quyền địa phương khi đặt trạm thu phí BOT mà quan trọng là phải lấy ý kiến của người dân địa phương đó nữa để xem họ có đồng ý hay không, từ đó mới triển khai", bà An nhấn mạnh.
(Theo Đất Việt) Bích Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét